Nhà thơ Phan Xuân Hạt: Đọc câu thơ tả cảnh, đoán ra tai nạn...

Thứ Tư, 07/10/2009, 14:00
Phan Xuân Hạt là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Ông vừa đi dạy vừa là một thành viên hoạt động trong Chi hội Văn nghệ Liên khu IV.

Hồi ấy, tôi học trường tư thục cấp 2 Nguyễn Huệ. Phan Xuân Hạt dạy văn. Dường như giờ dạy nào ông cũng đọc bài thơ mới làm của ông. Phong trào văn nghệ quần chúng đang rôm rả. Chúng tôi cũng thích thơ của ông viết về đề tài kháng chiến với những địa danh trong huyện: "Chiều Mo Nê", "Dân công trên đường số 7"...

Thầy đọc chậm rãi từng bài. Học trò đua nhau phát biểu ý kiến. Rồi thầy lại đọc cho học trò chép. Bạn Viễn hỏi: "Sao thầy không làm bài thơ về làng Hậu Luật em? Làng em có nhiều chuyện hay lắm, ai cũng tranh nhau đi dân công, phải bình xét tập thể mới được đi...". Bạn nào cũng tranh được nói. Giờ dạy nào của thầy Hạt cũng chiếm hết nửa thời gian bàn về những bài thơ mới của thầy.

Trong lớp có bạn nữ tên là T.T.N. thầy thường cho điểm cao. Các bạn chế giễu: "Thầy Hạt thích cái N. nên cho cái N. điểm cao". Viễn còn nói trắng trợn: "Bài của tao hay hơn bài của cái N. Thầy cho cái N. nhiều điểm hơn, chứng tỏ thầy thích cái N".

Chẳng hiểu là T.T.N. có mách lại với thầy Hạt không mà hôm sau thầy nói trước cả lớp: "Thầy không thiên vị cho ai điểm cao cả. Bài của em N. khá hơn thì thầy cho nhiều điểm hơn". Cả lớp ngồi im lặng, không dám nói lại câu nào.

Hình như T.T.N. cũng muốn khoe với mọi người là thầy Hạt thích mình, yêu mình. Có hôm thằng Viễn nghịch ngợm thò tay vào túi áo N. lôi ra một mảnh giấy. Thì ra mảnh giấy đó là thư của thầy Hạt tỏ tình với N. Thằng Viễn vừa đi vừa đọc oang oang, khiến N. đỏ mặt. Tôi không nhớ rõ nội dung bức thư, chỉ nhớ trọn vẹn được một câu: "Anh năm nay mới mười chín cái xuân xanh...".

Đứa nào cũng nhớ câu ấy. Cho nên khi trêu đùa N., chúng tôi thường đọc "Anh năm nay mới mười chín cái xuân xanh" khiến cho N. đỏ mặt. Từ đó N. không dám gặp thầy Hạt giữa đông người, và khi đi học về N. cũng tách ra đi riêng, không dám đi chung với các bạn nam.

Đến giờ "sinh hoạt văn nghệ quần chúng" trong lớp thầy Hạt đọc một số bài mới làm về cổ vũ cuộc kháng chiến chống Pháp. Hồi đó, chưa có sách giáo khoa. Các thầy dạy văn thường tìm bài dạy trong các báo và các bản in đá do cơ quan tuyên truyền phát như ca dao của Trần Hữu Thung, ca dao động viên tinh thần chống Pháp của nhân dân. Thầy Phan Xuân Hạt không dạy ca dao, không dạy những bài thơ mộc mạc dễ hiểu, mà dạy những bài thật sự có chất thơ.

Một hôm, thầy Phan Xuân Hạt đọc cho học sinh chép và giảng bài "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan. Nguyên do là thế này: Nhà thơ Hữu Loan là thành viên của Chi hội Văn nghệ Liên khu IV, thường làm thơ in ở báo Thép mới của chi hội, ký bút danh là Hữu.

Ông vào họp ở Nghệ An, và viết bài "Màu tím hoa sim" ở Nghệ An để khóc vợ vừa mới mất ở Thanh Hóa. Bài thơ vừa viết xong, chưa in ở báo nào, anh em văn nghệ và nhiều cán bộ đã chuyền tay nhau chép bài thơ vào sổ tay.

