NSƯT, nhà thiết kế Đức Hùng: Sáng tạo bằng màu tình yêu

Thứ Hai, 04/02/2013, 08:00
NSƯT Đức Hùng là một trong những nghệ sĩ "được lòng" cánh phóng viên bởi cách làm việc chuyên nghiệp, luôn biết báo chí cần gì ở mình. Báo chí "mê" anh không chỉ bởi vẻ ngoài ấn tượng, phong cách thời trang lịch lãm mà còn bởi cách nói chuyện chân thành, thẳng thắn khi đề cập tới bất cứ vấn đề nào. Trò chuyện với anh, dù đã từng quen biết hay gặp lần đầu đều có cảm giác như chia sẻ với người thân...

Tháng 9/2012, 50 mẫu áo dài được thiết kế bằng chất liệu tơ tằm mang đậm nét văn hóa đồng bằng Bắc Bộ lấy ý tưởng từ chiếc áo tứ thân mớ ba, mớ bẩy của Quan họ Bắc Ninh của nhà thiết kế (NTK) Đức Hùng tung bay trên đất Mỹ trong chương trình Festival Áo dài 2 tổ chức tại Nhà hát San Jose Center for The perfoming Art. Trước đó, tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, NTK Đức Hùng đã thể hiện tình yêu với Thủ đô văn hiến bằng bộ sưu tập "Đất rồng thiêng" với 500 mẫu thiết kế áo dài ấn tượng. Chỉ riêng ở lĩnh vực thiết kế thời trang, Đức Hùng đã thể hiện khả năng làm việc "khủng" của mình. Nhưng đó chỉ là một phần trong hành trình sáng tạo của anh. Năm 2012, nghệ sĩ Đức Hùng là NTK duy nhất của Việt Nam được phong danh hiệu NSƯT với những đóng góp cho ngành múa rối trên cương vị Trưởng đoàn phụ trách diễn viên của Nhà hát múa rối Thăng Long.

NSƯT Đức Hùng là một trong những nghệ sĩ "được lòng" cánh phóng viên bởi cách làm việc chuyên nghiệp, luôn biết báo chí cần gì ở mình. Báo chí "mê" anh không chỉ bởi vẻ ngoài ấn tượng, phong cách thời trang lịch lãm mà còn bởi cách nói chuyện chân thành, thẳng thắn khi đề cập tới bất cứ vấn đề nào. Trò chuyện với anh, dù đã từng quen biết hay gặp lần đầu đều có cảm giác như chia sẻ với người thân. Trong cái se lạnh của Hà Nội những ngày giáp Tết, NSƯT Đức Hùng bộc bạch, dù đã đi qua hơn 40 cái Tết nhưng anh vẫn mê Tết lắm. Nói ít người tin, hiện trong anh vẫn vẹn nguyên tâm trạng háo hức chờ đón Tết về như cậu bé thuở nào. Tết là khoảng thời gian anh được "là mình" nhất. Là gác công việc sang một bên, dành trọn thời gian cho gia đình, người thân. Sẽ là tắt điện thoại, ăn mặc xoàng xĩnh ở nhà hay xúng xính áo quần cùng hai cô công chúa nhỏ lên vườn hoa Quảng Bá chụp ảnh. Bạn bè tha hồ mời mọc, rủ rê đi du lịch ngày Tết, nhưng ít nhất đến thời điểm này, anh chưa bao giờ có ý định tận hưởng Tết ở nước ngoài. Anh yêu vô cùng cái không khí co ro, bình yên của phố phường Hà Nội những ngày Tết. Khoảng thời gian đặc biệt ấy với anh, như một khoảng lặng để tĩnh tâm, để nhìn lại và để bước tiếp.

