Người có duyên với giải thưởng

Thứ Ba, 02/03/2010, 15:00
Tháng 12/2009, tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 16, bộ phim "Đất lạnh" (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) đã được nhận giải thưởng Bông sen Vàng ở thể loại phim Tài liệu. Đây là sự tiếp nối thành công với NSƯT Nguyễn Thước ở cương vị đạo diễn sau một loạt phim như "Những công dân @", "Không chỉ là thương hiệu", "Chất xám", "Ngọn lửa trong gương"… những tác phẩm đã đề cập một cách trực diện các vấn đề nóng bỏng của xã hội.

Tôi gặp đạo diễn, NSƯT Nguyễn Thước khi ông vừa trở về sau chuyến đi dài ngày cùng các đồng nghiệp tại các tỉnh biên giới để chuẩn bị cho bộ phim sắp quay. Điềm đạm, kiệm lời nhưng sâu sắc và giàu ý tưởng là cảm nhận mỗi khi có dịp được trò chuyện cùng ông. Cá tính đó, dường như ảnh hưởng khá nhiều trong phong cách phim của ông - ít lời bình, phát huy tối đa hiệu quả của hình ảnh nhưng chứa đựng sức công phá mạnh mẽ vào tâm thức người xem.

Nhắc lại thành công của "Đất lạnh", đạo diễn Nguyễn Thước tâm sự, ông ấp ủ và trăn trở về đề tài nông nghiệp, nông thôn từ lâu. Trong giai đoạn hiện nay, đó thực sự là đề tài nóng, đặt ra nhiều vấn đề, khiến có lúc ông phải băn khoăn không biết nên bắt đầu từ đâu. Cuối cùng, ông đã chọn mảnh đất Thái Bình để làm phim. Có hai lý do để ông chọn Thái Bình. Đó là quê cha đất tổ, nơi tuổi thơ ông từng gắn bó, từng được họ hàng cưu mang trong những năm tháng khó khăn. Nhưng một điều quan trọng với người làm phim tài liệu, đó là: Tuy không phải là địa phương nghèo nhất, nhưng Thái Bình lại chứa đựng trong nó nhiều mâu thuẫn trong vấn đề nông nghiệp nông thôn. Một hợp tác xã như Hợp tác xã Vũ Thắng ở huyện Kiến Xương, nơi từng được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng của một giai đoạn kinh tế nhưng giờ đây 80% lao động trẻ, khỏe phải bỏ ra thành phố kiếm sống…

"Đất lạnh" chỉ có thời lượng 30 phút nhưng đã phản ánh được thân phận của người nông dân giai đoạn hiện nay. Dù bộ phim được hoàn thành đã lâu nhưng ánh mắt thẫn thờ của những người nông dân khi họ thu hoạch vụ mùa cuối cùng trên mảnh đất cha ông để lại hay cuộc đời người nông dân dành hết cả gia sản cho con, mong con thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, nhưng bản thân họ thì xác định không bao giờ rời khỏi mảnh đất tổ tiên… vẫn còn ám ảnh đạo diễn Nguyễn Thước.

Đạo diễn Nguyễn Thước chỉ đạo một cảnh quay trong phim "Đất Lạnh".

Đạo diễn Nguyễn Thước quan niệm, phim tài liệu phải mang đến một cái nhìn đầy đủ nhất, chân thực nhất, và sinh động nhất về một vấn đề, một sự kiện mà nó phản ánh. Và cuối cùng, nó phải có một tác động tích cực đối với đời sống xã hội. Nguyễn Thước đã và đang làm được điều này. Khi phim "Những công dân @" của ông ra mắt khán giả, ông không ngờ đã có rất nhiều sinh viên tới xem. Không ít người khi gặp ông đã tâm sự rằng, bộ phim tiếp thêm cho họ một động lực mới. Còn với "Không chỉ là thương hiệu", bộ phim nói về những khó khăn của thương hiệu Việt khi gia nhập WTO, nhiều doanh nhân trong TP Hồ Chí Minh đã gọi điện chia sẻ, đồng cảm cùng ông những vấn đề gai góc mà phim đề cập.

Với đạo diễn Nguyễn Thước, mỗi lần làm phim là mỗi lần tự khám phá bản thân, là quá trình thay đổi nhận thức. Vất vả, cực nhọc là điều đương nhiên khi làm phim nhưng bù lại, ông được "nạp" rất nhiều hiểu biết về cuộc sống, con người. Sau mỗi phim, ông lại có thêm nhiều bạn. Có những điều vượt ra ngoài dự kiến ban đầu mà kịch bản định đề cập. Phim "Sự nhọc nhằn của cát" là một ví dụ. Ban đầu, phim chỉ định phản ánh những số phận vất vả cơ cực bên những trảng cát mênh mông nơi dải đất miền Trung. Nhưng rồi, hàng tháng trời lăn lộn cùng nắng gió Quảng Bình, ông mới nhận ra rằng, không chỉ có vậy, ẩn chứa đằng sau là sức sống mãnh liệt, bền bỉ, là khát vọng vượt qua những khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên để sống và yêu thương.

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Thước là người có duyên với giải thưởng. Ngay từ phim đầu tiên ông tham gia với tư cách quay phim cho cố đạo diễn, NSND Lê Mạnh Thích là "Dòng sông ánh sáng", ông đã nhận được giải quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ X (1993). Sau này, các phim của ông liên tục nhận được các giải Cánh diều, Bông sen… Giải thưởng chưa bao giờ là đích cuối cùng ông hướng tới, nhưng nó là sự khích lệ, giúp ông tự tin hơn.

