NSƯT Lịch Du: Nỗi cô đơn kiêu hãnh

Chủ Nhật, 16/05/2010, 09:25
Qua một vài cầu nối, tôi mới có được số điện thoại nhà riêng của bà. Ba năm nay, bà sống một mình, lặng lẽ trong căn nhà trên phố Hoàng Hoa Thám...

Nhiều khán giả trẻ có thể không biết đến tên bà bởi từ lâu bà không còn đóng phim nữa. Nhưng những người yêu mến điện ảnh Việt Nam một thời vẫn nhớ tới bà - một nhan sắc dẫu không thật rực rỡ nhưng đằm thắm và có duyên ngầm. Còn bạn bè, đồng nghiệp lại nhắc tới bà như một tấm gương bền bỉ với tình yêu điện ảnh dù tình yêu ấy mang tới cho bà nhiều thua thiệt. Bà là NSƯT Lịch Du...

1. NSƯT Lịch Du là sinh viên khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh). Cùng khóa với bà ngày ấy là những nghệ sĩ tên tuổi như NSND Trà Giang, NSND Hải Ninh, NSƯT Ngọc Lan, NSƯT Minh Đức… Yêu điện ảnh từ tấm bé nhưng con đường đến với điện ảnh của Lịch Du vô cùng chật vật.

Là con út trong gia đình có tới 7 anh chị em ở Hưng Yên, nếu thuận theo sự sắp xếp của gia đình thì hẳn sau này, Lịch Du đã là một cán bộ của Công ty Bóng đèn, phích nước Rạng Đông. Nhưng một ngày trước lúc theo đoàn lên tàu đi Bắc Kinh học, Lịch Du bỏ trốn để theo đuổi giấc mơ làm diễn viên. Không chấp nhận cho con theo nghiệp "xướng ca vô loài", cha mẹ Lịch Du nổi giận lôi đình, ngừng chu cấp tiền ăn học cho cô con gái bướng bỉnh. Trong thời gian chờ thi, Lịch Du đến nhà chị gái xin ở nhờ. Chị, vì giận quá mắng đuổi đi...

Tự ái, nửa đêm Lịch Du dắt xe đạp từ Gia Lâm vào nội thành Hà Nội. Tới cầu Long Biên, không biết đi đâu, về đâu, nhìn dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy, Lịch Du định nhắm mắt... Nhưng cái tính bướng bỉnh và hiếu thắng đã giữ chị lại. Lịch Du vào nhà người bạn ở nhờ. Hàng ngày nhận len về đan thuê, nhận thùa khuyết đơm cúc áo cho các tiệm may để có tiền sống qua ngày.

Rồi Lịch Du đỗ vào trường Điện ảnh, nhưng là đỗ... vớt, vì hình thức không nổi bật, lại thêm cái trán dô. Trong cuộc thi ấy, một vị giám khảo là chuyên gia Liên Xô đã nhìn thấy sự thông minh trong cách diễn của Lịch Du và cương quyết bảo vệ cô trước Ban giám khảo. Điều này, đến khi vào trường Lịch Du mới biết.

Trên bước đường sự nghiệp, dường như Lịch Du luôn kém may mắn so với đồng nghiệp. Ra trường tới 2 năm Lịch Du mới được giao vai phụ. Sau đó cũng chỉ là những vai thứ. Những vai diễn của Lịch Du nhiều khi không có tên như vợ ông Ruôn trong "Bình minh trên rẻo cao" (đạo diễn: NSND Trần Đắc), vợ Hai Dong trong "Không nơi ẩn nấp" (đạo diễn: NSND Phạm Kỳ Nam), vợ Vệ trong "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" (đạo diễn: NSND Hải Ninh)... nhưng vai diễn nào Lịch Du cũng diễn hết mình dù không phải không có lúc chạnh lòng.

Lịch Du không để nỗi buồn kéo mình chùng xuống. Thậm chí, Lịch Du còn quan niệm là vai phụ, thời gian xuất hiện ít nên càng phải diễn ấn tượng. Mãi đến năm 1974, Lịch Du mới được giao vai chính, đó là vai người mẹ Đuông Chăn trong phim "Hai người mẹ" (đạo diễn: NSND Khắc Lợi). Đó cũng là vai chính duy nhất trong sự nghiệp diễn xuất của bà.

