NSƯT Tạ Duy Nhẫn: Nỗi buồn vắng người kế nghiệp

Thứ Ba, 18/03/2014, 08:00
NSƯT Tạ Duy Nhẫn là người kế nghiệp của ông tổ nghề xiếc Việt Nam Tạ Duy Hiển - nghệ sĩ vinh dự được dựng tượng trong khuôn viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam như một sự tri ân sâu sắc về những công lao và đóng góp cho nghề xiếc. Hơn 40 năm gắn bó với nghề, năm Giáp Ngọ này NSƯT Tạ Duy Nhẫn vừa chạm tuổi nghỉ hưu. Vẫn còn nhiều dự định ấp ủ, vẫn còn nhiều ước mơ, hoài bão về những tiết mục xiếc mạo hiểm, bất ngờ, nhưng từ trong sâu thẳm, NSƯT Tạ Duy Nhẫn có một nỗi buồn lặng lẽ: Thế hệ thứ 4 của dòng họ Tạ Duy có lẽ không có người kế nghiệp...

Sinh thời, lão nghệ sĩ Tạ Duy Hiển luôn mong muốn con mình nối được nghiệp cha. Lên 4 tuổi, chú bé Tạ Duy Nhẫn đã được cha huấn luyện cho những động tác xiếc đơn giản như tập thăng bằng, tung hứng, uốn dẻo... Năm 1958, gánh xiếc mang tên Đoàn Xiếc Việt Nam do cụ Hiển lập nên được sáp nhập để thành Đoàn Xiếc Trung ương do nhà nước quản lý, rồi trường đào tạo nghệ thuật xiếc ra đời. Mặc dù đã dạy cho con trai nhiều động tác cơ bản có tính truyền nghề từ sớm, song nghệ sĩ Tạ Duy Hiển vẫn muốn cậu con mới 9 tuổi của mình được theo học khóa đào tạo dài hạn, chính quy tại trường xiếc. Sau 4 năm học, Tạ Duy Nhẫn về công tác tại Đoàn xiếc Trung ương. Lúc ấy cha anh vừa mất.

Bắt đầu sự nghiệp biểu diễn với những tiết mục xiếc người như "Đế trụ", "Thăng bằng trên cao"… nhưng rồi, như là duyên nghiệp, Tạ Duy Nhẫn luôn cảm thấy bị hấp dẫn bởi những tiết mục xiếc thú. Cơ duyên thực sự đến với anh khi vào năm 1978, đoàn lãnh đạo cấp cao của nhà nước Mông Cổ trong một chuyến thăm ngoại giao đã tặng cho Việt Nam 10 con ngựa đẹp "làm quà". Số ngựa ấy được chuyển về đoàn xiếc và nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn được giao chọn ra 4 chú ngựa có "năng khiếu" nhất để huấn luyện biểu diễn xiếc.

Những ngày mới bắt đầu thật là gian nan, những chú ngựa Mông Cổ đã quen với thảo nguyên mênh mông nay lại bị nhốt trong phòng để bắt đầu tập những động tác nhỏ nên nhiều khi chúng rất phá phách. Bằng ký ức về những câu chuyện dạy thú của người cha, cũng như tình cảm, sự kiên nhẫn, yêu thương loài vật mà cha vẫn thường trân trọng gọi là "những người bạn diễn không biết nói", dần dà nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn đã thu phục được 4 chú ngựa để có những thành công vang dội của tiết mục "Ngày hội trên mình ngựa" hiện đã trở thành tiết mục truyền thống, với nhiều chuyến đi biểu diễn ở nhiều địa phương trên cả nước. Cũng nhờ thành công của tiết mục này mà nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn được mời sang Đài Loan biểu diễn và nhận được nhiều lời khen ngợi.

NSƯT Tạ Duy Nhẫn trong chuyến đi biểu diễn xiếc ngựa ở Đài Loan.

