NSƯT Hoàng Yến:

Lặng lẽ phận đàn bà

Thứ Năm, 08/10/2015, 15:20
Chuyện chị nghe êm ả. Cái êm ả của một người phụ nữ đã lặn vào mình những nỗi niềm... Dẫu gì chị cũng mỉm cười, vì đối với sân khấu, ánh đèn hằng đêm vẫn ôm chị vào lòng, choàng vào chị những thân phận đàn bà lặng lẽ, đa đoan...

1."Cát trắng như gạo" (Sân khấu Thế giới Trẻ - Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh) là vở diễn đầu tiên NSƯT Hoàng Yến hóa thân vào cả ba vai. Đó là nữ Công an sắp về hưu đối mặt với vụ án cuối cùng. Là Sáu Huệ, người phụ nữ miền Tây nghèo khổ, bệnh tật, giàu đức hy sinh, vò võ nuôi con khi người chồng câm bỏ đi biệt xứ. Là Linh, một cô bé bất cần đời, ngang tàng, trộm cắp để nuôi mẹ - Sáu Huệ.

Vai nữ Công an trong vở "Cát trắng như gạo" là vai diễn đầu tiên của NSƯT Hoàng Yến về hình tượng này. Thế nên,  chị phải nhờ sự cố vấn của những người trong ngành. Dù đã hóa thân vào nhiều nhân vật, nhưng đây là vai chị cảm thấy khó nhất. Diễn làm sao để không bị lên gân, diễn làm sao để toát nên thần thái cương trực của nữ Công an nhưng vẫn mềm mại và trăn trở bình dị đời thường khi chị đấu trí tìm ra hung thủ đốt thuyền, khi chị nhớ về miền quê đầy cát trắng của mình.

NSƯT Hoàng Yến vào vai nữ Công an.

Ở kịch bản gốc, đất diễn dành cho vai này không nhiều. Thế nhưng, qua sự biến hóa của Hoàng Yến, người nữ Công an ấy hiện lên với sự chững chạc, trách nhiệm và đầy tình thương trước sự lầm lỗi trong bước đường cùng của những người dân chân chất miền sông nước mênh mông. Đây cũng là vai diễn mà chị sử dụng chất giọng miền Bắc đặc trưng của mình.

Để đảm nhận vở "Cát trắng như gạo", nhiều thứ buộc Hoàng Yến phải vượt qua chính mình. Đó là việc diễn 3 vai, nói giọng Nam Bộ vừa kiểu trẻ con, vừa kiểu người lớn và... giảm cân. Lúc đầu khi xây dựng vở, chị cứ tưởng mỗi nhân vật là một diễn viên đảm nhiệm để có cảnh ba mẹ, con cái sum vầy, có cảnh người nữ Công an đến an ủi Sáu Huệ, động viên bé Linh hỗ trợ phá án...

Nếu để Hoàng Yến đảm nhiệm cả ba nhân vật nữ thì vở chỉ có vỏn vẹn hai diễn viên: chị và họa sĩ Trí Đức. Trong vở, Trí Đức lại vào vai người họa sĩ bị câm, nghĩa là gánh nặng đè lên vai chị không hề nhỏ. Nhưng tác giả kịch bản kiêm đạo diễn vẫn muốn liều. Vậy là Hoàng Yến đành phải liều. Mê chất giọng Nam Bộ ngọt ngào của nghệ sĩ Tú Trinh, ngày nào chị cũng mở đĩa để bắt chước theo. Vì thân hình lúc đó khá tròn trịa mà vai Sáu Huệ, bé Linh là những người dân lam lũ nghèo khổ, có thân hình như vậy thì vào vai rất kỳ nên chị quyết tâm giảm cân.

Hôm vở ra mắt, nhiều khán giả khăng khăng các nhân vật nữ là ba diễn viên khác nhau. Sau một hồi chú ý, thấy chẳng khi nào các nhân vật nữ gặp nhau thì họ mới ngớ người ra thú vị. Chính cách diễn xuất biến hóa "3 trong 1" đã mang về cho Hoàng Yến huy chương vàng cá nhân tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra ở Thanh Hóa tháng 7 vừa rồi.