Nhìn lại quãng đời làm nghề của mình, Nguyễn Thước cho rằng mình may mắn được gặp và học được nhiều điều ở những người thầy. Đó là đạo diễn người Pháp Rober Kramer. Dù chỉ là học trò của Rober Kramer trong một khóa bồi dưỡng ngắn và đồng hành hơn 20 ngày trong một bộ phim với tư cách phó quay, nhưng những gì Nguyễn Thước học được là vô giá. Rober Kramer đã mang tới cho những đạo diễn trẻ như Nguyễn Thước ngày ấy một cách nghĩ mới, một kiểu làm phim mới, một quan niệm điện ảnh mới. Rằng, những thước phim tài liệu đẹp không phải là những khuôn hình chỉn chu, đẹp "mướt mát" mà phải ấn tượng và "nói" được nhiều nhất.

Người mà đạo diễn Nguyễn Thước quý trọng như một người thầy chính là cố đạo diễn, NSND Lê Mạnh Thích. Kể từ bộ phim đầu tiên "Dòng sông ánh sáng" mà NSND Lê Mạnh Thích tin tưởng giao cho Nguyễn Thước đã khiến ông vui sướng tới "run" người. Họ đã đồng hành cùng nhau trong suốt 15 năm để làm nên những bộ phim tài liệu tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam như "Chìm nổi sông Hương", "Cuộc gặp gỡ sau 30 năm", "Trở lại Ngư Thủy"… Làm việc cùng NSND Lê Mạnh Thích, Nguyễn Thước nghiệm ra được nhiều điều, trong đó, điều quan trọng nhất mà ông từng tâm sự với báo chí là "biết thế nào là làm phim tài liệu vì sự thật, sự thật cho người mình đang làm về họ chứ không phải sự thật được tung hô". Ông còn học được ở thầy mình sự "lì" nghề.

Lê Mạnh Thích có thể đứng chờ cả buổi chiều để đón một vệt nắng rơi. Một lần, Nguyễn Thước và Lê Mạnh Thích chờ cả buổi chiều để quay cảnh khu nhà công nhân ven núi. Đến khi không còn hy vọng gì nữa, Nguyễn Thước nói với thầy mình: "Chắc không còn nắng đâu, về thôi Bầu ạ" (Bầu - tên thân mật đồng nghiệp thường gọi NSND Lê Mạnh Thích). Không ngờ, NSND Lê Mạnh Thích buông một câu: "Vâng, anh về trước đi, để máy quay lại cho tôi, tôi cố đợi lúc nữa anh ạ". Nghe bậc đàn anh nói vậy, Nguyễn Thước đâu còn dám về nữa. Không biết có phải ngấm tính thầy không mà khi làm phim "Chìm nổi sông Hương", có lần thầy đã phải chịu trò để kiên nhẫn chờ một cảnh quay đúng ý mới thôi.

Cuộc sống của đạo diễn Nguyễn Thước luôn có những ngã rẽ bất ngờ. Sinh ra trong một gia đình khó khăn, đông anh em, ông và anh trai, nhà văn Nguyễn Văn Thọ (nhà văn hải ngoại đầu tiên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam) đã ảnh hưởng sâu sắc tính nghệ sĩ từ người cha - một họa sĩ rất mê đàn đáy.

Thi vào Trường Điện ảnh lần đầu tiên năm 1971 không đỗ, Nguyễn Thước đã làm nhiều nghề để kiếm sống như thợ xây, làm hợp đồng cho báo Thương nghiệp để đợi 5 năm sau thi lại. Và ông đã đỗ. Suốt thời gian học, ông tâm niệm mình sẽ theo phim truyện. Nhưng chỉ vì nghe các bạn kể làm phim tài liệu thú vị, lại có thời gian rỗi, thế là Nguyễn Thước xin được quay phim tài liệu. Một tháng ròng cùng đạo diễn Vũ Phách lang thang khắp núi rừng Tây Bắc đã khiến ông càng tin tưởng ở quyết định của mình. Để rồi từ đó đến nay, phim tài liệu đã trở thành nghiệp sống của ông.

Đam mê với phim tài liệu, đạo diễn Nguyễn Thước ý thức rất rõ khó khăn của những người làm phim tài liệu hôm nay. Đó là sự cạnh tranh gay gắt với sự nhanh nhạy của phóng sự truyền hình, báo chí. Và chỉ có một cách để tài liệu hấp dẫn là tạo ra phong cách riêng, là luôn luôn làm mới mình. Có lẽ vì thế mà sau mỗi phim, ông lại ráo riết "Tôi muốn thay đổi chính mình". Thay đổi bằng sự tìm tòi cách thể hiện phù hợp nhất với nội dung phản ánh.

Tôi vẫn nhớ trong một cuộc trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Thước (thời điểm ông vừa hoàn thành bộ phim "Ngọn lửa trong gương" về vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ), ông cho biết sắp bắt tay vào làm phim về đề tài nông nghiệp nông thôn. Và chỉ có thế. Không lâu sau đó, "Đất lạnh" ra đời đã thành công rực rỡ. Đầu xuân này, ông lại hé lộ đang thực hiện bộ phim 4 tập về quan hệ Việt - Lào.

Mặc dù đạo diễn Nguyễn Thước luôn kiệm lời khi nói về những dự định sắp tới nhưng tôi tin, với một bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, một niềm đam mê hiếm có và một trái tim công dân luôn đau đáu trước mọi vấn đề của đời sống, NSƯT Nguyễn Thước sẽ không làm khán giả thất vọng

Thảo Duyên
.
.
.