NSND Hải Ninh: Mình sống có giời

Thứ Tư, 27/02/2013, 08:00
Sáng mùng 5/2, tôi đang lái xe trên đường đi làm, một đạo diễn gọi điện nói: "Chú Hải Ninh mất sớm nay rồi". Trời ơi, như vậy là điều xấu nhất đã đến. Dù biết là "sinh, lão, bệnh, tử", ai rồi cũng vậy thôi nhưng sao vẫn thấy lòng buồn bã.

NSND - đạo diễn Hải Ninh, cây đại thụ của điện ảnh Việt Nam đã ra đi. Những bộ phim do ông làm: "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Em bé Hà Nội", "Mối tình đầu", "Đêm hội Long Trì"… sẽ còn ở lại mãi với người xem, với lịch sử điện ảnh nước nhà, nhưng người sáng tạo nên những bộ phim để đời đó thì đã ra đi. Từ nay sẽ chẳng còn được nghe những lời tâm huyết của ông phát biểu trong mỗi hội nghị của ngành nữa. Sẽ chẳng ai nhìn thấy ông vui vẻ cười nói rổn rảng trong mỗi kỳ liên hoan phim hay lễ trao giải Cánh Diều nữa… Mới gần đây thôi, ông tuy khá mệt nhưng vẫn cố gắng đến tham luận tại Hội thảo lớn của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương về đề tài lịch sử. Với tấm lòng đầy nhiệt huyết, ông nói hơn ba mươi phút mới chịu ngưng. Dưới hội trường không phải là không có người sốt ruột, nhưng tôi trộm nghĩ "Hãy để cho ông được nói, hãy để cho ông cởi mở hết cả gan ruột mình vì điện ảnh… Ông ốm lắm rồi, mọi người không nhìn thấy sao?".

Khi ra về, tôi đi cùng ông có ý trông chừng vì lo ông mệt. Đi được một đoạn bỗng ông trông thấy một đạo diễn đứng tuổi khá nổi tiếng đứng nói chuyện ở phía góc hành lang bên tay trái, ông bảo tôi: "Chờ anh chút, anh sang chào anh ấy một tiếng". Khi ông quay lại, tôi trách: "Ông ấy ít tuổi hơn anh, chả chào anh thì thôi, việc gì anh phải chào? Anh lại đang bệnh như thế này việc gì anh phải…". Anh Hải Ninh ngắt lời: "Thôi em ạ. Người ta sống thế nào kệ người ta… mình cứ sống có tình nghĩa trước sau là được". Vâng, anh bao giờ cũng đúng, nhưng mà tôi vẫn thấy thế nào ấy. Có phải mình quý mến họ là cũng nhận lại được sự quý mến của họ đâu. Sự kiêu ngạo, sự tự yêu mình thái quá nhiều khi giẫm đạp lên hết cả chuyện tình nghĩa. Lần họ được giải thưởng, anh cũng được. Anh chúc mừng theo phép lịch sự nhưng họ có thèm trả lời anh đâu? "Kệ họ, em ạ. Mình sống có giời. Thế là đủ" - anh Hải Ninh ôn tồn bảo thế.

NSND Hải Ninh vốn là người rất tôn trọng phép lịch sự, ứng xử văn hóa và khá mềm mại với mọi người nói chung, với nghệ sĩ nữ nói riêng. Chính vì vậy mà ông luôn dị ứng với thói thô bạo, cửa quyền hách dịch, cứng nhắc ắc ê nếu chẳng may đối tượng này "va" vào ông. Với ông, danh từ nghệ sĩ là cao quý lắm, không ai được phép coi thường, không ai được rẻ rúng nó. Nghệ sĩ đi đến đâu thì nơi đó phải đón tiếp đàng hoàng, ngay ngắn. Cho dù những năm cuối cùng ông ở cương vị Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam, Hãng gặp khá nhiều khó khăn khi cơ chế chuyển đổi. Đã có những tháng Hãng không có tiền trả lương. Ông bươn bả đi tìm kiếm đầu tư, tài trợ. Mỗi lần đi, ông đều kéo theo vài gương mặt nữ diễn viên khả ái và tôi cũng được ông kéo đi theo. Dù khó khăn đến mấy ông cũng không bao giờ nói về điều đó với đối tác. Ông luôn đề cao vai trò sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ tài ba của ông. Với ông, họ là vô giá. Họ làm phim rất tốt, có đốt đuốc trong cả nước cũng không có nơi nào có một đội ngũ chuyên nghiệp như thế ở Hãng Phim truyện Việt Nam. Cứ thế, cứ thế… Vậy mà NSND Hải Ninh cũng kiếm được việc làm cho anh em. Phim lớn thì chưa nhưng phim tầm tầm kinh phí đủ làm là có…

