Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Quyết không sống... nhạt

Thứ Hai, 23/03/2009, 09:00
Trong các trang viết của mình, nhà văn Phạm Ngọc Tiến thường tự nhận mình "đến già vẫn là kẻ rong chơi vô tích sự". Phần lớn bạn bè anh đều có chung cảm nhận rằng, lúc nào cũng thấy Phạm Ngọc Tiến như đang rong chơi, đang "bù khú" với bạn bè, em út. Để rồi lại tự vấn rằng không biết "thằng cha ấy" làm việc vào lúc nào mà sách, truyện, phim ảnh cứ ra ùn ùn?

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến hình dong xù xì, nói năng bụi bặm, văn chương thô mộc mà nhiều khi đọc xong vẫn thấy gai người, nhưng cái tình đọng lại luôn thật ấm áp, hiền hòa.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến nhiều bạn. Bạn văn và bạn rượu ở khắp nơi, từ Nam chí Bắc; từ miền ngược Hà Giang, Tuyên Quang cho tới miền xuôi Nam Định, Thái Bình; từ miền núi Sơn La, Điện Biên cho đến miền biển Hải Phòng, Quảng Ninh...

Dạo trước, nhiều lần tôi ghé thăm phòng làm việc của anh và đồng nghiệp là nhà văn, nhà biên kịch Thùy Linh, luôn bắt gặp can rượu để chềnh ềnh ngay cạnh lối đi. Tung tích của nó thường được anh giới thiệu là được tặng từ chuyến đi công tác (mà thực ra chủ yếu là thăm thú, hiếu hỉ) nào đó…

Tháng vừa qua, nhiều lần gọi điện, cộng với hai lần gặp anh ở chỗ "đám" bác Lê Bầu và chị Phương Thanh, anh đều bảo: "Bận lắm! Mấy hôm nữa phải vào Nam dự đám cưới của Hồng Ánh!". Rồi nhân thể tủm tỉm: "Tao mà chết bây giờ, khối em khóc ròng đấy nhé!". Chẳng là tôi muốn gặp anh để nghe anh nói đôi điều về tập truyện ngắn "Thằng mõ trâu" anh vừa trình làng đầu xuân Kỷ Sửu vừa qua. Nhưng vốn dễ dãi, anh bảo: "Mày cứ viết đi, cần gì phải hỏi!".

Đám cưới diễn viên Hồng Ánh với nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Sơn - cặp trai gái tài sắc có nhiều cái lạ và thu hút sự quan tâm của nhiều người. Qua báo chí tôi được biết, phần nghi lễ của đám cưới được tổ chức trang trọng tại một ngôi chùa, còn bữa tiệc tổ chức tại Phan Thiết với danh sách khách mời chỉ gồm 40 người và khách đến dự tiệc được đề nghị mặc trang phục màu trắng.

Vậy là tôi cứ cố tưởng tượng, nhà văn Phạm Ngọc Tiến với cái đầu húi cua, đôi mắt lúc nào cũng mở to nhìn thẳng, gương mặt lúc nào cũng đỏ rựng vì có bệnh tiểu đường và gan mà lại không kiêng được rượu… sẽ ngọ ngoạy đi lại thế nào trong bộ áo quần màu trắng kia? Nhưng thú thực, tưởng tượng mãi vẫn chưa ra và chưa có dịp tốt để hỏi lại anh về chuyện này.

Theo quan sát của tôi, chân dung Phạm Ngọc Tiến được thể hiện chân thực nhất qua nét vẽ của một người bạn anh là họa sĩ Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh): gương mặt lầm lì, hai cánh mũi bạnh ra và cái miệng tuy không cười nhưng lúc nào cũng như đang bỡn cợt điều gì. Còn chân dung đời thường được vẽ chân thực, hài hước và… thú vị nhất qua ngòi bút của nhà văn Nguyễn Quang Lập trong tiểu mục "Bạn văn" trên blog cá nhân lúc nào cũng nóng bỏng các bình luận của ông trong suốt năm qua.

