Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Người “xương Nam thịt Bắc”

Chủ Nhật, 18/12/2016, 08:00
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Quang Sáng thường tự ví mình như vậy. Bởi vì ông là một người con tuy sinh ra và lớn lên ở miền Nam, nhưng lại có đến gần 20 năm sống và làm việc ở miền Bắc. Ông bảo: “Tôi trưởng thành ở Hà Nội và chỉ ra đó, tôi mới viết văn được”.


Mặc dù cầm bút từ năm 1952, lúc còn ở rừng U Minh thời đánh Pháp khi 20 tuổi, nhưng phải đến năm 1956, khi 24 tuổi, truyện ngắn đầu tiên “Con chim vàng” của Nguyễn Quang Sáng mới được đăng trên tuần báo Văn nghệ. Ông bảo: “Thời ấy, tuần báo Văn nghệ sang trọng và danh giá lắm. Được công bố tác phẩm trên ấy là cả một vinh dự và một niềm vui lớn.

Truyện ngắn đăng xong, người tôi cứ lâng lâng. Tôi cảm thấy mình như có thêm nguồn động viên to lớn để tiếp tục hành trình trên con đường sáng tác, sáng tạo. Truyện ngắn này tôi viết ở số 2 phố Cổ Tân (Hà Nội) đấy, sau 2 năm ra Bắc tập kết”.

Trong nỗi nhớ về số 2 Cổ Tân, ông nói: “Theo tôi được biết, Hà Nội chỉ có 2 phố chỉ có một số nhà là Cổ Tân và Hỏa Lò. Hồi ấy, tôi ở chung nhà với hai nhà văn Nam Bộ nữa là Đoàn Giỏi và Anh Đức. Vì nhà ở kế bên và mặt nhà hướng ra Nhà hát Lớn, nên chúng tôi đều gọi Cổ Tân là “phố nhà hát”. Vì sống gần một môi trường văn hóa như thế nên tôi rất mê âm nhạc, đặc biệt là Bản giao hưởng số 3 của Beethoven. Tất nhiên là cả sân khấu nữa.

Tôi nhớ có dạo xem vở kịch nói “Khúc thứ ba bi tráng” của Đoàn Kịch nói Nam Bộ mà nhớ mãi diễn viên Can Trường – anh là người thủ vai Lênin rất thành công. Thời ấy, Đoàn Kịch nói Nam Bộ cũng có tiếng lắm và 100% diễn viên là những người con của “Thành đồng Tổ quốc”, của “miền Nam đi trước về sau”. Nhiều năm sau, khi đã cao tuổi, trở lại Hà Nội, tìm về “mái nhà xưa”, thấy nó đã bị biến mất, trở thành một nhà hàng trong thời buổi kinh tế thị trường có nhiều biến động xáo trộn, mà lòng tôi buồn không thể tả”.

Nhưng Hà Nội với Nguyễn Quang Sáng không chỉ có thế. Trong nỗi nhớ và câu chuyện về Hà Nội của mình, Nguyễn Quang Sáng thường nhắc đến “mùa thu”, “mấy cái hồ”, “con gái Hà Nội”, “chả cá Lã Vọng”, “đậu Mơ”…

Ông bảo: “Hà Nội có mùa thu, có mấy con hồ đẹp và lạ lắm. Cũng thật đáng nhớ là vào cuối thu đầu đông, Hà Nội lại có thêm hương hoa sữa nữa. Mà với tôi, mùa thu Hà Nội rất đặc trưng và quan trọng. Nó làm tôi bâng khuâng dữ lắm và cảm xúc cũng dạt dào dữ  lắm. Bởi thế mà khi ở Sài Gòn rồi, có năm tôi còn đi Thủ đô đến 6 – 7 lần chơi cho bớt nhớ Hà Nội. Có một thời, người Hà Nội cũng hào hoa và lịch lãm lắm”.

Trong những câu chuyện về ẩm thực và có liên quan đến ẩm thực, ông nhắc đến vài kỷ niệm vừa vui vui, vừa buồn buồn. Ông kể: “Trước khi đi B lần thứ nhất (khoảng cuối 1965 đầu 1966), tôi có đến “mua một cái bàn” (đặt ăn hàng ngày, kéo dài cả tháng ở một cửa hàng ăn uống quốc doanh có tiếng thời đó) và hầu như gặp ai cũng kéo vào ăn uống cốt để vui. Đồ ăn cũng tinh tươm: Có nem, có thịt, có cá, có canh, có cơm… Còn thức uống thì chủ yếu là bia Trúc Bạch, rượu mùi Kim Cúc.

