NSƯT Quang Vinh: Không vỗ về quá khứ

Thứ Ba, 06/05/2014, 08:00
Tên tuổi nhạc sĩ Quang Vinh được công chúng biết đến rộng rãi kể từ khi bài hát "Vì một thế giới ngày mai" được chọn làm bài hát chính thức cho SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam. Cởi mở, thẳng thắn và chân thành, trong cuộc trò truyện với phóng viên Báo VNCA, NSƯT Quang Vinh chia sẻ: "Tôi là người không vỗ về quá khứ!".

NSƯT Quang Vinh hiện là Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam - nơi vẫn được xem là "anh cả đỏ" của nền âm nhạc cách mạng. Vốn tốt nghiệp bộ môn đàn nguyệt của Học viện Âm nhạc quốc gia nhưng với niềm đam mê sáng tác, tên tuổi anh gắn với nhiều ca khúc, nhạc múa, âm nhạc cho phim.

Tên tuổi nhạc sĩ Quang Vinh được công chúng biết đến rộng rãi kể từ khi bài hát "Vì một thế giới ngày mai" được chọn làm bài hát chính thức cho SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam. Cởi mở, thẳng thắn và chân thành, trong cuộc trò truyện với phóng viên Báo VNCA, NSƯT Quang Vinh chia sẻ: "Tôi là người không vỗ về quá khứ!".

- Thưa NSƯT Quang Vinh, chương trình nghệ thuật kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ mà Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam tham gia lần này có gì đặc biệt?

+ Năm nay Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam có một đoàn tham gia thôi chứ không đóng vai trò chủ chốt như mọi khi. Lý do là năm nay có nhiều sự kiện xảy ra cùng một lúc mà Nhà hát không thể không tham gia như: Chương trình kỷ niệm 410 năm tỉnh Quảng Bình, Liên hoan Âm nhạc mùa xuân tại Bình Nhưỡng và có đoàn đi Pháp biểu diễn, nên quân số bị chia ra. Là chương trình kỷ niệm nên chúng tôi làm theo kịch bản đã được phê duyệt, cùng nhiều bài hát đã quen thuộc với khán giả. Điều đặc biệt thì chắc là khác ở sự đầu tư quy mô, hoành tráng của sân khấu trong một tổng thể xuyên suốt.

- Hàng chục năm nay anh là nghệ sĩ chuyên đi dàn dựng những chương trình lễ hội hoành tráng của các địa phương. Ngoài việc kiếm tiền ra, có thể coi đây là cơ hội để làm nghề một cách nghiêm túc được không hay những sáng tác ấy thường được dùng một lần rồi bỏ đi?

+ Tôi muốn nói thêm là, ở Việt Nam luôn có rất nhiều hội đồng cố vấn cho một chương trình, một sự kiện nào đó. Và nhiều người nhận ra rằng, sau khi các hội đồng lần lượt góp ý thì các ý tưởng về nghệ thuật thường là… tan nát. Vì thế, sau này nhiều địa phương rút kinh nghiệm, họ không đi theo con đường truyền thống ấy nữa mà tự tìm một nhạc sĩ nào đó để đặt hàng. Và tôi là người được chọn để đặt hàng một số chương trình nghệ thuật.

Không thể đòi hỏi mọi sáng tác được đặt hàng đều là hay, đều là tuyệt vời cả, nhưng ít nhất nó đã đáp ứng được mục đích, yêu cầu mà sự kiện đặt ra. Tôi cũng không phiền lòng nhiều nếu những sáng tác trong chương trình ấy được dùng một lần rồi bỏ, bởi vì khi làm việc tôi cũng đã sáng tạo một cách nghiêm túc và đầy tự trọng với nghề rồi. Tất nhiên, nếu có cơ hội để tác phẩm của mình được tái sinh thì là điều người sáng tác nào cũng mong muốn.

Vợ chồng NSƯT Quang Vinh tới chúc Tết Trung tướng, nhà văn Hữu Ước.

