Nhạc sĩ Vĩnh Cát: Đã mang lấy nghiệp vào thân...

Thứ Sáu, 10/04/2009, 16:00

Đang là Bí thư Đảng ủy - Phó giám đốc Nhạc viện Hà Nội, đùng một cái, nhạc sĩ Vĩnh Cát được cấp trên bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Văn hóa thông tin - Hà Nội và nghỉ hưu sau 14 năm giữ cương vị này. Là một trong số không nhiều nhạc sĩ ở Việt Nam viết được cả ca khúc và khí nhạc, với hàng trăm ca khúc và mấy chục giao hưởng, nhưng qua mấy đợt xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đều không có tên ông, khiến nhạc sĩ già từng phải thốt lên ngậm ngùi: "Tôi đã bị bỏ quên"...

- Thưa nhạc sĩ Vĩnh Cát, được biết ông là người viết được ca khúc khi còn là thiếu nhi. Điều ấy thật khó tin ngay cả ở thời đại bây giờ, còn những năm "tản cư" thì hình như là điều… không tưởng?

+ Khó tin, nhưng đúng vậy. Năm 1948 lên Việt Bắc là khi tôi mới 12 tuổi, sinh hoạt trong "Đoàn thiếu nhi nghệ thuật" do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách. Cùng lớp với tôi có các nhạc sĩ như Vũ Thanh, Mộng Lân, Lương Thanh Thảo… ở đó, tôi được học hát múa, diễn kịch, học lý thuyết âm nhạc. Tôi đã sáng tác những ca khúc đầu tay là "Nhớ Bác Hồ", "Việt Bắc", "Gửi bạn thủ đô"… Những bài hát đó đã vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam từ thủ đô kháng chiến. Hồi đó, bác sĩ Trần Duy Hưng là Chủ tịch thành phố Hà Nội đến thăm và có nghe loáng thoáng việc có các cháu thiếu nhi ở đây biết sáng tác bài hát - việc này vốn bị nhiều người nghi ngờ là do các em được người lớn "gà" để… lấy thành tích. Vậy là bác Trần Duy Hưng cho gọi một nhóm em nhỏ "nhốt" riêng biệt vào một nhà trong một ngày và ra đề tài là viết bài hát về thủ đô. Bài hát "Gửi bạn thủ đô" của tôi ra đời trong hoàn cảnh đó. Tôi nhớ là bác Trần Duy Hưng rất vui, còn thưởng cho tôi kẹo, quà nữa.

- Ông còn nhớ kỷ niệm đặc biệt nào với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - người thầy âm nhạc đầu tiên của mình?

+ Hồi ấy tôi còn là cậu bé con, nên cũng chẳng nhớ được nhiều, chỉ nhớ thầy luôn ân cần với chúng tôi. Nhưng những bài hát của thầy thì tôi còn nhớ mãi và ăn sâu vào ký ức tuổi thơ tôi. Vừa rồi gia đình cố nhạc sĩ đứng ra làm tuyển tập, bà Phước có nhờ tôi bổ sung những gì còn thiếu mà tôi biết, tôi có nhớ được bài hát trong vở "Hai chàng lưng gù", đã chép lại đưa cho gia đình.

- Tôi đọc được ở đâu đó rằng, tổ khúc giao hưởng dựng thành kịch múa "Hái hoa dâng Bác" là của ông với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết chung? Ông có thể chia sẻ về chuyện này?

+ Hoàn toàn không phải thế, mà tôi cũng không hiểu tại sao người ta cứ cố tình nói thế? Hồi năm 1950, cụ Phước có viết bản "Lục tuần đại khách" cho Đoàn thiếu nhi nghệ thuật biểu diễn mừng thọ Bác Hồ 60 tuổi. Mãi đến năm 1959, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có gặp tôi và biên đạo Thái Ly (sau này là NSND Thái Ly) trao đổi để làm tiết mục lớn mừng sinh nhật Bác 70 tuổi. Chúng tôi có thống nhất với nhau là dựa trên nền cốt truyện cũ với diễn biến và tên nhân vật như cũ, nhưng nhạc là tôi viết mới hoàn toàn, từ nốt nhạc đầu tiên đến nốt cuối cùng.