Vậy mà sau một khoảng thời gian “theo dõi” có hệ thống, có người có trách nhiệm và quyền hạn hẳn hoi đến phản ánh với nhà thơ Vương Linh (Chánh Văn phòng Hội Nhà văn) rằng: “Cần phải xem xét lại Nguyễn Quang Sáng! Trong lúc có chiến tranh, cả nước đang khó khăn, cái ông nhà văn này lấy đâu ra nhiều tiền mà ăn uống xa xỉ và hoang tàn đến vậy? Sao ông này chơi sang vậy?  Cứ tiếp tục như vậy là không ổn đâu!”.

Sau, tôi phải giải thích: “Vì sách tôi mới xuất bản, có nhiều nhuận bút, chưa lập gia đình, tính ưa gặp bạn bè và thích ăn nhậu, lại sắp vào chiến trường...” nên mới thoát khỏi “tầm ngắm” của họ và “thoát hiểm” đấy. Vào thời điểm ấy, chuyện bị để ý như thế là hết sức bình thường và không có gì là lạ.

Tôi nhớ có lần nhà văn Đỗ Quang Tiến kể: “Một lần, chúng tôi về quê thăm một người bạn. Anh này rất quý chúng tôi nên đã quyết định thịt một con gà đãi khách. Vậy mà khi đang dùng bữa, một ông trong chính quyền địa phương đến vặn vẹo: “Tại sao hôm nay nhà anh lại thịt gà?”. Chủ nhà bèn nói dối: “Hôm nay, nhà tôi có giỗ bố”.

Ngay lập tức, chủ nhà nhận được lời “cảnh tỉnh” có ý nhắc nhở: “Anh không trung thực rồi. Tôi nhớ rất rõ là ngày hôm nay nhà anh không có một đám giỗ nào cả. Phải gần một tháng nữa cơ…”.

Ông kể: “Một lần trở lại Hà Nội, tôi gọi một chai rượu Tây đắt tiền và gọi một đĩa đậu phụ luộc rẻ tiền để nhâm nhi. Thấy có vẻ hơi trái khoáy, hình như hai thứ ấy không được tương xứng với nhau lắm, chủ quán lắc đầu khó hiểu, tôi phải nói ngay: Tôi mê đậu Mơ từ hồi nào rồi. Vả lại, có ai cấm tôi nhậu kiểu này không nhỉ?”.

Ông kể: “Nhưng tôi nhớ nhất một lần nhà văn Nguyên Hồng đi tìm tôi một ngày vào đầu năm 1960. Với tôi, đây là một kỷ niệm nhớ đời. Ông bảo: “Tao đã đọc mày rồi. Văn của thằng Nam Bộ như mày, lạ đấy!”.

Rồi ông chở tôi bằng chiếc xe đạp “con vịt” cọc cạch (một loại  xe đạp có nước sơn màu xanh, dành cho thiếu niên, do Liên Xô sản xuất) đến một quán mộc tồn vỉa hè. Đây là lần đầu tiên tôi ăn thịt chó, uống rượu có nút lá chuối. Ban đầu, tôi hơi ngại, sau cũng thấy ngon. Có lẽ tôi nhận ra như thế vì cái quan trọng không phải là ăn gì, uống gì, mà ăn với ai, uống với ai chăng?

Sở dĩ ban đầu tôi ngại, cũng có lý do đấy. Vì dân An Giang nói riêng và dân miền Tây Nam Bộ nói chung, rất ít hoặc hầu như không ăn thịt chó. Ở trỏng có một thời, các cụ bảo: “Con gái mà ăn thịt chó thì khó mà lấy được chồng”.

Nhân nhắc đến Nguyên Hồng, Nguyễn Quang Sáng nói thêm: “Tôi viết tiểu thuyết đầu tay có tên “Đất nước” năm 22 tuổi dở ẹt. Và quên nó luôn. Sau đọc Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng mà đâm mê các vị ấy và mới viết văn được đấy. Có thể coi họ là những người thầy đầu tiên của tôi”.