Không chỉ vậy, NSND Hải Ninh không thể chịu được cảnh đìu hiu khi Hãng không có phim làm. Ông xông thẳng lên gõ cửa "thiên đình" và xin "vay "được 2 tỷ về cho Hãng vừa làm phim vừa chống đói. 2 tỷ những năm 90 của thế kỷ trước là to lắm, những người ở Hãng Phim truyện Việt Nam ngày ấy chắc chắn chưa quên… Nhưng dù tài thế, ông vẫn ngậm ngùi bảo: "Nhà nước cần phải có chính sách ưu đãi, rõ ràng đối với điện ảnh để điện ảnh được thụ hưởng chính sách đó. Mọi ban, ngành liên quan cũng phải thực thi chính sách đó, không thể để điện ảnh sống trong tình trạng luôn ngửa tay đi xin thế này được!". Vâng, đi xin bao giờ cũng chán. Hôm nay người ta mủi lòng người ta cho, mai người ta dửng dưng người ta cắt. Thế là điện ảnh lại thở hắt ra. Từ ngày tôi mới ở Nga về (năm 1987), được Giám đốc Hải Ninh thu nạp làm quân của ông, không hiểu sao ông rất hay nói chuyện "đại sự" như thế với tôi. Phải chăng vì thế mà tôi cũng dần quen với lối nghĩ như của ông, hay nói cách khác, ông đã tập cho tôi dần quen với lối nghĩ của người làm quản lý. Luôn biết nghĩ đến những cái "ngoài mình", chia sẻ những điều lớn hơn, cao hơn những cái "ngoài mình". Điều này cũng vui nhưng mà cũng khổ. Toàn mua dây buộc người.

NSND Hải Ninh là người suốt cuộc đời chỉ thờ phụng mỗi hai chữ: Điện ảnh. Ông trung thành với nó cho đến hơi thở cuối cùng. Trước khi mất ít tháng, kịch bản "Bà mẹ Hà Nội" của ông đã được lãnh đạo Hà Nội thông qua, dự kiến đưa vào sản xuất để kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô do Hãng phim Sao Khuê của Hội Điện ảnh Hà Nội thực hiện. Kịch bản này ông viết đã lâu, nhưng mỗi năm ông lại nâng cao sửa chữa. Nâng cao sửa chữa cho đến khi nào thật Ok thì mới thôi. NSND Hải Ninh là vậy, ông đã bắt đầu việc gì là kiên quyết đi tới cùng, không bao giờ bỏ dở giữa chừng. Nếu kịch bản nào ông đã thích là bằng mọi cách ông đều đưa được vào sản xuất. Khi ý tưởng về một bộ phim tương lai mới manh nha - ông chia sẻ với cộng sự mà được cộng sự hưởng ứng là bắt tay vào viết và tính chuyện làm phim liền.

Phim "Canh bạc" của nhóm nghệ sĩ biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim… cũng không ra ngoài quỹ đạo đó. Nói cho ngay, ý tưởng làm bộ phim này được xuất phát từ chính ông nên bộ phim đã được ông săn sóc từng khâu, tạo điều kiện tối đa như vậy. Ông đọc truyện trên báo (trước khi mất, ông cũng vẫn cho là "tin" chứ không phải "truyện". Rõ khổ). Ông phát hiện ra đề tài, gọi tôi lên giao việc. Làm mất hơn một năm mới xong được kịch bản thì Lưu Trọng Ninh đi quay. Bối cảnh chính lấy ở sông Đà. Anh Nguyễn Khắc Kiên, Tổng giám đốc công trình Thủy điện Sông Đà ngày ấy đã giúp đỡ đoàn phim rất nhiều. Linh tính thế nào mà hồi tháng 12/2012, tôi bỗng buột miệng bảo: "Anh Hải Ninh ơi, ai rồi cũng "hai năm mươi" cả, em sợ rằng người sau này không hiểu chuyện của người ngày xưa, thôi thì chuyện ngày ấy thế nào, anh là Giám đốc, là người khởi xướng, là người chứng kiến, là người điều hành bộ phim từ A đến Z, anh cứ viết đúng sự thực cho em vài chữ để làm bằng. Ai cũng chỉ thích nghe khen, không ai thích nghe chửi. Chửi đúng đã buồn, chửi sai lại càng buồn". Anh Hải Ninh nhìn tôi thoáng giật mình vì không ngờ tôi lại cả nghĩ đến thế. Sau một tuần tôi nhận được thư anh. Trong thư là tờ giấy viết làm bằng mà tôi đang giữ đây (tôi cũng đã post lá thư này của anh lên blog HNF của mình rồi, trong bài viết "Năm mới Tây 2013"). Bây giờ anh mất rồi, tôi thật sự áy náy vì đã làm phiền anh nhưng anh cũng hiểu được tâm trạng tôi đã bị tổn thương đến như thế nào khi bị người ta xúc phạm. Sáng nay, ngày 30 tết, trời trở lạnh, khoác cái áo bông bỗng sờ tay vào túi thấy cái phong bì có nét chữ thân quen của anh Hải Ninh gửi cái tờ giấy làm bằng kia mà buồn muốn khóc… Thế đấy, cuộc đời mới ngắn ngủi làm sao.

