Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Cuối chiều vẫn vọng "dư âm"

Thứ Năm, 20/09/2012, 08:00

"Buồn lắm cháu ạ. Bây giờ bệnh tật, bác chỉ sợ đi lại trong nhà lỡ ngã, chết mà không ai biết" - Giọng người nhạc sĩ lừng danh như lạc đi. Trong căn nhà nhỏ cũ kỹ, ngổn ngang đồ đạc lưu giữ ký ức một thời, nhắc chuyện xưa, kể chuyện nay, giọt nước mắt cô đơn chợt trào trong đôi mắt hoen mờ. Tôi nắm lấy tay ông. Bàn tay từng viết nên những nhạc phẩm đi cùng năm tháng. Bàn tay nhăn, gầy, run run giữa một chiều Sài Gòn nổi gió...

Phía sau song cửa…

Căn nhà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nằm trên đường Trần Khắc Chân, quận 1, trong con hẻm ồn ã thanh âm. Cuộc trò chuyện giữa tôi và nhạc sĩ liên tục bị đứt đoạn bởi tiếng hàng xóm, tiếng chó sủa, tiếng rao gánh hàng rong... dội chát chúa vào khung cửa. Khó chịu, nhiều lần tôi xin phép đóng cửa để không gian yên tĩnh hơn nhưng ông cứ gạt đi, bảo để kệ thế. Chốc chốc, mỗi khi nghe tiếng xe máy đầu hẻm vọng lại, người nhạc sĩ già lại ngừng chuyện, buông chén trà, ngẩng đầu gióng mắt về song cửa như chờ đợi ai, như trông ngóng gì. Rồi khi chiếc xe ấy lướt qua, hay dừng bánh trước căn nhà khác, ông buồn bã lắc đầu. Tôi thắc mắc: "Bác ngóng ai vậy ạ?". Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nhìn tôi, giọng tủi hờn: "Bác ngóng xem người ta có vào nhà mình không? Nhưng ngày nào cũng thế, cả nghìn lượt ngóng chờ… thất bại. Người ta có đến nhà mình đâu, người ta vào nhà người khác".

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vào Sài Gòn năm 1976. Sài Gòn thức hoài không ngủ. Sài Gòn mê hoặc bước chân người nhạc sĩ tài hoa. Ông đến đây, yêu và hòa mình vào cái náo nhiệt của thành phố trẻ này.

Nhưng khi nắng chiều của đời người đã chông chênh, ông như bị bật ra khỏi chốn phồn hoa đô hội ấy. Cách đây mấy tháng, người con riêng mà ông hết mực yêu quý của bà vợ sau đột ngột qua đời vì tai biến mạch máu não. Cha mất, mẹ mất, vợ mất rồi con mất… Nỗi đau chồng chất nỗi đau khiến ông gần như quỵ ngã. Nước mắt chỉ còn biết nuốt vào trong. Con ở xa, căn nhà lẻ bóng. Bệnh tật, neo đơn cô lập ông trong vần ký ức cũ. Hai lần bị tai biến đã khiến ông bị liệt nửa người, gần như chỉ nằm một chỗ. Ngày ông phải uống hai liều thuốc hạ huyết áp và đủ loại thuốc men cho tuổi già. Hôm tôi đến, lúc ấy gần 4 giờ chiều, ông vừa ăn dở tô miến. Tôi phụ ông lấy cái ly, cái muỗng, hũ sữa ong chúa… Chừng ấy việc lặt vặt thôi nhưng hằng ngày ông phải dò dẫm, run rẩy với cây gậy để đi tới đi lui mấy chục bận. "Mấy hôm rồi cô giúp việc về quê, bác càng vất vả, không biết xoay xở làm sao. Ăn uống bữa được bữa mất vì có ai mua đâu mà ăn".

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trước bàn thờ hai người vợ.

Nhạc sĩ bảo: "Hết nằm lại ngồi. Hết xem tivi lại đọc báo để giết thời gian. Nhưng rồi ngày nào cũng thế nên chán lắm, buồn lắm". Thời gian dằng dặc. Ông đếm từng phút, từng giây… khắc khoải. Cũng chẳng biết mình đã lẩm cẩm hay chưa? Nhiều khi, thức dậy thấy bụng đói liền gọi cô giúp việc cho mình ăn cơm trưa. Gọi một hồi không thấy ai đáp, nhìn kỹ mới giật mình khi đồng hồ chỉ 12 giờ đêm. Rồi cứ thế trằn trọc đến sáng.

Cách một song cửa, ngoài kia là thế giới ồn ào, đông đúc, trong này là bốn bức tường cô độc, u hoài. Cho nên ông thèm lắm. Thèm tiếng người!