- Sau nhiều năm tháng chạy theo sự kiện, sáng tác theo đơn đặt hàng rất "tốt tiền", anh và một số nhạc sĩ có tên tuổi khác đã được đền đáp bằng một đời sống vật chất sung túc, có thể nói là "nhà lầu xe hơi". Nhưng thực lòng thì có khi nào anh cảm thấy luyến tiếc rằng, chính vì chạy theo sự kiện mà những sáng tác đích thực mang dấu ấn cá nhân trong lòng công chúng của mình trở nên mờ nhạt?

+ Tôi cho rằng, đam mê của tôi không chỉ dừng lại ở việc chơi đàn hay sáng tác nhạc, nó còn là vấn đề những việc làm của tôi mang lại điều gì cho xã hội, cho cuộc sống. Ngoài sáng tác nhạc, tôi hay đi làm việc thiện, dùng đồng tiền mình kiếm được để đi làm việc thiện. Nói thế không phải là ngụy biện đâu. Thực ra, trong cuộc đời có những giai đoạn khác nhau và mỗi giai đoạn lại phù hợp với một công việc, một mục đích nào đó thích hợp ấy mà. Tôi cũng bắt đầu thấy luyến tiếc thời gian.

Gần đây tôi cũng ít nhận lời làm các chương trình sự kiện nữa, trừ trường hợp được cấp trên giao, là nhiệm vụ chính trị thì làm thôi. Tôi cũng giống như nhiều người có chung một điều ước: Ước gì tôi có kinh nghiệm của tuổi 50 nhưng lại có trái tim, sức lực của tuổi 20.

- Hai vợ chồng cùng làm nghệ thuật, có nhiều người nói rằng anh là người "có danh" sau vợ mình - NSND Kim Chung. Có khi nào anh cảm thấy chạnh lòng về điều đó?

+ Bạn muốn nói là danh gì cơ? Danh hiệu á? Tôi không phải là người dành cuộc đời mình để phấn đấu về điều đó. Khi nào được thì tôi nhận thôi chứ với tôi điều quan trọng là làm nghề để thỏa mãn đam mê của mình. Tất nhiên, tôi cũng không phải là người đam mê theo cái kiểu cứ cắm cúi chơi đàn hay cắm cúi sáng tác, mà việc làm ấy phải đem đến cho tôi niềm vui. Và tiền bạc nữa chứ nhỉ, vì có ai sống được chỉ bằng đam mê đâu? Tôi cũng không phải là người thích vỗ về quá khứ. Tôi là mẫu người thích sống cho ngày mai, vươn tới việc sẽ làm vào ngày mai hơn.

- Vợ anh là một nghệ sĩ múa tài năng, chuyên nghiệp. Những sáng tác nhạc múa nổi tiếng của anh như "Những cô gái Việt Nam","Hoa đất nước", "Hương quê"… có liên quan như thế nào đến NSND Kim Chung?

+ Thực ra, đó cũng là một phần công việc của tôi khi xây dựng các chương trình biểu diễn của nhà hát. Tôi sáng tác nhạc múa một cách khá độc lập.  Đôi khi, Kim Chung chỉ cần nói ý tưởng trong một vở múa mới là tôi cũng có thể nảy ra những nét nhạc phù hợp rồi. Đó cũng là một thuận lợi lớn cho công việc của cả hai.

- Anh sáng tác từ khá sớm, song tên tuổi của anh chỉ thực sự nổi bật khi bài hát "Vì một thế giới ngày mai" được chọn làm bài hát chính thức cho SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam năm 2003. "Vì một thế giới ngày mai" với âm hưởng rộn rã, sôi nổi, hào hùng song nhiều người lại chê lời bài hát này… không hay, không mang tính dân tộc. Vậy vì sao nó lại được chọn?