"Cát trắng như gạo" là vở diễn tiếp theo sau vở "Âm binh" đánh dấu sự trở lại của Hoàng Yến với sân khấu sau 6 năm vắng bóng. Lập gia đình với người chồng như hình mẫu mình từng ao ước - một vị bác sĩ không khác gì nhân vật trong một vở kịch chị yêu - Hoàng Yến gần như dành hết toàn bộ thời gian cho gia đình.

Chồng không muốn chị khổ nhọc với sân khấu kịch nên khi sinh em bé, chị tự nhủ, có lẽ sẽ vĩnh viễn bỏ nghề để chăm giấc con thơ, lo bữa cho chồng. 6 năm ròng, hàng trăm tất bật không tên của cuộc sống gia đình khiến Hoàng Yến quên đi ánh đèn màu, thậm chí cả những chương trình kịch nghệ trên tivi chị cũng chẳng còn thời gian theo dõi. Sân khấu tưởng như thành miền quá vãng xa xôi. Thế mà Hoàng Yến trở lại với vở "Âm binh" đầy ngoạn mục. Đó là Nhi với số phận đầy ngậm ngùi, cay đắng từ thuở má hồng đến khi ngả bóng về chiều trong khu vườn đầy những nấm mồ cát.

Người phụ nữ ở mảnh đất Quảng Trị đỏ lửa năm 1972 đau đớn cùng cực vì mất đi đứa con mới 3 tháng tuổi giữa mưa bom bão đạn. Hai người lính ở hai bên chiến tuyến lạc vào khu vườn ấy và được sự bao bọc, che chở của Nhi. Nội tâm của Nhi, ẩn ức của Nhi được Hoàng Yến hóa thân làm người xem rụng rời, xót xa đến tê lòng. "Âm binh" đã làm nên "quả bom" tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012. Chị cũng chẳng ngờ mình có thể trở lại với sân khấu như mới rời sàn tập ngày hôm qua.

Cuốn vào vun vén gia đình, tưởng như ngọn lửa nghề đã tắt. Thế mà gặp gió, cái khói tàn ấy bùng lên, làm nên một Hoàng Yến rực rỡ. Chị biết bản năng của mình vẫn dành cho ánh đèn màu ma mị kia. Đến kiếp sau, biết có lìa đứt?

2. NSƯT Hoàng Yến vốn quen thuộc với những thân phận đàn bà bề ngoài tuy hiền lành, đằm thắm, thậm chí đôi khi cam chịu nhưng ẩn giấu một nội tâm nồng nàn, dữ dội, sẵn sàng hy sinh cho gia đình, cho lý tưởng. Đó là những vai như Sáu Huệ ("Cát trắng như gạo"),  Đặng Thùy Trâm (vở "Đặng Thùy Trâm"), Nhi (vở "Âm binh") ...  Bởi lẽ, chị phần nào mang dáng dấp của chính họ. Gặp Hoàng Yến ngoài đời, chẳng ai nghĩ chị là nghệ sĩ. Ăn mặc giản dị, chẳng son phấn, nước hoa, phục sức. Cuộc sống lại khép mình, lặng lẽ, ít giao du.

NSƯT Hoàng Yến vào vai Sáu Huệ trong vở "Cát trắng như gạo".

Cái hồi biết cầm gương, Hoàng Yến đã muốn vò nát gương mặt có nước da ngăm đen, đôi mắt hơi xếch và cái mũi gãy chẳng giống ai. Vậy nên biết ý định con bé "xấu ỉn" ôm mộng vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, bà con hàng xóm cười như nắc nẻ, tưởng chuyện đùa. "Tôi cũng chẳng hiểu sao mình mê sân khấu đến vậy. Mà trước đó có bao giờ mình tham gia văn nghệ, biểu diễn lần nào đâu. Chỉ biết mỗi lần xem trên tivi, thấy các anh chị diễn viên biểu diễn tự dưng lại thấy có một cái gì đó rừng rực, thôi miên mình. Mình biết mình xấu nhưng vẫn liều lên Hà Nội nộp đơn" - chị kể. Tung tăng tới nơi thì thấy các bạn thí sinh nữ khác ai cũng xinh xắn, trắng trẻo, chị xấu hổ, lủi thủi đạp xe về. Rồi giấu ỉm cái mơ ước khát cháy ấy đi trước con mắt khinh khi của bạn bè đồng lứa.

