Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16: Tản mạn về việc chấm giải phim truyện nhựa

Thứ Năm, 31/12/2009, 09:15
Có một sự trùng hợp khá thú vị: 26 năm trước, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, đạo diễn Đặng Nhật Minh từ một con số 0 trong làng điện ảnh, bỗng vụt sáng thành một hiện tượng khi đoạt liền 3 giải lớn: Bông sen Vàng cho phim truyện nhựa "Thị xã trong tầm tay"; giải biên kịch xuất sắc nhất và Bông sen Bạc cho phim tài liệu "Nguyễn Trãi".

Năm nay, Liên hoan phim lần thứ 16 tái ngộ với nhân dân thành phố mang tên Bác, một lần nữa đạo diễn Đặng Nhật Minh lại nhận liền ba giải lớn: Bông sen Vàng cho phim truyện nhựa "Đừng đốt"; giải biên kịch xuất sắc nhất và giải thưởng của Ban Giám khảo Báo chí. Chỉ có điều, lần này đạo diễn Đặng Nhật Minh bước lên bục vinh quang với một tư thế khác: Ông đã trở thành Nghệ sĩ nhân dân với một bảng tổng sắp nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế.

Sở dĩ tôi bắt đầu bài viết của mình bằng những dòng dành cho vị đạo diễn gạo cội của điện ảnh nước nhà là vì chính tôi là người được may mắn bỏ phiếu cho bộ phim "Đừng đốt" của ông với tư cách là thành viên của Ban Giám khảo Báo chí. Không chỉ riêng tôi, vào lúc 5 giờ chiều ngày 10 tháng 12, tức là chỉ vài chục tiếng đồng hồ trước khi buổi lễ bế mạc Liên hoan phim công bố giải, Ban Giám khảo Báo chí tổ chức bỏ phiếu kín để bình chọn phim xuất sắc nhất và "Đừng đốt" đã nhận được số phiếu đồng thuận của 10 trong số 11 thành viên.

Nói cho thật chính xác thì trước khi tiến hành bỏ phiếu, mỗi thành viên Ban Giám khảo được quyền đề cử ba phim. ở vòng "sơ khảo" này, cùng với "Đừng đốt", một số phim truyện nhựa khác cũng được đề cử, đó là "Chơi vơi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, "Trăng nơi đáy giếng" của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, "Huyền thoại bất tử" của đạo diễn Lưu Huỳnh...

Trong sự lựa chọn ở vòng một này, "Đừng đốt" dẫn đầu về số phiếu (11/11), tiếp đó là "Chơi vơi" và "Trăng nơi đáy giếng" giành được số phiếu quá bán. Trước đó, anh em báo chí chúng tôi đã lần lượt xem tất cả 15 bộ phim, bắt đầu là phim "Mười bốn ngày phép" vào chiều 3/12 và cuối cùng là phim "Trái tim bé bỏng" vào sáng 7/12. Đây là lần đầu tiên Liên hoan phim có Ban Giám khảo Báo chí và Ban Giám khảo này chỉ có quyền chọn ra duy nhất một phim để trao giải. Trong khi đó, Ban Giám khảo truyền thống của phim truyện nhựa gồm các nhà hoạt động điện ảnh có uy tín như Tiến sĩ Trần Luân Kim, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, nhà văn Chu Lai và "cô gái xấu xí" - diễn viên Ngọc Hiệp... có nhiệm vụ nặng nề hơn. Họ phải chọn ra nhiều giải: Bông sen Vàng, Bông sen Bạc, đạo diễn xuất sắc nhất, biên kịch xuất sắc nhất và các nam, nữ diễn chính, diễn viên phụ xuất sắc nhất…

Trước khi Liên hoan phim diễn ra ở TP Hồ Chí Minh, hai Ban Giám khảo phim truyện nhựa xem phim cùng nhau tại Hà Nội. Thành thử, sau khi xem xong mỗi bộ phim, bên lề phòng chiếu, anh em báo chí được nghe và đóng góp lời bàn luận cùng các nhà điện ảnh khả kính.