Khi nhà ai lúc nào cũng kín cổng, cao tường để tránh xa những âm thanh chát chúa, xô bồ thì các cánh cửa nhà ông đều mở toang để "đón" nó. Trong nhà, chiếc tivi lúc nào cũng mở. Căn nhà ồn ào. Dù rằng thanh âm ấy không dành cho riêng mình, ông vẫn bám vào như một niềm an ủi.

Ai hẹn ông, ông khấp khởi lắm, nhớ như in cái giờ người ta hẹn để quần áo chỉnh tề, ngồi bên song cửa mà ngóng như ngóng khách quý. Một nghệ sĩ trẻ kể với tôi rằng, có lần anh trễ hẹn, ông giận, mắng một trận nên thân rồi đuổi về. Nhiều người bảo ông khó tính nhưng anh hiểu, ông thương người ta nên ông mới mắng, mắng để người ta tập đúng giờ. Cũng có khi, đôi vị khách hẹn nhưng không đến. Ông giận. Giận lắm. Có cái gì đó bẽ bàng, đắng ngắt sau một ngày sốt ruột ngóng trông.

Dạo khai mạc triển lãm "Tâm và tài - Họ là ai?" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á hồi đầu tháng 5 ở Nhà văn hóa Thanh Niên, tôi thấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong những nhân vật đến dự sớm nhất. Khó nhọc nhấc từng bước trên cây gậy bốn chân, người dìu, người đỡ, ông vẫn hồ hởi đến bắt tay, thăm hỏi bạn bè. Lúc thì bên nhạc sĩ Phạm Duy rôm rả chuyện trò, lúc cùng GS Trần Văn Khê chụp hình lưu niệm… Nghe tôi nhắc lại, ông cười hiền: "Ừ, lần ấy vui như Tết, lâu lâu bác mới được một dịp gặp nhiều anh em nghệ sĩ như thế, không vui sao được?". Nơi nào càng đông vui ông càng thích. Gặp bạn bè để nâng ly bia, chén rượu. Bệnh tật thì đã sao? Cứ vui cái đã.

Ham vui là thế nhưng cái thân đau yếu không cho ông ra khỏi cửa hít thở khí trời, huống hồ là đi chơi. Hiếm hoi lắm, chàng rể mới chở ông đi gặp bạn bè. Tháng chỉ có vài người đến thăm. Buồn quá nên ngày ngày, ông vẫn ngồi đó, ngóng những hình dung lướt qua song cửa, mong họ dừng chân gõ cửa nhà mình…

Khi tình yêu vẫn đầy

Đã lâu rồi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không sáng tác nữa. Từ sau cái đận phải nhập viện do tai biến lần 2 khi viết trường ca "Mười bông hoa trinh liệt giữa ngã ba Đồng Lộc" năm 2006, ông thôi hẳn. Nốt nhạc thỉnh thoảng vẫn bật ra trong đầu nhưng bệnh tật tuổi già khiến ông chỉ còn nhớ tiếc. Bên góc giường, cây đàn organ cũ kỹ nằm im ỉm, đàn tì bà pha màu thời gian trên vách tường ngại vương tiếng.

Người đi sau bao giờ cũng đau khổ hơn người đi trước. Đến nay bà Bạch Lê - người vợ sau đã mất gần tám năm. Tám năm trời ông lủi thủi một mình trong căn nhà lạnh lẽo, vắng bóng người. Những lúc nhớ quá, ông lại lọ mọ đốt nhang, ngước lên bàn thờ mà thầm thì chuyện trò với hai bà.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã 87 tuổi, dễ xúc động, thèm tiếng người, thèm những cuộc vui. Và khát khao tình yêu vẫn dâng đầy: yêu đời và yêu người. Trong cái dáng tiều tụy, mái tóc bạc phơ ấy ẩn chứa tâm hồn của chàng trai trẻ năm nào. Rung cảm của trái tim bật lên những tuyệt phẩm làm mê đắm nhân gian. Tình yêu với ông là không phân biệt tuổi tác, là nhớ, là thương thật nhiều. Nhớ thương ngục tù, đau khổ tâm trí. Dáng hình người con gái ông yêu cứ ám ảnh. Đêm, người con gái đi vào giấc mơ. "Lúc là hình ảnh gương mặt mờ nhạt. Lúc lại vụt lên, thấy rõ bóng dáng, hình hài".

