Nghệ sĩ Hai Nhất: Thích vào vai... kẻ ác

Thứ Tư, 15/05/2013, 08:00

Ly bia cạn. Ông lại pha tiếp. Riêng ông, bia Đức pha với rượu whisky. Từng ngụm đắng nồng lặng lẽ trôi vào cuống họng. Đôi mắt hằn lên những tia dữ dội. Đôi mắt nhìn trời, xao xác buồn... Chiều nay ông không say...

Đột nhiên đôi mắt đỏ cười với tôi: "Khi nào chú sẽ diễn cho cháu xem một vai ác. Rồi đang ác ôn chuyển sang vai chính diện, khóc tức tưởi. Để cháu xem nó đối lập đến mức nào nhé". Nghe vậy, tôi đâm hoảng. Coi ông đóng trên truyền hình đã sợ hết hồn rồi. Cái đôi mắt ấy, ghê gớm lắm, cứ như dao lạnh cứa qua cổ người ta khi ông nhập vai ác.

1.Hai năm sau bộ phim "Những đứa con biệt động Sài Gòn", Hai Nhất dường như mất hút. Lên google gõ cụm từ "nghệ sĩ - diễn viên Hai Nhất", có rất nhiều bài báo viết về ông, nhưng bài nào cũng… na ná giống nhau. Kỳ vậy ta? Ông khua tay phân bua: "Đừng trách mấy nhà báo. Mỗi lần nhận được cuộc gọi của họ, chú bảo họ cứ lên mạng, tìm mấy bài viết về chú mà thêm thắt vào. Thì cũng từng đó ý, từng đó chuyện". Tôi suýt nữa cũng chung số phận ngán ngẩm ấy. Nhưng sự từ chối liên tiếp của ông khiến tôi quyết tâm gặp ông cho bằng được. Đại loại không gặp không về. Gặp để hỏi cho ra nhẽ, cớ sao ông lại né báo chí như né tà như thế.

Gặp rồi, cạn ly rồi mới biết hóa ra ông ngại chỗ đông người. Thảng hoặc lắm ông mới đi chợ hay vào rạp phim, siêu thị. Hôm gặp nơi góc đường Hà Huy Tập, quận 7 (Tp HCM), có một tốp bác lão niên tay bắt mặt mừng với Hai Nhất. Tôi cứ tưởng đó là bạn bè ông. Nhưng khi tốp người đi khuất, ông tặc lưỡi: "Đó, cháu thấy chưa, mới ra đây có một lúc là người ta đã nhận ra mình rồi. Lại "chào ông trùm". Cũng vui lắm khi khán giả còn nhớ đến mình, quý mến mình, nhưng ngại lắm...".

Sự phiền toái của người nổi tiếng không bằng nỗi lo khi ông thủ vai Bảy Xoài quá đạt. Bởi đó là hình ảnh của Năm Cam ngoài đời. Vai diễn mang về cho ông vinh quang với hạng mục "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất" tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 31. Hai Nhất không muốn tiếp xúc với báo chí nhiều cũng như ngại đến chỗ đông người bởi ông không muốn huênh hoang về vai diễn nặng ký nhưng khá nhạy cảm này. Ông bảo đơn giản vì mình già rồi, làm nghệ thuật thành công trên màn ảnh, chứ phô trương, quảng cáo thêm làm gì. Vừa rồi đạo diễn Long Vân tiếp tục mời ông tham gia "Những đứa con biệt động Sài Gòn" phần hai. Ông muốn tham gia lắm nhưng rồi phải ngậm ngùi từ chối. Biết cảnh quay thực hiện chủ yếu ở ngoài Bắc, các con lo cho sức khỏe tuổi già của ông nên khuyên bố đừng tham gia. Ông cũng không nỡ đi, vì ở nhà còn có nhiều việc lục đục về kinh tế cần giải quyết. Đạo diễn Long Vân là người bạn tri kỷ, nên việc từ chối bộ phim lần này ông buồn lắm. Ngày trước, khi thực hiện "Những đứa con biệt động Sài Gòn", mặc dù sức khỏe giảm sút nhiều nhưng vì trọng người bạn già, ông gắng gượng hóa thân hết mình cho vai diễn. Bảy Xoài đã vượt xa cái bóng của Ba Cẩn trong "Biệt động Sài Gòn" ngày trước. Nhưng nhận vai nào để vượt qua cái bóng của Bảy Xoài là điều cực kỳ khó. Thế nên ông kén chọn vai. Nhiều đạo diễn ngỏ lời nhưng ông không thể vùi lấp dưới cái bóng của mình. Không đi diễn, ông nhớ nghề đến quay quắt.

