Nhà văn Bùi Việt Sỹ: “Ăn” vào hậu vận

Chủ Nhật, 29/05/2016, 08:00
Vào những ngày đầu của tháng 6 năm 1996, cách nay vừa đúng 20 năm, tôi có dịp ăn, ở, đi lại cùng nhà văn Bùi Việt Sỹ những 9 – 10 ngày, theo đúng nghĩa đen, ở một khách sạn tại quốc đảo Singapore. Ban ngày, gần như nghỉ. Sẩm tối, lóc cóc lên ôtô đến một địa điểm đã ấn định, xem quần vợt. Đôi khi hứng lên, lại gọi taxi, mò ra chợ Tiểu Ấn Độ, chợ Tàu làm “ta ba lô” và ngắm nghía hàng hóa...


Hồi ấy, tôi là phóng viên thể thao của Báo Hà Nội mới. Còn Bùi Việt Sỹ là phóng viên thể thao kiêm Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thể thao của Báo Lao động.

Ấy là dịp hai chúng tôi cùng dăm bảy phóng viên thể thao của TP Hồ Chí Minh được Nhà máy Bia Việt Nam mời đi đưa tin, viết bài về giải quần vợt Heineken mở rộng.

Chính vào những ngày tha hương hy hữu này mà chúng tôi có dịp trò chuyện với nhau, tâm sự với nhau và hiểu thêm nhau nhiều lắm.

Tôi để ý thấy Bùi Việt Sỹ thường xuyên ho khục khặc và uống rất nhiều thuốc. Sáng sáng, cứ mỗi khi ăn sáng xong, ông lại đưa cả vốc thuốc Tây vào người. Nhiều lúc, tôi cũng thấy ái ngại cho ông. Tôi nghĩ: Nếu không có sự kiên trì vì sức khỏe và cả “sức khỏe” để uống nữa, thì ông cũng khó mà làm đều đặn mỗi ngày một việc nhàm chán và buồn tẻ đến như thế!

Hỏi thì ông bảo: “Mình lắm bệnh lắm. Nào là hen phế quản. Nào là thấp khớp. Nào là hồng cầu thấp. Có lần còn “dính” chảy máu dạ dày. Vì thế mà hậu quả và di chứng để lại nhiều. Thế hệ mình có nhiều người thể trạng yếu và suy dinh dưỡng nặng. Nhưng còn sống được đến này hôm nay, ơn trời, cũng là may mắn lắm rồi!”.

Khi tôi hỏi: “Tại sao, anh lại nói thế?” thì Bùi Việt Sỹ trả lời: “Năm 1950, lúc mới 4 tuổi đầu, ở ATK Định Hóa (Thái Nguyên), mình bị sốt rét ác tính. Tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. Gia đình tưởng chết, đã chuẩn bị một chiếc chăn chiên để liệm. Trong cơn tuyệt vọng ấy, chẳng hiểu tại làm sao, tự nhiên mình lại mở mắt, quơ tay đòi uống nước, rồi tỉnh dậy và dần dà qua khỏi”.

“Thế cái dạo anh sang Liên Xô thì sao? Chả nhẽ không nhờ thế mà thể lực có dịp được phục hồi sao?” – Tôi hỏi. Bùi Việt Sỹ cười cười: “Mình có đến 5 năm theo học Đại học Văn hóa Công đoàn (từ 1980 đến 1985) ở Leningrad (Saint Petersburg) đấy chứ! Mà được cấp sinh hoạt phí cũng cao, những 150 rúp, hơn hẳn sinh viên ở nhiều trường khác chỉ được có 90 rúp.