Khi Liên đoàn Xiếc Việt Nam được đầu tư xây dựng rạp hiện đại, nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn đã đích thân vào bản Đôn lựa chọn những chú voi tốt nhất để đưa ra Hà Nội huấn luyện biểu diễn xiếc. Chú voi tên Đô và cô voi tên Bông do anh lựa chọn từ chuyến đi ấy đã nhiều năm phục vụ những tiết mục xiếc độc đáo, được các em nhỏ và cả người lớn thích thú. Tạ Duy Nhẫn cũng là người nhiều năm lặn lội với các chuyến đi ra đảo khỉ ở Cát Bà để săn tìm những chú khỉ vừa thông minh, tinh nghịch lại khéo léo để đưa về huấn luyện.

Trong chuyến đi biểu diễn ở Ba Lan, tiết mục xiếc khỉ của anh được đông đảo khán giả yêu thích, hưởng ứng, đề nghị diễn đi diễn lại tới 3 lần. Anh tâm sự: "Trong các loài vật, khỉ là loài thông minh, có nhiều hành động giống con người. Khi chúng vui vẻ thì rất thuận lợi nhưng khi chúng cảm thấy khó chịu cũng dễ cáu gắt và sinh ra phá phách, không tuân theo mệnh lệnh của người dạy. Bí quyết của tôi đơn giản là mình cũng phải hiểu chúng như những người bạn của mình. Qua quá trình gần gũi, tiếp xúc, người nghệ sĩ sẽ thành công nếu có đủ sự nhạy cảm để hiểu người bạn diễn của mình đến mức nhiều khi chỉ cần giao tiếp bằng mắt là đủ mà không cần đến những phần thưởng sau những động tác thành công".

Nhiều năm đã qua, anh vẫn nhớ những chuyện gia đình kể lại: Có những đêm đông bất chợt tỉnh giấc, cha anh còn mở cửa ra xem những chuồng thú ấm lạnh thế nào, chăm sóc các con thú khi chúng ốm đau, bị thương… Tấm gương lao động nghệ thuật và tình cảm của cha dành cho những người "bạn diễn" của mình đã có ảnh hưởng sâu đậm tới NSƯT Tạ Duy Nhẫn. Anh không bao giờ ngại khó, ngại khổ hay dễ dàng từ bỏ những động tác khó hoặc bị khuất phục bởi những con thú "cứng đầu".

Nghiêm khắc mà tình cảm, mềm mỏng, nhẫn nại, những con vật từ gấu, khỉ, ngựa, voi... qua tay anh huấn luyện đều đạt những thành công nhất định và nhiều tiết mục của anh dàn dựng có tuổi thọ biểu diễn hàng chục năm. Đã thấu hiểu nỗi vất vả từ đời cha khi đưa đoàn xiếc đi biểu diễn khắp nước rồi còn sang cả Lào, Thái Lan biểu diễn, vợ chồng NSƯT Tạ Duy Nhẫn khi đi biểu diễn ở các địa phương cũng sẵn sàng căng bạt ngủ ngay cạnh chuồng thú, ăn uống tùng tiệm, vội vàng.

Người bạn đời của anh - một nghệ sĩ kèn Sắc sô phôn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam - là một phụ nữ nhân hậu, tảo tần, luôn tận tụy với sự nghiệp của chồng con. Họ đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi suốt mấy chục năm, vinh quang cũng lắm mà cay đắng cũng nhiều, nhưng họ đều xác định "đã mang lấy nghiệp vào thân" thì phải hết mình với công việc.

