Tản văn

Hương sen Tây Hồ

Thứ Sáu, 02/08/2013, 08:00

Đó vàng đây cũng đồng đen
Đấy hoa thiên lý đây sen Tây Hồ

Vâng! Từ rất lâu rồi vẻ đẹp, sự nổi tiếng của sen Tây Hồ đã đi vào tục ngữ, ca dao và thơ ca. Bông hoa sen được trồng trong lớp đất bùn mầu mỡ của Hồ Tây huyền thoại rất to, nụ hoa, hương thơm cũng đượm, ngạt ngào hơn sen được trồng ở nơi khác. Nếu như Nam bộ có vùng sen nổi tiếng là Tháp Mười thì miền Bắc, nhắc tới sen người ta liên tưởng ngay tới Thủ đô Hà Nội - nơi có vùng Hồ Tây bạt ngàn hoa sen.

Nhà tôi ở sát bên hồ và chỉ cách mặt nước chỗ trồng sen chừng 15-20 mét. Chính vì thế mà cây sen và loài hoa thơm mọc lên từ bùn đất hôi tanh ấy đã trở nên rất đỗi thân quen và gần gũi. Ký ức tuổi thơ tôi cũng như những đứa trẻ sinh ra ở vùng này luôn thấm đượm mùi hương sen thơm ngát. Khi những bông hoa nở bói đầu vụ báo hiệu một mùa hè tới, là chúng tôi lại rủ nhau bơi tắm hồ vào buổi chiều tà để hái trộm hoa sen. Những mùa sen cứ nối tiếp những mùa hoa nở, lứa bọn trẻ chúng tôi lớn lên và không ai còn bơi hồ và hái hoa trộm nữa, nhưng thú ngồi dưới đêm trăng ở ven hồ để thưởng thức mùi hoa thơm ngát thì không ai bỏ được.

Các cụ già thì có cái thú thanh tao hơn lớp trẻ là vừa ngồi ngắm trăng thưởng hoa và uống trà hương sen được ướp bằng chính những bông hoa sen Tây Hồ. Hầu như nhà ai ở làng Quảng Bá, Tây Hồ cũng đều dự trữ ở nhà một vài lạng trà sen để đãi khách, bạn hiền vào các dịp lễ tết, cưới hỏi... Trà sen ở đây do chính các nghệ nhân của làng ướp rất công phu, cầu kỳ, vì thế nó quí lắm, mua cũng khó và cũng không biết ai bán mà mua vì người ta chỉ ướp để tặng, biếu nhau thôi. Nghe đâu lúc còn sống, nhạc sĩ họ Trịnh tài hoa đã nài nỉ người quen mua hộ bằng được 2kg trà sen Tây Hồ để mang vô Nam thiết đãi bạn bè dần. Vì nể tình và ngưỡng mộ nhạc sĩ, một nghệ nhân ở xóm Quảng Khánh, làng Tây Hồ đã bán cho ông nhưng với giá rẻ rồi mà vẫn còn tới 2 triệu đồng/kg. Nghe nói hai triệu đồng/kg trà sen hẳn ai đó giật mình, nhưng được nghe kể về quá trình, các công đoạn ướp thì đúng là còn rẻ thật. Nào là phải lựa các bông hoa sen to, mà hoa phải vừa mới nở miệng sáo, nào là hái sen phải trước lúc mặt trời lên thì hương mới không bị giảm... Theo tôi được biết thì cứ khoảng 1.000-1.500 bông sen thì người ta mới ướp đủ cho 1 kg trà. Rồi nữa qua 6-7 lần ướp ủ, sấy, rồi phụ nữ đến tháng... không được lại gần chỗ ướp trà cũng đủ thấy sự cầu kỳ của công việc ướp trà.

Năm tháng cứ dần trôi, đà đô thị hoá đến chóng mặt, cùng với những cơn sốt giá đất lên đến mấy cây vàng một mét vuông đã ít nhiều ảnh hưởng tới cây sen Hồ Tây. Những vạt sen ven hồ cứ bị gặm nhấm dần khi những hộ dân sống ở ven Hồ Tây lấp, cạp ra để mở rộng diện tích nhà mình. Cây sen vốn sinh sôi nhanh cũng không thể bì nổi với tốc độ lấn hồ. Rồi nữa, nền kinh tế thị trường cũng là một nguyên nhân chính để cây sen Tây Hồ có nguy cơ mai một khi các chủ nhân đấu thầu các ao, vũng ven hồ để qui hoạch nuôi thả cá, làm hồ câu... và người ta sợ cá sẽ không sống nổi vì thể mới phá sen. Đã có một vài bài báo nói về sự mai một của cây sen Tây Hồ, song dù có nói bao nhiêu đi chăng nữa thì cái gì đã mất đi khó lòng mà lấy lại được.

Tây Hồ mùa sen và diện tích dẫu chưa hết hẳn, nhưng hàng sáng, những bông sen được trồng ở đây vẫn được các bà, các chị hái lên ướp trà hay mang bán cho các thương lái ở chợ hoa sớm mai Quảng Bá.

Có một thực tế buồn khó chấp nhận được, đó là: Sự nổi tiếng về một vùng sen sẽ chỉ còn là trong "cổ tích" khi những thế hệ sau này sẽ không còn được thấy vẻ đẹp của hoa sen Tây Hồ cùng hương thơm ngan ngát... của nó ở chốn đô thị phồn hoa....

Lê Thị Hoài Anh
.
.
.