Nhân vật đồng tính trong phim: Đừng chỉ để câu khách

Thứ Tư, 10/09/2008, 15:00
Mặc dù vẫn đang ở giai đoạn... tuyển diễn viên nhưng dự án phim "Chơi vơi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận nhiều ngày qua. Nguyên nhân bởi đạo diễn Bùi Thạc Chuyên hé lộ, đây sẽ là một kịch bản đặc biệt, một bộ phim đầu tiên của Việt Nam về đồng tính nữ.

Điều này cho thấy đề tài đồng tính vẫn đang rất "hot" trong lĩnh vực điện ảnh hiện nay. Tuy nhiên, phản ánh hiện tượng đó ở mức độ nào, dưới con mắt cảm thông, nhân bản hay vẫn dừng lại ở dạng... câu khách thì không phải là điều đạo diễn nào cũng làm được.

"Bùng nổ" nhân vật đồng tính

Không chỉ với các đạo diễn Việt Nam mà với cả các đạo diễn châu Á - nơi nổi tiếng với truyền thống và các giá trị cổ xưa thì đề tài đồng tính vẫn đang được xem là khá nhạy cảm. Nhưng, điện ảnh Việt Nam lại đang có hiện tượng bùng phát các nhân vật đồng tính. Mở màn cho trào lưu này phải kể tới hai bộ phim của đạo diễn Lê Hoàng là "Gái nhảy" và "Lọ lem hè phố" với nhân vật "Má mì" do hai diễn viên hài Anh Vũ và Minh Nhí thủ vai.

Tiếp theo là mối tình đồng tính giữa Khoa và Hoàng trong "Những cô gái chân dài", mối tình giữa nhân vật đồng tính do Lương Mạnh Hải thủ vai và Trương Ba trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". Để "bằng bạn bằng bè", đạo diễn Việt Kiều Ringo Lê cũng kiên quyết cho bằng được nhân vật đồng tính Liêm vào phim "Chuyện tình Sài Gòn". Không chịu hời hợt, thoáng qua như hai phim đầu tiên, đạo diễn Lê Hoàng tiếp tục khai thác sâu đề tài đồng tính thông qua mối tình giữa nhân vật Tony và Tuấn trong phim "Trai nhảy".

Phim truyện nhựa đã vậy, phim truyền hình cũng tỏ ra không kém cạnh. Sự xuất hiện các nhân vật đồng tính ở phim truyền hình đang theo phản ứng dây truyền. Bất luận phim đề cập tới vấn đề gì, các đạo diễn cũng phải gửi gắm ở trong đó một vài nhân vật bất thường về giới tính. Nếu trong bộ phim "Công nghệ lăngxê" có một nhân vật ưỡn ẹo là chuyên viên trang điểm A Lý của nhóm bầu sô Lâm Đại thì "Công ty thời trang" có sự hiện diện của nhân vật Dũng, hay nhân vật Phụng trong "Anh chỉ có mình em".

Phim "Mưa thủy tinh" cũng có nhân vật Hùng "mập" được xây dựng vừa là một tay anh chị, vừa là một người đồng tính. Ngoài ra, các phim như "Thập tự hoa", "Tình yêu còn lại", "Tôi là ngôi sao" cũng đều xuất hiện những nhân vật đồng tính… Gần đây nhất, phim truyền hình sitcom đang phát sóng "Cô gái xấu xí" cũng xuất hiện nhà tạo mẫu Hùng Long được xây dựng là một nhân vật "hi - fi"…

Hiện tượng nhân vật đồng tính không chỉ tung hoành ở những bộ phim phía Nam mà còn lan nhanh tới phía bắc. Bộ phim đầu tiên có tiêu đề khá gợi và phản ánh đậm nét đề tài này là "Một thế giới không có đàn bà" nằm trong sêri phim "Cảnh sát hình sự" được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bùi Anh Tấn.

Tiếp đó, trong phim "Vòng nguyệt quế" cũng xuất hiện nhân vật Hoàng -  Giám đốc một Nhà xuất bản cũng là một tay "gay", thường xuyên có những cử chỉ âu yếm và yêu chiều nhà thơ Thái Bạch hết mức. Gần đây nhất, trong bộ phim "Những cánh hoa bay" đang phát sóng trên "Văn nghệ chủ nhật" cũng có mối tình bất thường giữa nhân vật Nguyên và một người cùng giới…

Một điều đáng nói là, dù nhân vật và các mối tình đồng tính xuất hiện nhiều như sao sa nhưng chưa có một tác phẩm điện ảnh nào thực sự đi sâu khai thác nội tâm của những người thuộc giới tính thứ 3 này. Các đạo diễn thường coi đó như một chiêu dụ khán giả tới rạp bởi dẫu sao, thế giới của những người đồng tính vẫn là một điều bí ẩn, gây tò mò với người bình thường.