Còn nhớ, sau buổi chiếu phim "Đừng đốt", nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc buông vài câu "xanh rờn", đại ý: Dẫu phần âm nhạc của phim chưa xứng tầm và dẫu có "thù" ông Minh thì tôi vẫn bỏ phiếu cho phim "Đừng đốt". Rồi nhạc sĩ giải thích thêm về chuyện "thù" như sau: Trước đó ông Minh có nhã ý mời ông Phúc viết nhạc cho "Đừng đốt". Nhưng cuối cùng vì một số lý do, công việc này được trao cho hai nhạc sĩ trẻ người Hungari.

Tôi thầm nghĩ, hẳn ông nhạc sĩ đã từng đoạt giải âm nhạc xuất sắc nhất tại Liên hoan phim lần thứ 8 tổ chức tại Thượng Hải Trung Quốc… phải dành cho cho "Đừng đốt" một sự nể trọng nghề nghiệp mới có thể nói thẳng, nói thật đến như vậy. Và tôi biết, những nhận xét bên lề phòng chiếu cũng chỉ là một kênh tham khảo, chứ việc bình giá một bộ phim đều xuất phát từ chính kiến của riêng mỗi vị giám khảo với tư cách một người thưởng thức nghệ thuật, một người am hiểu nghệ thuật.

Bằng chứng là, ngoài Bông sen Vàng dành cho "Đừng đốt" đã được dự đoán, đã được đồn đại trong suốt những ngày diễn ra Liên hoan phim, những giải còn lại đã gây không ít bất ngờ. Nhiều người đoán già, đoán non rằng trong số 15 phim truyện nhựa tham dự Liên hoan phim lần này, xếp sau "Đừng đốt" phải là "Chơi vơi", hay "Trăng nơi đáy giếng" hoặc "Huyền thoại bất tử". Bởi lẽ "Chơi vơi" vừa đoạt giải tại Liên hoan phim quốc tế Venice lần thứ 66; được chọn chiếu tại Liên hoan phim TorontoVancouver (Canada). Thêm nữa, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã kỳ công chọn 2 diễn viên Việt Kiều khá nổi tiếng là Phạm Linh Đan và Johnny Trí Nguyễn, cùng 2 diễn viên trong nước đã giành thứ hạng cao tại các kỳ Liên hoan phim như Đỗ Hải Yến và Như Quỳnh.

Còn "Trăng nơi đáy giếng" và "Huyền thoại bất tử" cũng là hai phim "bom tấn" của Việt Nam. Cả hai phim vừa đoạt ngôi vị cao nhất trong giải Cánh diều Vàng năm 2008. Lại nữa, diễn viên nữ Hồng Ánh trong phim "Trăng nơi đáy giếng" không chỉ đoạt giải diễn viên nữ chính xuất sắc nhất tại một Liên hoan phim quốc tế mà còn ẵm luôn cả giải cao nhất trong Liên hoan phim Cánh diều Vàng. Trong khi đó Dustin Nguyễn cũng là gương mặt nam diễn viên đoạt giải xuất sắc khi thủ vai Long trong "Huyền thoại bất tử"…

Nhưng rồi, vào lúc gần 22h đêm bế mạc, Ban Tổ chức đã công bố 2 giải Bông sen Bạc, một dành cho "Trăng nơi đáy giếng" và một cho "Rừng đen" của đạo diễn Vương Đức. Đó quả là một sự bất ngờ thú vị. Điều bất ngờ này đã nói lên sự làm việc nghiêm cẩn của Ban Giám khảo. Ấy là việc các thành viên không bị chi phối bởi dư luận hay chịu bất cứ tác động nào mà thuần túy dựa vào tiêu chí do Ban Tổ chức Liên hoan phim đặt ra.

Tương tự như bất ngờ ở giải Bông sen Bạc, diễn viên nữ chính xuất sắc nhất đã được trao cho diễn viên trẻ Lan Hà trong phim "Trái tim bé bỏng". Trong khi đó, Hồng Ánh chỉ được nhận giải diễn viên phụ xuất sắc khi đóng vai người mẹ của Mai (do Lan Hà sắm vai). Sau buổi lễ trao giải, Hồng Ánh trả lời phỏng vấn báo chí một cách đáng yêu rằng: "Ánh nghĩ nếu trao thêm cho mình giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thì không tạo được hiệu ứng gì nhiều. Ban giám khảo trao giải cho Lan Hà vì muốn động viên, hỗ trợ cho một tài năng". Còn Lan Hà khiêm tốn mà thủ thỉ rằng: "Giám khảo đã chấm ưu ái cho tôi một chút". Tiếp đó, Lan Hà tâm sự rằng: "Chị Hồng ánh luôn là người chị tuyệt vời, chị bày cho tôi rất nhiều về diễn xuất. Đối với tôi cảnh nào quay chung với chị cũng rất an tâm…".

