Nền cũ lâu đài, bóng tịch dương

Thứ Năm, 26/02/2015, 08:00
Thăng Long dịch chậm cuối đông, thứ mưa chuyển mùa như kem lạnh ôm ngọt cả một mùa xưa cũ. Con đường hoa hồng nép bên Hội trường Ba Đình không còn nữa, những tán bằng lăng biếc tím cũng lùi vào quá khứ như thơ xa cất kín góc trời...

Tòa nhà Quốc hội mới - biểu trưng của sự phát triển và hội nhập trong thế kỷ XXI hiện diện trên nền móng của kinh thành lịch sử, cái mới dẫu không chấm phá tranh hoa cũng toát vẻ hiện đại, uy nghi, còn cái cũ dẫu có lùi sâu sau bao lớp thời gian cũng chẳng dễ mất đi khi lòng người xứ mình luôn biết soi vào quá khứ thiêng liêng để rạng đường đi tới...

Tôi ngẫm suy đoạn đường hoa hồng bên góc Hội trường Ba Đình ngày cũ bởi sự chấm phá của cảnh vật nơi đây thấm thoắt ghi dấu hơn mười năm làm báo nghị trường. Hơn mười năm, đếm đầu ngón tay với một đời người thế đã là dài, với một hành trình thì chừng ấy cũng đủ tầm ngoảnh lại hút cả một góc nhìn đằng đẵng. Thế mà nơi đây, vườn hoa hồng ngự phố Bắc Sơn, con phố không đánh số nhà, chỉ có những tán bằng lăng sắc biếc giờ đã khép lại như chấm phá mỏng manh trong chuỗi thời gian được kế tục bởi nền móng lịch sử kéo dài cả thiên niên kỷ với bao biến cố thăng trầm…

Có những sự trùng hợp thật diệu kỳ: Cái tên Ba Đình trong thế kỷ XX đã đi vào lịch sử với tính chất là trung tâm chính trị quốc gia, gắn với bao sự kiện cũng vào mùa thu đất nước, từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập đến mùa thu Giải phóng Thủ đô năm 1954. Một nghìn năm trước, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Đại La cũng nhằm mùa thu, truyền rằng khi đến đất này ngài thấy đám mây hình rồng bay lên từ thành Đại La nên đổi tên thành Thăng Long. Sự huyền diệu ấy dẫu chẳng rõ thực hư nhưng tự bao đời hình tượng rồng bay đã trở thành biểu trưng thiêng liêng của chốn kinh kỳ, như chính Lý Thái Tổ ghi trong Chiếu dời đô:  "Muôn vật cực kỳ giầu thịnh, đông vui. Xem khắp nước Việt, đây là chỗ đất đẹp nhất, thật là nơi đô hội trọng yếu để bốn phương tụ họp".

Phối cảnh tòa nhà Quốc hội nhìn từ trên cao.

Đông lạnh giăng mưa rây phủ mờ trên mặt nước giếng cổ Hoàng thành, những dấu tích rong rêu và bậc đá hút sâu dưới mấy tầng đất ẩm. Tôi ngược dòng lịch sử chính từ những dấu tích giếng cổ này. Có 9 giếng cổ mà theo nhận định các nhà khảo cổ học thì có một giếng niên đại khoảng thế kỷ VII -IX, tức ứng với thời Bắc thuộc nhà Đường, nay ngót nghét 13-14 thế kỷ. Rồi 1 giếng thời Lý, 2 giếng thời Trần, 3 giếng thời Lê, 2 giếng được làm vào thời Nguyễn… 9 cái giếng cổ ấy nối tiếp nhau với bao triều đại thịnh suy, vậy mà cái mạch nước đến hôm nay vẫn trong veo như cổ tích, vẫn vẹn nguyên cô công chúa nghìn năm nhan sắc không chút phủ mờ…

Nơi dấu tích này, xưa kia cấm thành, vườn thượng uyển, ngày nay là phòng họp mang tên Diên Hồng - hẳn lấy cái điểm tựa hào khí Đông A lừng lẫy một thời làm sinh khí cho những quyết nghị quốc gia ngày nay vậy. Ngước nhìn vẻ lộng lẫy phòng Diên Hồng, nơi các anh thợ đang cầu kỳ lắp đặt chùm đèn pha lê nặng tới 5 tấn, lại nhìn ra giếng cổ, thềm cung, tôi cứ ngỡ như đâu đây tiếng thơ Thánh Tông Thượng hoàng mừng hội Thái bình diên yến sau khi toàn thắng quân Mông - Nguyên:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu

(Xã tắc hai phen bon ngựa đá
Non sông thiên cổ vững âu vàng
)…

Cũng dọc chiều dài lịch sử, nơi đây vọng áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi sau khi Vương Thông và bại binh nhà Minh rút chạy khỏi Hoàng thành:

Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc

Nhưng kinh thành cũng như mỗi đời người chẳng dễ là đường thẳng để chỉ khắc họa những nét tươi nguyên. Ngót nghìn năm với bao chiến công hiển hách cùng những tên tuổi lẫy lừng của dân tộc, bao sự kiện có ý nghĩa đổi thay cục diện đất nước nhưng cũng ở kinh thành này, sử sách ghi lại các biến cố thăng trầm, ly loạn, kinh thành với hơn 10 lần bị đốt cháy, tàn phá bởi ngoại bang và những khúc ngoặt suy vong giữa các vương triều phong kiến. Giặc giã vào thành tàn phá, rồi những cuộc soán ngôi gây bao bi thảm vương triều.