Bộ phim được giải thưởng của Ban Giám khảo tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1977. Lịch Du được nhiều người khen ngợi "diễn mà như không diễn". Đạo diễn Khắc Lợi tấm tắc: "Khó mà quên được đôi mắt của người mẹ Đuông Chăn", còn cố đạo diễn Phạm Kỳ Nam xem xong phim đã nắm chặt tay Lịch Du mà rằng: "Cô diễn tuyệt quá"...

2. Những năm 90 của thế kỷ trước, điện ảnh Việt Nam bước vào giai đoạn khó khăn, cũng là lúc mọi cơ hội đóng phim với Lịch Du gần như đã khép chặt. Bà quyết định viết kịch bản. Bà tự học bằng cách mượn những kịch bản đã được dựng thành phim về nghiên cứu. Con đường viết lách với một người không được học hành bài bản như bà không hề dễ dàng, nhưng càng viết, càng thấy hứng thú.

Nếu là diễn viên, chỉ có thể hóa thân vào một nhân vật thì khi viết kịch bản, bà được diễn tất cả các vai, được sống với nhiều số phận. Những cô đơn trong đời sống riêng, những chua xót về nhân tình thế thái, những ước mơ, khát vọng chưa thành bà đều gửi gắm vào từng trang viết. Giai đoạn Lịch Du viết sung sức nhất là khoảng thời gian hơn chục năm sống ở TP HCM sau khi cùng con gái rời Hà Nội.

Trong quyết định rời xa Hà Nội ngày ấy, một phần vì sức khoẻ và sự nghiệp của con gái, nhưng một phần bà cũng muốn bình yên hơn sau những bão giông cuộc đời. Hai mẹ con sống trong căn nhà nhỏ ở quận Thủ Đức. Không đóng phim, bà viết truyện, viết tản văn, chuyển thể kịch bản để kiếm sống. Viết, với bà khi ấy vừa là để trang trải cuộc sống vừa là nơi giãi bày những tâm sự, ẩn ức trong lòng.

Những đồng nhuận bút còm cõi đã giúp hai mẹ con Lịch Du trong những năm đầu bơ vơ giữa thành phố hoa lệ này. Bà viết về những nỗi niềm đau đáu với điện ảnh, về chân dung những đồng nghiệp một thời yêu dấu của mình. Mỗi khi nhớ nghề, bà lại đạp xe qua cầu Sài Gòn sang sinh hoạt ở Câu lạc bộ Điện ảnh cùng những người bạn tóc đã muối tiêu…

Cũng chính trong những tháng ngày xa quê ấy, nỗi nhớ Hà Nội cồn cào đã thôi thúc bà xin phép nhà văn Chu Lai để chuyển thể tiểu thuyết "Phố" thành kịch bản phim truyền hình 8 tập "Người Hà Nội". Bà vẫn nhớ lần gặp nhà văn Chu Lai để xin ý kiến đóng góp cho kịch bản. Vừa gặp, nhà văn Chu Lai đã không rào trước đón sau mà thẳng băng: "Hôm nay sẽ phải khẩu chiến và khẩu chiến gay gắt đấy".

Cố làm ra vẻ bình tĩnh: "Tôi xin sẵn sàng" nhưng thực ra trong lòng Lịch Du khi ấy rất run. Trong kịch bản, Lịch Du đã không để hai nhân vật chết và một nhân vật bị điên như trong tiểu thuyết. Bà còn cho thêm 2 nhân vật nữa là Diễm và Ngân.

Sau một hồi tranh luận nảy lửa, nhà văn Chu Lai buông một câu: "Diễm và Ngân duyên dáng, đáng yêu, đó là 2 nhân vật của chị. Còn kết phim… thôi thì tùy chị". Sau này, có lần trò chuyện qua điện thoại, nhà văn Chu Lai vui vẻ: "Chị viết tiểu thuyết đi". Bà bảo, đó là cách hai người làm hòa với nhau.

Một loạt những kịch bản của bà ra đời như "Hạnh phúc từ đâu đến", "Miền sáng", "Ngày xuân ấm áp", "Mối tình người câm", "Gọi tình yêu quay về"… Coi viết lách là chốn náu mình sau những bão giông đời sống nhưng Lịch Du cũng chẳng được yên. Khi một số kịch bản bà viết hoặc chuyển thể được dựng thành phim, người ta lại xì xào rằng những tác phẩm ấy do một nhà biên kịch vì... mê bà mà viết hộ.

