Nhà thơ Giang Nam: Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ

Thứ Hai, 09/05/2011, 09:53
Có một thời, bạn đọc đón chờ những bài thơ từ chiến trường gửi ra của nhà thơ  Giang Nam với một tâm lý đặc biệt. Họ muốn được neo lòng mình vào cuộc chiến đấu chung của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, muốn được vui buồn, thổn thức với những mảng hiện thực mà tác giả nhanh nhạy ghi lại từ cuộc chiến khốc liệt, một cuộc chiến có thể làm những trái tim chai sạn cũng phải trào dâng niềm thương xót bởi có quá nhiều gương mặt phụ nữ và trẻ em...

Nhà thơ Thế Lữ, một người vốn đã ngừng làm thơ từ lâu, trong một lần nghe thơ Giang Nam qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã phải nghẹn ngào nhắn gửi: "Cất cao lời nữa/ Giang Nam ơi/ Tiếng thơ anh trào nước mắt tôi". Quả thực, có một thời, thơ Giang Nam đã thành "một kênh cảm xúc chủ yếu nối tình cảm đồng bào Nam Bắc" - như nhà thơ Vũ Quần Phương từng nhận xét.

Để làm được điều này tất nhiên không chỉ bởi tài thơ của Giang Nam. Hiện thực vĩ đại của cuộc chiến đã khiến có những tình tiết chỉ cần kể lên cũng đủ để người đọc xúc động, nhất là khi nó được "cộng hưởng" bởi cái không khí hừng hực muốn "nhập cuộc" của họ. Song cũng phải công tâm mà nói rằng, Giang Nam đã biết khai thác những tình tiết có thể đánh động trái tim nhiều người, những điều tưởng "rất thừa" mà "riêng trái tim mới hiểu" (chữ ông dùng trong bài "Hạnh phúc").

Đọc thơ Giang Nam những năm chiến tranh, ta thấy các nhân vật chính thường là trẻ em và phụ nữ. Có lẽ, với tác giả, đây là điểm "nhấn" để phơi lộ sự vô nhân đạo của kẻ thù cũng như cho thấy nét đẹp của cuộc kháng chiến toàn dân. Bài thơ "Lá thư thành phố" làm lời người vợ gửi cho chồng ở miền Đông đất đỏ có những câu nghe thật "thương thân tủi phận": "Con nhớ anh thường đêm biếng ngủ/ Nó khóc làm em cũng khóc theo/ Anh gửi về em manh áo cũ/ Đắp cho con đỡ nhớ anh nhiều". Tủi phận nhưng vẫn cho thấy cái tế nhị của người phụ nữ Việt Nam, dẫu nhớ chồng đến đâu vẫn phải mượn con để gửi gắm tình ý của mình. Cũng vậy, nhớ chồng, muốn lên với chồng mà phải nói vòng vo qua chuyện cái kim sợi chỉ: "Em biết anh không ngừng chiến đấu/ Muôn ngàn anh, chị ở bên anh/ Bao giờ em được lên trên ấy/ Vá áo cho anh, rách lại lành!".

Bài "Trước tờ giấy trắng" kể chuyện một người phụ nữ có chồng đi kháng chiến, bị địch bắt phải viết đơn "phản tỉnh", tức là phải từ chồng, phải nói xấu Cách mạng, nếu không muốn cả hai mẹ con bị đẩy vào nhà lao. Cuộc truy bức tinh thần diễn ra hết sức căng thẳng. Tác giả đã miêu tả cái ngột ngạt của cảnh trí tác động tới tâm lý con người qua những nét vẽ ấn tượng:

Chị ngồi trước tờ giấy trắng
Hàng giờ không viết một câu
Bóng cây ngắn dần theo nắng
Đàn trâu chậm chạp qua cầu. 

Mái tôn nóng bừng ngột ngạt
Trán con lấm tấm mồ hôi
Cổng đồn mấy tên lính gác
Đứng im như chết lâu rồi.

Dường như với Giang Nam, ở đâu có mẹ là ở đấy có con. Hai mẹ con luôn quấn quýt, no đói có nhau. Và có con là thêm lần thử thách sự vững vàng của người mẹ. Trong trường hợp này cũng vậy, hành động vô tình của đứa bé đã đánh thức một hướng suy nghĩ trong người mẹ: "Con bé nhay nhay vú mẹ/ Bàn tay nhỏ xíu mân mê/ Chúm chím môi hồng nở hé/ Chói chang nắng lửa trưa hè".

Người phụ nữ thấy day dứt. Ai nỡ để đứa con bé bỏng, đáng yêu nhường ấy phải chịu hệ lụy bởi sự cương cường của người lớn. Nhưng trong tình thế oái oăm, là phụ nữ, chị biết làm gì để bảo vệ con ngoài những giọt nước mắt: “Có gì cay cay trong mắt/ Có gì mằn mặn trên môi/ Không, không thể là nước mắt/ Cắn răng quyết giữ cuộc đời”.

