Khỏa thân và nghệ thuật nhìn từ triển lãm N.U.D.E
- Khỏa thân hay nude nghệ thuật?
- Tôi không bị ham muốn thể xác chi phối khi làm việc với người mẫu nude
Chẳng có một người đàn bà nào khi ngửa cổ lên trần của Thánh đường Sistine ở Vatican nhìn ngắm những nhân vật đàn ông khỏa thân hoặc đứng trước bức tượng David của Michelangelo (1475-1564) mà lại nổi lên ham muốn thể xác cả. Chẳng có một người đàn ông nào khi xem tranh khỏa thân của Modigliani (1884-1920) hoặc chiêm ngưỡng những người đàn bà rất phồn thực trong tranh của Paul Gauguin (1848 – 1903) mà lại nổi cơn ham muốn sex cả.
Hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc... về đề tài khỏa thân không phải là thuốc kích dục. Lý thuyết như vậy nhưng trong thực tế, nhất là ở những nước mà sự hiểu biết về nghệ thuật còn thấp thì ranh giới giữa nghệ thuật và phản nghệ thuật, ranh giới giữa khỏa thân trong nghệ thuật và khỏa thân khiêu dâm rất mong manh.
Cái sự rắc rối do ranh giới mong manh này diễn ra cả ở bốn đối tượng: Người làm mẫu (mẫu vẽ, mẫu chụp, diễn viên), nghệ sỹ - tác phẩm, công chúng và người quản lý văn hóa. Những nghệ sỹ sáng tác về đề tài khỏa thân là câu chuyện chính trong bài này. Khá nhiều chuyện rắc rối là do đối tượng này.
Tranh của họa sỹ Doãn Hoàng Lâm. |
Trước tiên, các nghệ sỹ ấy không chịu “thuộc bài” phạm trù nội dung và hình thức trong nghệ thuật. Khỏa thân hay sex đối với nghệ thuật thì cũng chỉ là đề tài, nó cũng bình đẳng như những đề tài lao động, sản xuất...
Tức là hãy vẽ, hãy nặn thế nào về cái bộ phận ấy, về cái khỏa thân ấy, về cái tư thế động tác sex ấy chứ không phải là miêu tả thô thiển những nội dung ấy. Cho nên, đề tài khỏa thân còn là thuốc thử tốt nhất, chính xác nhất để phân biệt một nghệ sỹ giỏi hay kém. Những người kém thường hay bê nguyên xi hiện thực vào tác phẩm, họ không biết sáng tạo và rất thích thú việc copy hiện thực.
Thế mà thử hình dung xem, với thể loại tranh phong cảnh hoặc chân dung thì còn tạm chấp nhận được, nếu vẽ khỏa thân mà lại dùng “copy – style” thì nguy hiểm thế nào... Trong nghệ thuật điêu khắc Chăm, Linga và Yoni đẹp vì các nghệ sỹ đã sáng tạo ra hai bộ phận đặc trưng của người nam và người nữ bằng hình thức biểu đạt của nghệ thuật điêu khắc chứ không phải vì nó giống y như hai bộ phận đó.
Khỏa thân và sex như đã nói, cũng bình đẳng như các đề tài khác, nhưng nó lại có một vài đặc trưng mà người sáng tác không nên quên. Đứng trước một cánh đồng lúa chín, nếu có cảm xúc thì họa sỹ sẽ vẽ đẹp hơn là không có cảm xúc gì. Đó là tính chất đặc trưng của lao động nghệ thuật. Đối với các nghề khác không có hoặc có cảm xúc, không quyết định đến hiệu quả công việc, hoặc thậm chí quyết định không tốt đến công việc như nghề điều khiển cần cẩu bốc xếp container ở cảng, điều khiển máy tính trong dây chuyền lắp ráp xe hơi...
Tranh của họa sỹ Hoàng Thị Phương Liên. |
Trong studio, trước một cô mẫu mười tám tuổi, cao 1m75, người đẹp như mộng, không mặc quần áo, ai mà chả có xúc cảm, ai mà lại không rung động, nữa là nghệ sỹ. Cơ chế sáng tạo sẽ như sau: Cái cảm ấy, cảm động, cảm hứng về vẻ đẹp của cô gái trẻ không mặc gì ấy, có cả cái cảm về giới tính, về dục tính và chính nó sẽ tạo ra cảm hứng sáng tạo. Nói cách khác, dục cảm (thậm chí nhục cảm) sinh ra mỹ cảm. Đó là công thức bất di bất dịch, là đặc điểm khác biệt duy nhất chỉ có khi vẽ mẫu khỏa thân.
Nói thêm một ý về đối tượng thứ hai (nghệ sỹ sáng tác về đề tài khỏa thân), không chỉ có một số cô cậu trong giới showbiz giở trò hở hang để câu khách, để tạo tiếng tăm mà một số nghệ sỹ cũng vậy, trình độ tay nghề kém nhưng vẫn cố tình lao vào đề tài tình dục hoặc nude như một thứ mốt. Cho nên gần đây có nhiều loại tranh, nhất là ảnh khỏa thân mà chính xác thì phải gọi đó là ảnh cởi truồng. Một số ít hơn có tay nghề, máy móc tốt, mẫu tốt nhưng năng lực thẩm mỹ tồi nên chụp thế nào vẫn không ra ảnh khỏa thân mà lại thành ảnh sex.
