Nghệ sĩ Dũng Nhi: Từ Năm Sài Gòn tới Bí thư tỉnh uỷ

Thứ Tư, 23/06/2010, 09:26
Được đào tạo để trở thành một thầy giáo dạy văn nhưng cuối cùng, cái nghiệp đeo đẳng lại là Điện ảnh. Ăn lương đạo diễn nhưng thường xuyên đứng trước máy quay với tư cách... diễn viên.

Gần 40 năm cống hiến cho nghệ thuật thứ 7 nhưng ít có duyên với những giải thưởng cũng như chưa từng là hội viên của hội văn học nghệ thuật chuyên ngành nào. Một gương mặt hiền lành, hơi khắc khổ nhưng hóa thân thành công nhiều vai diễn phản diện... Nhưng cũng là người vượt lên trên tất cả những tréo ngoe, những vất vả ấy để bền bỉ, miệt mài làm nghề, bằng một tình yêu nghệ thuật không so đo, toan tính... Đó là nghệ sĩ Dũng Nhi.

Tôi gặp nghệ sĩ Dũng Nhi khi ông vừa hoàn thành những cảnh quay cuối cùng của phim "Hà Nội một thời" - bộ phim được làm nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trước đó không lâu, Dũng Nhi vừa đảm nhiệm vai Bí thư Hoàng Kim (nguyên mẫu là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc) trong bộ phim truyền hình dài 50 tập "Bí thư tỉnh ủy". Đây là một bộ phim thuộc dòng phim chính luận nhận được sự quan tâm, đầu tư lớn của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam cũng như của tỉnh Vĩnh Phúc. Bạn bè, đồng nghiệp và báo chí rỉ tai nhau: "Dũng Nhi càng "có tuổi" càng đắt sô. Lúc nào gọi điện cũng thấy đang trên trường quay". Ông cười hiền: "Chắc tại cái tính cả nể của mình. Nhiều khi định bụng sẽ nghỉ xả hơi một thời gian nhưng chỉ ngồi nhà 1-2 ngày đã thấy buồn bực trong người, đạo diễn í ới mời đi đóng phim. Thế là lại balô lên đường".

Nghệ sĩ Dũng nhi vào vai Bí thư Hoàng Kim trong phim "Bí thư Tỉnh uỷ".

Chúng tôi bắt đầu câu chuyện bằng vai Bí thư Hoàng Kim trong bộ phim "Bí thư tỉnh ủy" mà Dũng Nhi vừa hoàn thành. Ông chia sẻ, đây là một trong những vai mà ông phải lao tâm khổ tứ khá nhiều trong quãng đời làm nghệ thuật của mình. Bí thư Hoàng Kim là nhân vật chính, phim lại dài tới 50 tập nên dù quay ở Vĩnh Phúc - cách Hà Nội không xa nhưng có thời điểm mấy tháng ông mới về thăm nhà. Để có thể hóa thân tốt nhất vào vai Bí thư Hoàng Kim, ông đã phải tham khảo nhiều nguồn tài liệu, gặp gỡ những người đã từng có thời gian làm việc, tiếp xúc với ông Kim Ngọc.

Dũng Nhi dành nhiều công sức tập cho giống cái dáng đi nhanh, hơi đổ về phía trước, trông hơi vất vả của ông Kim Ngọc, cách nói nhanh, miệng nói tay làm của người Bí thư cả đời vì người nông dân này... Ông nhớ, có lần thu hình cuộc họp trong ủy ban xã, nhiều bà già nhìn ông sụt sịt khóc vì "nhớ ông Kim Ngọc quá". Còn phu nhân của Bí thư Kim Ngọc, lần đầu nhìn thấy nghệ sĩ Dũng Nhi đã nhận xét: "Anh ấy khá giống ông nhà tôi"... Những điều ấy khiến Dũng Nhi rất vui dù phim chưa phát sóng.

Gần 40 năm theo điện ảnh với nhiều vai chính, phụ nhưng con đường đến với điện ảnh của nghệ sĩ Dũng Nhi khá "ngoắt ngoéo". Sinh ra trong gia đình có mẹ là nghệ sĩ Thu Hà, diễn viên Đoàn kịch Trung ương nhưng Dũng Nhi khá nhút nhát nên tốt nghiệp trung học, anh lại chọn Sư phạm làm nghề theo đuổi. Trong một lần đưa mẹ đi diễn, Dũng Nhi gặp đạo diễn Quốc Long, khi ấy đang cùng đạo diễn Trần Đắc tìm diễn viên cho vai anh hùng Lê Mã Lương trong phim "Bài ca ra trận". Thấy cậu thanh niên thư sinh, trắng trẻo, đạo diễn Quốc Long ngỏ ý muốn mời Dũng Nhi đóng phim thì mẹ cậu cười: "Con tôi nhát lắm, không đóng phim được đâu". Nhưng đạo diễn Trần Đắc quyết tâm thuyết phục bằng được.

