Phim tài liệu “vào cuộc” phòng chống dịch COVID-19

Thứ Năm, 16/04/2020, 09:11
Đầu tháng 4 vừa qua, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) có công văn gửi Công ty TNHH một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương liên quan tới việc thực hiện bộ phim tài liệu về phòng, chống dịch COVID -  19 ngay trong năm 2020. 


Như vậy, cùng với các lĩnh vực khác như âm nhạc, phim truyền hình... mảng phim tài liệu cũng đã nhanh chóng bắt nhịp vào công cuộc phòng chống dịch bệnh. Với những thế mạnh đặc thù của mình, hy vọng sẽ sớm có những tác phẩm phim tài liệu chân thực, sinh động ra mắt công chúng.

Thời điểm này, những tin tức về dịch bệnh COVID - 19 tại Việt Nam và thế giới tràn ngập trên các trang báo cũng như các trang mạng xã hội. Những người làm truyền hình đã nỗ lực cập nhật thường xuyên cho khán giả những hình ảnh mới, ít người biết trên mọi mặt trận phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, một bộ phim tài liệu dày dặn, được đầu tư kỹ lưỡng với những góc nhìn đa chiều về dịch bệnh vẫn là niềm mong mỏi của công chúng. Bởi từ lâu, phim tài liệu được coi như cuốn album của một đất nước. Mỗi khi thế giới, quốc gia, dân tộc hay con người đứng trước một biến cố hay vấn đề nhức nhối nào đó thì hơn bất kỳ thể loại nào phim tài liệu có khả năng ghi lại chân thực, đầy đủ, sâu sắc nhất. Chính vì vậy, khi Việt Nam và thế giới đang trải qua những thời khắc lịch sử - gồng mình chống lại sự hoành hành của đại dịch - thì công chúng đặt niềm tin vào phim tài liệu cũng là điều dễ hiểu.

Ê kíp làm phim của VTV7 ghi hình tại Bệnh viện Bạch Mai.

Để khẳng định sự chủ động, tích cực, khoa học và tinh thần "chống dịch như chống giặc" của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước, Cục Điện ảnh đề nghị Công ty TNHH một thành viên Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương điều chỉnh kế hoạch sản xuất bộ phim "Cuộc chiến không giới hạn" vào kế hoạch vào năm 2020 thay vì năm 2021 như dự kiến. Đồng thời yêu cầu khi triển khai làm phim, đơn vị thực hiện phải chủ động thực hiện tốt các biện phát phòng, chống dịch cho thành phần tham gia sản xuất, ghi hình trực tiếp trên hiện trường: bảo đảm an toàn y tế đúng yêu cầu cơ quan chức năng.

Từ đặc thù của ngôn ngữ điện ảnh Tài liệu - Khoa học, Cục Điện ảnh đề nghị Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương không xây dựng bộ phim theo hướng phóng sự ghi nhanh, chạy theo sự kiện mà có cái nhìn toàn cảnh, bao quát, chân thực về dịch bệnh. Bộ phim được đạo diễn bởi nghệ sĩ Nguyễn Quang Tuấn, biên kịch: Vũ Thị Diệp.

Song hành với việc phản ánh chân thực bức tranh đời sống mà đại dịch COVID mang lại, bộ phim cần làm nổi bật sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu. Những câu chuyện xung quanh việc điều trị, phục hồi cho người mắc bệnh, hạn chế tối đa sự lây lan ra cộng đồng, được nhân dân cả nước tin tưởng, phối hợp, ủng hộ, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Hiện tại, ê kip "Cuộc chiến không giới hạn" đang ở giai đoạn xây dựng kịch bản. Đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ: "Chúng tôi sẽ sớm lên đường ghi hình với nhiều nhóm. Phòng trường hợp có nhóm bị cách ly thì có nhóm khác thay thế để công việc không bị gián đoạn. Chúng tôi nhận thấy rằng việc ghi lại một chặng đường khó khăn của đất nước mà chúng ta đang đoàn kết vượt qua sẽ là dữ liệu quý cho cộng đồng. Chúng tôi hoàn toàn nhận thức về sự rủi ro trong quá trình tác nghiệp và sẽ tuân thủ mọi yêu cầu về y tế để không tạo thêm gánh nặng cho y tế nước nhà".

Không chỉ có Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương mà đã và đang có nhiều nhóm làm phim cùng nhập cuộc vào công cuộc phòng chống dịch bệnh. Cùng thời điểm này, một số nhóm sản xuất phim tài liệu đã thực hiện xong những cảnh quay tại các điểm nóng về dịch bệnh như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Vĩnh Phúc... cho những bộ phim về cuộc chiến chống dịch bệnh.

Hiện tại, ở Bệnh viện Bạch Mai có các nhóm làm phim của VTV3, VTV7, VTC, Vietnamnews... nằm vùng đưa tin. Trong số đó phải kể tới nhóm sản xuất gồm đạo diễn Nguyễn Nhật Duy, nhà sản xuất Phan Ý Linh, quay phim Huỳnh Cường, Tuấn Anh, biên tập viên Bích Ngọc. Nhóm làm phim đã thực hiện những cảnh quay đầu tiên từ ngày 31 - 3.

