Chuyện làng văn nghệ

Lợi khẩu như Chế Lan Viên

Thứ Ba, 07/09/2010, 09:10

Nhà thơ Chế Lan Viên không chỉ nổi tiếng về tài thơ mà còn nổi tiếng về khả năng ứng đối trong chuyện trò, giao tiếp. Sự phản ứng của ông không chỉ sắc bén mà còn rất nhanh nhạy, kịp thời, khiến người đối thoại lắm lúc "trở tay không kịp", khi nghĩ ra câu nói lại thì việc cũng... đã qua. Nói chung, trong văn giới, ai cũng thích nghe Chế Lan Viên nói chuyện nhưng nhiều người cũng rất ngại khi tranh luận với ông.

Có một giai thoại được lưu truyền đã lâu. Lần ấy, một số cơ quan văn học ở Hà Nội phối hợp tổ chức cuộc hội thảo về mấy tập thơ viết trong giai đoạn chống Mỹ của Chế Lan Viên. Đã có nhiều ý kiến được đưa ra. Cuối buổi, Ban Tổ chức đề nghị nhà thơ Chế Lan Viên phát biểu cảm tưởng. Đây quả là một việc không dễ dàng, bởi Chế Lan Viên là tác giả đang được phân tích, mổ xẻ, nói không khéo sẽ gây phản cảm. Vậy là, nhà thơ chỉ xin nói một ý: "Suốt một ngày các anh chị khen tôi cũng đã nhiều, chê tôi cũng đã lắm, nhưng không ai khen tôi bằng tôi, cũng không ai chê tôi bằng tôi". Một câu thôi mà khiến ai cũng phải ngẫm nghĩ.

Một lần khác, trong một cuộc vui, có người lên tiếng thắc mắc về sự "chậm tiến" của nhà thơ Nguyễn Đình (người sáng tác cùng thời với Chế Lan Viên, Yến Lan và là bạn thân của hai ông). Nguyễn Đình chỉ vào Yến Lan và Chế Lan Viên, nửa đùa nửa thật:

- Chính hai tay này nó dìm mình.

Chế Lan Viên cười to, đáp trả ngay:

- Bình thường ra, người ta chỉ dìm những vật nổi. Chứ vật đã... chìm rồi thì ai dìm làm gì.

Mọi người nghe vậy rộ lên cười.

Một ông bạn văn khác, có lần bỗng nổi hứng vỗ vai Chế Lan Viên:

- Này ông, dạo này mình viết lên tay lắm. Văn chắc ra phết.

Thật không dễ gì gặp được ở đời một người tài thì mọn nhưng lại tự tin đến mức này, Chế Lan Viên độp luôn:

- Vâng, rất hoan nghênh bác. Nhưng xin nói khí không phải: "Chắc tôn ông cũng không bằng lép tôn tôi".

Đây là một câu chơi chữ rất sắc. "Chắc" đối với "lép", "tôn ông" đối với "tôn tôi". Nó có thể khiến người thoạt nghe nghĩ ra là: Cái gọi là "chắc" ấy của anh chắc gì đã bằng cái gọi là "lép" của tôi. Tuy nhiên, là người làm văn chương, ai chẳng biết đến mấy chữ Lép Tônxtôi (Lev Tolstoi), tên nhà đại văn hào Nga, tác giả của bộ tiểu thuyết vĩ đại "Chiến tranh và hòa bình". Như vậy, câu đùa hóm ấy còn có ý là: Ông viết thế chứ viết nữa cũng không thể bằng Lép Tônxtôi đâu.

Lại một lần khác, trong cuộc họp đông người ở trụ sở Hội Nhà văn, không biết tranh luận vấn đề gì mà có người quay sang phê phán Chế Lan Viên là "mị dân". Chế Lan Viên đứng dậy phản ứng ngay:

- Tôi mị dân, còn ông thì... mị quan. Thế là... hòa!

Năm 1979, nhà thơ Chế Lan Viên cùng một đoàn cán bộ ta sang công tác tại thủ đô Brussels của Bỉ. Khi họ vừa chân ướt chân ráo tới nơi thì hay tin, cách đấy chưa đầy một kilômét, đoàn của một nhạc sĩ người Việt đang biểu diễn, với những tiết  mục có nội dung công kích, thóa mạ dân tộc. Anh em trong đoàn cán bộ ta vừa bực tức, vừa lo ngại. Song Chế Lan Viên đã bình tĩnh "nhắn" sang: "Mọi người đều tùy thích có thể yêu thương hay nguyền rủa trong đời. Nhưng Tổ quốc - Mẹ chúng ta đang ốm. Hàng triệu trái bom của đế quốc, Mẹ đã vượt qua, nhưng một cái ho của chúng ta cũng làm hại đến sức khỏe, sinh mệnh của Mẹ".

Lời nhắn của Chế Lan Viên đã có tác dụng. Một số thành viên phái đoàn "bên kia" lấy làm hổ thẹn, phải giảm bớt sự công kích ngông cuồng. Còn các thành viên trong đoàn ta thì tấm tắc bình phẩm với nhau: "Chế Lan Viên quả như một chính khách, đi đâu cũng luôn tìm cách giữ thể diện cho nước nhà"

Trần Bá Giao
.
.
.