Vừa nhận lời đóng phim thì Dũng Nhi có quyết định nhập ngũ. Đoàn làm phim trình bày nhưng ban tuyển quân bảo: "Đất nước cần Lê Mã Lương trực tiếp chiến đấu chứ không cần trên phim". Dũng Nhi vào bộ đội 3 năm, chiến đấu trọn vẹn 81 ngày đêm tại chiến trường Quảng Trị khốc liệt. Năm 1973, Dũng Nhi được ra quân vì gia đình đã có 2 anh trai là liệt sĩ. Vừa từ chiến trường trở về, mặt sạm đen vì khói súng, đạo diễn Trần Đắc quyết định thôi không cho đóng vai Lê Mã Lương nữa mà đóng vai... chính ủy. Anh vui vẻ nhận lời vì nghĩ đơn giản: Mình vừa đi bộ đội về nên đóng bộ đội chắc không khó lắm. Nhưng một tuần sau, đạo diễn Trần Đắc lại quyết định Dũng Nhi vào vai chính Lê Mã Lương. Lần đầu tiên đi đóng phim, Dũng Nhi và Như Quỳnh -  khi ấy còn là diễn viên cải lương - không khỏi hồi hộp, lo lắng. Trên đường đi, 2 anh em bảo nhau: "Không đóng được phim thì xấu hổ lắm". Lần chiếu nháp đầu tiên, Dũng Nhi còn không dám nhìn lên màn ảnh vì thấy cứ lạ lạ thế nào. Nhưng anh em trong đoàn làm phim và đạo diễn thì rất hài lòng.

Sau phim đầu tiên, Dũng Nhi quay về bục giảng với vai trò thầy giáo dạy văn nhưng các đạo diễn tiếp tục tín nhiệm mời anh đi làm phim "Sao Tháng 8" (đạo diễn Trần Đắc), "Từ một cánh rừng" (đạo diễn Đức Hoàn)... Thế là cứ buổi sáng dạy học, chiều tối đi đóng phim. Nhưng khi đạo diễn ngỏ ý muốn xin nhà trường cho Dũng Nhi đóng "Ngày ấy bên Sông Lam" thì nhà trường buộc anh phải lựa chọn: Về hẳn Hãng Phim truyện hoặc dạy học và sẽ vĩnh viễn không đóng phim nữa. Dũng Nhi quyết định về Hãng phim với vai trò thư ký, trợ lý đạo diễn rồi phó đạo diễn cho đến khi về hưu.

Dũng Nhi có một dáng người "chưa bao giờ béo" như ông vẫn thường nói và khuôn mặt hiền lành, phong cách chỉn chu, mực thước nên các đạo diễn thường chọn ông vào những vai chính diện, những cán bộ liêm khiết, người chồng, người cha khắc khổ... Thế nhưng, Dũng Nhi cũng là một diễn viên có khả năng hóa thân vào những vai phản diện khiến nhiều người ngỡ ngàng. Cho tới bây giờ, nhắc tới Dũng Nhi, khán giả vẫn nhớ tới vai Năm "Sài Gòn" - một tay giang hồ cộm cán đất Cảng trong phim video đầu tiên của điện ảnh Việt Nam "Bỉ vỏ". Dũng Nhi vào vai "ngọt" đến nỗi khi quay cảnh anh Năm trổ tài "hai ngón", anh quay phim ngơ ngác hỏi: "Đã móc được ví chưa", Dũng Nhi gật đầu, giơ ví ra khiến mọi người ngỡ ngàng.

Quay phim yêu cầu Dũng Nhi thực hiện chậm thôi để khán giả còn nhìn thấy. Ít ai biết rằng, nhờ có những năm tháng tuổi thơ, ngày ngày đi học qua chợ Giời mà không một ngón nghề nào của dân anh chị cậu không nhìn thấy. Thậm chí, cậu bé Dũng Nhi còn biết tường tận cách giang hồ móc ví ở túi áo thì thế nào, móc ví ở túi quần thì thế nào... Dũng Nhi đã hóa thân thành một Năm "Sài Gòn" không khuất lẫn, không "nghệ sĩ hóa" như thường thấy ở một số phim miền Nam hay "giả giả" như ở các phim miền Bắc. Năm "Sài Gòn" đích thị là một thằng ăn cướp với gốc gác nông dân, không nghệ sĩ điệu đà gì cả.

