NSƯT Quốc Trị: Không chịu được sự đơn điệu

Thứ Tư, 24/08/2011, 08:10
Quốc Trị khẳng định rằng, dù đã gần 40 năm trong nghề và gặt hái được nhiều Huy chương vàng trong các kỳ hội diễn, các liên hoan phim, nhưng với anh, dù là vai phản diện hay chính diện, dù là vai ngắn hay vai dài đều là một sự trải nghiệm quý giá. Hiện tại Đại tá, NSƯT Quốc Trị đang công tác tại Đoàn kịch nói Quân đội.

Thành công trên sân khấu với những vai chính diện đậm chất chính luận như: Đại đội trưởng Thục trong vở "Đại đội trưởng của tôi", ông Chủ tịch trong "Ông bi ông hài", Kê-lin trong "Thánh của các vị thánh", Êrốt Scat trong vở "Người đốt đền"... thì trên màn ảnh Quốc Trị lại được khán giả nhớ đến với hình ảnh của một người đàn ông lam lũ, vất vả, đáng thương nhưng luôn sống đầy nhân ái như Lão Khúng trong phim "Khách ở quê ra", Miên trong "Những đứa con vùng đồi", anh bộ đội trong "Người yêu đi lấy chồng", anh xích lô trong "Lẽ nào anh lại quên em"...

Ngoài đời, Quốc Trị là một người sống giản dị, dễ gần và chất phác như chính các vai diễn của anh. Kể lại kỷ niệm hồi đóng vai xích lô trong phim "Lẽ nào anh lại quên em" Quốc Trị hào hứng: "Vai của tôi là một anh đạp xích lô vốn là lính phục viên, giúp một chị ở quê ra tìm chồng sống ở Hà Nội, nhưng khi tìm được thì biết rằng, người chồng chị yêu thương bấy lâu nay đã có một gia đình mới hạnh phúc, giàu sang. Sau nhiều ngày cùng sống và gắn bó, anh đã khuyên nhủ chị bình tâm trở về để nuôi dạy con cái nên người.

Để hoàn thành tốt vai diễn này, người làm đạo cụ đã mang tới cho tôi một chiếc xe xích lô và bắt tôi phải tập trước khi vào diễn. Tôi đã mang xích lô ra đường tập, vậy mà có nhiều người hỏi thuê tôi chở thật. Khi lại gần, nhìn mặt tôi họ bỗng ngờ ngợ bảo nhìn thấy quen quen. Cuối cùng tôi đành thú thật là mình đang tập chạy xích lô để chuẩn bị đóng phim mới.

Hay nhất là hôm bấm máy, hồi đó nhà tôi gần ga Hà Nội nên tôi mặc luôn phục trang rồi đạp xích lô ra ga. Khi tôi ra tới nơi thì đoàn làm phim chưa ai tới, tôi đành phải đứng nép vào một góc chờ. Bỗng dưng có một nhóm người tiến đến, anh già nhất hỏi: "Ông ở đâu đến thế. Không biết luật ở đây à?". Tôi  biết là anh cai ở khu vực này đã nhầm tưởng tôi là nhân viên mới chưa ra mắt nên trêu: "Tôi là lính phục viên trở về, muốn giúp đỡ vợ con nên ra đây chạy xích lô kiếm thêm tí". Nghe vậy anh cai mừng rỡ: "Ồ, tôi cũng là lính đây, thế anh ở sư đoàn nào?". Tôi nhận sằng là ở đoàn 354, hóa ra lại là đơn vị của anh cai ngày xưa. Anh cai tay bắt mặt mừng bảo: "Được rồi, chỉ cần anh viết cái đơn gửi đội vận tải, tôi sẽ kết nạp anh vào". Trước sự chân tình của anh cai, tôi đành nói thật là mình đi đóng phim. Thời gian sau, có cảnh quay phải nhờ đến cả đội xích lô của nhà ga, "anh cai" đã giúp đỡ đoàn làm phim và nhất định không chịu nhận thù lao".

