Những "thần đồng" của đờn ca tài tử

Thứ Năm, 08/10/2015, 08:01
Đêm trăng thanh gió mát, bên ruộng lúa trĩu bông hay giữa miệt vườn xanh um cây trái, tiếng đờn tranh, đờn nguyệt, đờn cò lại vui vầy hòa phím đưa đẩy giọng ca lảnh lót, ngọt ngào ngân xa. Ở các buổi đờn ca ấy, bây giờ không chỉ có mỗi người lớn mà xuất hiện ngày càng nhiều những gương mặt trong trẻo thơ ngây cùng góp giọng, nâng đờn.

Cô bé Đỗ Thị Hồng Gấm (14 tuổi) là á quân của cuộc thi “Giọng ca nhí – Hò Xự Xang Xê Cống” do Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Bạc Liêu tổ chức. Ở quê nhà Sóc Trăng, gia đình Gấm không ai theo nghệ thuật chuyên nghiệp mà chỉ có ông ngoại – nghệ nhân Thanh Hồng – tham gia CLB đờn ca tài tử của xã. Mỗi lần đi sinh hoạt, ông lại dắt cháu theo, dạy cháu ca góp vui cùng mấy cô dì, chú bác. Được sống trong không gian mộc mạc, đậm tình ấy, Hồng Gấm sớm yêu những câu xề, điệu lý, thích mê khi được tết tóc đuôi sam, mặc áo bà ba, áo dài.

Được ông ngoại và các nghệ nhân hết lòng truyền dạy, Hồng Gấm sớm thuần thục nhiều bài bản. Chất giọng ngọt ngào của Hồng Gấm với những thể điệu của âm nhạc tài tử như vọng cổ, Nam ai, Nam xuân...  nhanh chóng chinh phục ban giám khảo. Ở cuộc thi này, nhiều giọng ca nhí triển vọng của dòng nhạc tài tử Nam bộ đã được phát hiện như: Mỹ Dung (Long An), Thúy Duy (Kiên Giang), Lâm Thanh Tùng (Trà Vinh), Tú Sương (Bạc Liêu)...

Cô bé Đỗ Thị Hồng Gấm bên bộ ảnh của mình tại triển lãm “Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương”.

Riêng ở vùng quê Bến Tre, bà con vẫn thường tự hào nhắc đến cậu bé Dương Công Tuyễn. Mới 5 tuổi, Tuyễn đã thuộc nhiều làn điệu, dạn dĩ khi đi biểu diễn giao lưu ở khắp các tỉnh thành Nam bộ. Cậu bé ca vọng cổ ngon ơ, đặc biệt bé ca rất hay các bài bản thuộc hơi Bắc như “Tây Thi”, “Phú Lục”, “Xuân Tình”...  Đam mê cổ nhạc từ hồi còn chưa biết mặt chữ như Tuyễn còn có cậu bé Thế Thanh ở Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Chất giọng mùi mẫn, ngọt ngào của Thế Thanh thể hiện rõ ở những bài nhạc âm hưởng dân ca, trữ tình như “Phương xa nhớ mẹ”, “Chú Hai Lúa”... gây sốt tại cuộc thi “Giọng hát Việt nhí 2015”.

Các tài tử ca có số lượng luôn luôn áp đảo tài tử đờn. Ở thế hệ mầm non, chênh lệch này càng lớn. Khá nhiều em biết ca một số bài bản, làn điệu vì dễ học, dễ thuộc. Còn để đờn được một bài bản sành sỏi thì đòi hỏi một quá trình khổ luyện kiên trì. GS Trần Quang Hải từng bảo rằng người đờn muốn nắm được các kỹ thuật cơ bản thôi thì phải mất ít nhất 10 năm rèn luyện. Khó vậy nên không phải đứa trẻ nào cũng theo nổi. Do đó, các tài tử đờn như Trần Nhựt Đức (12 tuổi), Lê Minh Khôi (9 tuổi) thực sự là mầm xanh hiếm hoi.

