Nhà thơ Khánh Nguyên: Người của miền thương cảm
- Nhà thơ Hoàng Quý: Những câu thơ vút lên bên bờ sóng
- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Viết như là thở
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Từ bao giờ, chúng ta đã cất đi những giấc mơ?
- Nhà thơ Đỗ Trung Lai: Người tự mình mở một cổng Đường thi
1. Một người bạn của tôi từng có một khoảng thời gian dài là Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, có một cái tên rất con gái: Lê Xuân Ái. Ông Ái là người cởi mở, chân tình và rất yêu văn chương.
Hồi còn tại vị, lâu lâu, ông Ái lại gọi điện thoại cho tôi, trong đó có đến dăm bảy lần hỏi: "Thế ông nhà thơ ấy thế nào? Khỏe không? Có còn hay đọc thơ, hay uống rượu, hay khóc và hay mừng tuổi nữa không? Ông ấy là người hay thật đấy, nhiệt thành thật đấy, rất hợp với tính cách Nam Bộ chúng tôi. Cho tôi gửi lời hỏi thăm nhé!".
Người mà ông Ái rất có ấn tượng ấy là nhà thơ Khánh Nguyên. Và sau chỉ có một lần gặp, cùng nâng ly lên, hạ ly xuống với nhau, mà ông Ái nhớ mãi. Ấy là một lần áp Tết, cách nay cũng đã mười mấy năm rồi, tôi rủ ông Ái sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gặp Khánh Nguyên. Trong bữa nhậu tất niên ấy, Khánh Nguyên sống thật như con người của ông.
Cuối buổi, ông rút ra một xấp tiền, mừng tuổi sớm từng người, từng người một như thể hiện sự quan tâm đến bè bạn. Ông cười: "Vui là chính ấy mà!". Kết thúc cuộc vui, ông đọc bài thơ "Trung du": "Không ngoi lên thành núi/ Không thấp thành đồng bằng/ Cứ chính mình mà sống/ Như trung du ngàn năm" và bảo: "Cả đời tôi tự nhận mình là trung du, chỉ trung du thôi, nhưng quan trọng là "Cứ chính mình mà sống".
Nhà thơ Khánh Nguyên. |
Nhà thơ Đoàn Xuân Hòa - một đồng nghiệp của nhà thơ Khánh Nguyên nhiều năm, nhận xét: "Anh ấy vẫn thế! Trải qua bao nhiêu chức vụ (Quản đốc một phân xưởng Cơ điện nhà máy Đường Việt Trì, Phó hiệu trưởng trường trung cấp Cơ điện Phủ Lỗ, Giám đốc nhà máy Cơ khí đường; Phó tổng giám đốc Liên hiệp mía đường 1; Trưởng ban Cơ điện, Cục trưởng Cục chế biên nông lâm sản và Ngành nghề nông thôn, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), trải qua bao nhiêu năm (từ những năm 60 của thế kỷ trước đến mười mấy năm đầu của thế kỷ này), tính anh ấy vẫn thế, chẳng bao giờ thay đổi và khác đi được.
Đoàn Xuân Hòa nói thêm: "Còn với bạn bè và đồng nghiệp, Khánh Nguyên là con người tuyệt vời. Chẳng bao giờ đắn đo, toan tính gì đâu. Với anh ấy, tình bạn bè là quan trọng. Có lần, vì quá chén, anh ấy về nhà, mùi rượu nồng nặc trong hơi thở. Khi thấy bà xã tỏ ý trách cứ, anh ấy nói: "Mãi đến năm 40, anh mới có em. Còn khi mới đi men chân giường, anh đã có bạn rồi. Cho nên, dẫu có thế nào thì… cũng thông cảm cho nhau nhé!". Có lẽ vì rất hiểu chồng, quen với cách sinh hoạt và hành xử của chồng, nên vợ anh ấy đã… bỏ qua".
Nghe chuyện này, tôi chợt nhớ đến bài thơ "Con mèo" của nhà thơ Pháp Apollinaier:
Cầu cho có được trong nhà
Một người đàn bà biết lẽ phải
Giữa đống sách một chú mèo đi qua
Bạn bè thì bốn mùa
Nếu không làm sao ta sống nổi.