Yêu Tết nên anh yêu màu hoa đào, màu hồng xác pháo của những năm xa ngái. Có lẽ vì thế, người yêu thời trang luôn nhận thấy trong hầu hết những bộ sưu tập áo dài của anh đều có sự xuất hiện của gam màu hồng thắm. Chưa kể, với những bộ sưu tập đặc biệt thì màu sắc ấy luôn giữ vai trò chủ đạo. Anh gọi màu hồng, gam màu sắc đậm chất lễ hội ấy là màu Tết, màu của những ám ảnh ký ức trong anh. Sinh ra ở phố cổ Hà Nội, tuổi thơ của Đức Hùng là phố phường Hà Nội cổ, là Hà Nội thời bao cấp đầy khó khăn nhưng đậm chất thơ. Đức Hùng bảo, anh không sao quên được hình ảnh sáng mùng 1 Tết, cả phố phường ngập tràn xác pháo. Tết Hà Nội trong anh là những đêm cha dắt anh đi đón giao thừa ở Bờ Hồ, khi trở về nhà cũng là lúc dọc phố Hàng Ngang, Hàng Đào, các gia đình đốt vàng mã cúng giao thừa. Những hoài niệm ký ức ấy luôn xuất hiện trong các bộ sưu tập áo dài của anh, khi bảng lảng, khi đậm nét nhưng luôn là một Hà Nội cổ kính, sang trọng. Giờ đây, anh vẫn giữ nếp như cha anh ngày xưa, dắt các con đi đón giao thừa quanh Bờ Hồ. Dù anh hiểu, các con anh có thể không yêu, không hoài niệm cái anh yêu ngày xưa, nhưng anh hy vọng đó là cách để con anh biết yêu Hà Nội, yêu quê hương đất nước mình. Để lớn lên, chúng sẽ có một vùng ký ức đẹp lung linh như thế.

Màu sắc mà Đức Hùng ưu ái gọi là “màu tết” luôn có mặt trong các bộ sưu tập áo dài của anh.

Một trong những niềm vui mà anh có được trong năm 2012 là được phong tặng danh hiệu NSƯT trong lĩnh vực nghệ thuật múa rối. Thời trang cho anh danh tiếng, để tên tuổi anh được nhiều người biết tới nhưng múa rối lại giúp anh có được một gia đình hạnh phúc, có được giây phút cân bằng sau những hào nhoáng của sàn catwalk. Làm lãnh đạo, phụ trách diễn viên, thiết kế thời trang nhưng anh vẫn thu xếp để thỉnh thoảng trực tiếp mặc quần áo cao su ngâm mình xuống nước diễn cùng đồng nghiệp. Một phần vì anh muốn hiểu hơn thực tế công việc biểu diễn, nhưng hơn tất cả, anh biểu diễn để thỏa mãn con người nghệ sĩ trong anh.

Được đào tạo để trở thành một nghệ sĩ múa rối chuyên nghiệp, nhiều người thắc mắc rằng có bao giờ Đức Hùng bị cái lộng lẫy, xa hoa của giới thời trang làm phai nhạt tình yêu với múa rối nhưng anh bảo cảm ơn múa rối còn chưa hết. Hai loại hình nghệ thuật, hai môi trường làm việc, một xô bồ một tĩnh lặng, một truyền thống, một hiện đại tưởng chừng như trái ngược nhau ấy đã giúp anh cân bằng được mình. Công việc ở Nhà hát Múa rối được anh ví như cái "phanh" giúp anh có những điểm dừng hợp lý, không bị cuốn vào những giá trị ảo. Ngược lại, những biến động không ngừng của thời trang giúp cho tâm hồn anh luôn tươi mới, đầy ý tưởng sáng tạo. Chính môi trường công chức lại giúp nghệ sĩ thời trang trong anh hiểu một cách sâu sắc, cốt lõi rằng văn hóa nghệ thuật phát triển đến đâu, đi theo định hướng nào người nghệ sĩ biết dừng lại trước cám dỗ để không lầm đường lạc lối.

