NSND Lưu Phúc

Thứ Ba, 29/04/2014, 08:00
Không còn trẻ để nói về những ước mơ hay khát vọng đối với nghề xiếc, dù đang phải điều trị bệnh nan y và đã qua 11 đợt hóa trị, song khi nói chuyện về nghề, NSND Lưu Phúc vẫn đầy trăn trở. Lúc nào sức khỏe cho phép, ông vẫn đi dạy, khi ông yếu thì học trò đến nhà "tầm sư". Ông luôn mong muốn góp một phần sức lực đã cạn dần của mình với nghề xiếc mà ông đã đeo đuổi suốt hơn 50 năm qua. Tính ra đến nay, NSND Lưu Phúc có tuổi nghề chỉ kém tuổi đời đúng 11 năm...

Nhà của NSND Lưu Phúc ở trên gác 2 của khu tập thể Bách Khoa. Nghe một đồng nghiệp xiếc của ông kể là ông đang ốm, đang phải điều trị nên ngần ngại mãi tôi mới dám tìm đến. Khác với hình dung của tôi, NSND Lưu Phúc trông nước da tuy không được sáng, song ông vẫn đi lại nhanh nhẹn, chỉ tội lưng hơi còng. Ông bắt đầu câu chuyện với tôi: "Trong các ngành nghệ thuật, xiếc có một đặc thù - đó là ngoài tài năng và đam mê, người nghệ sĩ cần có sự dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy. Nếu không có những phẩm chất ấy sẽ rất khó thành công. Đời tôi cũng đã nhiều lần bị tai nạn nghề nghiệp, có lần ngã từ trên cao xuống gãy tay. Căn bệnh "mủn xương" hiện tôi đang phải điều trị đây cũng một phần là do ngày xưa tôi chuyên làm "đế trụ", tập luyện quá sức, bắt xương sống phải chịu những sức ép lớn quá sức chịu đựng của nó, làm ảnh hưởng đến tủy sống. Có câu: "Sinh ư nghệ, tử ư nghệ", lúc phát hiện ra bệnh, bác sĩ cũng tưởng nguy đến nơi, đã bảo gia đình tôi là: "Về lo hậu sự dần đi!". Nhưng thật kỳ diệu, tôi cảm thấy mình như được hồi sinh lần nữa. Mấy năm qua, tôi đã trải qua 11 đợt hóa trị, mỗi lần với 4 mũi tiêm đấy!".

Theo chia sẻ của NSND Lưu Phúc, mỗi mũi tiêm của ông có giá lên tới 40 triệu đồng. Đây là con số gây… hoa mắt chóng mặt cho bất kỳ "con bệnh" nào, cho dù vấn đề liên quan đến sinh mạng con người vẫn thường được nói một cách hoa văn rằng: "Còn nước, còn tát". Với NSND Lưu Phúc thì có khác một chút, ông cho hay toàn bộ kinh phí này ông không phải lo trang trải mà được hưởng từ ngân sách nhà nước đãi ngộ đối với người có công tại Bệnh viện 108. "Mình cả đời tận hiến cho nghệ thuật và cũng cả đời nghèo. Đến giờ bệnh tật thế này được Đảng và nhà nước đãi ngộ, cũng thấy được an ủi. Nếu không thì dễ phải bán cả nhà đi mới có tiền chạy chữa ấy chứ!".

NSND Lưu Phúc nói ông "hồi sinh lần nữa" là có căn nguyên của nó. Lần "hồi sinh" đầu tiên cách đây đã lâu, khi đang biểu diễn một tiết mục thăng bằng ở trên cao thì ông bị ngã gãy xương tay. Vừa trở thành diễn viên biểu diễn chuyên nghiệp được một thời gian ngắn đã gặp phải tai nạn này khiến chàng thanh niên Lưu Phúc vô cùng tuyệt vọng. Ý nghĩ sau tai nạn có thể không gắn bó với nghề xiếc được nữa,  phải chia tay với khát vọng được tỏa sáng trên sân khấu với những tràng pháo tay cổ vũ đầy hào hứng của khán giả khiến Lưu Phúc mất mấy tháng chìm đắm trong nỗi buồn.