Chỉ những ai biết bà đã thức bao đêm để đọc, để day dứt với từng nhân vật, từng cái kết phim và tận mắt nhìn thấy từng chồng kịch bản viết tay của bà sẽ không bao giờ nghĩ và nói những điều cay nghiệt như vậy... Và những đóng góp của bà trong nghệ thuật đã được đền bù xứng đáng bằng danh hiệu NSƯT (1997).

3. Trong cuộc sống riêng tư, NSƯT Lịch Du cũng là người nếm trải nhiều đắng cay. Người con gái với ánh mắt kiêu hãnh và vầng trán cao bướng bỉnh làm bao chàng trai say đắm nhưng mỗi lần vướng vào tình yêu là một lần Lịch Du nhận về mình sự đau khổ, bẽ bàng. Ngay cả khoảnh thời gian hơn mười năm làm vợ NSND Quốc Hương thì những phút giây hạnh phúc thật sự cũng thật ngắn ngủi.

Tình yêu đến với hai người khi Lịch Du là học trò thanh nhạc của nghệ sĩ Quốc Hương. Sự ngưỡng mộ, tôn thờ của cô diễn viên với người nghệ sĩ hơn mình nhiều tuổi đang rất nổi tiếng với giọng hát say đắm lòng người qua những ca khúc như "Dưới chân núi Chita", "Tiếng hát của nàng Solveig"… đã khiến Lịch Du ngỡ đó là tình yêu sét đánh và sau đó nhận lời cầu hôn.

Gia đình Lịch Du phản đối kịch liệt vì chàng rể quá chênh lệch về tuổi tác, về tính cách nhưng họ quyết tâm đến với nhau. Không đăng ký kết hôn, không cưới hỏi, chỉ là một bàn tiệc tại khách sạn Phú Gia với sự chứng kiến của đại diện hai đơn vị. Lịch Du trở thành vợ sau đám cưới không hoa, không quà, và đạp xe theo chồng về gian nhà bé tẹo trong khu tập thể ở Cầu Giấy. Cô con gái Dạ Hương là kết quả của cuộc hôn nhân ấy.

Năm 1975, Sài Gòn giải phóng, nghệ sĩ Quốc Hương theo đoàn văn công vào tiếp quản Sài Gòn, nguyện sống chết trên sân khấu miền Nam. Lịch Du cũng không thể xa Hà Nội, xa rời tình yêu điện ảnh. Ba năm sau đó, họ chính thức chia tay nhau. Ngẫm lại cuộc hôn nhân ấy, NSƯT Lịch Du bảo: "Tôi và anh Quốc Hương đến với nhau vì tiếng hát và xa nhau cũng vì tiếng hát. Những năm tháng sống cùng anh Quốc Hương, tôi ảnh hưởng từ anh niềm đam mê với nghệ thuật. Nhưng đó cũng chính là con dao hai lưỡi để chúng tôi rời xa nhau".

Sau này, nghệ sĩ Lịch Du thêm 2 lần kết hôn nữa nhưng rồi vẫn là kết cục buồn. Tính bà quyết liệt, yêu ai là yêu hết lòng, đắm đuối tới mức mù quáng để rồi cuối cùng đau xót nhận ra sự thật không như mình nghĩ. Nhiều khi bà cũng không hiểu nổi tại sao số phận cay nghiệt với bà đến thế. Điểm tựa tinh thần giúp NSƯT Lịch Du vượt qua tất cả những giông gió của số phận chính là cô con gái nhỏ Dạ Hương.

Thế nhưng, giờ đây, cô con gái bé nhỏ ấy cũng đang ở xa tầm tay của bà. Từ khi con gái sang Đức, bà quyết định trở lại Hà Nội. Bước vào tuổi thất thập, trong khi nhiều bạn bè vui cảnh sum vầy cùng con cháu, NSƯT Lịch Du vẫn một mình một bóng trong căn nhà 3 tầng rộng thênh thang, tự mình chăm sóc mình.  Nhưng bà vẫn nói “Tôi yêu những gì tôi có ngày hôm nay”.

Tạm biệt bà, tôi cứ miên man nghĩ, NSƯT Lịch Du như cây xương rồng không được ai chăm sóc nhưng vẫn sống và nở hoa. Những bông hoa kết tinh bằng những giọt đắng đời

Thảo Duyên
.
.
.