Căn nhà của Trần Nhựt Đức ở huyện Bình Chánh lúc nào cũng ngập tiếng đờn ca từ băng đĩa. “Lúc Đức 3 tuổi, tui bật đĩa của Đào Vũ Thanh ca bản “Tướng cướp Mã Ngưu”. Cứ khúc nào mà Đào Vũ Thanh khóc là nó khóc. Học tới lớp 2, thì nó đã ca được vọng cổ, “Tứ đại oán”, “Lưu Thủy”... Giờ nhạc của nhà trường, nó bảo với cô là hổng thích học. Hỏi sao thì nó biểu con thích vọng cổ. Nghe nó ca bài “Dòng sông quê em” cũng mùi, cô hiệu trưởng khuyên tui nên tìm cho cháu thầy dạy cổ nhạc” – cha của Trần Nhựt Đức kể.

Sáng đi học, chiều khi bài vở đã xong, Đức mới đến nhà nghệ nhân khiếm thị Tư Hồng rèn giọng. Thỉnh thoảng, Đức lại được thầy cho ca giao lưu cùng dàn đờn của các nghệ nhân, thành viên CLB đờn ca trong huyện. Giờ nghỉ giải lao, Đức mân mê cây đờn guitar phím lõm. Ánh mắt cậu bé thèm thuồng gảy thử vài dây. Thầy Tư Hồng hỏi: “Con có thích học đờn không?”. Ánh mắt của Đức sáng rực, vội vàng gật đầu như sợ thầy đổi ý. Vậy là ngoài học ca, cậu học thêm đờn. Đức hồn nhiên: “Lúc đầu con thấy học đờn khó ghê, nhưng học quen thì thấy dễ, miễn mình chịu khó tập”.

Đức học đến đâu nhớ đến đó. Ông thầy vẫn tấm tắc gật gù nhưng chẳng bao giờ khen trước mặt Đức, chỉ nói nhỏ với cha cậu. Đức khoe: “Con đã đờn được 6 câu vọng cổ, ba bài Nam, “Xuân Tình”, “Phụng Hoàng”... Con đang học thêm đờn sến vì kiểu đờn của nó giống guitar phím lõm nên con thích. Sắp tới, con tính học thêm đờn cò nữa”. Những buổi lao động trên đồng, cậu bé vừa ôm đờn, vừa ca véo von cho cha mẹ, ông bà vơi bớt mệt nhọc. Không chỉ biểu diễn văn nghệ ở trường, ngón đờn sành sỏi và giọng ca của Đức còn tham gia nhiều chương trình, liên hoan đờn ca tài tử cấp huyện cũng như cấp thành phố.

Một tài tử đờn nhí hiếm hoi khác là cậu bé Lê Minh Khôi, học sinh lớp 4 tại trường Tiểu học Cổ Loa, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Biết ca từ nhỏ nhưng cậu bé thích học đờn hơn cả. Anh Trần Minh Hùng, cha Khôi, kể: “Hồi Khôi còn nhỏ, tôi thường mở đĩa hoặc ca cổ nhạc để ru bé ngủ vì hễ nghe nhạc này, con ngủ rất ngon. Nhưng đến khi Khôi 5 tuổi thì nghe nhạc này nó lại không chịu ngủ mà cứ thao thức suốt. Nó kêu: “Tại con nghe là con phải đếm nhịp theo”.

Cha của Lê Minh Khôi tạo mọi điều kiện để con phát triển năng khiếu đờn ca tài tử.

Lớn thêm tí nữa thì cậu bắt đầu bập bõm những bài ca cổ mà thỉnh thoảng vui miệng tôi hay bày cho. Khôi để ý thấy anh bạn tôi chơi đờn sến rất hay. Vậy là cu cậu mê. Về nhà, cậu làm mô hình giống cây đờn sến, căng hai sợi dây thun giả làm dây đờn rồi gảy tưng tưng, miệng ư ử ngân nga giả đò mấy điệu lý. Rồi đến khi Khôi bắt đầu đòi học nhiều hơn, nhất là học đờn thì tôi bí rịt. Hồi thanh niên, mới chơi được sơ sơ guitar phím lõm thì tôi bỏ ngang vì khó quá”.

