Khi thơ, nhạc cùng đua tìm...khán giả

Thứ Ba, 10/06/2008, 08:00
Thơ và nhạc là hai lĩnh vực có nhiều phiên bản cũng như dị bản, bộc lộ rõ nhất những khao khát cách tân, tạo ra những đám đông tò mò thích thú. Nhưng sau những tràng pháo tay cổ vũ, vẫn là những cái lắc đầu khó hiểu. Không ít người xem đã hoảng hồn, sợ hãi và hoang mang trước những màn diễn đầy mụ mị, ma quái...

1. Khi mà các hình thức giải trí ngày càng đa dạng, người nghệ sĩ bị chia nhỏ bởi các đám thị hiếu khác nhau. Họ lo ngại trước một thực tế sẽ bị lãng quên nếu không đổi mới và sáng tạo. Nhiều người đã tổng hợp cho mình các ngôn ngữ nghệ thuật từ kịch câm, múa rối, thơ, nhạc để tạo nên một hình ảnh thật sốc, thật ấn tượng, cốt sao thu hút được công chúng.

Trong vô vàn những phá cách, tìm tòi, ta cũng ghi nhận được một vài phong cách lạ, còn lại chỉ là những thử nghiệm, bắt đầu có dấu hiệu của sự bế tắc, lạc lối trong nghệ thuật.

Để làm mới mình, nhiều ca sĩ đã biến đổi hẳn phong cách, từ phong cách ngây thơ búp bê sang một phong cách ngổ ngáo đường phố rất hip-hop. Hay từ phong cách teen nhí nhảnh trong sáng sang phong cách bốc lửa gợi tình. Và nhiều hơn cả trong xu thế đổi mới là thay đổi cách hát.

Như cách hát giả thanh, lanh lảnh rất "Mầu" của Ngọc Khuê cũng tạo ra một dấu ấn riêng mà sau này được một số ca sĩ trẻ bắt chước. Ngay cả diva Thanh Lam, vốn như một nghệ sĩ xiếc trong việc tung hứng ca từ, nhấn nhá bài hát một cách điêu luyện cũng đang thể nghiệm kiểu hát mới, một kiểu hát thơ, vừa ngâm vừa diễn. Cũng lạ lẫm, nhưng chưa dễ chấp nhận.

Đôi lần trước đây Thanh Lam thay đổi cách hát và chị từng bị cho là ca sĩ hay nhăn mũi, hay gào rú. Bài hát nào cũng bị chị kéo dài ra hoặc bẻ gãy bằng những tiếng hú, hét... Nhưng chỉ trong thời gian ngắn chị đã tìm lại con đường đến với công chúng, khẳng định được đẳng cấp khó thay thế của mình bằng lối hát mộng mị, đắm say.

Ca sĩ Tùng Dương nổi lên từ Sao Mai điểm hẹn 2006 với đa phong cách biểu diễn, có chất giọng phù hợp với nhiều loại nhạc. Nhưng dần dần, người nghe nhận thấy ở anh chất ma quái "điên điên". Anh không chỉ thể hiện bằng giọng hát mà bằng cả hình thể và nghệ thuật trình diễn. Không ít khán giả yêu thích Tùng Dương bởi phong cách này, nhưng cũng không ít khán giả sợ sợ mỗi khi thấy anh trên sân khấu. Anh như một vũ nữ Apsara trong "Mưa bay tháp cổ" của nhạc sĩ Trần Tiến và cũng thật phiêu linh trong các bài hát của Ngọc Đại, Lê Minh Sơn. Chính Tùng Dương cũng đồng tình rằng khi hát những ca khúc cháy bỏng cũng cần phải cuồng dại, phải bốc lửa.

Với những ca sĩ có kỹ thuật cao và kiến thức âm nhạc vững vàng, thì việc phá cách không đi theo lối mòn ở họ được ghi nhận như những khổ luyện, tìm tòi. Và họ nhanh chóng thoát ra, khẳng định được bản thân bằng chính chất giọng. Nhưng cũng có không ít người bị chìm sâu vào những tìm tòi, thể nghiệm. Họ khẳng định mình ở các cách kết hợp với nhạc dân tộc, với nghệ thuật sắp đặt, với cả kịch hình thể...

Hẳn nhiều người vẫn còn ấn tượng với màn đàn hát của Đại - Lâm - Linh trong Ngày Thơ Nguyên Tiêu tết Đinh Hợi. Thật lạ lẫm với 3 cái đầu trọc cùng cách hát chẳng giống ai. Những tưởng chỉ là một chút đột phá của Ngọc Đại, nhưng mới đây trong khai mạc chương trình "Mùa xuân nước Pháp" diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học, ba cái tên Ngọc Đại, Thanh Lâm, Linh Dung lại trở thành tâm điểm của đêm hội.

Vẫn là ba cái đầu trọc, nhưng cách hát, cách diễn đã… điên loạn hơn. Ánh đèn sân khấu được sử dụng đầy ý đồ, khi thì nhấp nháy, khi thì phụt tắt. Những tiếng hú hét, than khóc, những lời thì thầm, những câu nhấm nhẳng vô nghĩa được hai ca sĩ thể hiện ở nhiều âm độ. Họ như những diễn viên kịch dùng điệu bộ để minh họa cho mỗi ca khúc, khi thì nhảy nhót, vật vã, khi thì cô đơn ôm gối.

Cả đêm diễn là một thứ âm nhạc mới lạ, đan cài thêm nhiều ưu thế của các nghệ thuật khác tạo ra một không khí có phần hoang mang, sợ hãi. Nhưng liệu những gì mà nhóm Đại - Lâm - Linh cống hiến hôm nay có được coi là những đột phá trong âm nhạc hay chỉ là cách xa rời công chúng? Liệu có đọng lại được gì trong tâm khảm người xem, người nghe và có được chấp nhận hay không - xem ra vẫn là con đường chông gai phía trước.