Có lẽ Khánh Nguyên cũng trùng khớp với Apollinaier ở ý nghĩ và tâm trạng này. Với ông, nếu không có bạn bè bốn mùa, cũng có thể "làm sao ta sống nổi".
2. Khánh Nguyên tên thật là Nguyễn Ngọc Khanh. Ông người gốc Hà Nam, là "dân" Bách khoa, chuyên ngành chế tạo máy chính hiệu. Hồi còn làm việc ở Nhà máy đường Việt Trì, ông từng là ủy viên BCH Hội văn học nghệ thuật Vĩnh Phú.
Tính đến nay, ông đã cho xuất bản 4 tập thơ (in chung và riêng): "Lời từ đất", "Nắng lên cao", "Tranh trên đất", "Chân trời". Ông có suy nghĩ về nghề văn thật giản dị, chân thành: "Tôi là người mấy chục năm đi làm quản lý, nay đã nghỉ hưu, mọi sự đã đi qua. Nghề văn để lại cho tôi những đứa con tinh thần". Một người trân trọng nghề văn như Khánh Nguyên, coi những sáng tác văn chương là "những đứa con tinh thần" còn "để lại", thì cũng thật hiếm hoi!
Ông nhớ lại: "Tôi có thơ đăng báo từ năm 1956, lúc 14 tuổi. Năm 18 tuổi (1960), tôi được Sở Văn hóa Hà Nội trao một giải thưởng về sáng tác thi ca. Đó là những kỷ niệm ban đầu đáng nhớ của tôi. Sau này, tôi làm thơ "có cơn", có hứng thì viết, không hứng thì thôi, không bao giờ có ý định "gò ép" mình để… ra thơ. Với tôi, thơ chính là đời sống, sự trải nghiệm. Nếu không có đời sống, không có sự trải nghiệm thì không có thơ".
Khi tôi hỏi: "Vậy khi làm thơ, ông vị nghệ thuật hay vị nhân sinh?" thì Khánh Nguyên trả lời: "Làm thơ mà đúng là thơ thì đã chạm đến nghệ thuật rồi. Còn làm thơ để gửi gắm một cái gì thì đã chạm đến nhân sinh rồi. Vậy thì bàn "vị" này, "vị" nọ, làm gì nữa!
Theo tôi, thơ phải giống như một con lắc, luôn dao động và phải luôn tồn tại ở khoảng giữa của nghệ thuật và nhân sinh, thiên quá về phía nào, cũng không ổn. Thêm nữa, thơ rất cần sự hữu ích và phải được bừng rộ từ xúc động thật và xúc động đến từng khoảnh khắc. Về điểm này, tôi rất thích quan niệm của nhà thơ Thi Hoàng: "Nếu thơ anh làm ra đẹp như gạo, nhưng lại là gạo ni lông không ăn được, thì phỏng có ích gì?". Bổ sung thêm ý này, tôi nhớ cách nay đã lâu lắm rồi, nhà thơ lớn Chế Lan Viên từng khuyên những nhà thơ trẻ (đại ý): "Câu thơ cần có ích/ Hãy bắt đầu từ đấy mà đi!".
Có lẽ vì quan niệm thơ như thế, phải như thế, nên thơ của Khánh Nguyên luôn như thăng hoa từ sự chân thành như con người ông vậy.
Khi tiễn đưa nhà thơ Nguyễn Thái Vận, Khánh Nguyên viết:
Thơ tao viết có thể còn thể mất
Sao anh em bè bạn nỡ quên mày
Tao xin cắm một cành lên trang viết
Để những thằng bất diệt sống muôn năm.
Khi băn khoăn về thơ, Khánh Nguyên viết:
Điện bao cấp tù mù đom đóm đực
Thơ bây giờ đỏ được mấy số không
Gió đồi cọ rì rào lên trang viết
Tao với mày đổi được cái gì không?