Ông chia sẻ: "Cũng may là bị gãy xương cẳng tay chứ nếu gãy xương cổ tay thì chắc chắn là phải bỏ nghề đấy! Với tôi, sau tai nạn vẫn tiếp tục biểu diễn được đó là lần hồi sinh thứ nhất…". Nhắc lại kỷ niệm ấy trong lúc sức khỏe suy giảm như thế này, nghệ sĩ Lưu Phúc vẫn còn xúc động. Bởi lần "hồi sinh" ấy, theo cách nói của ông, đã cho ông cơ hội để sống một cuộc đời nghệ sĩ dẫu nhọc nhằn, vất vả, hiểm nguy nhưng cũng rất đáng để hãnh diện, tự hào.

Ông tâm sự: "Gọi nghề xiếc là "nghề nguy hiểm" cũng không sai đâu. Có lần đoàn chúng tôi đi biểu diễn ở Triều Tiên, đang tập luyện thì diễn viên Nguyễn Văn Đức và Tạ Thúy Hợi bị tai nạn trong tiết mục nhào sào, đu quăng. Nếu không có hai tiết mục này thì chương trình bị thiếu nghiêm trọng, lại ở nơi đất khách không có tiết mục dự trữ. Hơn nữa, nếu không có tiết mục nhào lộn thì chương trình sẽ kém sôi nổi, kém hào hứng đi rất nhiều. Tôi được chọn là người thay thế với yêu cầu chỉ có một tuần để hoàn thành tiết mục nhào lộn trên sào. Đây đúng là thử thách lớn với tôi nhưng thấy cả đoàn trông cậy vào mình nên với quyết tâm cao độ, đúng hẹn, tôi đã tập xong và biểu diễn thành công. Đó là nỗ lực vượt bậc của tôi trên con đường làm nghệ thuật. Lúc ấy, tôi quên hết mọi thứ, quên cả mối lo về tai nạn lại có thể xảy đến với tôi một lần nữa…".

61 tuổi, NSND Lưu Phúc nghỉ hưu ở cương vị Phó Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam. Vậy là người nghệ sĩ ấy có đúng nửa thế kỷ gắn bó với xiếc. Ông cũng là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng ngành xiếc "chính quy" của Việt Nam. Với những nỗ lực và đóng góp không nhỏ cho bộ môn nghệ thuật vốn được gọi là "nghệ thuật mạo hiểm" này, nghệ sĩ Lưu Phúc đã được vinh danh là NSND năm 2001.

"Năm ấy, bên lĩnh vực sân khấu biểu diễn, chỉ có tôi, Lê Khanh và anh Trung Kiên được NSND thôi! Các đợt sau này thì mới có nhiều NSND, chứ ngày trước ít lắm! Còn bên ngành xiếc, đến nay mới có 5 người được danh hiệu này" - NSND Lưu Phúc nói nhỏ, chậm rãi, đôi mắt ông ánh lên niềm tự hào. Những ký ức của một thời trai trẻ đầy gian khó mà kiêu hãnh cũng theo đó trở về.

Là con cả trong một gia đình có 3 anh em, khi ông lên 9 tuổi, mẹ ông đột ngột qua đời. Gia cảnh bần hàn, nghèo khó, 4 bố con đã xin gia nhập gánh xiếc của cụ Tạ Duy Hiển để vừa kiếm sống, vừa học nghề. Vào thời điểm năm 1957, gánh xiếc của cụ Tạ Duy Hiển đã nổi tiếng từ lâu, khắp trong Nam ngoài Bắc đâu đâu cũng biết tiếng. Cậu bé Lưu Phúc lớn nhất được nhận vào chủ yếu là để chăm nuôi thú, lúc rảnh rỗi bắt đầu học những động tác đầu tiên như thăng bằng, tung hứng. Gánh xiếc của cụ Tạ Duy Hiển đi biểu diễn khắp nơi, có khi đi mấy tháng liền mới quay lại Hà Nội.