Đang khi người phụ nữ chuẩn bị có một hành động dứt khoát thì những kỷ niệm xưa cũ hiện về trong tâm trí chị: "Vụt hiện những ngày kháng chiến/ Giành từng góc ruộng bờ ao/ Vụt hiện những ngày trên bến/ Vẫy khăn anh bước xuống tàu". Đến đây, mạch thơ có sự chuyển đổi. Câu thơ 6 chữ với nhịp thơ mạnh mẽ, dứt khoát đã được tác giả cho chuyển sang 7 chữ, rồi thu về 6 chữ, rồi bung ra tới 8 chữ để phản ảnh tâm trạng rối bời, đan xen giữa tình chung ý riêng, nỗi thương gần và nỗi lo xa, vừa không muốn làm tổn thương tình cảm với chồng, với kháng chiến, vừa muốn đứa con bé bỏng không rơi vào vòng khổ ải. Nhưng rồi, chị giật mình như "nghe thấy" sự không đồng tình từ cô con gái: "Đôi mắt con như hờn dỗi nghẹn ngào/ Con không nói nhưng chị nghe tiếng nói/ Có thể nào như thế được mẹ ơi" và cả từ người chồng trước hành động "phản tỉnh" của mình: "Thoáng bóng ai về bên cạnh chị/ Màu áo quen quen, mắt sáng ngời/ Da sém nắng, mặt buồn nghiêm nghị/ Có thể nào như thế được em ơi".

Chính những tiếng nói như phát ra từ tâm thức ấy đã đưa chị đi tới một hành động dứt khoát: Kiên quyết không chịu làm theo ý địch. Đây là hai câu kết của bài thơ:

Lũ quỉ ập vào dí súng bên hông
Chị vẫn ngồi nghiêm trước trang giấy trắng.

"Trước trang giấy trắng" là một bài thơ nổi tiếng của Giang Nam những năm đấu tranh thống nhất. Giá trị "dân vận" của nó là rõ rệt. Tiếc rằng, việc phá vỡ thế ổn định của thể thơ 6 chữ ở mấy khổ cuối đã khiến câu chữ trở nên lùa thùa, chất thơ toàn bài bị giảm sút đáng kể.

Bài thơ đầu tiên đưa tên tuổi Giang Nam ra với công chúng cả nước là bài "Quê hương". Đây cũng là bài thơ nổi tiếng nhất và có sức nặng nhất trong đời thơ của ông. Bài thơ từng được giải nhì của Báo Văn nghệ và được đưa vào sách học. Có một điều lạ không phải ai cũng biết là nguyên mẫu của bài thơ - "cô bé nhà bên/ có ai ngờ cũng vào du kích", sau bị giặc giết quăng mất xác ấy chính là người vợ hiền thục hiện vẫn sống bên nhà thơ. Về chuyện này, đích thân tác giả đã kể lại trong cuốn "Sống và viết ở chiến trường" như sau: "Đang ở căn cứ bí mật của Tỉnh ủy Khánh Hòa, tôi được Phó Bí thư Tỉnh ủy mời sang thông báo tin dữ: Vợ con tôi đã bị thủ tiêu trong nhà lao rồi (trước đó, vợ Giang Nam cùng cô con gái chưa đầy tuổi của ông bị địch bắt ở Thủ Đức và đưa vào giam ở nhà lao Chí Hòa, Sài Gòn - PK). Tôi nghe tin mà choáng váng như trời sập. Những kỷ niệm cũ, tình yêu e ấp, vụng dại, những giận hờn và buổi chia tay đầy nước mắt, cả hai mẹ con cô ấy đều khóc ròng… Tất cả như sống dậy xót xa, nhức nhối và rõ ràng cứ như mới xảy ra hôm qua.

Tôi đã viết bài thơ Quê hương trong tâm trạng đau đớn tột cùng ấy. Rồi tôi đã gửi bài thơ ấy theo đường giao liên ra cho Báo Thống Nhất ở Hà Nội. Khoảng tháng 8 năm 1961, trên đường công tác từ huyện Sơn Khánh đi Khánh Vĩnh, khi dừng chân ở một trạm nghỉ, tôi đã được nghe tin qua Đài Tiếng nói Việt Nam là bài thơ Quê hương của tôi được giải nhì Báo Văn nghệ. Tôi mừng run lên, báo ngay cho anh em cùng đoàn công tác. Tôi như thấy vợ con tôi ở bên kia thế giới về lại cùng tôi".