NSƯT Quốc Trị  thuộc lớp diễn viên trưởng thành từ Đoàn kịch Tổng cục Chính trị. Đến nay, anh đã tham gia hàng chục vở diễn và có một số vở,  đến nay nhớ lại Quốc Trị vẫn thấy xúc động. Chẳng hạn như vai đại đội trưởng Thục trong vở "Đại đội trưởng của tôi" diễn năm 1978 tại mặt trận Tây Nam. Đó là vở diễn mà các khán giả đã lấy đi nhiều nước mắt của diễn viên bởi sự nhiệt tình của họ. Nhiều thương binh còn nằm trên cáng, nhiều người bị thương băng bó khắp chân tay… nhưng vẫn dõi theo những vui buồn của vở kịch. Quốc Trị vẫn nhớ, hôm đó diễn xong, cả đoàn đi xuống núi để rửa mặt, sáng mai ra, mặt mọi người đều lâm râm vệt trắng, có người mắt còn sưng vù, hóa ra, đêm qua mọi người rửa nhầm vào hố nước vôi!

Tuy tham gia nhiều vai chính diện, song những vai diễn mang về cho Quốc Trị giải thưởng lại thường là những vai phản diện. Đó là vai Đăng Điền trong vở "Nước mắt của cây" (tác giả Chu Lai, đạo diễn Xuân Huyền), một phó giám đốc thuộc thế hệ cũ không chấp nhận sự đổi mới của lớp trẻ trong việc cải thiện tình hình làm ăn của một công ty cao su đã tìm cách lôi kéo bè phái, chia rẽ nội bộ… Vai diễn đã mang về cho Quốc Trị Huy Chương vàng trong Hội diễn toàn quân năm 2009. Anh kể lại rằng, khi đem vở đi diễn tại các đơn vị, anh nhận được nhiều tràng vỗ tay, nhiều lời khen ngợi về diễn xuất nhưng khi vở diễn kết thúc, vào nói chuyện cùng các lãnh đạo đơn vị, đặc biệt các vị làm chức phó như… Đăng Điền thì anh bị chỉ trích: "Những mưu mô của ông thì chịu, chúng tôi không nghĩ ra được!".

Cũng trong "vệt" phản diện, Quốc Trị đã thành công với vai Bường trong phim nhựa "Những người thợ xẻ" (đạo diễn Vương Đức), một tay thợ xẻ gân guốc và bặm trợn. Vai diễn đã mang về cho anh giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12. Nhiều năm trôi qua nhưng khán giả chưa quên cái điệu quệt mồ hôi, động tác vắt khăn lên cổ hay cầm dao thái thịt thoăn thoắt của Bường. Hay một Đông "đại bàng", tay "anh chị" có quá khứ bất hảo, được giao quản lý xưởng mộc đã cảm hoá được nhiều phạm nhân trong "Sóng ở đáy sông" (đạo diễn Lê Đức Tiến); Long "đen", tên lưu manh vô lại ở chợ Đồng Xuân trong "Sống mãi với Thủ đô" (đạo diễn Lê Đức Tiến), Miên - người chồng nóng nảy, cục cằn làm nghề đánh xe ngựa trong "Đứa con vùng đồi" (đạo diễn  Trung Dũng, Huy chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc, Cánh diều Vàng thể loại phim video năm 2002), Lực - người đàn ông nóng nảy, vũ phu luôn ôm mối day dứt về cái nghèo, cái khổ của gia đình và dòng họ trong "Người thừa của dòng họ" (đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng và Trịnh Lê Phong)…

