Phùng Quán còn đây…

Thứ Sáu, 25/07/2008, 10:30

Mấy năm gần đây, các sách của nhà văn Phùng Quán và về nhà văn Phùng Quán được in ra nhiều. Nếu như vào năm 2003, NXB Văn học cho in cuốn "Thơ Phùng Quán", thì cùng năm ấy, NXB Trẻ cũng ấn hành cuốn "Nhớ Phùng Quán". Năm 2006, NXB Văn Nghệ cho in tập "Ba phút sự thật", thì chỉ một năm sau, cũng tại NXB này, cuốn "Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào" được ấn hành, và cuốn "Phùng Quán còn đây…" cũng được in ra trong cùng tháng.

Những tư liệu thú vị

Chính vì tác phẩm về Phùng Quán nhiều như thế, nên khi bắt gặp cuốn sách nhắc tới trên ở một quầy sách trên phố Đinh Lễ, lại thấy ở phần ngoài bìa ghi tên người biên soạn là bà Vũ Bội Trâm (bà quả phụ Phùng Quán) và nhà thơ Ngô Minh - những người đã tham gia biên soạn một số cuốn sách về Phùng Quán trước đây, cảm giác đầu tiên của tôi là hơi… ngại ngần.

Biết đâu nội dung của cuốn này có nhiều trùng lặp với những cuốn trước. Cái sự "xào đi xáo lại" chẳng đang là căn bệnh trong làng xuất bản của chúng ta đó sao?

Vì cuốn sách được dán kín trong nilông (NXB có tặng thêm cho khách hàng  CD "Phùng Quán đọc thơ" kèm trong đó) nên tôi không thể bóc ra kiểm tra nội dung sách, đành nhắm mắt "mua liều" một cuốn…

Về nhà nằm đọc, tôi rất đỗi vui mừng khi nhận thấy cuốn sách đã cung cấp thêm cho mình nhiều tư liệu mới. Đặc biệt, ngoài đĩa CD có ghi âm giọng đọc thơ thân thương của cố thi sĩ, sách còn giới thiệu một xêri ảnh về Phùng Quán cùng gia đình, người thân và một số vật dụng từng gắn bó với ông.

Đó là những bức ảnh (hầu hết in màu) về Phùng Quán và vợ con; về "tủ sách vàng" của ông; rồi chiếc lọ mực và những ngòi bút con tôm mà nhà văn đã dùng để viết nên những tác phẩm để đời. Tiếp đó là hình ảnh đôi dép lốp do ông tự chế; đôi guốc mộc "trứ danh" ông vẫn khua vang trên các nẻo đường đất nước; chiếc mũ lá có đôi ba chữ Hán do nhà viết kịch Tào Mạt tặng.

Rồi thì hình ảnh về bức vách ở "chòi ngắm sóng" của ông - nơi có treo chân dung những nhà văn Nga mà ông ngưỡng mộ: Đôxtôiépxki, Maiacốpxki, Êxênhin. Chưa hết, bộ ảnh còn cho ta biết bức thiệp báo tin ngày cưới của vợ chồng ông; bút tích của bạn văn ghi trong sổ tang ngày ông tận thế.

Cuối cùng là hình ảnh ban thờ và khu mộ chí của nhà văn. Đây quả là những "thông tin" cần thiết, rất đáng tìm hiểu đối với những người hâm mộ văn nghiệp của tác giả "Vượt Côn Đảo".

Nếu như ở những cuốn sách trước ("Nhớ Phùng Quán", "Ba phút sự thật"), bạn đọc chủ yếu được làm quen với những bài bút ký, ghi chép đầy đặn và hầu hết được đăng tải trên những tờ báo lớn của Phùng Quán về một số nhân vật văn học nổi trội, thì ở phần I của cuốn sách, phần mà các nhà biên soạn ghi chú là "Những trang di cảo của Phùng Quán lần đầu tiên được công bố", bạn đọc yêu văn chương sẽ được tiếp xúc với những bài viết tuy dung lượng và đề tài có phần manh mún, song qua đó cũng giúp họ thấy được nhiều chi tiết thú vị liên quan đến cuộc đời Phùng quán và một số đồng nghiệp của ông.