Còn nhớ cách đây 10 năm, Hồng Ánh và Lan Hà cũng đã đóng vai mẹ con trong phim "Đời cát" của đạo diễn Thanh Vân và trên phim không hiểu sao hai gương mặt của hai diễn viên sinh ở hai vùng đất xa nhau hàng ngàn dặm này lại giống nhau đến thế!--PageBreak--

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 đã khép lại với các luồng dư luận khác nhau, đặc biệt là của những người trong cuộc. Tuy nhiên, là người đã được xem một cách chăm chú 15 bộ phim truyện nhựa Việt Nam sản xuất trong những năm gần đây, tôi rất đồng tình với nhà biên kịch Lê Ngọc Minh - Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định phim rằng: Số lượng phim tham gia Liên hoan lần này tuy ít nhưng về chất lượng có đến ba điều đáng mừng. Thứ nhất, có những chùm phim khá chững chạc để tham gia các sinh hoạt điện ảnh lớn của thế giới; có những chùm phim đã thu hút khán giả trong một thời gian dài, có những bộ phim đã có được sự tìm tòi ngôn ngữ biểu hiện... Thứ hai, ranh giới giữa các phim được sản xuất bằng kinh phí Nhà nước và phim do tư nhân bỏ vốn đã gần như bị xóa nhòa. Nghĩa là ở mỗi khu vực này đều không có loại đề tài bị né tránh và đều hướng tới việc tìm kiếm khán giả. Thứ ba, tính chuyên nghiệp trong tất cả các công đoạn làm phim đều được nâng lên ít nhiều...

Tuy nhiên những niềm vui và cả nỗi buồn trong một Liên hoan phim sẽ trôi đi  khá nhanh. Còn nỗi lo đối với các nhà làm phim thì vẫn luôn luôn thường trực. Ấy là đầu ra, hay nói cách khác việc phát hành thu hồi vốn của mỗi bộ phim. Tại một cuộc hội thảo trong khuôn khổ Liên hoan phim mang tên "Xây dựng dự án và huy động vốn sản xuất phim", mọi người chú ý đến hai bản tham luận của hai vị đại diện sản xuất phim "Giải cứu thần chết" và "Duyên trần thoát tục". Cả hai phim này không được đánh giá cao tại Liên hoan phim và cũng không nhận được bất kỳ một giải nào nhưng cả hai đã thu hồi được vốn, thậm chí  lãi tiền tỉ. Trong khi đó đạo diễn Đặng Nhật minh thì vẫn trăn trở với vấn đề tưởng như đã cũ. Rằng Nhà nước đã cho tiền làm phim nhưng không cho một đồng nào để PR sau khi phim đã hoàn thành.

Còn đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thì nói với tôi rằng, phim "Chơi vơi" của anh đã bán được ở Mỹ và Canada. Nhưng hình thức bán mới chỉ được người ta đầu tư một khoản kinh phí ban đầu, chủ yếu là để quảng bá cho việc phát hành. Còn tiền thu về túi mình phải chờ đến khi nào chiếu phim xong, sau khi đã trừ đi các khoản chi phí. Tại Liên hoan phim 16 này, phim của anh không được vàng, không được bạc, không cả bằng khen, nhưng bù lại từ "Chơi vơi", anh đã giành được giải đạo diễn xuất sắc nhất và ê kíp làm phim: ông Lý Thái Dũng đã giành giải quay phim xuất sắc nhất, ông Lã Quý Tùng giành được giải họa sĩ thiết kế xuất sắc nhất. Và đúng như anh đã phát biểu trước ngày khai mạc Liên hoan phim: "Gì thì gì phim cũng đã phát hành rồi, khán giả đã xem rồi, giải thưởng nếu có cũng là để vui thôi, không nên bận tâm nhiều".

Thật vậy, không bận tâm nhiều đến giải thưởng, mà ngay sau đây mỗi người làm phim đều hướng một tác phẩm điện ảnh mới hay hơn, có nhiều người xem hơn...

Nguyễn Xuân Hải
.
.
.