Mang nặng tâm nguyện xây dựng xiếc thú thành những tiết mục đặc sắc, có lần, trong quá trình đi tuyển chọn 4 chú ngựa tại trại ngựa Bá Vân, NSƯT Tạ Duy Nhẫn đã đặt tên cho 4 chú ngựa do mình huấn luyện là: "Tâm, Trí, Nghiệp, Thành" như một lời nhắc nhở bản thân rằng, nếu ta có tâm, có trí thì sự nghiệp gắn bó với xiếc thú sẽ thành công. Là Trưởng đoàn Xiếc thú của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, mặc dù đã chạm tuổi nghỉ hưu, nhưng trong tâm khảm của NSƯT Tạ Duy Nhẫn chưa bao giờ xuất hiện chữ "buông". Anh tâm niệm: "Còn làm việc ngày nào là tôi còn cống hiến ngày đó, thậm chí đến sau khi nghỉ hưu, nếu có nơi nào mời tôi làm huấn luyện viên xiếc thú, tôi sẵn sàng nhận lời. Bởi vì đối với tôi, được làm nghề là được khám phá. Mỗi ngày làm việc với các tiết mục, các diễn viên, các con thú đều mang đến cho tôi những khám phá thú vị, những trải nghiệm mới mà không nghề nghiệp nào có được.

Nghề xiếc vốn là nghề buồn nhiều hơn vui, vinh quang ít mà khổ luyện trong mồ hôi, nước mắt, thậm chí là sự hiểm nguy là nhiều, nhưng cũng rất hấp dẫn và luôn đầy yếu tố bất ngờ. Đó là lý do vì sao tôi vẫn yêu nghề này, dù đời tôi cũng đầy thăng trầm, vất vả, trong đó có cả nỗi buồn, thiệt thòi…".

Cố nghệ sĩ Tạ Duy Hiển chỉ có hai người con trai. Người con đầu theo nghiệp võ, chỉ có thứ nam Tạ Duy Nhẫn kế nghiệp và mang trong mình khát vọng của cha. Trong anh, từ sâu thẳm có một niềm tự hào và tình yêu nghề, trọng nghề sâu sắc nên khi sinh được hai người con một trai một gái, anh đã có ý hướng cho hai con theo nghề của mình, dù biết rằng đó là nghề đầy gian truân, thử thách. Nhưng đáng tiếc là cô con gái Tạ Thúy Phương của anh trong lúc đang ở độ chín nhất của nghề xiếc với các tiết mục nhào lộn, thăng bằng trên cao và cùng cha biểu diễn các tiết mục xiếc voi, xiếc ngựa thì bất ngờ gặp một tai nạn trong quá trình tập luyện khiến cô phải giải nghệ.

NSƯT Tạ Duy Nhẫn không muốn nhắc lại chuyện này, bởi với anh, ngoài nỗi buồn sâu thẳm của một người cha thương đứt ruột đứa con gái nhỏ của mình tuổi đời còn quá trẻ, nó còn là sự tiếc nuối cho một tài năng, một sự lưu luyến muốn "nghề tổ" có người mang khát vọng lớn kế tục. Anh chia sẻ: "Tôi có đứa cháu nội tỏ ra rất có năng khiếu và thích thú với xiếc. Dù tôi rất mong cháu sẽ theo nghề cha ông, song bố mẹ cháu không muốn cháu theo nghề nữa. Có lẽ, sau tai nạn của con gái tôi, con trai và con dâu tôi đã không đủ dũng khí trao gửi con mình cho cái nghề nguy hiểm này.

Các cụ có câu: "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời", câu này có lẽ ứng với gia đình tôi về việc một gia đình khó có thể có người đến đời thứ 4 kế nghiệp, cũng là một điều thực đáng tiếc".

Nói đến đây, giọng người nghệ sĩ nhuốm vẻ phong sương ấy chợt chùng xuống. Nỗi buồn, sự luyến tiếc ấy chính là lý do ông hay kể chuyện về cha mình với hoài niệm về một gánh xiếc thời còn "vang bóng". Đầy trăn trở và khát vọng, đầy yêu thương và hy vọng với nghề, nhưng dường như trong tâm khảm NSƯT Tạ Duy Nhẫn vẫn có một nỗi buồn mênh mang không giấu được. Một nỗi buồn thăm thẳm mà lặng lẽ, chẳng thế gọi thành tên…

Nguyệt Hà
.
.
.