Sau này, Dũng Nhi còn tiếp tục vào một vai có tạng khác hẳn như vai Khoái trong phim "Ngõ lỗ thủng"... Vẻ tưng tửng vừa đáng yêu vừa đáng ghét, vẻ ranh mãnh láu cá của một anh bộ đội phục viên ham chơi bời và bồ bịch lăng nhăng được Dũng Nhi thể hiện đã thuyết phục những người trước đây từng không tin ông có thể đóng vai này. Ông kể, ngay sau khi phim "Ngõ lỗ thủng" phát sóng, một lần cùng gia đình, bạn bè đi du lịch ở Hòa Bình, bất chợt, một người trung niên chộp lấy tay ông mà lắc: "Giời ạ, bằng tuổi này mà còn dại. Vừa đóng một vai được mọi người yêu như thế lại đi đóng vai cái thằng chẳng ra gì". Cả đoàn cười ồ, còn Dũng Nhi thì cảm thấy rất vui vì nhân vật của mình bị ghét đến thế tức là mình đã thành công.

Khi Dũng Nhi được mời vào vai Thứ trưởng Cao Đức Cầm trong bộ phim truyền hình "Chạy án", nhiều người bất ngờ bởi ai cũng nghĩ ông Thứ trưởng thì ít ra phải có cái “bụng bia” một chút. Nhưng rồi Dũng Nhi đã thuyết phục bằng hình tượng một ông Thứ trưởng hiền lành, nhu nhược để vợ và cấp dưới thao túng làm những việc phạm pháp, cuối cùng cả gia đình rơi vào bi kịch. Phim công chiếu đã nhận được sự yêu mến của khán giả và khá nhiều giải thưởng cho thể loại phim truyền hình. Còn nhà văn Nguyễn Như Phong, tác giả kịch bản khi gặp Dũng Nhi đã nói: "Đây là vai mà em rất yêu".

Bạn bè trong nghề vẫn kể câu chuyện để vào vai Nguyễn (nguyên mẫu của nhà văn Nguyễn Tuân) trong phim "Mê Thảo thời vang bóng" (đạo diễn Việt Linh), Dũng Nhi đã bỏ nửa năm để tầm sư học đạo những ngón trống chầu từ ca nương Bạch Vân. Khi đoàn làm phim ngỏ ý muốn giúp đỡ ông chút tiền học phí, ông gạt ngay: "Là diễn viên phải biết, không biết thì phải học".

Khi vào vai chính trong phim "Niệm khúc cho người cha", ông sẵn sàng bỏ 2 tháng để học violon. Ông còn kỳ công nhờ người nhạc công biểu diễn chính đoạn nhạc đó để mình bắt chước. Sự nghiêm cẩn tới từng chi tiết khi làm nghề của nghệ sĩ Dũng Nhi còn thể hiện ở khả năng thuộc lời thoại. Nhà biên kịch Thùy Linh từng bất ngờ khi Dũng Nhi vào vai Luận (phim "Mùa lá rụng"). Cảnh Luận mắng mỏ ông anh trung tá, lời thoại rất dài mà Dũng Nhi đã diễn không sai một dấu chấm, dấu phẩy. Phim "Bí thư tỉnh ủy" cũng là phim mà lời thoại dài kỷ lục, có đoạn lên tới một trang rưỡi. Ông cũng cố gắng thuộc và hiểu để không phải nhắc lời. Đó là điều không phải ai cũng làm được, nhất là thế hệ diễn viên trẻ tuổi hiện nay.

Đóng nhiều phim nhưng nghệ sĩ Dũng Nhi lại là người ít xuất hiện trên báo chí. Ông tự chọn cho mình cuộc sống giản dị, kín đáo. Nhiều người cho rằng, Dũng Nhi thiệt thòi bởi đóng khá nhiều phim nhưng giải thưởng duy nhất mà ông nhận là: Có nhiều cống hiến cho phim truyền hình do tạp chí Truyền hình bình chọn cuối năm 2009, ông cũng chưa được phong tặng NSƯT... Những lúc như thế, Dũng Nhi chỉ cười. Hạnh phúc với ông là được làm nghề, được khán giả yêu mến và có một gia đình êm ấm...

Thảo Duyên
.
.
.