Nhà quay phim Phạm Quang Minh:Vẫn run khi bắt đầu một bộ phim mới

Thứ Tư, 14/09/2011, 08:00
Dù sinh năm 1970 nhưng bạn bè trong giới đều gọi anh là Minh "già". Hỏi về nghệ danh này, nhà quay phim Phạm Quang Minh cười bảo, tại tính anh lặng lẽ, ít xôm tụ bạn bè, khi làm việc thì mải mê và thường trốn vào một góc..

Anh là nhà quay phim chính cho các bộ phim đã ghi dấu ấn trong nền Truyền hình Việt Nam như: "Ma làng", "Dòng sông phẳng lặng", "Những giấc mơ dài", "Đèn vàng", "Những ngọn nến trong đêm", "Nhà có 3 chị em gái", "Chủ tịch tỉnh", "Bi, đừng sợ"... Anh cũng đã đoạt các giải thưởng: Nhà quay phim truyền hình xuất sắc của năm (2006), Giải Quay phim xuất sắc tại LHP Quốc tế Stockholm - Thụy Điển năm 2010 và mới đây nhất, tại Liên hoan phim Mediawave tại Szombathely - Hungary (2011) cho bộ phim "Bi, đừng sợ".

- Thưa nhà quay phim Phạm Quang Minh, dường như anh đang có ngôi sao may mắn chiếu mệnh nên chưa kịp vui hết niềm vui vì hai giải thưởng tại Liên hoan phim Quốc tế dành cho phim nhựa "Bi, đừng sợ", thì đã lại "ồn ào" với những khuôn hình đẹp cho bộ phim truyền hình dài tập "Chủ tịch tỉnh". Có vẻ như anh là một cộng sự "mát tay" của các đạo diễn?

+ Nhà quay phim vẫn thường được mệnh danh là người ''trong bóng tối", vì thường thì chúng tôi chỉ đứng sau ống kính, cố gắng hết mình để thực hiện được những thước phim đẹp và hay cho công chúng. Nhưng điều thú vị nhất là chính anh ta lại là người được xem phim đầu tiên. Một bộ phim hoàn thành là một công trình tập thể, vì thế, vai trò của ai cũng quan trọng. Nhà quay phim thì ngoài một bản năng nghề nghiệp, một niềm say mê thì phải biết tính toán. Chẳng hạn như phải tính toán đặt máy cho một dàn cảnh dài mà đạo diễn muốn tạo ra một không gian với ánh sáng thật tự nhiên thì phải biết đặt góc máy như thế nào để có hiệu quả tốt nhất... Nhiều khi không khí của cảnh phim do ánh sáng quyết định. Khi xong một bộ phim, người xem thấy thích chứng tỏ sự cộng tác ăn ý, nhuần nhuyễn của cả ê kíp làm phim.

- Anh là con nhà nòi về nghề nhiếp ảnh, nhưng lại thành đạt bởi nghề quay phim và khá suôn sẻ trong công việc của mình?

+ Tôi thích chụp ảnh từ hồi học cấp 3 ở Hải Phòng vì những năm 80 của thế kỷ trước, máy quay phim video rất hiếm. Ngày ấy, gia đình tôi có một chiếc máy ảnh hiệu pentax nhưng bố tôi cất kỹ lắm, vì sợ mấy anh em tôi làm hỏng. Thế mà tôi cũng mò ra được. "Của quý" ấy nằm trong một thùng lương khô cũ, bên dưới là vôi cục, mà mãi về sau này tôi mới biết bố tôi dùng để chống ẩm. Dù tìm được máy ảnh nhưng làm gì có phim để lắp vào máy đâu, nhưng tôi cứ đem ra nghịch, chụp lung tung, cứ tưởng tượng mình là phóng viên… rất oai!