Đài Phát thanh - Truyền hình của Nam Định tuyển người. Nếu không có bước ngoặt ấy, có lẽ cả đời Hoàng Yến vĩnh viễn yên vị là một cô công nhân nơi nhà máy. Nhưng vào đài, chị cũng chỉ được làm phát thanh viên chứ không thể lên hình. Đến khi Đoàn kịch Nam Định cần tuyển diễn viên thì chị thi ngay. Ít ra, những năm tháng ở đài đã giúp chị rèn biểu cảm giọng nói.

 12 năm ở Đoàn kịch Nam Định, Hoàng Yến chấp nhận chịu thiệt thòi hơn các bạn diễn vì ngoại hình khiêm tốn của mình. Trước đêm diễn, khi các nghệ sĩ khác ra chào mời khán giả thì chị lại lúi húi trong hậu trường lo việc là ủi, chuẩn bị phục trang. Ngày rảnh rỗi, các nữ nghệ sĩ khác đi chơi, mua sắm thì chị lo những việc lặt vặt trong đoàn. Những năm tháng ấy, chị vùi mình vào mớ bòng bong việc không tên và chỉ biết diễn rồi diễn. Chỉ có diễn mới khẳng định năng lực thực sự của mình.

Có nhóm người lạ xem buổi biểu diễn của Đoàn kịch Nam Định thấy nữ diễn viên chính đóng xuất thần quá, sáng sớm đã kéo đến đoàn. Gặp Hoàng Yến ở hành lang, họ sốt sắng hỏi: "Cô cho hỏi diễn viên Hoàng Yến đóng vai chính vở tối qua có ở đây không?". Chị hồn nhiên: "Tôi là Hoàng Yến đây ạ. Các anh tìm tôi có việc gì?".

Đám người lạ trợn tròn mắt nhìn chị rồi lại nhìn nhau. Đến khi chị lặp lại câu hỏi thì một người lúng túng trả lời qua quýt: "À à, tối qua cô diễn hay quá". Xong rồi cả nhóm xách máy quay phim lỉnh mất. Hoàng Yến vẫn chưa hết ngạc nhiên thì trưởng đoàn chạy ra hỏi chị: "Ấy, sao tôi nghe có đoàn làm phim trên Hà Nội bảo sẽ gặp cô để mời vào vai chính mà chưa gì họ đã về rồi nhỉ?".

Chị bảo ấy vậy mà lần khác, nhờ phấn son hóa trang trên sân khấu mà chị cũng "lừa" được một đạo diễn. Bộ phim "Mảnh trăng côi" được đánh giá tốt, thế nhưng cứ những pha quay nghiêng mặt là chị và đạo diễn lại giật mình thon thót. Một đàn anh trêu: "Tao chưa thấy cái mũi diễn viên nào xấu như mũi mày". Giấc mơ đóng phim đành đóng sập. Sau này có gia đình, mấy lần được chồng gợi ý đi sửa sắc đẹp nhưng chị lắc đầu. Thôi thì mẹ cha sinh ra, trời cho sao chịu vậy.

Năm 2003, sân khấu miền Bắc khó khăn, Hoàng Yến xuôi Nam tìm miền đất hứa. Nhưng lời nói đầu môi, ai dễ nhận một cô diễn viên lạ hoắc với khán giả phía Nam vào đoàn. Vạ vật ăn nhờ, ở đậu, may thay sân khấu 5B rủ chị về diễn các vở "Bảy sắc cầu vồng", "Chuyện tình nữ phạm nhân"... làm nên một Hoàng Yến mặn mòi duyên Bắc trên sân khấu Sài thành. Rồi chị chuyển sang đầu quân ở Nhà hát Thế giới trẻ. 

Lẽ đời, ông trời lấy đi thứ này thì lại bồi đắp cho người ta thứ khác. Tình yêu đến với chị muộn màng khi tuổi đã qua ngưỡng 35 nhưng cho hoa thơm quả ngọt. Bây giờ, chị thấy lòng mình bình yên. Gia đình và sân khấu vẹn toàn. Thỉnh thoảng, chị lại "tự tình" với ánh đèn màu để nghe trái tim rộn ràng như tiếng chim líu lo thuở đạp xe đi nộp hồ sơ vào trường sân khấu. Chị có diễn đâu, chỉ để những thâm trầm đời mình trải dài trên sàn diễn mà thôi…

Mai Quỳnh Nga
.
.
.