Nhưng hồi ấy, chỉ vì thương vợ con ở nhà đói khổ, thiếu thốn, nên cũng như nhiều cán bộ du học khác, máu tích cóp nổi lên. Đa phần bọn mình đều “tiểu tu kiến thức”, “trung tu sức khỏe” và “đại tu kinh tế”. Cũng vì “đại tu kinh tế” mà chúng mình thường xuyên ăn mì ống hầm xương bò ống (loại thực phẩm dễ kiếm và rẻ tiền nhất), không bao giờ dám tơ hào đến rau, hoa quả… nên người nào, người nấy da vàng vọt như bệnh nhân thiếu máu, đến nỗi chi bộ phải yêu cầu (và gần như là đưa vào nghị quyết): “Để đảm bảo sức khỏe, tiền ăn mỗi tháng của mỗi người không được tiêu dưới 25 rúp”. Ngày ấy, đến một gói chè nhúng mà cũng tận dụng đến vài lần. Sau khi đã dùng một lần, có khi còn treo lên tường để tận dụng nhúng thêm một cách hết sức triệt để. Bây giờ nghĩ lại, vẫn thấy thật kỳ cục”.

Như để bù lại những tháng ngày “thấy thật kỳ cục” ấy, sau này, Bùi Việt Sỹ  đã ngồi vào bàn viết và viết liên tục. Trong ba năm (1987, 1988, 1989), ông hoàn thành ba cuốn tiểu thuyết, trong đó có “Người đưa đường thọt chân” và coi “Người đưa đường thọt chân” như là sự ký thác của đời mình.

Bằng thủ pháp đồng hiện, thời gian của tiểu thuyết đã bó tròn 40 năm, tính từ năm 1947 (năm Tây nhảy dù xuống Bắc Kạn) đến năm 1988 (thời kỳ bắt đầu đổi mới ở Việt Nam) với không gian hoạt động của đủ các nhân vật ở đủ màu da. Tất cả lại được bó tròn trong có hai tiếng đồng hồ là khoảng thời gian chờ làm thủ tục gửi hàng về nước của một người Việt.

Qua đó, thấy được đời sống lẫn suy nghĩ, toan tính của người Việt một thời ở Liên Xô cũ. Và người ấy vốn tay trắng lại trở về trắng tay (xoay được tiền để mua hàng, đã khó; mua được hàng theo ý muốn, đã khó; nhưng qua mặt được hải quan, gửi được hàng về nước theo mong ước cá nhân nhằm thu lợi nhuận cao, thậm khó hoặc không thể thực hiện được).

Cái tên của tiểu thuyết gắn với hình tượng một chiếc compa, một chân dài, một chân ngắn và dù chuyển động như thế nào thì nó vẫn quay về chỗ cũ, là thành công về mặt tư tưởng của Bùi Việt Sỹ. Nhưng có lẽ thành công hơn vẫn là khả năng dự báo sự tan rã không tránh khỏi của Liên bang Xô viết. Đối với văn chương nói chung, có được sự tạm coi là dự báo như thế, không phải đơn giản và không phải ai cũng làm được, tác phẩm nào cũng có được.

Sau đó thì ông nghỉ một mạch đến một phần tư thế kỷ, để rồi trong 3 năm (2013, 2014, 2015) cho sinh hạ liên tiếp 3 tiểu thuyết: “Dòng sông chối từ”, “Chim ưng và chàng đan sọt”, “Hai người đàn ông trong đời chị” và tiểu thuyết nào cũng có “sự” cả. Trong số này, “Chim ưng và chàng đan sọt” là tiểu thuyết lịch sử về thời nhà Trần.

Ông bảo: “Trong lịch sử, viết về Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão chỉ có ít dòng. Vì thế muốn viết về hai nhân vật này, ít ra phải biết phục dựng từ chi tiết, giống như người làm sử phục chế một con ngựa đá cổ có khi chỉ căn cứ vào một mẩu chân, mẩu đuôi còn sót lại. Chưa kể, công việc của người viết tiểu thuyết còn khó khăn hơn nhiều là làm sao phục dựng lại được “dấu ấn thời đại”, thổi được “hồn thời đại” vào và làm sao lấy lịch sử để nói được chuyện hôm nay.

Qua “Chim ưng và chàng đan sọt”, tôi cũng muốn lý giải: Chính ý thức thường trực chống giặc phương Bắc, việc triệt để sử dụng nhân tài trong chiến tranh và vấn đề ruộng đất của nông dân sau chiến tranh được đặt ra, được giải quyết hợp tình, hợp lý của ông cha ta mà Đại Việt (lúc ấy chỉ có 3 triệu người) thắng được một đế quốc Nguyên Mông khổng lồ và thiện chiến”. Tôi đã đọc kỹ tiểu thuyết này, thấy đề tài lịch sử, cũng là một thế mạnh sở trường của Bùi Việt Sỹ và “Chim ưng và chàng đan sọt” cũng chẳng hề kém cạnh “Người đưa đường thọt chân”.