Một hôm bố tôi phát hiện  việc tôi lấy trộm máy ảnh ra nghịch. Tôi sợ lắm, nhưng rất may mắn cho tôi đã không bị ăn đòn mà còn được học chụp ảnh. Người thầy đầu tiên của tôi là nghệ sĩ Đặng Kim Báu, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Một thời gian sau, có nhiều Việt kiều về thăm quê mang theo máy quay video. Tôi làm quen với máy quay phim từ đó và cũng từ đó bị cuốn vào hình ảnh động và muốn kể cho mọi người câu chuyện bằng hình. Rồi tôi đi học và thi đỗ vào chuyên ngành quay phim của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Khi đang học năm cuối, tôi xin đi làm với đoàn phim "Chân dung biển" của đạo diễn Khải Hưng. Lúc bấy giờ quay phim chính là anh Đỗ Đức Thành. Phim quay tại thành phố biển Nha Trang, ngày quay cuối cùng gần xong thì có đạo diễn Lê Cường Việt, cũng là đạo diễn của Hãng phim Truyền hình Việt Nam bay vào mang theo kịch bản và muốn toàn bộ ê kíp ở lại làm tiếp một phim nữa. Vì có việc gia đình nên anh Đỗ Đức Thành phải trở ra Hà Nội. Ê kíp đủ nhưng thiếu quay phim chính. Sau khi mọi người bàn bạc, đạo diễn Khải Hưng gặp tôi và hỏi: "Mày học quay phim sắp tốt nghiệp phải không?". Tôi luống cuống: "Vâng!". "Mày quay cho chú Cường Việt đi rồi tao nhận về Hãng phim Truyền hình Việt Nam". Tôi cứng cả họng, không nói được gì vì…  sợ, sợ cả mấy hôm liền sau đó vì mình chưa bao giờ cầm máy chính. Rồi mọi việc cũng qua và thấy hứng thú với việc làm hình ảnh. Như tôi đã nói ở trên, làm phim có cả ê kíp thì ngày đó tôi đã được cả một ê kíp chuyên nghiệp giúp đỡ. Tôi rất biết ơn họ, mọi việc đã hoàn thành tốt đẹp. Đấy chính là những hình ảnh đầu tiên tôi quay khi còn đang đi học. Nó đã cho tôi một bước đệm vững chắc cho công việc quay phim sau này.

- Có thể nhắc tới những bộ phim anh quay đã góp một phần không nhỏ tới sự phát triển của phim truyền hình. Vậy trong những bộ phim này, có phim nào anh tâm đắc về những cảnh quay thú vị?

+ Phim truyền hình liên tục đi vào sản xuất hết phim này tới phim khác nhưng kỷ niệm hậu trường thì không phim nào giống phim nào. Tôi nhớ khi quay phim "Dòng sông phẳng lặng", diễn viên Hồng Sơn ngày đó mới ra trại cai nghiện, tôi và mọi người rất muốn anh hòa nhập nhanh với công việc. Nhưng thực tế điều đó không dễ, học thoại chỉ một lúc anh lại quên, cứ đến tầm 3 giờ chiều anh lại xin cho uống một chai bia. Kỳ lạ là ngay sau đó anh lại nhớ được lời thoại và phải quay ngay, rất nhanh. Từ đó trở đi ngày nào anh Duy Thanh, diễn viên của đoàn, cũng mang theo một chai bia. Trong phim "Ma làng" có cảnh bến Gáy là chỗ dọa ma của con lão Tòng (Bùi Bài Bình đóng).

Tìm được bối cảnh ưng ý nhưng cũng rất khổ là không có chỗ ngủ. Đêm quay xong, diễn viên phải đi thuyền vào Nho Quan, Ninh Bình để ngủ, còn tổ họa sĩ ở lại trông bối cảnh, tôi và đạo diễn Nguyễn Hữu Phần ở lại cùng anh em cho vui. Mọi người dọn cái hang gần đấy đốt lửa sưởi ấm vì trời mùa đông rất lạnh, nhưng không ai ngủ được vì cứ có tiếng chèo thuyền và tiếng lục cục đâu đó. Sáng hôm sau ra cửa hang thấy dân trong vùng đứng đầy cả! Một người trong đoàn tưởng bà con ra xem quay phim, hỏi sao bà con ra xem sớm thế? Họ mới bảo: "Có mà xem mấy chú ấy!". Hóa ra cái hang tối hôm qua đoàn ngủ vạ vật tên là hang "Hát". Ngày xửa ngày xưa có gánh hát đi trên sông Hoàng Long thấy đẹp cập vào đó ngủ qua đêm, trời dông, bão nên cả gánh hát chết đuối ở đấy, đêm trời có trăng vẫn nghe thấy tiếng đàn hát vọng ra… Cả đoàn hoảng quá, hôm sau không ai dám ngủ lại nữa.