Không phải "như thấy" thôi đâu, mà là sự thật. Thì ra, thông tin vợ con Giang Nam chết trong nhà lao là không xác thực. Năm 1962, bà cùng con gái được thả và hai năm sau đó, cấp trên đã bố trí cho nhà thơ gặp mặt vợ con… Dẫu sao, từ một sự nhầm lẫn, Giang Nam đã có được một bài thơ để đời.

Các nhà nghiên cứu văn học thường liên hệ bài thơ "Quê hương" của Giang Nam với các bài "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan và "Núi đôi" của Vũ Cao. Cả ba bài thơ đều có chung mô típ: Các nhân vật nam chính đều đi bộ đội chiến đấu xa nhà; các nhân vật nữ chính (có thể là vợ, có thể là người yêu) thì ở lại chiến đấu hoặc công tác tại quê nhà và rồi tất cả đều ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Cả ba bài đều có sức hấp dẫn, lôi cuốn độc giả. Mặc dù "Quê hương" của Giang Nam không có những ý thâm thúy, những hình ảnh đặc sắc và khơi gợi như "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan, cũng không có giai điệu tinh tế, khoáng đạt như "Núi đôi" của Vũ Cao; song nó lại có cái duyên riêng và đặc biệt, mối tình của người nữ du kích với chàng trai trong bài thơ rất mộc mạc, hồn nhiên và có nét gần gũi, phổ biến trong đời sống. Điều đó khiến bài thơ càng dễ được quảng bá.

Đọc bài thơ, không ai là không nhớ tới tiếng cười khúc khích của cô gái, cũng như khó có thể quên được cái việc… khóc của cậu bé ở phần mở đầu bài thơ (Những ngày trốn học/ Đuổi bướm cầu ao/ Mẹ bắt được…/ Chưa đánh roi nào đã khóc!/ Có cô bé nhà bên/ Nhìn tôi cười khúc khích…). Đó chính là mấu chốt tạo nên sức ám ảnh của hình tượng, và là cái cớ để triển khai tứ thơ. Về đoạn thơ này, Hoài Thanh đã có lời bình rất tinh tế: "Khóc vì sợ đánh nhưng lại cũng vì muốn đánh vào tấm lòng của mẹ thương con mà người con rất biết".

Với bài thơ "Quê hương", Giang Nam đã xây dựng được những nhân vật cùng những tình huống rất đáng yêu. Chính điều này đã khiến độc giả hầu như không để ý (hoặc bỏ qua) cách sử dụng ngôn từ chưa phải đã thật kín kẽ của ông. Ví như khi ông viết: "Giặc bắn em rồi, quăng mất xác/ Chỉ vì em là du kích, em ơi", đã có người đặt câu hỏi: Nếu em là du kích thì giặc bắn em là lẽ đương nhiên, sao lại nói là "chỉ vì"? Hay khi ông viết "Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm", đã có người đặt vấn đề: Có nên để chữ "yêu" bên cạnh mấy chữ dễ bị suy diễn như chữ "chim" chữ "bướm" kia không? Tất nhiên, tôi không cực đoan đến mức cho Giang Nam viết vậy là "dung tục" (như một nhà thơ từng viết bài đăng báo "kết tội" vậy), bởi một khi ta đã nhập hồn vào bài thơ, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhân vật thì hẳn ta sẽ không có sự xét nét câu chữ thế ấy.

Sinh thời, nhà phê bình Hoài Thanh mặc dù thừa nhận Giang Nam có những bài thơ hay, song cũng phải nghiêm khắc nhắc nhở, là "ngòi bút của Giang Nam có khi quá dễ dãi". Ở đoạn kết bài "Quê hương", Giang Nam từng viết: "Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi", hai chữ "xương thịt" đặt ở đây có thể không khiến bạn đọc "gai gợn" bởi dẫu sao trước đó, nhà thơ đã làm ta xúc động trước cái chết của người nữ du kích không biết địch vất xác nơi đâu, nên cái cảm giác "trong từng nắm đất/ có một phần xương thịt của em tôi" là xuất phát từ đời thực, tuy nhiên, cũng hai chữ ấy mà nhà thơ đưa vào đoạn thơ sau (bài "Gửi miền Bắc") thì quả thực là không ổn, rất không ổn:

Hà Nội ơi, máu về tụ giữa tim
Tóc Bác có bạc nhiều những đêm không ngủ?
Giặc Mỹ liệu hồn: thịt xương ta đó.

Ưu điểm của thơ Giang Nam là có tình. Song ngoài tình thì thơ còn là nghệ thuật ngôn từ. Việc tác giả dùng từ ngữ thiếu chọn lọc trong một số trường hợp đã gây bất lợi cho việc thể hiện tình cảm của ông…

25/4/2011

P.K.
.
.
.