Trong những chuyến đi ấy, Lưu Phúc vừa làm việc, vừa nấu cơm, giặt quần áo, chăm nom em thay bố. Tuổi thơ sớm chịu cảnh thiệt thòi, vất vả nên mãi đến sau này NSND Lưu Phúc luôn là người chịu khó, chịu khổ, yêu lao động và sống có ý chí vươn lên không ngừng. Năm 1958, khi nhà nước lấy gánh xiếc của cụ Tạ Duy Hiển làm nòng cốt để thành lập Đoàn xiếc nhân dân Trung ương, cậu bé Lưu Phúc đã trở thành một trong những diễn viên đầu tiên của đoàn.

Những tiết mục đầu tiên được dàn dựng bài bản với tên gọi Đoàn xiếc nhân dân Trung ương đã có Lưu Phúc tham gia như "Thang gấp", "Thang đôi", "Thang ba", "Xe đạp tập thể"... Ngay trong dịp Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp lần thứ nhất (năm 1962), nghệ sĩ trẻ Lưu Phúc lúc ấy mới 15 tuổi đoạt 2 Huy chương Bạc với "Trụ ghế ba" và "Xe đạp tập thể" đã khiến nhiều người ngạc nhiên, thích thú. Bắt đầu có những chuyến đi lưu diễn rong ruổi trên những nẻo đường, từ những mảnh đất xa xôi nơi địa đầu Tổ quốc như Mường Khương, Pha Long, Bắc Hà (thuộc tỉnh Lào Cai) cho đến rải đất miền Trung nắng lửa, bom đạn.

Sau giải phóng miền Nam, Lưu Phúc có những chuyến đi diễn khắp miền Nam, đến tận mũi Cà Mau. NSND Lưu Phúc nhớ mãi chuyến đi biểu diễn ở dưới chân cầu Hiền Lương, ngay trước mũi súng của kẻ thù: "Được cấp trên báo trước: Rất có thể địch sẽ bắn sang, có thể hy sinh, nhưng chúng tôi đều chấp nhận điều đó. Tuy vậy, chương trình biểu diễn hay nên đã thu hút rất nhiều bà con đến xem, kể cả cảnh sát ngụy cũng có mặt để xem chương trình này. Qua buổi xem xiếc, bà con ở bờ Nam sông Bến Hải trầm trồ không tin nổi xiếc miền Bắc XHCN lại có thể hay đến vậy...".

16 năm làm Giám đốc phụ trách nghệ thuật của Liên đoàn xiếc Việt Nam, NSND Lưu Phúc đã cùng đồng nghiệp dàn dựng nhiều tiết mục biểu diễn độc đáo, sáng tạo và mang đậm màu sắc của xiếc Việt như "Lắc vòng", "Đu mỏ neo", "Dây dọc tập thể"… Giờ đây, tuổi đã cao lại là người đang có bệnh phải chữa, nhưng vượt qua mọi muộn phiền quanh câu chuyện "sinh - tử", ông luôn mang trong mình nỗi trăn trở, ước mơ có một ngày xiếc Việt Nam có trình độ ngang tầm với các nước trong khu vực, hạn chế sự tụt hậu, nghèo nàn.

Ông tâm sự rằng, trước đây nghề xiếc có nhiều lợi thế bởi khi đó các loại hình giải trí còn ít và nó được coi là bộ môn nghệ thuật để ngoại giao: đi biểu diễn giao lưu với các nước bạn trên thế giới, biểu diễn khi có khách quốc tế đến thăm…, vì thế xiếc được quan tâm đặc biệt. Còn bây giờ, nghề xiếc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề khó chiêu sinh. Các bậc phụ huynh không muốn con em mình dấn thân vào cái nghề đã mạo hiểm lại còn nghèo; học sinh đã vào trường một số thì rơi rụng một số ra trường nhưng rồi lại phải bỏ nghề.

NSND Lưu Phúc nói với tôi mà như tự nói với lòng mình: "Đó là nghề phải dấn thân và tận hiến, vinh quang ít mà khổ luyện lại quá nhiều. Nhưng cho đến giờ tôi chưa bao giờ cảm thấy ân hận về sự dấn thân ấy!"

Nguyệt Hà
.
.
.