Không phải chỉ có tôi mà nhiều người nhận ra, có một thời gian bỗng dưng Phạm Ngọc Tiến "hiền" hẳn đi, có cái nhìn rất trìu mến với mọi người. Ông cũng gầy hẳn đi. Cái sự "hiền đi" ấy chất chứa cả nỗi buồn của một nghệ sĩ vốn biết mình là kẻ ham chơi (nhưng không sửa được), nay bỗng dưng lâm bệnh nặng để rồi có ý thức thật sâu sắc về sự sống, về trách nhiệm trước gia đình, con cái, người thân…

Quen biết anh đã lâu, không khi nào tôi hỏi về gia đình riêng nhưng có lần trong một câu chuyện, anh nói: "Phải đẻ thưa ra, cho trong nhà lúc nào cũng phải có tiếng trẻ con mới vui!", thì tôi thầm đoán con anh hãy còn nhỏ. Còn cái người mà anh vẫn thường gọi là "Lão Phật gia" kia là người vợ anh thương rất mực. Tôi có biết một số bà vợ có chồng bị tiểu đường. Gì chứ cái khoản kiêng khem bia rượu là các bà ấy "quán triệt" chồng dữ lắm. Chắc hẳn lúc ấy Phạm Ngọc Tiến đang "khắc cốt ghi tâm" lời vợ con dặn dò.

Vẫn biết Phạm Ngọc Tiến là người nói năng thì bụi bặm, đôi khi còn… hơi tục và ngoa ngoắt đấy, đã ghét ai thì như xúc đất đổ đi, nhưng đã yêu ai thì hết lòng trìu mến, khoan dung. Và đặc biệt, anh dành nhiều ưu ái cho các bạn viết trẻ.

Từ ngày biết mình mắc bệnh tiểu đường, hằng ngày nhà văn đi làm sớm hơn. Anh hay ngồi trong căn phòng chỉ có một mình, trầm ngâm đốt thuốc, hoặc là viết cái gì đó trong buổi sáng tinh khôi sau niềm vui đưa con tới trường. Trong phòng làm việc vắng bóng hẳn những chiếc can lớn, bé sóng sánh toàn… rượu nguyên chất.

Anh thường đùa tếu táo trước đám đông: "Văn chương, phim ảnh chả ai biết đấy là đâu. Đến khi đái đường thì… cả nước đều biết!".

Cái sự "giật mình" về chuyện không biết bao nhiêu can lớn, can bé, chai to, chai nhỏ đã đi qua bộ lọc cơ thể, ngấm đến từng tế bào đã làm Phạm Ngọc Tiến "run" khi nghĩ đến chuyện nó sẽ âm thầm hủy hoại cơ thể nếu vẫn tiếp tục nạp vào thứ thức uống ma mị ấy.

Cái sự "sợ" ấy khiến Phạm Ngọc Tiến "cạch mặt" bia rượu được một thời gian, mặc những lời mời mọc, kích bác rằng: "Cái thằng ham sống sợ chết. Cái đồ… đàn bà!". Để rồi sau đó một thời gian, đâu lại vào đấy. Người ta lại thấy Phạm Ngọc Tiến vẫn "hết mình" trong một số cuộc vui, mặc dù vẫn nhớ, vẫn nói với bạn nhậu rằng mình đang… có bệnh cần phải kiêng khem. Người quảng giao như anh, cai được rượu mới là chuyện lạ đời.

Phạm Ngọc Tiến kể về nguyên nhân của sự "tái nghiện" mới thực kỳ khôi, bởi nó bắt đầu từ mong muốn rất… lương thiện. Dạo ấy, không biết có ai mách anh rằng mật bò tót pha với rượu uống có thể chữa được bệnh tiểu đường nên đi đâu anh cũng thủ một cục mật bò tót (nhiều người nghi ngờ là mật trâu, mật lợn) nói là dùng để chữa bệnh bằng cách pha rượu uống. Và đây chính là nguyên do khiến anh "tái nghiện". Bệnh thì bệnh, rượu thì không bỏ được. Nói thế nhưng về nhà vẫn lén lút giấu giếm không dám công khai cái sự uống vì sợ đám vợ con.

Trong chuyến đi Tây Bắc trước tết Nguyên đán vừa qua cùng với hai nhà văn, nhà báo lão làng Xuân Ba và Nguyễn Như Phong, nhà văn Phạm Ngọc Tiến hề hề giơ đống mỹ phẩm Hàn Quốc ra bảo: "Tôi dùng nó để tút tát nhan sắc các ông ạ! Già rồi cuối canh vớt vát được tí nhan sắc nào hay tí ấy!". Nhưng thực ra anh dùng nó để trị cái chứng bong da mặt vì rượu.

Nhà văn Nguyễn Như Phong nghe vậy bảo: "Thằng cha này "ái" rồi. Đàn ông đàn ang gì mà lại cứ đi bôi bôi, xoa xoa cái thứ mỹ phẩm gì đó lên mặt. Kinh chết đi được".