Bài thơ phổ biến rất nhanh. Dĩ nhiên là nhà thơ Phan Xuân Hạt cũng chép được. Thầy thích quá, đọc cho học sinh chép và làm bài giảng văn. Lâu lắm rồi, cứ đọc ca dao kháng chiến mãi, không được đọc thơ tình. Bây giờ vớ được bài thơ tình hay, càng truyền đi rất nhanh.

Trong bài giảng, thầy có giảng hai câu, tôi nhớ mãi:

1. Câu thứ nhất: "Các em có biết câu thơ "Lấy chồng thời chiến chinh/ Mấy người đi trở lại" gần giống một câu chữ Hán nào?". Bạn T.T.N. trả lời: "Thưa thầy, có câu chữ Hán gần giống như thế, đó là câu Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi". Thầy cho 8 điểm.

Lúc ra về, thằng Viễn lại lau chau nói với bạn bè: "Nhất định là thầy Hạt  gà cho cái N. thì cái N. mới biết câu đó". Có lẽ là thằng Viễn suy diễn. Hồi đó, đang chiến tranh, phong trào tòng quân rầm rộ, các cụ đồ nho thường nói câu "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi", cái N. nó nhớ được, tức là chính nó biết, chứ không phải do thầy Hạt "gà" cho.

2. "Có em nào biết được người vợ trẻ ở hậu phương chết do tai nạn gì?". Học sinh xung phong trả lời. Người thì bào là chết bệnh. Người thì bảo là chết vì bom đạn. Người thì bảo là chết đói...

Thầy Phan Xuân Hạt từ tốn bảo: "Các em không tinh gì cả. Có hai câu "Gió sớm thu về rờn rợn nước sông" muốn chỉ người vợ này chết đuối. Chúng tôi phì cười, cho rằng thầy suy diễn khiên cưỡng quá đáng.

Tôi cũng cứ đinh ninh là thầy suy diễn khiên cưỡng. Khi hòa bình lập lại, tôi ra Hà Nội công tác, gặp nhà thơ Phan Xuân Hạt ở nhà xuất bản Thanh Niên, tôi hỏi đùa: "Người vợ trẻ ấy chết đuối thật à thầy?". Thầy Phan Xuân Hạt ngượng nghịu trả lời: "Nhắc làm gì cái chuyện cổ tích ấy nữa", tức là ông cũng cho rằng mình sai.

Gần ba mươi năm sau, tôi kể lại chi tiết ấy cho nhà thơ Hữu Loan nghe. Tôi cứ tưởng là ông phì cười, hóa ra ông còn khen ngợi: "Phan Xuân Hạt vừa dạy văn vừa là nhà thơ, nên nó tinh thật. Đúng là nhà tôi chết đuối trong mùa nước sông lên cao. Nhà tôi đi giặt bị trượt chân, rơi xuống vực sông...". Tôi thuật lại câu nói của Hữu Loan cho Phan Xuân Hạt nghe, ông cười hồn hậu: "Hóa ra mình đúng. Thế mà mấy chục năm nay cứ tưởng mình sai".

Xin trở lại câu chuyện cô học trò T.T.N.  Những tưởng cô được thầy Phan Xuân Hạt viết thư tỏ tình thì...

Đùng một cái, thầy Hạt cưới vợ  tên là H.

Phan Xuân Hạt quê ở Yên Thành, xuống dạy học ở Diễn Châu. Vì xa nhà, cho nên phải ở trọ. Có lẽ vì nguyên nhân "nhất cự li nhì tốc độ". Cô T.T.N. chỉ nhìn thấy thầy trong những buổi dạy. Còn người trở thành vợ ông thì có thể gặp lúc nào cũng được. Chị quê làng Phượng Lịch. Con gái Phượng Lịch chuyên làm nghề bông vải tơ tằm, nên da trắng hồng. Chị cũng da trắng hồng, xinh đẹp hơn T.T.N. Thầy không cưới N. cũng không có gì là ngạc nhiên.

Từ đó, trong thơ thầy không có hình bóng T.T.N nữa.

Sau mấy chục năm, gặp thầy giáo cũ, nhắc lại kỷ niệm cũ. Tôi gợi lại câu nói quen thuộc: "Thầy năm nay mười mấy cái xuân xanh rồi?". Nhà thơ Phan Xuân Hạt cười: "À, thế cô T.T.N. bây giờ ở đâu?"

Võ Văn Trực
.
.
.