Người đứng sau “Chơi vơi”

Thứ Ba, 10/11/2009, 08:00
Chơi vơi. Chơi vơi. Chơi vơi... Chưa lúc nào, bộ phim "Chơi vơi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông như mấy tuần nay.Xem ra, điện ảnh Việt Nam đã có thể "mở mày mở mặt" với thế giới khi "Chơi vơi" có mặt và gặt hái thành công bước đầu: giành giải Fipresci (Liên đoàn phê bình quốc tế) tại Liên hoan phim (LHP) Venice lần thứ 66 và đang tiếp tục được mời tranh tài tại các LHP danh giá của điện ảnh thế giới như Toronto, Bangkok, Pusan, London...

Nhưng ít ai biết, phía sau "Chơi vơi" có một con người âm thầm theo dõi những thông tin mới về "Chơi vơi" trên thảm đỏ của các LHP. Anh không có mặt trong những buổi chúc tụng ồn ào mà ở lại Hà Nội lặng lẽ với những thước phim cuối cùng của "Bi, đừng sợ" do chính mình viết kịch bản và đạo diễn. Đó là tác giả kịch bản của "Chơi vơi": Phan Đăng Di.

10 năm… chơi vơi

"Chơi vơi" được hình thành từ kịch bản tốt nghiệp của Phan Đăng Di - chàng sinh viên khoa Biên kịch Trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội - với cái tên ban đầu rất thơ: "Tận cùng là biển". Chuyện kể về cuộc sống chung của Duyên (Hải Yến) và Hải (Duy Khoa), cặp vợ chồng mới cưới vừa yêu nhau nồng nàn ngây thơ, vừa ngoại tình một cách bản năng.

Hai người yêu trẻ tuổi đã lạc vào một đời sống rộng lớn chằng chịt những mối tình kỳ dị và mãnh liệt: tình yêu đồng tính dằn vặt, câm lặng của Cầm với Duyên, tình yêu nhục dục không cưỡng nổi của Duyên với Thổ, tình yêu đơn phương tuyệt vọng của Vi với Thổ, mối tình dĩ vãng xa xưa bí ẩn của ông nội Duyên với một cô đào...

Đạo diễn Phan Đăng Di và một cảnh trong phim “Chơi vơi”.

Nhiều người trong giới điện ảnh đánh giá, đây không phải là một bộ phim "dễ xem" với số đông. Nhất là khi nó lại được hình thành bởi một người ưa tìm tòi sáng tạo và thể nghiệm mới như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Nhiều bài báo viết rằng Phan Đăng Di đã đạt thủ khoa năm đó với kịch bản này. Tuy không tiện đính chính khi báo đăng, tung lên mạng là đồng loạt nhiều báo khác lấy lại, nhưng khi trò chuyện với tôi, Phan Đăng Di đã thận trọng nhắc rằng, thực ra, kịch bản này chỉ được 8 điểm thôi, và so với năm đó thì đây không phải là điểm cao.

Nhưng theo lời của Bùi Thạc Chuyên - người đã "hiện thực hóa" kịch bản này - anh đã "tóm" lấy nó ngay từ khi nó còn đang "trứng nước" với một cảm giác rất lạ: "Đó là một câu chuyện rất thách thức. Nó không ngon lành là cảm thấy ngay hình hài của nó khi đọc kịch bản. Từ trước tôi vẫn quen làm những bộ phim mà tôi biết về nó rất rõ, từng chi tiết, từng nhân vật trước khi quay. Nhưng bây giờ thật khoái chí khi được đi trên một con đường mà mình chẳng nhìn thấy gì cả, như đi trong sương mù, đi một cách cực kỳ mạo hiểm. Cảm giác đó rất khoái".

Bởi vậy, từ khi có kịch bản đến lúc nó chính thức được bấm máy, trong gần 10 năm trời, "Chơi vơi" đã trải qua đến chục lần chỉnh sửa với tên gọi khác nhau như "Mắc kẹt". Thế nào mà mắc kẹt ở hội đồng duyệt kịch bản ngay ở lần nộp đầu tiên. Rồi bị từ chối ở LHP Locarno. Thế rồi cái tên "Chơi vơi" hiện ra.

"Chơi vơi" bồng bềnh thêm mấy năm rồi sửa thành "Đi mãi rồi cũng quay về" - một cái tên hơi nôm na. Và kịch bản được duyệt tài trợ, rồi xin được tiền, rồi hình thành được êkíp, rồi quay, rồi dựng... Khi làm xong thấy tình hình phát hành... chơi vơi quá, đạo diễn quyết định "chốt" tên phim: "Chơi vơi".

Phan Đăng Di cũng là đạo diễn trẻ, vì sao anh không tự đạo diễn phim của mình? Nhiều người hẳn sẽ thắc mắc, giống như tôi khi trò chuyện với Phan Đăng Di đã hỏi anh như vậy. Là bởi, khi kịch bản này đến tay Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di chưa tốt nghiệp khoa đạo diễn.

Và còn bởi, Bùi Thạc Chuyên từng hóm hỉnh nói: "Tôi và Di đã bàn bạc rất nhiều về kịch bản, đã cùng nhau sửa chữa bao nhiêu lần rồi. Đương nhiên là tôi đã bỏ nhiều công sức vào đây. Vì thế bây giờ Di đổi ý muốn đòi để tự làm thì cũng muộn rồi, đừng hòng tôi trả lại. Nói thế thôi. Ai làm đạo diễn không quan trọng. Chúng tôi đã bắt tay nhau cùng tham gia một cuộc chơi và sẽ chơi đến cùng, không bỏ cuộc. Điều đó mới quan trọng".