Đống mỹ phẩm của Phạm Ngọc Tiến còn "gây họa" cho Xuân Ba khi trong đống lỉnh kỉnh ấy, nhà báo già không phân biệt được cái nào là kem đánh răng, nên đã lấy nhầm một tuýp kem bôi da của Tiến để… đánh răng! Cũng trong chuyến đi này, theo lời kể của phóng viên Anh Hiếu đi cùng đoàn thì cả tuần liền nhà văn Phạm Ngọc Tiến luôn trong tình trạng… chếnh choáng hơi men.

Tự nhận mình là viết muộn, tác phẩm của nhà văn Phạm Ngọc Tiến xuất hiện nhiều từ những năm 1990 và đoạt một số giải thưởng to có, nhỏ có. Đúng như Phạm Ngọc Tiến từng tâm sự rằng, anh "chọn cách viết mộc, thô, đơn giản đến tối thiểu". Chính sự thô nhám, không cầu kỳ ấy đã tạo ra sự khác biệt, một thứ ngôn ngữ, giọng điệu rất riêng, sống động, chân thực, gần với cuộc đời. Không chỉ "lạ" trong truyện ngắn, những bài báo của Phạm Ngọc Tiến cũng rất vui, nhiều chi tiết rất đời, hóm hỉnh được nhiều người thích.

Nhưng tên tuổi của Phạm Ngọc Tiến được nhắc đến nhiều hơn cả khi tivi chiếu những bộ phim về đề tài nông thôn do anh làm biên kịch như "Chuyện làng Nhô", "Đất và người", "Ma làng", "Gió làng Kình" và cả đề tài thành thị như "Chuyện phố phường"… Cái tài của anh, ấy là xây dựng được những nhân vật rất điển hình như Trịnh Khả, Quềnh, Dỏ, Ló, Tòng, Khuếnh… rất sinh động từ cách đặt tên đến ngôn ngữ, hành động. Các nhân vật ấy được nhà văn nhào nặn thành một quy trình khép kín: từ đời vào phim rồi lại từ phim ra với cuộc đời.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến sinh ra ở Hà Nội nhưng lại là người nặng lòng với đất quê. Quê cha đất tổ ở Thường Tín (Hà Tây cũ) tuy chỉ còn lại mộ phần mộ ông bà cha mẹ nhưng anh tâm sự rằng mình rất chăm về quê. Với những nhân vật đậm đặc chất quê, Phạm Ngọc Tiến đã phần nào giúp cho khán giả được thư giãn mà vẫn nói được những vấn đề sâu sắc.

Có một điều thú vị là, Phạm Ngọc Tiến tỏ ra cực kỳ "có nghề" trong việc xây dựng những nhân vật "say xỉn" như  nhân vật Chu Văn Quềnh trong phim "Đất và người" (chuyển thể từ tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của nhà văn Nguyễn Khắc Trường), nhân vật Dỏ trong phim "Ma làng" (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trịnh Thanh Phong), nhân vật Khoái trong phim "Gió làng Kình"…

Nhiều người quen biết Phạm Ngọc Tiến đều nói rằng, cứ như thể anh đang áp dụng "kinh nghiệm bản thân" cho những tình tiết cụ thể ấy của nhân vật. Người ta còn nói: "Cái giọng say líu khê nồng kia, nghe ra đích thị là giọng của lão Tiến rồi!".

Cuối năm 2006, nhà văn Phạm Ngọc Tiến cũng "đua đòi" trình làng một thú chơi đang là "mốt thời thượng" của các nhà văn, đó là bờ-lốc (blog) mang tên "Khỉ không đuôi". Đây là blog khá… hiền lành, không dùng làm diễn đàn cho những vấn đề nóng bỏng mà đơn giản anh dùng để đăng tải, lưu trữ những truyện ngắn, tản văn, bài báo… của mình. Cũng có nhiều người tìm đọc và cũng tạo được dư luận chút ít.

Song, chẳng được bao lâu nó đã bị chủ nhân bỏ bê để đi theo các cuộc vui tràn cung mây khác cùng bạn bè. Quên lời vợ dặn, quên lời bạn quý khuyên can, quên nỗi sợ mơ hồ về cái chết… Nhưng người ta nói rất đúng, Phạm Ngọc Tiến không có rượu cứ nhạt nhạt thế nào…!

Việt Hà
.
.
.