+ Chính tôi cũng bất ngờ khi bài hát đó được chọn làm bài hát chính thức cho SEA Games 22 mà. Tôi cho rằng, đó là bài hát đáp ứng được nhiều tiêu chí về một sự kiện thể thao của khu vực. Lúc ấy tôi cũng có nghe được nhiều ý kiến chê như thế, song thử đặt câu hỏi là "Có bài hát nào hay hơn để thay thế không?" thì lại không có. Với lại bạn biết đấy, ở Việt Nam hay có những "cơn sốt đám đông", thấy một ý kiến chê thế là a lô xô quay ra chê bai đả kích không thương tiếc. Nếu nói là thiếu tính dân tộc thì thử đưa giai điệu ru "Con cò bay lả bay la" vào một sự kiện thể thao sôi động như SEA Games xem liệu có ổn không?

- Thưa NSƯT Quang Vinh, nghe nói chỉ còn hơn 1 năm nữa là đến hạn đơn vị do anh phụ trách không còn được "bao cấp" về kinh phí hoạt động, lương bổng cho anh chị em nghệ sĩ nữa mà chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự cân đối thu chi về tài chính. Với cương vị là người "chèo lái", tâm trạng của anh trước vấn đề này như thế nào?

+ Quả thực là tôi đã có những đêm mất ngủ về chuyện này. Các nghệ sĩ của đoàn, nhất là những anh chị lớn tuổi như NSƯT Trung Đức, NSƯT Đức Long, NS¦T Tố Uyên, NSƯT Đức Chính… là những người gắn bó với Nhà hát đã mấy chục năm, cũng đã quen với nếp nghĩ bao nhiêu năm qua về việc đi hát là "phục vụ", chứ có mấy khi bán được vé đâu. Giờ chuyển sang cơ chế tự chủ có nghĩa là họ phải "bán" cái mà thị trường cần, chứ không phải thứ họ "có" như nhiều người đã biết. Mà tôi tin chắc rằng việc này đối với lứa nghệ sĩ ấy là rất khó. Cái "tạng" của họ không thể mặc những trang phục hip hop hay tóc xanh tóc đỏ biểu diễn âm nhạc thị trường, nhạc ngoại lai được. Vì thế bất kỳ một sự chuyển đổi nào cũng cần có thời gian, chứ không phải cứ nói là làm ngay được.

- Nói như thế có nghĩa là giờ đây anh và các nghệ sĩ trong Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho công cuộc "thay máu" này?

+ Cũng không hẳn thế. Thực sự tôi và anh chị em nghệ sĩ cũng ý thức được rằng, đây là việc nằm trong quy luật phát triển của xã hội mà mình không thể cưỡng lại. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, nếu chỉ có sự thay đổi về cơ chế, chính sách mà con người vẫn như cũ, tức là thay đổi không đồng bộ thì không thể tránh được những rủi ro đáng tiếc. Cổ phần hóa là việc làm cần thiết, cá nhân tôi cho rằng, trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, việc cổ phần hóa các đơn vị nghệ thuật nên là việc làm cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

- Rủi ro mà anh nói ở trên có bao gồm hệ lụy sẽ khiến tên tuổi của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam vốn có 60 năm lịch sử bị xóa nhòa, thậm chí là… mất tên? Việc này đã từng xảy ra với các hãng phim truyện Việt Nam trong quá trình cổ phần hóa cách đây mươi năm chắc hẳn đang là điều khiến anh lo lắng?

+ Thẳng thắn mà nói thì đây cũng chính là rủi ro cần được tính đến khi cho Nhà hát tự chủ. Chắc chắn sẽ có nhiều hệ lụy nhưng nếu là việc phải làm thì chúng tôi sẽ đón nhận nó và có những điều chỉnh dần dần cho phù hợp với thực tế. Với âm nhạc, việc "kiếm sống" đối với các nghệ sĩ cũng không khó khăn như bên sân khấu, điện ảnh đâu.

- Xin cảm ơn NSƯT Quang Vinh!

Phan Cẩm Linh (thực hiện)
.
.
.