Với một cách nhìn sự việc hóm hỉnh, và bằng một giọng kể dí dỏm, có duyên, Phùng Quán đôi khi chỉ với một vài chi tiết nhỏ thôi cũng dựng nên chân dung một con người với những góc nội tâm sâu kín nhất.

Đó là sự thâm trầm, nhiều ẩn ý của Thanh Tịnh; là sự thẳng thắn, cương trực của Tào Mạt; là sự tài hoa, lãng tử của Chu Hoạch; là sự hóm hỉnh, tự tin của Bửu Tiến; là các chuyện ngộ nghĩnh mà nhà văn chưng cất từ những con người bình thường ông vẫn gặp thường ngày trong cuộc sống…

Phần II của cuốn sách là phần tập hợp những bài viết của bạn bè (đa phần là các văn nghệ sĩ) về Phùng Quán. Phần này dày tới trên 200 trang và ít nhiều cũng đã có một số bài in ở tập "Nhớ Phùng Quán", song cũng có không ít bài lần đầu được sưu tầm, tuyển chọn vào sách. Người đọc có thể gặp ở đây những giai thoại vui về Phùng Quán, cũng như những đánh giá, nhận định về văn nghiệp của ông, kể cả những đánh giá xem chừng không đồng nhất.

Lọ mực và những chiếc ngòi bút từng được nhà văn Phùng Quán sử dụng.

Nếu như ở phần đầu sách, nhà phê bình văn học Văn Tâm đã có những ý kiến nghiêm khắc, khoa học về tác phẩm "Vượt Côn Đảo": "Tuy nhiên do sử dụng vốn gián tiếp, lại là tác phẩm đầu tay, nên cốt truyện không khỏi giản đơn, tâm lý nhân vật chưa khắc họa sâu sắc đúng mức, một số trang viết công thức, minh họa…", thì ở phần hồi ức của một nhà văn khác, vẻ đẹp cuốn sách này lại hiện lên lung linh kỳ ảo: "Giữa năm 1955, tôi được đọc "Vượt Côn Đảo" của Phùng Quán. Đọc một buổi chiều và nửa đêm là hết. Đọc rồi cứ bàng hoàng vì chưa thật tin văn chương Việt Nam lại có thể hay đến thế".

Cùng một cuốn sách nhưng hai ý kiến rất khác nhau. Điều này hoàn toàn bình thường bởi đó là cách tiếp nhận tác phẩm ở những thời điểm khác nhau và ở hai đối tượng khác nhau.

Một là nhà phê bình thiên về tư duy khoa học và một là nghệ sĩ sáng tác với những nhận định đầy cảm tính.Cũng ở phần II của cuốn sách, người đọc còn bất ngờ khi được tiếp xúc với hơn chục bài thơ - trong đó có những bậc cự phách (như Hoàng Trung Thông) viết tặng Phùng Quán.

Tôi đặc biệt xúc động trước những câu thơ của thi sĩ Trịnh Thanh Sơn: "Thơ Phùng Quán nằm không đọc được/ Thơ anh cần một quảng trường/ Giao thừa Tây Hồ sóng dậy/ Người về râu trắng như sương". Đọc những câu thơ trên, càng ngậm ngùi bao nhiêu khi biết cả Phùng Quán lẫn Trịnh Thanh Sơn giờ đã phiêu du nơi chín suối.--PageBreak--

Và những hạt sạn đáng tiếc

Cũng giống như một số cuốn sách được tập hợp từ những nguồn bài rải rác đây đó mà những người biên soạn không có điều kiện hoặc chưa đủ thời gian và năng lực để thẩm định cũng như hiệu đính, chú giải khi cần thiết, cuốn "Phùng Quán còn đây…" - bên cạnh những mặt thành công dễ thấy - cũng đã để lọt lưới một số lỗi khiến người đọc cảm thấy gai gợn, khó chịu.