Nghệ sĩ Hai Nhất chưa qua trường lớp nào. Thế nhưng gần 100 vai phản diện của ông luôn khiến khán giả… "căm phẫn" đến tột cùng. Hai Nhất thật thà, rằng ông thích đóng vai ác. Bởi vai phản diện luôn có đất diễn phong phú và ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Và bao giờ, với tài năng của một người diễn viên, ông cũng làm điều mà các đạo diễn không ngờ tới. Trong bộ phim "Con thuyền bị đánh đắm", ông đóng vai một lão ngư độc đoán mải mê lao theo ảo vọng về một con thuyền chứa kho báu bị đắm ngoài khơi. Vì ảo vọng đó, lão sẵn sàng bóp chết tình yêu của con gái mình. Khi tiếng hô diễn vừa dứt, Hai Nhất lao vào mái nhà lá của chàng thanh niên như con hổ dữ, đập phá, đánh tát rồi lôi con gái (Thu Hà đóng) đi xềnh xệch. Cảnh ấy khiến trẻ con đang đứng xem ở ngoài thét lên kinh hãi. Đạo diễn Vũ Xuân Hưng sững sờ: "Sao anh diễn khiếp vậy, kịch bản đâu có yêu cầu". Ông từ tốn: "Không, cảnh này chúng ta phải đẩy lên cao trào". Ngày trước, khi Hai Nhất còn là một gã đàn ông bảnh bao, tôi nghĩ rằng ông "ác" ở bộ râu quai nón rậm rì, khuôn mặt bặm trợn, lời nói dữ dằn khi lên phim. Chỉ thoáng nhìn khuôn mặt ông là người xem đã lạnh sống lưng. Nhưng bây giờ, khi đã gần ngưỡng thất thập, bộ râu quai nón không còn, dáng hình vạm vỡ khi xưa phai nhạt thì mới chợt nhận ra rằng, cái lạnh sống lưng ấy xuất phát từ ánh mắt sắc lẻm, băng giá của ông.

Hai Nhất kể rằng: Ngày nhận vai Bảy Xoài, ông khá lo lắng vì vai diễn là một ông trùm có tiếng. Mặc dù đã từng tiếp xúc với Năm Cam ngoài đời, nhưng Hai Nhất vẫn thấy vai diễn rất khó thể hiện. Ngày gặp những diễn viên sẽ vào vai đàn em, ông càng choáng. "Trời ơi, thân hình tụi nó vạm vỡ, to cao, lại xăm trổ rất ngầu. Còn mình thì nhàu như trái táo tàu, người thì nhỏ xíu, đứng dưới nách tụi nó. Làm ông trùm kiểu này là hỏng. Diễn không khéo, ai cũng tưởng mình làm hề phụ họa cho tụi nó chứ ông trùm cái nỗi gì". Thấy bọn đàn em như thế Hai Nhất toát mồ hôi hột, bụng lo sốt vó. Vậy là ông vắt óc suy nghĩ. Ông soi gương. Thử trợn, liếc con mắt. Tự dưng rợn gai ốc với chính mình. Đây rồi! Đôi mắt. Bản chất nham hiểm và uy lực của ông trùm phải thể hiện qua đôi mắt! Phát hiện vĩ đại này khiến ông nhảy cẫng lên vì sung sướng. Vậy là trước ngày bấm máy, rảnh khi nào, ông lại ngồi trước gương tập các phân đoạn bằng đôi mắt. Càng tập, mắt càng giảo hoạt, tàn ác. "Ác" đến nỗi trước khi diễn, diễn viên Lan Phương vẫn cười nói với ông bình thường, nhưng đến khi máy quay vừa bấm, nhìn ánh mắt ông, Lan Phương tái mặt. Cảnh quay kết thúc, cô nói nhỏ với Hai Nhất: "Chú ơi, nhìn mắt chú, cháu sợ thật đấy". Để lột tả được vẻ nham hiểm, uy lực của ông trùm qua đôi mắt, Hai Nhất yêu cầu quay phim chủ yếu quay cận cảnh, nhất là những đoạn diễn với bọn đàn em. Nếu lấy toàn cảnh thì diễn xuất trên gương mặt ông trở nên vô nghĩa, sự chênh lệch vóc dáng với bọn đàn em lại càng lộ rõ. Quả thật, với đôi mắt, ông đã làm nên một Bảy Xoài khủng khiếp đến mức nào.

