Nhạc sĩ Xuân Khải: Người neo giữ những cung đàn dân tộc

Thứ Bảy, 17/01/2009, 11:00
Cứ mỗi độ xuân về, khi khắp phố phường vang lên những khúc khải hoàn tươi vui đón chào năm mới an lành cho dân tộc, thì đâu đó ở các đài phát thanh, truyền hình lại vang lên những bản nhạc tưng bừng ngợi ca sắc xuân đất nước như "Giữ trọn mùa xuân", "Đẹp những ngày xuân", "Xuân nào vui hơn", "Xuân về bản", "Xuân Tây Nguyên", "Cung đàn đất nước"...

Trong số những bản đàn xuân này có bài đã được xếp hạng, ghi nhận bằng những huy chương vàng và được chọn vào giáo trình đại học. Nhưng có lẽ ít ai biết được rằng, "cha đẻ" của những khúc khải hoàn đó là nhạc sĩ Xuân Khải, người đã ra đi về cõi vĩnh hằng trọn một mùa xuân.

Nhạc sĩ Xuân Khải sinh năm 1936 tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Năm 1949, ông tham gia sinh hoạt trong đội vũ trang tuyên truyền huyện Thuận Thành. Trong thời kỳ này ông đã biểu diễn đàn măngđôlin và ghita để phục vụ bà con và bộ đội ở khắp nơi.

Năm 1954, khi ông ở đội thanh niên xung phong đơn vị T216 (Tổng đội công trình đường sắt), đồng chí Cục trưởng biết Xuân Khải đánh đàn ghita hay đã cử ông làm đội trưởng đội văn nghệ.

Khi phát hiện ra năng khiếu của Xuân Khải, cũng chính đồng chí Cục trưởng đã động viên Xuân Khải thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam và ông đã trúng tuyển vào khóa nhạc cụ dân tộc đầu tiên dưới sự dìu dắt của giầy giáo bậc thầy - NSND Vũ Tuấn Đức.

Năm 1959, ông đã nhận bằng trung cấp khóa I nhạc cụ dân tộc. Với kết quả đạt loại giỏi, ông được giữ lại làm giảng viên của trường. Đến năm 1975 ông được tín nhiệm giao làm chủ nhiệm khoa. Năm 1977, nhạc sĩ Xuân Khải đã báo cáo một chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc gồm ba cây đàn là đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu trước hội đồng giám khảo của Bộ Văn hóa và ông được cấp bằng đại học nhạc cụ dân tộc đầu tiên của Việt Nam.

Ông cũng là người nhạc sĩ đầu tiên có công nâng cấp hệ đại học cho ngành nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Không chỉ được vinh danh là bậc thầy của đàn nguyệt, nhạc sĩ Xuân Khải còn là người thầy tài năng sử dụng thành thạo và điêu luyện hầu hết các nhạc cụ dân tộc khác như đàn tranh và đàn bầu.

Đối với mỗi cây đàn ông đều có cách sáng tạo và biểu diễn riêng khiến cho người nghe và người xem đều có thể cảm nhận được chất trữ tình đầy cá tính. Ông là người luôn đau đáu nỗi niềm: Các tác phẩm viết cho cây đàn dân tộc còn quá ít ỏi.

Và không ai khác chính nhạc sĩ Xuân Khải đã là người đặt nền móng có tính hệ thống cho nhạc cụ dân tộc bằng một loạt tác phẩm nổi tiếng như "Hương sen Đồng Tháp", "Chung một niềm tin", "Cung đàn đất nước", "Quê ta", "Rừng sáng"…

Theo nhiều lời kể của bè bạn nhạc sĩ Xuân Khải: Thật khó quên đi vui buồn của những năm tháng học tập cùng những gian truân, khổ luyện của buổi ban đầu đến với nhạc cụ dân tộc của ông.

Mặc dù, có lần, thấy ông chơi ghita giỏi, một giáo sư đã khuyên ông nên bỏ nhạc cụ dân tộc, nhưng nhạc sĩ Xuân Khải đã lựa chọn niềm đam mê của mình như là cách ông nuôi dưỡng tâm hồn cho tình yêu quê hương, đất nước. Cũng là một cách để ông phát huy truyền thống gia đình (Cụ thân sinh của nhạc sĩ Xuân Khải đã từng là nghệ sĩ nơi thôn dã, chơi những bản nhạc như "Tứ đại cảnh" , "Hành vân", "Lưu thủy kim tiền", "Nam Bình"…).

Để rồi đến một ngày, bạn bè, học trò tôn vinh ông là cánh chim đầu đàn của nhạc cụ dân tộc trong thời đại mới. Đó là những nét nhạc  đượm hồn dân tộc, hòa hợp với âm hưởng thời đại qua từng tác phẩm. Nó không những góp phần hoàn chỉnh và làm phong phú thêm cho các giáo trình giảng dạy nhạc cụ dân tộc trong các nhạc viện, mà còn chắp cánh cho tài năng của nhiều nghệ sĩ biểu diễn bay xa hơn nữa trên con đường nghệ thuật của mình.

Đêm nhạc Xuân Khải được tổ chức nhân một năm ngày mất của ông.