Điều đặc biệt là trên màn ảnh nhỏ, dù đóng những vai phản diện song Quốc Trị thường khiến khán giả cay mắt bởi đằng sau những điều tưởng chừng rất cay độc của một số phận trót đi phải một con đường xấu, nhân vật của Quốc Trị đã thể hiện được sự chua chát, đắng cay của một số phận biết hối cải, biết nhận ra được những giá trị tốt đẹp của cuộc đời. Quốc Trị nhớ lại một vai diễn mà anh dành nhiều tâm sức: Đông "đại bàng" trong phim "Sóng ở đáy sông". Khi Đông bị bắt vào trại giam đã được làm tổ trưởng tổ phạm nhân. Cảnh này đoàn làm phim đã phải mượn một phòng tại trại giam K2 và trong suốt một tuần liền, anh đã sống cùng những phạm nhân ở trại. Khi bộ phim phát sóng, anh đã nhận được cuộc điện thoại của một người. Gặp mặt, người đàn ông tự xưng anh ta chính là tổ trưởng tổ phạm nhân, chính vị trí mà Quốc Trị đã đóng. Anh ta bị đi tù vì tội vô tình giết người (công nhân bị tử vong do an toàn lao động ở công trường xây dựng) nhưng khi vào tù, quan sát nhân vật Quốc Trị, một tù nhân biết hối cải, có lòng nhân ái và biết xúc động trước hoàn cảnh éo le của con người, bản thân anh và những phạm nhân tham gia đóng phim đã sống khác trước rất nhiều. Họ ngộ ra nhiều điều tưởng là giản đơn nhưng lại chính là chân lý của cuộc sống. Sau này, khi ra trại, người tù nhân ấy đã trở lại với công việc và hiện là giám đốc của một công ty xây dựng, có của ăn của để. Những dấu ấn về vai diễn của Quốc Trị vẫn khiến anh ta luôn bị ám ảnh.

Quốc Trị bảo rằng, dù là một diễn viên của đoàn kịch, sống chết với tình yêu sân khấu song anh cũng thầm cảm ơn điện ảnh, vì điện ảnh là nơi mà khán giả biết đến nhiều và đồng cảm cùng anh: Một lão Khúng nghèo khổ, đông con và đa cảm, một chủ thuyền đơn độc trong "Người yêu đi lấy chồng", một ông Cơ hết lòng vì chính sách của dân nhưng ít gặp sự đồng cảm trong cuộc đời trong "Chuyện đã qua của một thời như thế"... Cũng chính điện ảnh đã giúp anh kết nối được cùng thế giới với vai diễn Võ Văn Lợi trong bộ phim truyền hình "Mùa săn tôm hùm" của đạo diễn Lyo Jung Tak. Bộ phim đan xen những mảng quá khứ đầy đau thương và cuộc sống hiện tại với không ít bức bối và trăn trở. Những năm kháng chiến chống Mỹ, một làng quê miền Trung nằm trong vùng thảm sát của lính Hàn Quốc. Bốn người sống sót, trong đó có Võ Khắc Lợi mới 13 tuổi. Lợi lớn lên mang theo nỗi ám ảnh và mối thù dai dẳng trong quá khứ.

Trở thành công nhân cho một nhà máy lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam nhưng Lợi có cái nhìn nhân văn và tha thứ… Anh còn giúp những người bạn Hàn Quốc hiểu được tâm tư, tình cảm của những công nhân Việt Nam để có cách cư xử đúng mực. Nhân vật của anh chứa đựng thông điệp của bộ phim: Không bỏ quên quá khứ nhưng vẫn cần hướng tới tương lai. Vai diễn này đã mang về cho anh cúp đặc biệt dành cho người nước ngoài đầu tiên đoạt Cúp của Hãng phim truyền hình KBS (Hàn Quốc) và giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Trong ký ức của nhiều khán giả, Quốc Trị có một gương mặt  "nhầu nhĩ", ít khi được sung sướng vì anh thường vào những vai lao động nghèo, lam lũ, xốc vác, vật vã với kiếp sống nhưng đâu đó trong sâu thẳm vẫn ánh lên niềm lạc quan vào một ngày mai. Nhưng cũng là gương mặt ấy, khi hóa thân vào một kẻ dữ dằn, bặm trợn anh cũng diễn đầy cá tính.

Nói về điều này, Quốc Trị bảo rằng, vì anh không chịu được sự đơn điệu và vì là một diễn viên yêu nghề, muốn làm nghề một cách chân thực vì thế muốn thông qua những những nhân vật trên sân khấu, trong điện ảnh của mình nói lên được tiếng nói đồng cảm phần nào với số phận con người trong đời sống xã hội. Cho dù thế nào đi chăng nữa, với những thành tựu của mình, NSƯT Quốc Trị xứng đáng được vinh danh trong nền sân khấu, điện ảnh nước nhà

Thiên Kim
.
.
.