Nhà văn Nguyễn Quốc Trung và những phận người bị khuất lấp

Thứ Bảy, 05/11/2016, 08:06
Nguyễn Quốc Trung là nhà văn Quân đội mang hàm Đại tá, trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất, với những trang viết nóng bỏng từ chiến trường Campuchia khi ông cùng đồng đội làm nghĩa vụ quốc tế. Sau 5 tiểu thuyết và 4 tập truyện ngắn, mới đây, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã trình làng tập truyện ngắn thứ 5 có cái tên dài và lạ “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu” do NXB Hội Nhà văn ấn hành quý 3/2016.


Nỗi ám ảnh từ một cuộc chiến tranh

Nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh nhận xét rằng, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã tự thay đổi mạnh mẽ qua tập truyện ngắn “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu”. Không chỉ sự lựa chọn đề tài mà cách thể hiện, từ cấu trúc đến mạch văn cho thấy Nguyễn Quốc Trung đã vượt lên chính mình bằng tác phẩm mới mà ông dày công sáng tác hàng chục năm qua…

Ông quê gốc ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, học hết phổ thông thì gia nhập Quân đội, rời quê hương vào chiến trường từ năm 1974. Nguyễn Quốc Trung là người lính thuộc Sư đoàn 341 chủ lực do Tư lệnh Trần Văn Trân chỉ huy tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975. Hành trình ngắn ngủi cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã trở thành một phần chất liệu sống cho những trang văn về sau của ông.

Đất nước hoà bình thống nhất chưa được bao lâu, chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, Nguyễn Quốc Trung sớm có mặt nơi tuyến đầu, sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Không những trên chiến tuyến rực lửa, Nguyễn Quốc Trung còn cùng đồng đội lưu lại giúp nhân dân nước bạn tiếp tục bảo vệ hoà bình, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại xứ sở Chùa Tháp.

Và ở đó, sự ác liệt cũng không kém khi phải luôn đương đầu với tàn quân Khmer Đỏ rình rập; rà phá bom mìn địch gài lại, khôi phục phum sóc đồng ruộng tan hoang trong mùi hôi thối xác người vì thảm hoạ diệt chủng. Nguyễn Quốc Trung nhiều lúc sát cánh cùng đàn anh Nguyễn Chí Trung đi trực thăng đến điểm nóng Preah Vihear biên giới phía Bắc Campuchia với Thái Lan để mang thực phẩm cung cấp cho các đơn vị bộ đội đứng chân tại vùng núi non hiểm trở này, rồi khi trở về thì máy bay chở thương binh, liệt sĩ lâm nạn sau những cuộc giao tranh.

Ông dấn thân trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam hàng chục năm. Nỗi ám ảnh từ một cuộc chiến tranh khốc liệt đã giúp ông trưởng thành, thấu hiểu phẩm cách người lính tình nguyện Việt Nam, am hiểu con người và nền văn hoá giàu truyền thống xứ Ăngkor để viết nên nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn thấm đẫm chất hiện thực và nhân văn.

Dấu ấn đáng kể đầu tiên của người lính viết văn Nguyễn Quốc Trung là khi truyện “Những tia chớp phía chân trời” được trao giải nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Sài Gòn Giải Phóng năm 1982, thể hiện mối tình đẹp cảm động của một người lính biên giới với cô thanh niên xung phong giữa hoàn cảnh khắc nghiệt nửa hoà bình nửa chiến tranh của đất nước.

Ông sáng tạo không ngừng, tiếp tục đoạt nhiều giải thưởng văn học khác của Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Bộ Quốc phòng và giải Mê Kông. Ông cũng lần lượt trình làng 5 tiểu thuyết: Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Thời chúng mình yêu nhau, Người trong cõi người, Đất không đổi màu cùng 5 tập truyện ngắn: Người đàn bà hồn nhiên,

Trong tiết thanh minh, Đêm trừ tịch, Người đến từ nước Mỹ và mới nhất là “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu”. “Nếu cho phép nói về nghề, tôi muốn nói rằng, truyện ngắn của tôi tiếp thu đặc tính truyện ngắn truyền thống ở cách khai thác chi tiết đắt nhất, bố cục truyện gọn, mang tính bất ngờ, giọng điệu hài hước, châm biếm. Và tôi học được sự cách tân thi pháp của truyện ngắn hiện đại ở tốc độ truyện nhanh, sử dụng nghệ thuật công cụ của kỹ thuật số ở tạo nên mảng màu, cắt lớp” - nhà văn Nguyễn Quốc Trung tâm sự.

Chuyển mình sang những vấn đề thời sự nóng hổi

Với tập truyện “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu”, ông nói: “Đây cũng là tập tôi thấy ưng ý nhất vì đề cập đến nhiều vấn đề nóng hổi đang đặt ra cho xã hội nước ta trong thời kỳ hội nhập, cơ chế làng xã có từ xa xưa tưởng sẽ vĩnh viễn tồn tại, ai dè một chốc bị xé nát. Con người ta được hưởng sự đổi mới của một xã hội cởi mở thì cũng vấp phải nhiều bi kịch. Đây cũng là điều cho văn học khai thác, phản ánh”.

“Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu” là cuộc tự thân chuyển mình sang một hướng khác rõ nét của ông. Nguyễn Quốc Trung nỗ lực đi tìm sự tươi mới về bút pháp trong những đề tài dân sự đời thường gần gũi nhưng góc cạnh và nóng hổi tính thời cuộc.

Thoáng qua có vẻ mang màu sắc thông tấn nhưng càng đọc càng thấy trang văn của ông đậm chất văn học, nghiêm cẩn từng câu từng chữ, nghiền ngẫm và đồng cảm nỗi đau từng phận người hẩm hiu khuất lấp bằng giọng điệu khi phớt tỉnh, khi bi hài, khi chua chát với những phân cảnh được kết cấu chặt chẽ và bất ngờ.

Tác phẩm mới của Nhà văn Nguyễn Quốc Trung vừa ra mắt bạn đọc.

Không phải truyện nào trong tập này của Nguyễn Quốc Trung cũng kết thúc có hậu, mà chính sự bất ngờ đôi khi đã mở cho một nhân vật hiện ra ở một hướng khác, có khi nổi chìm đau đớn hơn nếu không tự thân vượt thoát. Và đó cũng là điểm mở mà nhà văn muốn bạn đọc tri âm cùng tiếp tục đồng hành sáng tạo.

Truyện ngắn hay nhất cũng chính là tác phẩm mà nhà văn Nguyễn Quốc Trung lấy tên đặt cho cả tập truyện và sắp xếp ở vị trí đầu tiên “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu”. Phía sau hào quang một công trình lớn, hiện đại, khơi nguồn cảm hứng sống cho cả vùng châu thổ đồng bằng giàu tiềm năng, nhà văn phát hiện đằng sau đó những góc khuất số phận trớ trêu bị đánh văng ra khỏi đời sống bình thường. Nhiều người hưởng lợi từ công trình, nhưng cũng có những người trở thành nạn nhân vì bị cách ly khỏi ruộng vườn, không tìm được và thích nghi với nghề nghiệp mưu sinh khác.

Nhân vật chính trong truyện “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu” là Út Lỡ, một thôn nữ xinh đẹp, dù gia đình có nhà cao cửa rộng trên phố nhờ số tiền đền bù giải toả từ công trình cầu Rạch Miễu nhưng cô phải sớm bỏ học trôi dạt lên TP Hồ chí Minh làm công cho quán ăn, rồi hành nghề mại dâm.

Trong nỗi uất nghẹn, Út Lỡ đã tỏ bày: “Một gia đình làm ruộng, làm vườn, đẩy lên ở phố, cứ như cá quăng lên khỏi nước, như chim lạc khỏi rừng! Nhà cao cửa rộng nhưng chẳng có việc làm để sống, vậy là lâm vào cảnh đói, anh hai tôi la cà suốt ngày ở quán cà phê, sinh ra nghiện ma tuý, má tôi sốc mà chết, ba tôi buồn quá lấy rượu giải sầu, trong nhà lúc nào cũng nhao lên tiếng quát mắng của ba, tiếng văng tục chửi thề của người anh. Tôi cảm thấy chán nản, phải bỏ học ngang chừng để kiếm sống”.

Tưởng chừng cam chịu phận thấp hèn để sống qua ngày, nhưng không ngờ tận thẳm sâu trong lòng thôn nữ bị mất vườn mất ruộng này ẩn chứa một điều bí mật mà khi đọc đến những dòng cuối truyện làm không ít người phải giật mình.

Đó là khi Út Lỡ liếc xéo cặp mắt màu chì sắc như dao lam và giọng đanh nghiến trả lời người đối diện về hành vi muốn nhảy cầu của cô: “Tôi phải sống để báo thù, cho các người hay, đừng có tưởng dân mất ruộng này tay không bất lực muốn làm gì cũng được đâu. Anh biết vũ khí của con này là gì không? Căn bệnh thế kỷ đấy”.

Thông điệp mà nhà văn Nguyễn Quốc Trung “bắn” đi đa dạng và sắc cạnh, đầy tính cảnh báo. Ông chia sẻ: “Tôi cũng muốn đề cập đến sự tha hoá của con người diễn ra khắp mọi tầng lớp và chính người ta cũng hiểu được điều đó. Đấy cũng là bi kịch của kiếp người.

Truyện “Đời khất thực”, nói về cuộc sống người công nhân hiện nay đang bị lạc lõng tới độ không tiếp cận được văn hoá, sự liên kết giữa giai cấp công nhân với bên ngoài hình như không còn. Và qua nhân vật Mai, cô gái hành nghề khất thực, tôi muốn nhắn gửi, một bộ phận con người ta ăn bám mà không biết mình ăn bám.

Dư âm lối sống, văn hoá dân gian, với những hủ tục, đây đó vẫn bám riết làm băng hoại con người ta. Truyện “Già làng đầu nguồn sông Hinh” chính là tôi muốn nói con người ta muốn tận hưởng hạnh phúc có khi phải vứt bỏ những gì xưa cũ. Hạnh phúc không bao giờ là muộn với con người. Xin chớ tuyệt vọng. Còn truyện “Chàng trai đến từ xứ Phù Tang”, tôi cũng muốn nói rằng có khi thói xấu của người Việt mình làm ảnh hưởng cả đến những người từ nước khác đến”.

Phan Hoàng
.
.
.