Tôi có dùng 2 bài hát của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là "Em vẽ ảnh Bác Hồ" và "Em viết tên Bác Hồ" vào giao hưởng nhưng đã ghi rõ điều này ngay từ trang đầu như vậy và việc dùng ca khúc vào giao hưởng đã có tiền lệ. Nhưng chính tôi cũng không hiểu sao người ta vẫn cố ý nói tôi và cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là "đồng tác giả" của "Hái hoa dâng Bác"?

- Có vẻ điều này khiến ông rất… "ấm ức". Khi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn sống có khi nào ông và nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đề cập đến chuyện này không?

+ Thực ra, lần đầu tiên ra mắt, tác phẩm được ghi chung chung là "Trường múa Việt Nam", vì ngày ấy cái gì cũng tập thể. Về sau, trong lần in lại đầu tiên, tôi mới lấy lại tên của mình. Tôi cũng không hề nghe nhạc sĩ Lưu Hữu phước nói gì. Tôi còn giữ mọi bút tích để chứng minh rằng đó là tác phẩm độc lập sáng tạo của tôi. Có thể là do lòng đố kỵ, sự kèn cựa nào đó hoặc là do người ta vẫn "kiếm cớ" với tôi chăng?

- Ông vẫn thường nói rằng, ông là một trong những nhạc sĩ đầu tiên của Việt Nam viết giao hưởng? Nhưng xem ra, điều này chưa được nhiều người... thừa nhận?

+ Khi học ở Đoàn thiếu nhi nghệ thuật, tôi được học để có thể tự ghi chép nhạc và sáng tác ca khúc, còn giao hưởng là do tôi say mê mà tự học thôi. Năm 1956, khi vừa nhập học vào khoa Sáng tác, Trường Âm nhạc Việt Nam, tôi đã viết giao hưởng "Tiếng võng ru" cho piano, rồi giao hưởng kịch múa "Hái hoa dâng Bác", bản Côngxéctô "Niềm vui trở lại đội ngũ", thơ giao hưởng "Tuổi trẻ anh hùng"... Tác phẩm "Hái hoa dâng Bác" còn là bản giao hưởng đầu tiên của Việt Nam được Dàn nhạc Giao hưởng đầu tiên Việt Nam biểu diễn sau khi thành lập. Tôi cũng là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên có CD nhạc giao hưởng bán trên thị trường. Cùng lớp với tôi có các bạn Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Ngô Bình, Hồng Đăng, Nguyễn Thành… Tất cả họ đều thành công rực rỡ ở mảng ca khúc. Nhưng tôi lại có một niềm đau đáu với khí nhạc, dẫu biết rằng đó là con đường gian khó. Tôi không nói tôi không được thừa nhận, mà là người ta cứ cố tình "lờ" tôi đi.

- Đến nay nhiều bạn bè, thậm chí học trò của ông đã có được những giải thưởng do Nhà nước trao tặng, còn ông thì vẫn lặng lẽ ôm gia tài giao hưởng của mình và có lần  đã phải thốt lên đầy ngậm ngùi "Tôi đã bị bỏ quên"?

+ Chuyện này tôi không muốn nhắc lại nữa. Tôi chỉ muốn nói rằng, lần đầu tiên họ quên tôi thì tôi còn chấp nhận được, là vì có thể do thiếu sót, vì lần đó họ quên cả nhạc sĩ Văn Chung, Vũ Trọng Hối…, nhưng đến lần thứ 2 thì tôi cho rằng đã có một sự cố ý nào đó. Tôi tự nhủ rằng, không bao giờ tôi làm bản đăng ký nữa.

- Đi học ở Nga về, ông được phân công Chủ nhiệm khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy, rồi Phó giám đốc Nhạc viện Hà Nội, đùng một cái ông chuyển sang làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội. Phải chăng chính điều này đã khiến ông xa rời đời sống sáng tác, khiến người ta nhớ tới ông là một… quan chức hơn là một nhạc sĩ?