- Vừa qua, bộ phim "Bi, đừng sợ" (Đạo diễn Phan Đăng Di) đã làm tốn không ít giấy mực của báo giới. Người khen kẻ chê đủ cả, tuy bộ phim đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Nếu chỉ xét trên bình diện một nhà quay phim, anh thấy cảnh quay nào là khó nhất và khiến anh ưng ý nhất?

+ Điều khó nhất là nhân vật chính của bộ phim là Bi (tên thật là Minh), một cậu bé 6 tuổi nên… khá mệt, vì trẻ con thích là làm mà không thích là thôi! Đang đóng phim nhưng thấy cái gì hay là bỏ ra xem luôn. Nhưng đó là cậu bé thông minh, khi quay cảnh ông nội ho ra máu, đoàn bí mật không cho Bi biết. Khi thấy máu, Bi thẫn thờ, hốt hoảng nhìn… và tôi đã chớp được cận cảnh đáng xem ấy. Hay như hôm quay cảnh Bi đi giữa cánh đồng lau dưới chân cầu Long Biên. Lúc đó, tất cả mọi người đang tập trung vào việc điều khiển Bi bên dưới cánh đồng lau, còn ông nội và mẹ của Bi đang đứng ở trên cầu. Thằng bé Bi gọi và hỏi đây là lá gì? Ông nội và mẹ Bi ở trên cầu không nghe thấy chỉ lắc đầu. Trong lúc chờ để dàn cảnh ấy, tôi đang đứng và nhìn về phía trước, phía cánh đồng lau. Lúc đó bỗng dưng trời đầy mây, nhưng bất ngờ là khi đặt xong máy và dàn cảnh thì tự nhiên mây biến mất trong chớp nhoáng, nắng chiếu lên cánh đồng lau ấy. Không hiểu từ đâu đàn chuồn chuồn bay ra rất nhiều. Tôi chỉ kịp hô cậu trợ lý thay cho cái ống kính và không còn kịp chờ gì hết, tất cả công việc lúc đấy chỉ là đo sáng rất nhanh và bấm máy. Tôi bấm khoảng 6 cảnh liên tục. Sau khi về nhà dựng phim thấy rất hấp dẫn và xúc động. Cánh đồng lau, đàn chuồn chuồn đẹp như mơ trên thực tế là không thể nào dàn dựng được, chỉ có thể là do thiên nhiên ban tặng. Những cảnh quay này đã góp phần không nhỏ đã làm nên thành công cho bộ phim.

- Anh đã thành công ngay khi vừa thử sức với phim nhựa, vậy, anh có ý định sẽ hợp tác lâu dài với các đạo diễn để có thể quay những bộ phim điện ảnh đẹp để cống hiến cho người xem?

+ Điện ảnh hay truyền hình đều không có tuổi. Không có căn cứ gì để nói rằng có kinh nghiệm truyền hình thì sang điện ảnh sẽ thành công và ngược lại. Những giải thưởng chỉ giống như những cột mốc, đánh dấu anh đã đến được tới đó, đến với ngôi nhà đó nhưng anh chưa phải là nhất, cần có sự khám phá hơn nữa. Con người có tuổi, còn nghệ thuật thì không tuổi. Vì có từng giai đoạn, từng lúc, từng hoàn cảnh để dẫn tới thành công. Làm phim vẫn cần có sự kiên trì, ham muốn tìm hiểu những gì mình đang làm, mình đang đứng ở đâu, biết mình sắp phải bấm máy thế nào, cách xử lý tình huống cho phim đều không giống nhau. Đến bây giờ để vào bấm máy một phim mới, tôi vẫn… run.

- Xin cảm ơn nhà quay phim Phạm Quang Minh!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.