Ở đây chỉ xin nói về sự chênh nhau của những con số:

Nếu như ở phần "Tiểu sử văn học" (trang 7), nhà phê bình Văn Tâm cho biết: Cuốn tự truyện "Tuổi thơ dữ dội" của Phùng Quán in lần đầu ở NXB Thuận Hóa năm 1987, thì ở trang 10, lại thấy một phóng viên - nói là ghi từ lời Phùng Quán - cho hay cuốn sách này được xuất bản tại NXB Thuận Hóa năm… 1998 (lạ nữa, nhà văn Phùng Quán mất năm 1995, làm sao ông biết sách ông xuất bản năm… 1998).

Cũng ở bài trả lời phỏng vấn nói trên, người ghi lời Phùng Quán cho biết từ sau 1958, ông có 15 năm đi lao động ở các địa phương, trong khi ở phần tiểu sử lại ghi, sau năm 1958 ông đi lao động ở một số cơ sở nông nghiệp nhưng đến năm 1964 đã "lần lượt nhận công tác ở phòng Tuyên truyền Bộ Thủy lợi; Vụ Văn hóa quần chúng Bộ Văn hóa…", vậy thì 15 năm nói trên là vào thời gian nào vậy?

Năm ngoái, nhiều người còn nhớ sự kiện Hội Nhà văn Việt Nam đón nhận Huân chương Sao Vàng và kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Vậy mà ở trang 162 của cuốn sách, có tác giả lại viết năm 1956 Phùng Quán đã là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (trước cả ngày Hội ra đời).

Về ngày mất của Phùng Quán, nếu như trong bài viết in ở trang 194, một tác giả nói Phùng Quán mất trước ngày ông Táo về trời 1 ngày, thì đến bài viết in ở trang 265, một tác giả khác lại ghi "Ngày 21 tháng 12 âm lịch là ngày giỗ anh Quán".

Về thời gian ra đời tác phẩm "Vượt Côn Đảo", hầu hết các bài trong tập (cả bài viết của chính Phùng Quán và bà Vũ Bội Trâm - vợ ông) đều ghi năm viết và năm xuất bản là 1954. Thế nhưng, ở trang 309, một tác giả lại cho hay: "Năm 1953, mới 23 tuổi, Quán đã có hai tác phẩm in cùng một lúc, mà thời đó là trường hợp rất hiếm. Đó là truyện "Vượt Côn Đảo" và "Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo".

Về diện tích căn phòng mà Vụ Văn hóa Quần chúng (Bộ Văn hóa) - nơi Phùng Quán từng công tác - đã có thời gian bố trí để ông ở tạm cũng được nhắc tới ở cấp độ khác nhau tới… nhiều lần. Ở trang 182, một tác giả nói nó rộng trên 6 m2, nhưng ở bài viết trang 233, một tác giả khác lại nói nó rộng chỉ có… 1,5 m2.

Thật không hiểu nổi làm sao ở một cơ quan lớn, vị trí trung tâm như thế, mà lại có căn phòng diện tích nhỏ đến vậy. Chắc nó chỉ đủ để cho người ở đủ ngồi chứ không đủ… nằm?!

Thiết nghĩ, việc thông tin do nhiều người viết có thể có những chỗ không khớp nhau. Vấn đề là người biên soạn, nhất lại là người "trong cuộc", trước những sai sót ấy phải chỉnh sửa hoặc nếu không phải có ghi chú ở bên dưới mỗi bài viết. Chứ nếu không, cùng với thời gian, người đọc thế hệ sau sẽ không biết thế nào mà lần.

Đó cũng chính là những yếu tố làm ảnh hưởng tới độ tin cậy của cuốn sách

Phạm Khải
.
.
.