Tại nhà Ngự đường thời Lý, sách Việt Sử lược chép rằng, tháng 12/1211, Thái hậu dìm chết Nhân Quốc Vương và hai con trai thứ 6, thứ 7 của ông ở giếng nhà Ngự đường rồi vứt ở cung Lâm Quang. Trong 9 cái giếng vừa khai quật khảo cổ kia, các nhà khảo cổ xác định có một giếng thời Lý. Chẳng rõ, cái giếng ấy liệu có ôm thảm cảnh tám trăm năm trước? Sau mỗi vương triều, những tòa thành mới thay thế cung điện cũ, là đường ngang dọc trên dấu vết của những vương cung, đế miếu dựng lên rồi xóa bỏ, cũng như sự hoán đổi giữa các vương triều phong kiến. Bà Huyện Thanh Quan ngày nào đứng trước cố tích mà hoài niệm lịch sử trên chốn đất này:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

(Thăng Long hoài cổ - Bà Huyện Thanh Quan)

Câu thơ tiêu tao nặng lòng quá khứ như lật từng viên gạch lịch sử, tìm lại lối cũ rêu phong đã mất với xe ngựa hồn thu thảo, bóng tịch dương khuất lặng trăm năm… Giờ đây, Hội trường Ba Đình với nửa thế kỷ án ngự đất này đã hoàn thành sứ mệnh, nhường lại cho tòa nhà Quốc hội mới, một công trình có tính lịch sử - dấu nối một nghìn năm có lẻ. Ý nghĩa của công trình còn thể hiện ở chỗ, đây là thành quả có được sau quãng thời gian rất dài kể từ khi có chủ trương xây dựng nhà Quốc hội.

Giếng cổ trong Hoàng thành Thăng Long.

Nói về quá trình hoạch định, xây dựng nhà Quốc hội, đó là hành trình qua nửa thế kỷ. Nhớ lại, cuối những năm 1950, đầu 1960 của thế kỷ trước, thời kỳ đó Liên Xô làm Cung Đại hội, Trung Quốc xây dựng Đại lễ đường nhân dân tại Quảng trường Thiên An Môn. Nhìn sang các nước có các công trình hoành tráng, đồ sộ như vậy, chúng ta cũng mong muốn có tòa nhà làm việc sao cho xứng tầm. Bộ Kiến trúc lập một bộ phận chuyên trách, gọi là "tổ Quốc hội" do kiến trúc sư Trần Hữu Tiềm và Tạ Mỹ Duật phụ trách, hằng ngày trực tiếp nghiên cứu, thiết kế với chuyên gia Trung Quốc. Nhiều phác thảo khá đồ sộ được đưa ra.

Thế nhưng, ý trời không chiều lòng người, trong điều kiện kinh tế lúc bấy giờ còn rất khó khăn, rồi việc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc và tình hình chiến sự miền Nam ngày càng ác liệt nên sau khi cân nhắc kỹ, Bác Hồ nói: "Chưa nên làm vì dân ta còn khổ quá. Bao giờ dân ta khá hơn, xoá được các nhà ổ chuột thì hãy làm. Mình nghèo anh em ai người ta chẳng biết, không có gì phải xấu hổ vì không có hội trường lớn". Ý tưởng xây dựng tòa nhà Quốc hội hoành tráng đành gác lại.

Trong điều kiện đó, năm 1963, Hội trường Ba Đình ra đời với tính chất công trình tạm thời để trước mắt phục vụ không chỉ Quốc hội mà cả những sự kiện chính trị lớn của đất nước, hẹn sau ngày đất nước thống nhất, tái thiết kinh tế, lúc ấy chúng ta sẽ tính lại việc xây dựng…

Quá khứ - hiện tại, nơi dấu thiêng cả thiên niên kỷ vốn rất xa xăm mà cũng thật gần. Dõi mắt về đường Độc Lập, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, những tán xà cừ cổ thụ đổ bóng um tùm. Rút lại tầm gần, ngay trên tầng 3 tòa nhà, giữa kiến trúc bê tông cốt thép, ấy vậy mà vẫn lộ ra những khoảng đất cỏ hoa và cây xanh cao tới dăm bảy mét, tỏa bóng mát rượi. Quả là những nhà kiến trúc lồng ghép tính hiện đại trong cấu trúc xanh thật huyền diệu. Lại nhớ xưa kia cụ Nguyễn Công Trứ tức cảnh sinh tình: "Đất kinh kỳ riêng một áng lâm tuyền". Còn Cao Bá Quát khi lên thành Thăng Long vãn cảnh mà nặng lòng cố quốc:

Đệ nhất phồn hoa thử cựu kinh,
Nùng sơn, Nhị thuỷ tối cao thanh!
Thiên niên thành quách không kim cổ,
Thập lý nha phường lão tử sinh...

(Bậc nhất phồn hoa kinh khuyết cũ,
Cao sâu Nùng, Nhị vẫn sơn hà!
Thành trì trơ mấy hồi kim cổ,
Phường phố thay bao lớp trẻ già
...).
Đăng Trường
.
.
.