Đến khi nghỉ hưu, phần đạo và phần đời trong thơ Khánh Nguyên như hòa quyện vào nhau để thành một:
Bây giờ bạn thật bạn
Không lăm le ghế ngồi
Chiếu trải trên đồi mát
Lũ trẻ trâu kia ơi
Trăng như đang gieo hạt…
Cũng vì sự thành thực đến tận đáy lòng, mà ở ngay những câu thơ ngỡ như còn vụng về ở câu chữ, đọc lên, vẫn thấy chấp nhận được Khánh Nguyên:
Chị đau không biết bệnh gì
Thương con, thương cháu, thương vì…cả em.
3. Tôi hỏi nhà thơ Đoàn Xuân Hòa: "Nghe nói, ông Khánh Nguyên có một câu thơ: "Chiếc dùi cắm xuống đất ở" được một số người khi vui lên hay nhắc đến?", nhà thơ Đoàn Xuân Hòa trả lời: "À, đó là một câu thơ trong bài "Với con". Câu ấy nằm trong một khổ thơ: "Bạn bè đỡ như rui mè/ Chiếc dùi cắm xuống đất ở/ Thương nhớ suốt đời con nghe".
Đó là "dấu ấn" của một thời anh ấy toàn ở nhà tập thể và nói như các cụ nhà ta là chưa bao giờ có một tấc đất để cắm dùi. Cho đến khi mua được một ngôi nhà trên mặt đất, thì anh ấy thấy thỏa mãn và liền làm bài thơ trên. Nhưng anh ấy cũng tin người lắm. Mua nhà mà chả xem xét kỹ lưỡng hiện trạng gì cả. Mua xong mới biết nó nằm trong khu thuộc diện quy hoạch. Sau này, nó bị giải tỏa và lúc được đền bù thì số tiền thu lại chẳng được bao nhiêu".
Vì là con người nhiều nét bè bạn, không thế sống thiếu bè bạn, nên khi nghỉ hưu, Khánh Nguyên vẫn không muốn tách rời khỏi các hoạt động xã hội. Ông tham gia Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam với cương vị Chủ tịch và kiêm thêm Tổng biên tập Tạp chí Công nghiệp nông thôn. Có lẽ vì có gốc gác là nhà thơ, nên Khánh Nguyên vẫn đưa vào tạp chí do ông phụ trách 2 trang văn hóa, xã hội thường xuyên đăng thơ giữa 70 trang dày đặc những bài viết về "kết quả nghiên cứu", "khảo sát lý thuyết", "nghiên cứu ảnh hưởng", "mô hình xác định", "mô hình hóa và mô phỏng…".
Mấy lần đến thăm trụ sở mới - nơi gắn kết sau khi nghỉ hưu của Khánh Nguyên ở 102 Đường Trường Chinh (Hà Nội), tôi thấy bè bạn hay nhắc đến bài thơ "Mía" của ông. Toàn bài thơ "Mía" có cả thảy 14 câu lục bát, đọc lên thấy rất "vào".
Nhưng "vào" nhất là ở những câu: "Một thân không bấu víu cành/ Bao nhiêu hàng xóm bỗng thành anh em" và "Khi còn là hạt đường thôi/ Lại tan trong nước như người vô danh". Tôi tin: Nếu không gắn bó với ngành mía đường thì Khánh Nguyên không có được những câu thơ như thế. Tôi tin: Ông đâu chỉ viết về mía, về đường.
Mía, đường chỉ là cái cớ để ông làm thơ thôi. Nhìn "xã hội mía", "xã hội đường" mà liên hệ được, mà ra được "xã hội người", thì Khánh Nguyên quả là có một con mắt thi nhân rồi. Nhưng tôi vẫn tin: Hạt đường trong thơ Khánh Nguyên có thể "vô danh" mà không "vô tính", vì nó còn để lại hương vị ngọt ngào kia mà!
Có người bảo: Trong làng thơ, có lẽ nhà thơ Khánh Nguyên chỉ... khóc kém nhà văn Nguyên Hồng và nhà thơ Duy Khán một bậc thôi. Cũng có người bảo: Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nói cho chuẩn ra thì cả ba nhà thơ, nhà văn kể trên đều rất dễ xúc động (hoặc xúc động mạnh), avì thế mà hay khóc và cái sự khóc của họ đã được "liệt hạng".
Cũng vì thế mà tôi gọi nhà thơ Khánh Nguyên là "người của miền thương cảm" và giật thành cái tít cho bài viết này.