Dự kiến, phim sẽ quay hình trong khoảng 20 ngày, ghi lại câu chuyện lịch sử về thời kỳ cả nước phòng chống dịch. Nhà sản xuất Phan Ý Linh cho biết: "Với tư cách là một công dân, chúng tôi tuân thủ những yêu cầu của Nhà nước trong khoảng thời gian khó khăn này. Bên cạnh đó, với tư cách là người làm nghề, chúng tôi cũng muốn đóng góp công sức để phòng chống dịch ở những khía cạnh khác, trong đó phim ảnh vừa phản ánh thực tế, vừa tri ân những lực lượng đang gồng mình chống dịch. Đó sẽ là những dữ liệu quý cho mai sau". Làm phim về dịch bệnh lây lan chưa khi nào là điều dễ dàng.

Tuy nhiên giữa điệp trùng khó khăn ấy, Phan Ý Linh lại chia sẻ sự "thuận lợi" bất ngờ: Nếu như phim tài liệu về đề tài khác chúng tôi phải tự tìm chủ dề, câu chuyện. Nhưng ở Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày chúng tôi lại gặp một câu chuyện hay đến nỗi chưa thể quyết định sẽ làm phim dài bao nhiêu phút.

Các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch sẽ là những nhân vật đặc biệt trong các bộ phim tài liệu.

Không chỉ những người làm phim trong nước, nhà làm phim độc lập Linh Ngư, hiện đang sống ở Anh cũng vừa thông tin về dự án phim của mình. Cô kêu gọi 150 người làm phim không chuyên từ 11 quốc gia cùng làm một phim tài liệu tổng hợp về đại dịch với mục đích "nhắc nhở bản thân mình và thế hệ sau này hãy trân trọng và bảo vệ những điều dù đơn giản và bình dị mà cuộc sống trao tặng".

Những người tham gia dự án này không nhất thiết phải là những người làm phim chuyên nghiệp, chỉ cần tự ghi lại hình ảnh cuộc sống hằng ngày của mình trong giai đoạn này và gửi về để ê kíp của cô tổng hợp dựng thành một bộ phim hoàn chỉnh. Dự kiến, phim hoàn thành sẽ chiếu miễn phí cho khán giả xem.

Có thể nói, cùng với các lực lượng trực tiếp ở tuyến đầu trong công cuộc phòng chống dịch thì văn hóa nghệ thuật trong đó có phim ảnh, ca nhạc góp phần không nhỏ trong công cuộc ngăn chăn dịch bệnh. Trên thế giới, tại những quốc gia phải gánh chịu những thiệt hại không nhỏ từ dịch bệnh, những nhà làm phim tài liệu cũng đã cho ra đời những bộ phim mang đậm dấu ấn lịch sử thời kỳ này.

Mới đây, Trung Quốc đã phát hành phim tài liệu về dịch bệnh COVID 19 với tên gọi "24 giờ ở tâm dịch Vũ Hán" với mục tiêu tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức và mang lại hy vọng cho người dân. Nội dung phim tập trung làm nổi bật hình ảnh, hành động dũng cảm của những bác sĩ, nhân viên y tế Trung Quốc. Khi dịch COVID - 19 bùng phát và lây lan, hàng nghìn y bác sĩ trên khắp cả nước đã tình nguyện tới thành phố Vũ Hán, tâm điểm của dịch, để cùng bệnh nhân vượt qua đại dịch.

Trước đó, phim tài liệu "Đêm trường Vũ Hán" cũng đã mang đến cho người xem những hình ảnh chân thực về Vũ Hán: khung cảnh vắng lặng và hoàn cảnh thực tế của người dân vùng tâm dịch. Phim được thực hiện bởi một đoàn làm phim bị kẹt tại đây, đã thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội.

Mới đây, theo hãng tin Yonhap, Đài Truyền hình KBS (Hàn Quốc) đã sản xuất một bộ phim tài liệu có nội dung liên quan đến cuốc sống thường nhật của người dân thành phố Daegu vào những ngày chiến đấu với dịch COVID - 19. Bộ phim tài liệu có tên "Tôi đang sống ở Daegu" khắc họa cuộc sống thường nhật của người dân Daegu trong suốt 45 ngày sống chung với dịch bệnh.

Bộ phim không có lời dẫn chuyện mà tái hiện lại những hình ảnh chân thực nhất về cuộc sống ở thành phố này bằng chính lời nói của người dân ở đây. Thông qua bộ phim, khán giả còn có thể thấy được một hình ảnh khác của đội ngũ nhân viên y tế, những tình nguyện viên, những tiểu thương bán ở chợ địa phương cũng như chính quyền địa phương vào những ngày dịch bệnh bùng phát.

Để có được những hình ảnh chân thực, sinh động từ tâm dịch, những người làm phim tài liệu thực sự là những chiến sĩ dũng cảm. Những hình ảnh mà phim tài liệu mang lại không chỉ ghi dấu một thời kỳ lịch sử đầy khó khăn của đất nước mà còn giúp người dân nhận thức được mức độ ảnh hưởng cũng như sự thay đổi do COVID - 19 mang lại đối với cuộc sống hằng ngày. Từ đó họ có những hành động thiết thực góp phần sớm đẩy lùi và tiến tới chấm dứt dịch bệnh.

Khánh Thảo
.
.
.