2. "Chắc sau vai Bảy Xoài, chú sẽ gác kiếm?". Mắt ông buồn: "Không đâu, có vai nào hợp chú sẽ đóng. Chú vẫn ham phim ảnh lắm". Ừ, ông ham phim ảnh và say như điếu đổ. Có say, thì mới bỏ tiền đầu tư hãng phim Nhất Phương, một trong những hãng phim tư nhân đầu tiên của Việt Nam trong lúc kinh tế đang khó khăn. Hãng phim của ông lúc đó được xem là khá hiện đại. Ông đầu tư đạo cụ tỉ mỉ từ gươm giáo, súng ống, đạn dược đến động vật hoang dã như gấu, beo, sư tử, nhím, trăn… Bây giờ, hễ nhắc tới hãng phim, ánh mắt ông lại lấp lánh niềm vui mà kể hoài chuyện không hết. Hồi quay "Những bóng ma rừng", ông cho xe chở thú của hãng phim lên tận Lâm Đồng để phục vụ cho các cảnh quay. Xe chở thú chạy ngoài đường, ai cũng tưởng rạp xiếc về. Có hãng phim, ông say sưa diễn, say sưa sản xuất. Hơn 50 bộ phim do Nhất Phương sản xuất lần lượt ra đời: "Con thuyền bị đánh đắm", "Đi qua lời nguyền", "Nụ hôn đầu đời", "Một thời lầm lỡ"... Trong cơn bão của phim Hồng Kông đổ bộ vào trong nước, Hai Nhất cầm cự thêm mấy năm nữa rồi đóng cửa hãng phim vào năm 2000.

Tôi không ngờ đôi mắt ác trên phim ấy, ngoài đời, lại hiền hậu đến lạ. Với vợ con, không bao giờ có chuyện ông đánh mắng. Hồi ở miền Tây đóng phim "Hương phù sa" cùng con trai Thành Đạt, mỗi lần đoàn phim nhậu là mọi người lại đỏ mắt tìm Hai Nhất. Ông trốn. Vì ngại nơi ồn ã đông người. Hai Nhất lặng lẽ sống, chiều chiều tản bộ trên con đường quen thuộc dẫn về ngôi nhà nơi quận 7 bình yên. Buồn buồn lại về Cần Giờ chăm đàn yến, lánh xa bon chen, tung hê ở đời.

Vào miền Nam từ năm 1979, tấm lòng chàng văn công Nguyễn Mai A quê Ninh Bình thuở  nào đã gắn bó với con người miền Nam như nghệ danh rặt Nam Bộ của ông. Sống ở Sài Gòn, ông nhớ về miền Tây mênh mang con nước, nhớ người quê hồn hậu. Có ai ngờ với một người lạ như ông, đôi vợ chồng người miền Tây sẵn sàng lặn lội đi bắt con cá, con cua về làm bữa cơm thịnh soạn đãi khách phương xa. Lúc ông cùng đoàn làm phim trở lại đô thành, họ khóc, bịn rịn như tiễn người ruột thịt. Đêm ấy, ông ca một bài vọng cổ buồn…

Có lẽ đã lâu rồi ông không trải lòng nhiều như chiều ấy. Nỗi cô đơn tuổi già, buồn thui thủi lẻ bóng. Tơ trời long đong. Hồng Sến, Lâm Tới, Robert Hải, Lê Vũ Cầu đã về với đất. Bạn bè giờ đi đâu hết cả? Câu ấy, ông vẫn thường lặng lẽ thở dài mà nghe não ruột gan. Cái giọng Bắc nghẹn lại như chực khóc. Ừ, thì sinh lão bệnh tử, nào ai tránh khỏi. Ừ, thì lòng người phôi pha, nào ai vẹn câu thề. Đôi mắt lặng vào nỗi buồn thăm thẳm để rồi ông nhớ da diết phim trường như một niềm an ủi. Ngày trở lại, rồi sẽ sớm thôi mà…

Mai Thi Uyên
.
.
.