Chiều thứ bảy hằng tuần, Khôi theo cha xuống nhà thầy Quốc Trung học. Nhưng từ khi học đờn thì Khôi ít chú tâm đến việc ca. Cậu dồn hết tâm lực để luyện ngón đàn, học các điệu thức mới. Đờn được các bài “Lý con sáo”; “Lý kéo chài”; “Văn Thiên Tường”; “Phụng Hoàng”; “Long Hổ Hội”; “Sương Chiều Tú Anh”; “Khóc Hoàng Thiên”, vọng cổ nhịp 16, nhịp 32..., Khôi sướng mê tơi. Điều đặc biệt ở cậu bé 9 tuổi này là cách giữ nhịp rất chắc, bắt nhịp lẹ, cách chạy ngón, vuốt phím điêu luyện mà không phải ai mới học cũng làm được. Ngón đờn của em lắng đọng, ngọt ngào.

Hôm biểu diễn tại buổi triển lãm, ra mắt sách ảnh “Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á, Khôi đệm đàn cho Đức ca. Nhìn cậu bé mặc đồ bà ba quấn khăn rằn ôm thùng đàn vượt quá mặt, phía dưới có tiếng trầm trồ: “Mới bây lớn mà đã chơi đàn ngon vậy rồi bây!”. Tại “Liên hoan đờn ca tài tử giải Bông sen vàng” của thành phố năm nay, Lê Minh Khôi đoạt giải khuyến khích với tiết mục độc tấu đàn sến điệu “Đảo ngũ cung”.

Nhà thơ Nguyễn Duy có câu “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Tình yêu âm nhạc dân tộc của các em lớn lên từ thuở nằm nôi. Câu ca nuôi lớn tâm hồn con trẻ, đưa đẩy các em vào những bài học đạo nghĩa, tình cảm quê hương thắm nồng. Trần Nhựt Đức bảo rằng em yêu đờn ca tài tử bởi ở đó em tìm thấy những ca từ vẽ nên bức tranh rất đẹp về quê hương đất nước, lòng hiếu thảo với cha mẹ, biết ơn thầy cô, giúp đỡ bạn bè..., riêng giai điệu thì luôn mượt mà, sâu lắng. Bài ca mà em thích nhất mang cái tên toát lên tinh thần đó: “Việt Nam quê hương dũng cảm”.

Lê Minh Khôi thì chỉ cảm thấy thoải mái, êm dịu mỗi khi nghe tiếng đờn sến, đờn cò... Hồng Gấm thì thường nhớ đến ông bà, cha mẹ khi cất lên điệu lý, câu xề. Đa số các em yêu đờn ca tài tử thường thích cả dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca, cổ nhạc Nam bộ. Bởi ở đó cũng có bóng dừa, bụi tre, có con sông, chú cá, có dáng hình mẹ cha tảo tần giữa ruộng đồng... Ở đó, có tiếng réo rắt của đàn tranh, tiếng tự tình của cây đờn nguyệt, nỉ non của đờn bầu...

Tuổi nhỏ, các em chưa thể hiểu hết ý nghĩa của lời ca, giai điệu. Những lúc ấy, cha mẹ, thầy cô là người cắt nghĩa để các em thêm hiểu, và thêm trân trọng cái đẹp “vàng mười” của âm nhạc dân tộc. Mai này, dù có ở nơi đâu thì lời tự tình mộc mạc của dân tộc, của quê hương vẫn mãi theo các em, răn dạy trong kiếp làm người. Nhìn nhạc sư Ba Tu, nhạc sư Vĩnh Bảo, NSƯT Hải Phượng, nghệ nhân ưu tú Thanh Tuyết... lướt ngón, cất giọng, trong  mắt các em, ước mơ đã thành hình: một người nghệ sĩ miệt mài gìn giữ, phát huy và đưa cái đẹp “vàng mười” của cha ông đến với mọi người, vượt qua mọi biên giới, lãnh thổ...

Phan Thi Uyên
.
.
.