Có nhiều câu chuyện xung quanh việc nhạc sĩ Xuân Khải cầm cây đàn nguyệt đi biểu diễn ở các nước trên thế giới vẫn được bạn bè lưu truyền. Có lần sau đêm diễn ở thủ đô Rôma (Italia), nhạc sĩ Xuân Khải đánh bài "Quê ta", được khán giả hoan nghênh nồng nhiệt.

Một nghệ sĩ người ý chơi đàn ghita Hawaii đã lên bắt tay ông và xin được xem cây đàn nguyệt. Người nghệ sĩ ấy không cầm được xúc động nói: "Cây đàn trông rất thường nhưng nó đã gây cho tôi xúc cảm và khâm phục tài nghệ điêu luyện của nghệ sĩ". --PageBreak--

Thế rồi, bằng cử chỉ trân trọng, người nghệ sĩ ấy tặng nhạc sĩ Xuân Khải cây đàn Antobanzô mà anh ta mới mua ở Mỹ về. Cũng ở Italia, một đêm biểu diễn khác, một cô gái đã lên bắt tay và xin tặng lại nhạc sĩ Xuân Khải cây "Đàn môi", một loại đàn độc đáo ở miền Bắc nước ý với lý do đơn giản "Để nhớ buổi biểu diễn được thưởng thức những tiết mục của người nghệ sĩ tài danh Xuân Khải".

Hơn 40 năm sáng tác, nhạc sĩ Xuân Khải đã viết được gần 200 bản nhạc không lời dành cho nhạc cụ dân tộc. Nhiều tác phẩm của ông đã được chọn làm tiết mục Hội diễn Âm nhạc toàn quốc hàng năm và đã dành được nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc.

Ông điêu luyện trong ngón đàn nguyệt, thanh thoát trong tiếng đàn tranh và lắng đọng trong tiếng đàn bầu. Cho dẫu là loại nhạc cụ nào thì vào bàn tay ông, nó cũng trở nên tuyệt diệu như một người bạn tri âm, tri kỷ.

Nhạc sĩ Quang Vinh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, người đã được vinh dự theo học nhạc sĩ Xuân Khải từ năm lên 10 tuổi, khi tâm sự về thầy, anh xúc động nói: "Tôi vẫn thường nói với bạn bè rằng, cho đến ngày hôm nay, có hai thứ đã ảnh hưởng đến âm nhạc của tôi đó là nhạc sĩ Xuân Khải và ban nhạc ABBA. Tôi may mắn được gần thầy từ thuở chập chững vào nghề.

Phòng tôi ở cạnh phòng thầy nên không chỉ trong giờ học mà ngoài giờ học, thậm chí đến đêm tối vẫn còn được thầy ngồi trau chuốt cho từng nốt nhạc, luyện cho từng ngón đàn. Những điều học được ở thầy đã hơn 30 năm nhưng nó "ngấm" vào tôi đến nỗi, tôi vẫn như nghe thấy từng lời căn dặn của thầy, những lời chỉ bảo của thầy đâu đây mới như ngày hôm qua. Những lời căn dặn chỉ có thể ngấm, cảm chứ không thể viết ra giấy được.

Thầy Khải là người kín đáo, không phô trương. Thầy lặng lẽ, miệt mài làm việc, cống hiến và rất nghiêm khắc với học trò của mình. Việc thầy ngồi sáng tác quên cả cơm trưa là chuyện thường xuyên xảy ra. Trong nhạc cụ dân tộc, có những người sáng tác hay chưa chắc đã chơi đàn hay thì thầy Khải có được cả hai thứ đó. Nhạc của thầy dễ nghe, dễ cảm và lay động lòng người. Mạch viết trong thầy như dòng chảy của chính những cảm xúc thật của tâm hồn con người Việt nên nó chảy vào lòng người cũng giản dị và trữ tình như thế".

Có lẽ, hiếm có một ai có thể làm chủ nhiệm khoa tới gần 30 năm mà lại được bạn bè, đồng nghiệp và học sinh kính nể như nhạc sĩ Xuân Khải. Bởi trên hết, ông luôn lấy cái tình để động viên đồng nghiệp, lấy cái tâm huyết để truyền dạy cho các thể hệ sinh viên, lấy cái nghĩa nặng với cung đàn điệu hát quê hương để sáng tác và biểu diễn.

Với những cống hiến của mình Nghệ sĩ - Nhà giáo Nhân dân Xuân Khải đã được Nhà nước phong tặng "Huân chương lao động hàng Nhì", giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Tôi xin được kết thúc bài viết bằng những lời tâm sự của người bạn tâm giao sinh thời của nhạc sĩ Xuân Khải, NGND Dương Viết Á: "Xuân Khải là vị sứ giả, là chiếc cầu nối giữ hồn dân tộc giữa ồn ã, xô bồ của đời sống đương đại với đủ sự loạn thính âm thanh. Trong cơn lốc xoáy thời kinh tế thị trường, âm nhạc Xuân Khải sẽ là nơi neo đậu cho sự tĩnh lặng của mỗi tâm hồn Việt Nam"

Song Kim

.
.
.