“Như vậy là cứ cách 25 năm, ông lại sinh hạ một lứa tiểu thuyết ở dạng sinh ba, đứa nào đứa ấy đều có số phận và cá tính cả. Chả nhẽ ông thai nghén khó khăn đến thế sao? Còn khi đọc chúng, người đọc cảm thấy rất hấp dẫn. Phải chăng sự hấp dẫn này, có nguồn gốc từ sự hiểu biết và trải nghiệm của cá nhân nhà văn?”- khi tôi đặt ra câu hỏi như vậy, Bùi Việt Sỹ trả lời ngay: “Tôi viết văn cũng nhẹ nhàng, không khó nhọc lắm đâu. Vấn đề là lúc nào thấy phải viết, có nhu cầu phải viết thì tập trung cao độ để viết. Tôi nghĩ, bên cạnh sự hiểu biết, sự trải nghiệm, còn cần phải có tư tưởng nữa. Tư tưởng mới là cốt lõi, là cái đầu tiên”.

Trong cuộc đời làm phóng viên thể thao, Bùi Việt Sỹ đã kịp để lại dấu ấn. Ngoài việc đưa tin, viết bài không kể, ông còn mở, giữ và “nuôi” chuyên mục “World cup tranh hùng” thuộc diện “độc nhất vô nhị” đến trên 300 lần trên Báo Lao Động. Ông cứ lấy tích từ “Tam quốc diễn nghĩa” mà liên hệ, mà kết nối với bóng đá. Chuyên mục này thu hút độc giả đến nỗi có đến 3 – 4 người gặp ông để làm luận văn thạc sĩ, từ đó rút ra mối liên hệ giữa văn học và báo chí.

Ngay ở Worldcup gần đây nhất (2014), nhà báo Trương Thu Bình (khi còn là Phó Tổng biên tập Báo Bóng đá) vẫn còn có tham vọng mở lại mục này trên tờ báo của mình. Nhưng rồi, Trương Thu Bình cũng kịp nhận ra: Viết được như Bùi Việt Sỹ là rất khó! Biết kiếm đâu ra một Bùi Việt Sỹ thứ hai nữa!

Đã có mấy lần, Bùi Việt Sỹ than thở với tôi: “Tiếc rằng “Người đưa đường thọt chân” – tác phẩm ưng ý nhất của tôi, lại chưa được quan tâm đúng mức. Có vẻ như nó bị rơi vào im lặng, thật đáng tiếc! Giá như…”.

Tôi chia sẻ: “Bây giờ, số nhà văn, nhà thơ đọc tác phẩm của nhau ít lắm. Tôi biết có khối bạn văn, bạn thơ gặp nhau suốt, thậm chí ăn nhậu với nhau suốt, vậy mà có biết người ở bên mình viết gì đâu, có tác phẩm nào đâu. Cũng thiếu gì người mang tiếng trong ban chấm giải này, ban chấm giải nọ, có khi chỉ bỏ phiếu theo lối “nghe hơi nồi chõ”. Có một người còn bảo: “Tác phẩm này có vấn đề đấy. Rất khó xét giải”.

Khi tôi vặn vẹo: “Thế anh đã đọc nó chưa hay chỉ nghe người khác nói về nó. Thế nhỡ người ta có động thái “dìm hàng” thì sao''? thì người này gãi tai thú nhận: “Đúng là tôi chỉ mới nghe người khác nói mà nói theo”.  Với riêng anh, cuối cùng thì “Dòng sông chối từ”, cũng được trao giải nhất văn học công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động giai đoạn 2010 - 2014; “Chim ưng và chàng đan sọt” cũng được trao giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư 2010 – 2015 của Hội Nhà văn Việt Nam đó thôi. Như vậy, anh cũng là nhà văn “có hậu” và “ăn” vào hậu vận rồi còn gì”. 

Đặng Huy Giang
.
.
.