Làng thời trang vẫn nhắc "Điên không ai điên bằng Đức Hùng nhưng tỉnh cũng không ai tỉnh bằng Đức Hùng". Yêu áo dài mê mẩn nhưng không bị cuốn vào cái gọi là "kỷ lục", "cách tân" thái quá. Anh quan niệm, nhắc tới áo dài là người ta nghĩ tới một hình ảnh mang tính biểu tượng, mà đã là biểu tượng thì không được cắt xén thái quá. Những người thiết kế thời trang có trách nhiệm làm cho nó đẹp hơn chứ không phải là thay đổi quá nhiều khiến người ta không còn nhận ra biểu tượng ấy nữa. Với Đức Hùng, thời trang phải là những gì gần gũi, đại chúng để nhiều người có thể tiếp cận được chứ không phải là những sản phẩm quái dị. Hơn ai hết, anh tâm niệm áo dài là một sản phẩm nghệ thuật mang đậm hồn Việt. Và anh đang cố gắng để sản phẩm nghệ thuật ấy chạm được vào trái tim không chỉ người Việt Nam.

Đức Hùng tự nhận mình là người rất tự tin. Và phẩm chất này đã tạo nên một nghệ sĩ Đức Hùng riêng biệt, không hề khuất lẫn. Anh bảo, anh tự tin ngay từ khi chập chững bước vào thời trang, ra mắt bộ sưu tập đầu tiên vào năm 1992 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, tự tin ngay từ khi danh tiếng chưa có nhưng chững chạc đảm nhiệm trang phục cho các hoa hậu, á hậu như Hà Kiều Anh, Vi Thị Đông, Nguyễn Thu Thủy… trong các cuộc thi quan trọng. Sự tự tin ấy, Đức Hùng có từ ngày nhỏ, khi mới 10 tuổi đang sinh hoạt ở Cung Thiếu nhi Hà Nội. Cậu bé đã mơ mình trở thành nghệ sĩ nổi tiếng và hàng tiếng đồng hồ đứng trước gương tập nói trước công chúng. Sự tự tin, niềm đam mê và hơn tất cả là thái độ lao động nghiêm túc đã góp phần đưa Đức Hùng đến với thành công.

Với Đức Hùng, trong cuộc sống, một tích tắc nào đó có thể rất buồn, có thể công việc không được như ý muốn, nhưng anh không bao giờ gọi tên nó là thất bại. Anh ngộ ra rằng, chạm tới tận cùng sự thật của cái gọi là thất bại sẽ là khởi đầu của một sự thành công. Đức Hùng quan niệm, để có được sự thành công, thì sự khó khăn mà nghệ sĩ phải đương đầu là đương nhiên. Thành công có thể có hình, còn khó khăn dù có hình, anh cũng sẽ coi nó là vô hình. Năm 2010, tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đức Hùng dự định sẽ thiết kế 1.000 mẫu áo dài dành tặng mảnh đất Thủ đô yêu dấu, nhưng vì số lượng người mẫu và thời lượng phát sóng truyền hình có hạn nên rút lại thành 500 mẫu. Hai năm miệt mài cho bộ sưu tập mang tên "Đất rồng thiêng", Đức Hùng chia sẻ, anh chưa bao giờ thấy mệt mỏi. Đêm tổng duyệt chương trình, chân bị đau đến mức anh phải nhảy lò cò chỉ đạo người mẫu. Để chương trình suôn sẻ, anh đã quyết định chọn giải pháp tình thế là tiêm thuốc dù thuốc này có ảnh hưởng xấu đến xương.

"Người ta thường nói, phụ nữ muốn đẹp hãy đến với Đức Hùng. Nhưng người phụ nữ ấy có cần phải có nhiều tiền không?". Đức Hùng bảo, anh chưa bao giờ phân biệt khách hàng là ai, làm gì, vị trí xã hội thế nào. Đến với anh, khách hàng luôn được tôn trọng dù có thể họ là người bán hàng, là ngôi sao nổi tiếng hay những chính trị gia. Căn nhà rộng rãi mà cha mẹ để lại trên phố Hàng Đậu là nơi anh giúp những người phụ nữ lấy lại sự tự tin cho mình

Thảo Duyên
.
.
.