Có lẽ, trong cuộc đời công chức của mình, những năm tôi được làm việc dưới trướng của NSND Hải Ninh là một điều may mắn lớn. May mắn bởi ông là một người rất tin tưởng và rộng lượng với lính của mình là tôi. Dưới bàn tay chỉ huy của ông, với sự mẫn cảm và sắc sảo của ông, tôi đã có thêm được 2 bộ phim nữa làm theo kịch bản của mình: "Dã Tràng xe cát biển đông" và "Cha tôi và hai người đàn bà". Những năm tháng khó khăn sau đó, biết là tiền làm phim không có, anh chị em phòng biên kịch nhận đề tài rồi đi biệt cả tháng, thỉnh thoảng mới ló mặt lên cơ quan. Tôi cũng vậy. Lòng chỉ lo sếp quở trách. Nhưng mà không, sếp tươi cười mời nước và nhẹ nhàng hỏi viết đến đâu rồi? Tuế tóa đáp sắp xong nhưng kỳ thực là chúng tôi còn đang mải đi "cày thuê cuốc mướn" lấy tiền nuôi con. Ông biết vậy nhưng cũng không quở trách. Có lần tôi xin đi xa 3 tháng để làm kinh tế, ông ủng hộ ngay. Được một tháng đã thấy tò tò về, ông ngạc nhiên hỏi "Sao vậy?". Thật khó trả lời ông cụ thể vì sao? Chỉ biết rằng tôi thích ở nhà hơn dù nhận đồng lương ít ỏi để rồi lại đi "cày thuê cuốc mướn" (ngày ấy chúng tôi thường gọi vui về nghề của mình như thế). Chả là ngày ấy bên truyền hình bắt đầu mở ra mục phim truyện truyền hình, cánh phim truyện Việt Nam bắt đầu đổ xô sang đó làm thuê và cũng có việc để làm nên cũng vui.

Lại nhớ, trước khi NSND Hải Ninh mất khoảng nửa tháng, tôi bỗng nhận được điện thoại của ông. Tôi hỏi thăm: "Sức khỏe của anh độ này ra sao?". "Anh mới đi kiểm tra lại, bác sĩ bảo xấu lắm". Tôi thoáng lo, nhưng rồi lại động viên: "Không sao đâu anh, em nghĩ sẽ ổn mà". Ông cảm ơn tôi vì đã gửi tặng ông tập thơ "Cỏ thơm mây trắng" vừa xuất bản. Hai anh em nói chuyện điện thoại khá dài… Chẳng ngờ đây là cuộc điện thoại cuối cùng của ông. Chẳng ngờ đây cũng là lần cuối cùng tôi được nghe ông nói.

Bây giờ NSND Hải Ninh mất rồi, tôi ân hận xiết bao khi rất hay than thở cả những chuyện buồn của ngành với ông khiến ông thêm rầu lòng. Trò chuyện cùng ông chả có gì khác ngoài chuyện điện ảnh, chuyện của ngành. Cách đây khoảng 2-3 tháng, Hãng Phim truyện Việt Nam suýt bị chiếm mất nhà Thủy Phi Cơ (trên Hồ Tây), ông ốm mệt gầy gò thế mà vẫn phải lật đật lên động viên anh em, cùng anh em giữ đất, bảo vệ mảnh đất lịch sử của Hãng. Cứ nghĩ thế, nhớ thế về ông là lòng lại không thể không buồn với những người có trách nhiệm sao lại có thể "quên" trách nhiệm - hay nói cách khác là chưa thực sự để tâm để sức tìm ra cách nào đó để phát triển nền điện ảnh nói chung.

Thế hệ vàng của các anh ra đi cũng đã sắp vãn - cũng có nghĩa những ngày điện ảnh được quý như vàng cũng đã qua rồi.

Cầu chúc anh bình an, thanh thản nơi chín suối.

Đêm 30 Tết 9/2/2013

Nguyễn Thị Hồng Ngát
.
.
.