Bạn bè vẫn đùa Nguyễn Văn Tý là nhạc sĩ "chuyên trị về phụ nữ". Ông chỉ cười. Chẳng biết ghét hay thích cụm từ bông lơn đó. Nhưng nhắc đến phụ nữ, đôi mắt ông long lanh: "Họ đẹp lắm, đáng trân trọng lắm! Lúc nào bác cũng tôn thờ họ!". Có lẽ vậy mà những bóng hồng đi vào nhạc phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý như: "Mẹ yêu con" (1956), "Tiễn anh lên đường" (1964), "Bài ca năm tấn" (1967), "Bài ca phụ nữ Việt Nam" (1970), "Cô nuôi dạy trẻ" (1980), "Dáng đứng Bến Tre" (1981)… luôn là những giai nhân rất đỗi dịu dàng, thanh cao.

Trong ca khúc "Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh", một trong chùm tác phẩm vinh danh nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong đợt trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000, có đoạn: "Ai hôm nay ra khơi buông lưới. Mà nhìn chi mãi con tàu vào bờ. Nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa. Thương con đò cắm con sào đứng đợi". Đó là hình ảnh của một người con gái, là day dứt, dư âm mối tình tuổi trẻ còn ám ảnh ông đến tận bây giờ mà có lúc ngỡ trôi vào quên lãng. Ngày ấy, có cô thôn nữ tên Báu ở Thanh Chương thầm thương trộm nhớ chàng nhạc sĩ cùng xóm chơi đàn guitar trên căn gác gỗ. Cô hay viện cớ sang nhà chơi với em gái của chàng để nghe tiếng đàn. Mẹ Báu biết, bà cấm vận hai người. Mãi đến 15 ngày sau, nhạc sĩ mới gặp cô đang đi chợ, người xanh như tàu lá. Ông thương lắm nhưng không dám gọi. Sau này, khi đã có chồng, Báu mai mối cho ông cô gái ở xóm trên. Ngày gặp cô gái, nhạc sĩ lúng ta lúng túng, sau cũng lấy hết sức can đảm trò chuyện. Nhưng cô gái dệt vải nghe ông nói câu nào cũng tủm tỉm cười chứ không nói năng gì. Thất vọng, ông về Hà Nội, không lời từ biệt. Hơn 20 năm sau, một vị đạo diễn trẻ tình cờ gặp ông, hỏi: "Anh có phải là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý?". "Đúng. Có chuyện gì không anh?". "Anh có một cái tội rất lớn". Nói rồi đạo diễn bỏ đi thẳng. Ông chạy theo hỏi: "Anh nói xem tôi có tội gì?". "Tội của anh là để o (cô) tôi chờ đợi anh 18, 19 năm trời. Ai hỏi o cũng bảo đã có chồng". "O nào?". "Người con gái dệt vải năm xưa…".  Như chết lặng, ông không thể ngờ, nụ cười tủm tỉm ngày trước là cái gật đầu đồng ý. Gần 20 năm trời, cô chôn vùi thời con gái vì một chữ "thương" vô vọng với một người con trai không hứa hẹn điều gì. Nhiều lần, ông về lại bến sông xưa tìm cô nhưng tin tức vẫn bặt tăm.

Trên vách tường, tình khúc "Dư âm" được đóng khung trang trọng treo gần kệ tủ. Tình khúc làm đắm lòng bao người viết nên từ một chuyện tình nên thơ mà dang dở hẳn nhiều người đã biết. Ông buồn, bảo duyên tình mình sao cứ long đong, lận đận. Thời ấy, yêu nhưng nào dám ngỏ, nào dám cầm tay. Ánh mắt, nụ cười đã nói hộ lời tỏ tình rồi.

Đến tận bây giờ, khi mái đầu bạc trắng thời gian, những xao xác thuở ban đầu vẫn vẹn nguyên và trong trẻo. Phải chăng vì lẽ đó mà tình khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong trẻo vô ngần nhưng luôn man mác một nỗi sầu cố hữu?

Bây giờ trong ngôi nhà lạnh lẽo, ông chỉ mong được ai đó chăm sóc, quan tâm và trò chuyện hằng ngày. Một tình yêu? Hay đơn giản là một tình thương? Tôi không biết. Nhưng tôi biết một đời làm nên những tác phẩm đi vào lòng người, phía cuối chiều, ông muốn neo mình giữa cuộc đời này. Thế nên, cứ chiều chiều, bên cạnh cái tivi không ngớt tiếng, người ta thấy có một nhạc sĩ già ngồi lặng lẽ trên bộ ghế cũ kỹ. Đôi mắt vẫn ngóng qua song cửa như chờ đợi, nhớ nhung nhiều lắm một điều gì…

Quỳnh Nga
.
.
.