Nhà thơ Duy Khán: “Người say” hiền nhất nước

Thứ Hai, 29/09/2008, 11:00
Khi say - người ta thường lắm lời. Khi say - người ta thường gây gổ. Đó là những trạng huống quen thuộc mà "người say" dễ gây ra, làm phiền… người tỉnh. Trong trường hợp này, nhà thơ Duy Khán - tác giả của "Tuổi thơ im lặng"- quả là một "người say"… biết điều và đáng yêu, thậm chí, nói không ngoa: Có thể xếp ông vào hàng những người mà khi say - hiền nhất nước.

Bình thường, khi vấp ngã, phản xạ đầu tiên của những người say là… chửi cái chướng ngại vật chết tiệt nào đó "không biết đường tránh ra", để mình va phải. Duy Khán không thế. Nhà thơ Vương Trọng kể rằng, hồi Duy Khán vào uống rượu với đồng bào ở kênh rạch Cà Mau, một lần leo cầu khỉ, say quá, ông ngã xuống bùn nhão.

Thay vì thốt ra câu chửi tục, ông ứng khẩu hai câu thơ trứ danh: Ngã xuống rồi em ơi, vẫn đất/ Đất đây mà quyến luyến êm bông… (nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thì nhớ câu này ra thành: Đất tươi mềm quyến luyến êm bông). Quả là hai câu đầy tính phát hiện mà phải khi say, Duy Khán mới có được.

Vẫn theo nhà thơ Vương Trọng thì Duy Khán thuộc típ người "chỉ nhớ uống mà hay quên ăn". Ông có thể bỏ cơm cả tuần, miễn là bên mình có chai rượu. Khi ai đó nhắc ông, ông liền hỏi lại: "Cơm là gì nhỉ?". Khi say, Duy Khán thường đọc thơ, chủ yếu là thơ mình, và cũng hay… khóc.

Hồi mới giải phóng, gặp Duy Khán ở Sài Gòn, Vương Trọng đã nghe ông vừa say, vừa khóc mà kể lại câu chuyện: Sớm đó, có một đứa trẻ bộ dạng rất "hoàn cảnh" tới xin tiền ông, nhưng ông không có đồng nào để cho. Bây giờ nghĩ lại, ông thấy thương nó quá. Từ thương đứa bé, ông khóc, nói ông thương đất nước.

Sau này, làm thơ về Duy Khán, Vương Trọng đã dựa trên những tình tiết ấy để viết: Vừa nhấp chén đã say, thương đất nước/ Thương "Tuổi thơ im lặng" não nề. 

Một chuyện khác: Lần đó, Duy Khán rủ một người bạn thơ lên mạn Hồ Tây vãn cảnh và… nhậu. Khi tan cuộc rượu thì vừa hay, thành phố cũng đã lên đèn. Để chứng tỏ mình chưa say và là người thạo xe máy từ lâu, Duy Khán yêu cầu người bạn giao vai trò cầm lái cho mình.

Thoạt đầu, người bạn hơi ngại ngần, nhưng suốt đường đi, thấy xe chạy bon bon, ông mới suy nghĩ: "Thì ra, ông này cũng cứng tay đấy". Ấy thế rồi, xe rẽ nhanh vào phố Lý Nam Đế (nơi có trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội - cơ quan của Duy Khán) và bất thần "khự" một cái rồi… uỵch, cả hai đều văng khỏi xe.

Mặc chiếc xe nằm chỏng trơ bên gốc sấu, mặc người bạn đang lóp ngóp bò dậy, Duy Khán cứ thế ôm riết lấy một thân cây, giọng run rẩy: "Thiên nhiên ơi… ta yêu người hơn máy móc", khiến người bạn dù đau và bực đến mấy cũng không khỏi bật cười.

Sau này, có người bảo Duy Khán kể lại đầu đuôi sự vụ, ông cho hay: Khi xe ông đang "chạy ngon ơ", chợt thấy "mọc lên giữa đường" một cây sấu. Ông bảo nó tránh, nó không tránh. Khi xe ông húc phải nó, ông không giận cây sấu, chỉ giận cái xe, vì đã can tội "lao vào thiên nhiên".

Ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế từng chứng kiến những trận say túy lúy của Duy Khán. Đến nay, không ít chuyện được kể lại như là… giai thoại. Phổ biến nhất là chuyện một lần Duy Khán đi uống rượu ở đâu về, say quá, ngã dúi ngã dụi ngay ở cổng cơ quan. Khi ấy, hai nhà văn Dũng Hà, Hồ Phương đang đứng trao đổi công việc, thấy vậy liền xô lại, đỡ dìu Duy Khán dậy, đưa ông về phòng.

Duy Khán, mặc dù say líu lưỡi rồi, vẫn không quên lịch sự: "Cảm ơn các… cậu nhé! Các cậu tốt quá", cũng như không quên… kỷ luật quân đội: "Các cậu nhớ đừng nói gì với… các anh Dũng Hà, Hồ Phương nhé" (khi ấy, nhà văn Dũng Hà là Tổng biên tập, nhà văn Hồ Phương là Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội).

Mặc dù không thật hài lòng với việc say xỉn của cấp dưới, song cả hai nhà văn Dũng Hà, Hồ Phương đều thấy lời đề nghị như vậy là rất đáng yêu, nên hai ông đã ngay tắp lự gật đầu, vỗ về Duy Khán: "Cậu yên tâm! Bọn tớ hứa sẽ không nói lại việc này với các anh… Dũng Hà, Hồ Phương đâu".

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng rất ấn tượng về những cuộc rượu của Duy Khán. Trong cuốn tản văn "Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ" (NXB Hội Nhà văn, 2001), ông đã kể lại "ba lần say" của Duy Khán mà ông được tận mắt chứng kiến. Đáng nhớ nhất là cuộc rượu ông cùng Duy Khán, Phan Lạc Hoa uống ở nhà nhạc sĩ Phan Long. Khi tuần rượu đang vui thì Duy Khán đi vệ sinh.

Chờ mãi không thấy ông vào, sợ ông say, Nguyễn Trọng Tạo ra sau nhà tìm thì thấy thi sĩ vẫn cứ đứng mãi một tư thế. Nguyễn Trọng Tạo lên tiếng hỏi: "Sao lâu thế, vào uống tiếp chứ anh?". Duy Khán thủng thẳng đáp: "Chưa xong đâu. Cậu không nghe đang róc rách đấy à".

Nguyễn Trọng Tạo lắng tai nghe và ông phát hiện ra cái vòi nước cạnh đấy đang chảy róc rách. Thì ra, lý do khiến thi sĩ phải tiểu tiện lâu bắt nguồn từ đây. Nguyễn Trọng Tạo liền nhẹ nhàng bước tới bên, vặn khóa vòi nước lại. Bấy giờ Duy Khán mới lên tiếng: "Xong rồi, anh vào ngay đây".

Kể cũng là một cách say của người… lành tính

Phạm Nhật Linh
.
.
.