Còn Phan Đăng Di, dù anh có tật hay quên, nhưng riêng số điện thoại của Bùi Thạc Chuyên thì hễ ai hỏi là anh bật ra trả lời nhanh và chính xác đến cả số máy nhà riêng.

Phan Đăng Di là ai?

3, 4 năm trước, cái tên Phan Đăng Di chưa thực sự được khán giả biết đến. Bởi, gia tài của anh là những bộ phim ngắn - những phim chẳng bao giờ mang chiếu ở rạp hay được quảng cáo rầm rộ, cũng chẳng mang lại giá trị thương mại cho cả nhà sản xuất lẫn tác giả.

"Sen" - bộ phim 26 phút với kinh phí 8 triệu đồng và được quay trong 4 ngày tại Hà Nội đã giành giải khuyến khích trong LHP ngắn toàn quốc do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức (2006). Cùng năm đó, phim ngắn "Khi tôi 20" do anh đạo diễn (kịch bản do Phan Đăng Di và nhà văn Phan Thị Vàng Anh viết chung) lọt vào dự án "10 tháng 10 phim ngắn" do Quỹ Hỗ trợ và Phát triển Điện ảnh Việt Nam tài trợ đã tạo được tiếng vang nhất định.

"Khi tôi 20" là 1 trong 18 phim (được chọn từ 1.400 phim) lọt vào vòng thi khu vực phim ngắn tại LHP quốc tế Venice 2008. Đây là bộ phim Việt Nam đầu tiên được chọn vào vòng dự thi của LHP uy tín trên thế giới. Song, vì lý do phim chưa được chiếu đủ thời gian ở rạp tại Việt Nam mà phim đã không được chọn chiếu ở LHP này.

Năm 2008, khi Nguyễn Quang Dũng rầm rộ với "Nụ hôn thần chết", Vũ Ngọc Đãng phiêu du cùng "Bỗng dưng muốn khóc", "Chơi vơi" đã được trao gửi hẳn cho đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thì Phan Đăng Di âm thầm "mang chuông đi đánh xứ người" và đạt được những thành công chưa từng có.

Sau khi giành giải thưởng "Dự án nổi bật châu Á" của PPP (Pusan Promotion Plan) tại LHP quốc tế Pusan (Hàn Quốc, 10-2007), Phan Đăng Di lại mang dự án phim "Bi, đừng sợ" đến LHP Cannes để tham dự hoạt động của L'Atelier. L'Atelier là một hoạt động do Quỹ điện ảnh của LHP Cannes tổ chức, mỗi năm chỉ chọn 15 dự án từ khắp nơi trên thế giới nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất phim quốc tế.

Sinh năm 1976 tại Vinh, Phan Đăng Di mê phim từ nhỏ. Tuy nhiên, con đường đến với thành công của Phan Đăng Di không suôn sẻ, thuận lợi mà nó là cả một quá trình nỗ lực không ngừng.

Hành trình từ LHP Pusan đến với LHP Cannes đã là một niềm mơ ước của bất cứ đạo diễn, biên kịch nào trên toàn thế giới. Nhưng không dừng ở đó, "Bi, đừng sợ" của Phan Đăng Di còn tiếp tục vượt qua 108 dự án từ 33 nước gửi đến và trở thành 1 trong 3 dự án chinh phục những vị giám khảo khó tính của LHP Berlin để dành được 50.000 Euro từ Quỹ World Cinema Fund.

Gặp Phan Đăng Di những ngày này không dễ chút nào, bởi đoàn làm phim "Bi, đừng sợ" đang ở giai đoạn nước rút để kịp đóng máy cuối tuần này. Tuy vậy, vào cuối mỗi ngày, khi tạm xa vai trò "tổng chỉ huy" của một "trận đánh nghệ thuật", anh lại lặng lẽ đi chiếc Future cũ của mình về với quán cà phê Phố cũ trên phố Lý Thường Kiệt.

Câu chuyện về đời, về nghề được anh bắt đầu với nụ cười rất tươi và giọng nói khàn khàn do một ngày làm việc quá vất vả dưới cái nắng bất thường của mùa thu: "Làm phim mệt nhưng vui lắm. Nó cho mình cái cảm giác luôn luôn phải hụt hơi, thót tim vì những lo lắng, tính toán từng chi tiết nhỏ sao cho bộ phim được hoàn chỉnh nhất có thể".

Hiện tại, Phan Đăng Di hoạt động với vai trò là một nhà làm phim độc lập. Ngoài ra, anh còn là giảng viên của Dự án Điện ảnh - Trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội)

Dự án phim "Chơi vơi" nhận được sự tài trợ của Nhà nước, sau đó nhà sản xuất còn được Quỹ Fond Sud (Pháp), Hubert bals fonds (Hà Lan) hỗ trợ kinh phí. Đặc biệt, khi biết kinh phí làm phim khá eo hẹp, ngôi sao Pháp gốc Việt Phạm Linh Đan quyết định không nhận toàn bộ số tiền cátsê  cho vai diễn của mình (số tiền cụ thể không được tiết lộ, song theo một vài nguồn tin, cátsê  tương xứng với một ngôi sao đẳng cấp quốc tế). Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết: "Linh Đan không nhận cátsê vì muốn dành toàn bộ số tiền đó cho việc làm phim. Chỉ khi phim có lợi nhuận thì cô ấy mới đồng ý nhận thù lao".

Chính thức bấm máy tháng 9-2008, ngoài sự góp mặt của Phạm Linh Đan, "Chơi vơi" còn quy tụ nhiều "sao" như: NSND Như Quỳnh, NS Ngọc Thoa, diễn viên Đỗ Hải Yến, Johnny Trí Nguyễn, ca sĩ Linh Dung…

Phan Hương-Nguyễn Thanh
.
.
.