Sự xuất hiện các nhân vật đồng tính như một sự mua vui, diễn trò. Điều đó sẽ dẫn đến cái nhìn méo mó, thiếu thiện cảm về những người đồng tính - những người vốn chưa nhận được sự cảm thông của xã hội. Các đạo diễn luôn cho họ xuất hiện với một ngoại hình kệch cỡm, trang điểm lòe loẹt, điệu bộ ngúng nguẩy, giọng nói điệu đà với ngôn ngữ đầu đường xó chợ như nhân vật "Má mì" trong các phim "Gái nhảy", "Lọ lem hè phố". Bối cảnh cho sự xuất hiện của họ luôn là nơi nảy sinh tệ nạn xã hội như quán bar, vũ trường, ổ chứa gái mại dâm…

Một vài đạo diễn có ý thức thay đổi cho các nhân vật đồng tính của mình sao cho "nam tính" hơn nhưng mục đích câu khách vẫn lộ rõ vì vai trò của các nhân vật này rất mờ nhạt, không có cũng chẳng sao. Người xem đã từng thấy sự khiên cưỡng khi cho nhân vật Khoa yêu Hoàng trong "Những cô gái chân dài" mà không nói lên điều gì. Nhân vật Giám đốc Nhà xuất bản trong "Vòng nguyệt quế" cũng hoàn toàn có thể không đồng tính mà chẳng ảnh hưởng gì tới nội dung phim. Một trong những bộ phim mà đạo diễn có cách xử lý kỹ hơn, thông thoáng hơn, thiên về chia sẻ là "Một thế giới không có đàn bà" nhưng cái kết đó là cho nhân vật lấy… vợ vẫn bộc lộ định kiến của xã hội với những người này.

Vì dùng nhân vật đồng tính như một yếu tố để mua vui, vì tâm lý đạo diễn lo không "gay", không hấp dẫn nên các nhân vật này được xây dựng rất kệch cỡm. Xem phim hài "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" thấy nhân vật đồng tính do Lương Mạnh Hải thủ vai xuất hiện với bộ váy ngủ bằng satin trắng muốt chỉ gây cảm giác ghê ghê, rùng mình nơi khán giả.

Cảnh trong phim “Xăm mình” của Điện ảnh Đài Loan.

Hay nhân vật Hùng trong "Tình yêu còn mãi" do Quốc Thuận đóng. Thời sinh viên là một "gay" chính hiệu. Ra trường, nhân vật này lấy vợ, sinh con và vẫn giữ cử chỉ, điệu bộ õng ẹo nửa ông nửa bà. Chất đồng tính trong nhân vật này hoàn toàn thừa thãi. Trong "Trai nhảy", những pha âu yếm của hai nhân vật đồng tính chỉ khiến khán giả thấy phản cảm...

Cần có cái nhìn công bằng và cảm thông

Sự lạm dụng có phần ồn ào đề tài đồng tính được xem như một chiêu hút khách, kéo khán giả đến rạp. Nhiều người cho rằng, thay vì bắt kịp xu hướng của thế giới, điện ảnh Việt Nam lại làm một cuộc "lộn ngược", là quay về mốc của điện ảnh thế giới cách đây 100 năm khi đưa ra cái nhìn méo mó, phiến diện về hiện tượng này. Theo khoa học, đồng tính

(homosexuality) là sự quan hệ luyến ái giữa những người cùng giới tính nam (gay) hoặc những người cùng giới tính nữ (lesbian). Ngay từ năm 1973, khoa học đã chứng minh đây không phải là một căn bệnh như người ta lầm tưởng. Nhưng các đạo diễn đã khiến khán giả thấy đó như một căn bệnh và những người bị đồng tính đều là những người có lối sống thác loạn, trụy lạc. Trong thực tế, nhiều người đồng tính là người rất tài năng. Việc nhà soạn nhạc Beethoven, danh họa Leonardo da Vinci là người đồng tính thực tế cũng không làm giảm bớt lòng kính trọng của người hâm mộ với họ.

Phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, đề tài đồng tính là đề tài nhạy cảm và không dễ với những người làm điện ảnh, ngay cả với những đạo diễn nổi tiếng trên thế giới. Nhưng thời gian gần đây, nhiều bộ phim của châu Á về đề tài này đã tạo được những cơn sốt với khán giả. Đó không phải bởi những cảnh gây sốc mà bởi các đạo diễn đã phân tích tâm lý các nhân vật đặc biệt này bằng sự đồng cảm và nhân văn sâu sắc. Năm 2007, khán giả châu Á xôn xao với bộ phim "Xăm mình" của điện ảnh Đài Loan. Sau khi "đại thắng" về mặt doanh thu, "Xăm mình" còn được giải

Teddy award cho phim đồng tính hay nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin. Trước đó một năm, bộ phim của xứ xở kim chi "The King anh the Clown" (Đức vua và chàng hề) cũng khiến khán giả châu Á phải ngỡ ngàng vì số giải thưởng mà nó dành được. Đó là 2 giải thưởng tại lễ trao giải Beaksang và 15 đề cử cho giải thưởng Daojong và trở thành phim có doanh thu cao nhất Hàn Quốc.

Trước đó, điện ảnh châu Á còn ghi dấu ấn với bộ phim "Bá Vương Biệt Cơ" của đạo diễn Trần Khải Ca với giải Cành cọ vàng Liên hoan phim Cances, đề cử Phim nước ngoài hay nhất tại Oscar 1994… Vang dội nhất phải kể tới phim "Brokeback Mountain" của đạo diễn Lý An với 3 giải Oscar danh giá. Bộ phim đã đưa ra một cái nhìn cảm thông cho cuộc tình không lối thoát của hai chàng cao bồi viễn Tây Jack và Ennis. Chiều sâu tâm lý, những trúc trắc và định kiến xã hội khó vượt qua ngay cả với một nước cởi mở như nước Mỹ, đã được đạo diễn tài hoa khai thác sâu sắc. Thay vì có cái nhìn kỳ thị, người xem hiểu, yêu và thông cảm với các cuộc tình cũng như bi kịch tình yêu không lối thoát này.

Các phim về đề tài đồng tính phải khơi gợi được những cảm xúc tốt đẹp, tích cực trong lòng người tiếp nhận, tạo ra sự đồng cảm và thấu hiểu, đó là điều các đạo diễn Việt Nam cần học tập

Thảo Duyên
.
.
.