+ Quả thật, quyết định đó của tổ chức chính tôi cũng bất ngờ. Tôi mất nửa năm lừng khừng để "chạy chọt" bằng cách viết đơn, rồi xin gặp trực tiếp bác Tố Hữu, bác Hoàng Tùng, rồi ông Trần Tuấn, Mười Hương để xin được ở lại trường tiếp tục công tác giảng dạy và sáng tác, nhưng không được. Các đồng chí ấy nói với tôi về ý thức Đảng viên: "Đảng dùng người có chuyên môn vào việc chuyên môn, đồng chí lại từ chối là thế nào?". Bạn bè thì bảo: "Người ta chạy để được làm quan không được, anh lại từ quan". Nói thế để thấy tôi là người tâm huyết với nghề, nhưng tổ chức đã quyết định thì phải chấp hành. Đúng như bạn nói, làm "quan chức" rất nhiều sự vụ, họp hành, nhiều việc không tên thành ra không có thời gian viết tác phẩm lớn. Đúng là phải rất có nghị lực mới có thể có thời gian dành cho sáng tác. Năm 1990 tôi vẫn có một kịch hát công diễn, đó là vở "Xin lĩnh án tử hình" (vở diễn đoạt Huy Chương Vàng Hội diễn nghệ thuật kịch hát năm đó).

- Với kinh nghiệm của một người thầy và một người sáng tác giao hưởng, ông có thể lý giải tại sao các học trò của mình sau khi ra trường chẳng mấy người đoái hoài tới khí nhạc - thể loại âm nhạc vốn được xem là cốt cách của nền âm nhạc hiện đại của một quốc gia?

+ Nhạc giao hưởng bắt đầu ở châu Âu từ thế kỷ thứ 16 và đến thế kỷ XX bắt đầu chuyển biến. Trong khi đó, chúng ta mới chỉ được tiếp cận loại hình âm nhạc này từ thế kỷ XX. Vì thế, cái cũ chưa bám chắc, thì đã phải chuyển đổi nên nhiều người học xong, thậm chí học ở nước ngoài về nhưng không viết được vì không biết theo cái nào, lấy cái nào làm chuẩn đổi mới đến đâu, có người vừa đổi mới một tí đã tắc tị. Còn có một lý do… thực dụng hơn, đó là: Viết ca khúc có tiền, lại có tiếng. Viết giao hưởng không có tiền, lại không ai biết thì tội gì. Ngay như tôi đây, nếu như không có được vài bài hát như "Sa Pa thành phố trong sương", "Vườn nhãn quê hương", "Ngôi sao Hà Nội"… thì có lẽ cũng chẳng mấy ai biết tôi là… nhạc sĩ. Hơn nữa viết một bản giao hưởng có khi mất hàng năm, viết ca khúc có khi chỉ mất một đêm. Vì thế, tác phẩm khí nhạc đôi khi chỉ còn là mơ ước tinh thần của nhạc sĩ chứ họ ngại không dám bước vào. Đó là một thực tế hết sức đau xót của âm nhạc Việt Nam. Một nền âm nhạc chỉ có ca khúc là nền âm nhạc không đầy đủ.

- Viết khí nhạc vốn chẳng có tiền, danh tiếng cũng không, vậy thì tại sao ông vẫn đắm đuối viết thế?

+ Đấy, khổ thế chứ. Nhưng "đã mang lấy nghiệp vào thân", niềm đam mê đã ăn vào máu rồi. Tôi cứ viết như thể để cho thỏa. Và đã là đam mê, thích thú thì không tính toán thiệt hơn. Mới chỉ có khoảng 1/4 tác phẩm của tôi mới được dàn dựng nhưng tôi sẽ vẫn viết tiếp. Hiện nay tôi đang được thành phố Hà Nội đặt hàng viết hai bản giao hưởng chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và tôi đã viết gần xong. Đó là bản giao hưởng 5 chương "Không chỉ là huyền thoại" và bản Côngxéctô 3 chương viết cho Violin và dàn nhạc có tên "Đây sông Hồng sông Cái". Tôi cũng không nhận tiền trước, cũng không có thoả thuận gì về tiền nong. Tôi bảo với mấy anh trên thành phố rằng, cứ để tôi hoàn thành tác phẩm, rồi các anh cho tôi bao nhiêu thì cho. Tôi muốn mình không chịu bất cứ áp lực nào về tiền bạc khi sáng tác.

Xin cảm ơn nhạc sĩ Vĩnh Cát!

Nguyệt Hà (thực hiện)
.
.
.