Một tiết mục trình diễn thơ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong Ngày Thơ Nguyên tiêu 2008

2.Khai thác yếu tố lạ và tận dụng các loại hình nghệ thuật khác không chỉ là xu hướng của nhạc mà còn diễn ra rất mạnh mẽ trong thơ. Với cái tên đích danh là "trình diễn", thơ dùng nhạc, video art, sắp đặt để làm rõ hơn ý tưởng của tác giả. Giờ đây công chúng của thơ được gọi là những… khán giả, xem nhiều hơn nghe. Các nhà thơ lấy âm nhạc để phụ họa cho lời thơ của mình, có khi còn mượn thêm cả vũ công trình diễn.

Trong Ngày Thơ Nguyên tiêu Mậu Tý vừa qua, những tiết mục pha trộn kiểu trình diễn trở thành chính yếu. Tiết mục nào cũng có múa, có rối cạn minh họa, hay hát kèm. Bài thơ của nhà thơ Dạ Thảo Phương được "hù dọa" bởi hai giọng ca Minh Anh, Minh Ánh, những điệu bộ ma mị, lẩm bẩm nhại lại những câu thơ, một chút gì đó của ca trù, một chút của cách hát Acapella.

Ca sĩ và nhà thơ mang bộ mặt khi thì đau khổ, khi thì vô cảm trong bộ áo nâu sồng với quần bò jean, lẫn lộn giữa truyền thống và hiện đại. Hay như nhà thơ Dương Tường không một lời lẳng lặng bước ra sân khấu cởi bỏ bớt trang phục, rồi lấy giấy cuộn đã được đề thơ bó quanh mình. Lúc sau là hai nhà thơ nữ Dạ Thảo Phương và Phan Huyền Thư đi xung quanh ném vào ông những mảnh giấy vụn - cũng đã được đề thơ - một cách giận dữ.

Hay như tiết mục của nhà thơ Vi Thùy Linh với sự trợ giúp của nghệ sĩ violon Lê Tuấn Anh và nghệ sĩ kịch câm Đào Kế Đoàn cũng đã diễn tả được phần nào những khao khát yêu đương của nhà thơ, nhưng những cố gắng trong trang phục, các động tác múa, bóng bay, váy trắng và những dải lụa lại làm người xem… rối mắt.

Các tiết mục ở sân thơ đã không kết hợp được với ánh sáng nên phần nào làm giảm đi ý đồ của tác giả. Thay vì phải sợ hãi đến run lên hay hồi hộp với những tiết tấu, Ngày Thơ trở nên căng thẳng, và hầu hết người xem đều chẳng hiểu tác giả muốn nói gì vì đã quá chú tâm vào phần "diễn" của họ.

Tại các buổi trình diễn thơ trong nhà, các yếu tố ma quái được bộc lộ rõ hơn nhờ những hình ảnh thiết kế minh họa chiếu lên phông nền, chiếu lên cả chính nhà thơ. Khi diễn tả về việc thai nghén, nhà thơ Vi Thùy Linh đã không ngần ngại cho chiếu hình… bào thai vào người mình. Cách đọc nhấn nhá và việc sử dụng ánh sáng ngược cũng tạo được ấn tượng không nhỏ đối với người xem, tạo ra những rung động nhỏ trong đám đông, những lời thì thầm "thật là táo bạo".

Hay có cách đọc mà không phải đọc, trên sân khấu là những mảng tối om, có tiếng động của một cửa hàng đồng nát, tiếng chợ xa xa, rồi nhà thơ với cái đầu trọc lướt nhanh qua sân khấu, một hai lần nữa, tác giả và hai người nữ khác lần lượt lướt qua sân khấu. Kèm theo những hành động kỳ quặc như cởi một chiếc tất ở chân, là những hình chiếu cảnh nhà thơ đang cắt trọc tóc mình. Cứ vậy không một lời, rồi kết thúc, nhà thơ ra chào và nhận những tràng pháo tay rầm rộ.

3.Có người hát thơ, thì cũng có người hát như đọc thơ, một thứ hỗn mang lẫn lộn. Thế mạnh của thơ là ở ngôn từ, nhưng lại đang bị các động tác, điệu bộ, những rườm rà bổ sung làm mất đi sự lóng lánh trong từng câu chữ. Có lẽ với nhiều bài thơ - chỉ cần đọc thật mộc mạc giản dị, có khi hiệu quả gấp nhiều lần. Trình diễn suy cho cùng cũng chỉ là cách để những câu thơ đến được với người nghe bằng lời.

Với âm nhạc cũng vậy, cái làm cho người nghe cảm và rung động lại nằm chính ở phần nhạc, nên sau nhiều tìm tòi sáng tạo, họ vẫn trở về với những giá trị nguyên gốc của nghệ thuật. Những xu hướng trên đây có phải là những biểu hiện báo trước một sự bùng nổ trong sáng tạo tự do, hay chỉ là sự lạc lối, xóa bỏ hết mọi quy tắc để rồi lại bắt tay làm mới lại từ đầu?

Thiết nghĩ, thơ vẫn nên là thơ, mà nhạc vẫn cứ là nhạc. Các phá cách trên hãy chỉ như những đốm lửa nhỏ phát ra từ một bông pháo hoa, để làm tô điểm, làm rạng rỡ hơn cái vòng sáng sẵn có của nghệ thuật

Tường Hương
.
.
.