Đối tượng thứ ba: người thưởng thức, khi đứng trước một tác phẩm nghệ thuật về đề tài khỏa thân, người xem cũng nên có một chút kiến thức nhất định. Đông tây kim cổ, khỏa thân luôn là một đề tài lớn của nghệ thuật bởi vì vẻ đẹp của thiên nhiên hội tụ đầy đủ trong ngoại hình của con người. Nghiên cứu, hiểu và chiêm ngưỡng cái đẹp của hình, khối, đường cong, tỷ lệ của con người sẽ hiểu được sự vĩ đại của tạo hóa...
Nghệ thuật khỏa thân trong lịch sử tạo hình Việt Nam cũng đã là một truyền thống và có những đặc điểm rất riêng biệt so với thế giới. Khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật khỏa thân, người xem rất nên có một phông văn hóa tốt, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng sau: rõ ràng là một tác phẩm khỏa thân nghệ thuật nhưng họ chỉ nhìn thấy sex mà không thấy đẹp.
Hay nói cách khác, cái dâm, cái tục không ở trong tác phẩm mà chính ở trong đầu người xem. Hoặc ngược lại thì cũng không nên, tức là người xem phải biết thưởng thức vẻ đẹp dục tính của tác phẩm. Nếu thưởng thức nghệ thuật khỏa thân mà không thấy điều này thì nên đi xem một bức ảnh chụp núi đá, chụp gốc đa cổ thụ, chụp một cánh đồng khô hạn, chụp chân dung một bà lão móm mém.
Tranh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. |
Điều cốt lõi của một tác phẩm nghệ thuật khỏa thân nằm ở liều lượng giữa tục và thanh. Nếu thanh hoàn toàn, chỉ có thanh thôi thì không cần đến loại nghệ thuật này, nếu ngược lại phần dục, phần tục nhiều hơn phần thanh thì không còn nghệ thuật nữa. Một nghệ sỹ có tài bao giờ cũng biết cách thoát hiểm, khi đi qua cửa tử này, anh ta luôn biết cách đi trên cái làn ranh mong manh thanh tục ấy. Lại nhớ đến Bà Chúa Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, thơ của bà cũng là những “tác phẩm hội họa – khỏa thân" hoàn hảo vì bà đã hài hòa được hai yếu tố tục thanh.
… Lược trúc biếng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông
(Thiếu nữ ngủ ngày)
Nghệ thuật khỏa thân là một loại hình nghệ thuật đặc biệt như vậy, bên cạnh đó, một bộ phận nghệ sỹ, người mẫu, người làm báo mạng hoặc vì thiếu hiểu biết hoặc cố tình lợi dụng đề tài này để chỉ đề cao phần dục, trần truồng, sexy, khoe thân, khoe chỗ kín v.v... mà có vẻ như tình trạng này ngày càng phổ biến do sự xuống cấp văn hóa, đạo đức suy đồi.
Thế mới thấy công việc của đối tượng thứ tư, những người làm công việc quản lý văn hóa sẽ vất vả thế nào. Luật lệ có nhưng thực hiện luật không nghiêm, mức xử phạt quá thấp… nhưng cái gốc vẫn là mặt bằng dân trí về nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật khỏa thân rất thấp.
Những người quản lý văn hóa càng cần phải am hiểu kỹ về nghệ thuật này, không nên vô trách nhiệm, tìm kiếm an toàn cho mình bằng cách hễ cứ thấy nude là cấm, nhưng cũng nên thẳng thắn loại bỏ những thứ sexy trá hình nghệ thuật.
Tranh của Trung tướng - Nhà văn Hữu Ước. |
Đã nói ở trên rồi nhưng vẫn muốn nhắc lại với tất cả bốn đối tượng: Khỏa thân và tình dục thì cũng chỉ là đề tài, khi xem một tác phẩm về đề tài này thì đừng để đề tài dẫn dắt, cố gắng tìm hiểu xem nghệ sỹ họ xử lý đề tài đó thế nào, tức là họ viết, vẽ, nặn, chụp thế nào.
Để khỏa thân trong nghệ thuật được tôn trọng như các đề tài khác thì mọi người đều phải hiểu đúng về nghệ thuật khỏa thân, từ người mẫu, nghệ sỹ sáng tác, công chúng và những người làm quản lý. Nghệ thuật nào thì cũng làm người ta hướng đến những điều cao đẹp, nhưng mỗi loại hình nghệ thuật, mỗi đề tài đều có những đặc thù riêng đòi hỏi phải có cách cảm thụ riêng, cách tiếp cận riêng.
N.U.D.E Chào mừng sinh nhật lần thứ 11 của Gallery39 (11/2005- 11/2016), đồng thời hướng về ngày 20-10, ngày Phụ nữ Việt Nam, 13 họa sỹ của nhóm họa sỹ G39 tổ chức triển lãm các tác phẩm hội họa đề tài khỏa thân N.U.D.E vào lúc 16h, thứ 6, 21/10/2016 đến hết ngày 31/10/2016 tại Gallery39, 39A Lý Quốc Sư, Hà Nội. Các họa sỹ tham dự: Nguyễn Quang Thiều, Ngô Thị Bình Nhi, Nguyễn Hồng Phương, Hoàng Thị Phương Liên, Nguyễn Minh, Lâm Đức Mạnh, Nguyễn Minh Hiếu, Trần Gia Tùng, Nguyễn Quốc Thắng, Doãn Hoàng Lâm, Lê Thiết Cương, Tào Linh, Đỗ Dũng và khách mời đặc biệt là Trung tướng, nhà văn Hữu Ước. 30 tác phẩm đặc sắc trên các chất liệu, chủ yếu là sơn dầu trên vải sẽ mang đến cho khán giả nhiều thông điệp khác nhau về nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam và những biểu tượng, giá trị thiêng liêng về phái đẹp. |