Khi tôi hỏi: “Thế bác có nhớ phim “Chị Nhung” không nhỉ? Sao không thấy bác liệt kê trong sự nghiệp sáng tác của mình?”, Nguyễn Quang Sáng đáp: “Sao lại không nhớ! Nhưng khi kể tên tác phẩm chính đã xuất bản, tôi không nhắc đến kịch bản phim ấy thật, mà chỉ nhắc đến kịch bản phim “Cánh đồng hoang” (huy chương vàng Liên hoan phim toàn quốc 1980, huy chương vàng Liên hoan phim Matxcơva 1981), “Mùa gió chướng” (huy chương bạc Liên hoan phim toàn quốc 1981) thôi!

Kịch bản phim “Chị Nhung” của tôi được dựng tại miền Bắc trong khi tôi đang ở chiến trường miền Nam trong một trung đội văn nghệ gồm Hoàng Việt, Thái Ly…do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (tức Huỳnh Minh Siêng). Đó là một bộ phim truyện nói về một người con gái sống ở vùng tạm chiếm miền Nam đã xuống đường đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sau đó một thời gian, tôi mới được xem lại. Phải nói lần đầu tiên tham gia đóng phim, nữ diễn viên điện ảnh nghiệp dư Ái Vân trông đẹp một cách lộng lẫy, phải không?”.

Ngẫm về xa xôi, ông tâm sự: “Trước 1945, cha tôi là chủ tiệm vàng và là một ông già mê cách mạng, có cảm tình với cách mạng. Ổng là bạn học phổ thông cùng thời với những nhân vật tiếng tăm như Tạ Thu Thâu, Châu Văn Liêm…Ổng thương người và hay ra tay giúp đỡ người gặp khó hoặc gặp hoạn nạn lắm. Đặc biệt là ổng rất thương người có tài. Về mặt tâm tính, tôi chịu nhiều ảnh hưởng của cha tôi ngay từ thuở thiếu thời”.

Nguyễn Quang Sáng là người khắt khe với văn chương và trước hết, ông khắt khe với chính ông. Chính vì thế mà khi suy nghĩ về nghề văn, có lần, ông đã viết: “Tôi cầm bút từ năm 1952, lúc còn ở rừng U Minh thời đánh Pháp. Mãi đến năm 1956, truyện ngắn đầu tiên “Con chim vàng” mới được in trên báo Văn nghệ. Từ ấy đến nay đã hơn 40 năm cầm bút, có được một số tác phẩm, có được vài giải thưởng, nhưng tôi luôn tự hỏi mình đã thật là nhà văn hay chưa? Là lời tự vấn nghiêm túc và khắc nghiệt, tôi đã trả lời, đang trả lời và sẽ trả lời trên trang viết”.

Tôi may mắn được hầu chuyện và hầu rượu ông 3 – 4 lần. Lúc thì ở TP Hồ Chí Minh. Lúc thì ở Hà Nội. Khi thì theo chân nhà văn Hoàng Đình Quang. Khi thì theo chân nhà thơ Trần Ninh Hồ…Tôi thấy ông là một người giản dị, vui vẻ, hào sảng, dễ hòa đồng cùng mọi người.

Nhớ vào khoảng cuối năm 2001, có lần đang nhậu với ông và một số người bạn văn khác ở Hà Nội, có một nhà thơ đang có chân trong Hội đồng thơ Hội Nhà văn đến ôm lấy tôi và nói rõ to trước Nguyễn Quang Sáng: “Xin giới thiệu với anh, đây là người có một tập thơ hay nhất trong năm. Và chúng ta cùng nâng ly chúc mừng!”.

Ông quay ra hỏi tôi: “Ủa, tay này thân với mày lắm à?”. Tôi trả lời: “Cũng bình thường thôi ạ. Nhưng khi bỏ phiếu, anh ấy có ủng hộ em đâu”. Nguyễn Quang Sáng lắc đầu và nói rất thẳng, đúng như tính cách Nam Bộ của ông: “Vậy thì không được. Chơi kiểu ấy, đâu có ngon!”.  

Đặng Huy Giang
.
.
.