Hai giờ với nhà văn Yury Bondarev

Thứ Sáu, 10/04/2020, 17:40
Nhà văn Nga nổi tiếng, Anh hùng Lao động XHCN, cựu chiến bình Yury Vasilyevich Bondarev sinh ngày 15/3/1924 ở thành phố Orsk, tỉnh Orenburg. Ông nổi tiếng với những tác phẩm viết về chiến tranh như: "Các tiểu đoàn xin chi viện" (1957), "Tuyết bỏng" (1969), "Bến bờ" (1975), "Lựa chọn" (1980), "Những khoảnh khắc" (1981).


Sách của ông đã được dịch ra hơn 70 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt.  Yury Bondarev hai lần được tặng Huân chương Lenin, Huân chương Cách mạng Tháng Mười, Huân chương Lao động Cờ đỏ, Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng hai và nhiều huân, huy chương khác. 

Ngày 29/3/2020, nhà văn đã qua đời tại Moskva, hưởng thọ 96 tuổi. Nhân dịp này, chúng tôi xin trân trọng giới cùng bạn đọc bài viết của nhà văn trẻ Pavel Savilov.

Trước lúc đến gặp Yury Bondarev, với tư cách một nhà văn trẻ, tôi đã chuẩn bị một số câu hỏi thực sự muốn trao đổi với ông. Nhưng vì quá hồi hộp nên trong đầu mọi thứ trở nên lẫn lộn, tôi không biết bắt đầu từ đâu. Rất may, anh bạn đồng hành Andrey đã giúp đỡ tôi. Quay sang Bondarev, anh nói:

- Thưa nhà văn, bố tôi cũng là một cựu chiến binh, giống như ông. Và mặc dù được tặng một số huân, huy chương chiến công, nhưng ông trân trọng nhất là hai bức thư cảm ơn của Stalin.

- Liên quan tới việc tặng thưởng, tôi xin nói, thật kỳ lạ, phần thưởng chiến trường quý giá nhất của tôi là huy chương "Vì lòng dũng cảm". Tôi có hai cái như vậy. Tại sao lại là phần thưởng quý giá nhất? Tại vì nó không được trao tặng thường xuyên, và các sĩ quan rất hiếm khi nhận được, đây là phần  thưởng dành cho người lính.

Nhà văn Yury Bondarev.

Sau câu nói của Bondarev, sự hồi hộp của tôi giảm đi phần nào, tôi hỏi ông:

- Lý giải nguyên nhân dẫn tới những phát minh của mình, Isaac Newton nói: "Tôi đứng trên vai những người khổng lồ". Xin ông cho biết "những người khổng lồ" nào đã giúp ông trở thành nhà văn nổi tiếng thế giới?

Nghe câu hỏi của tôi, Bondarev dường như linh hoạt hẳn lên:

- Bạn biết không, thật khó nêu tên một người. Trước hết, đó là Lev Tolstoy, thứ hai là Chekhov. Tôi thích Chekhov từ khi còn nhỏ. Bố tôi thích Chekhov và luôn nói: "Con trai ạ, hãy đọc Chekhov". Từ nhỏ, tôi thích Chekhov và vẫn thích đến bây giờ. Tất nhiên, cả Bunin nữa. Ông là một bậc thầy về ngôn ngữ trong văn học thế giới. Ông cũng là thầy của tôi. Còn trong số những người thầy đã truyền cho tôi tình yêu đối với ngôn ngữ, văn chương, nghề văn, vần điệu... có Konstantin Paustovsky. Đây là một trong những người thầy đương đại. Ông phụ trách lớp tôi tại Trường Viết văn 5 năm liền.  Ông đã dạy tôi rất nhiều điều.

Việc Yury Bondarev đánh giá cao Tolstoy không phải là  điều bất ngờ đối với tôi. Trong hầu hết các tác phẩm của mình, được viết theo phong cách cổ điển Nga, ông tiếp tục phát triển đề tài đấu tranh giữa hai cách cư xử của con người trong xã hội, được bắt đầu bởi Tolstoy: "con người, đừng làm điều ác và "con người, hãy làm điều thiện". Nhưng còn Ivan Bunin thì sao? Đối với tôi đó là một phát hiện. Phát hiện này vừa tuyệt vời và đồng thời vừa buồn đối với bản thân tôi. Bởi từ nhỏ tôi mê Lermontov, Balmont,  Apukhtin, Tyutchev, và không hiểu sao đã bỏ qua các tác phẩm của Bunin.

Sau đó câu chuyện của chúng tôi chuyển sang đề tài chiến tranh.  Nói chuyện với Bondarev về chiến tranh, tôi lắng nghe như nuốt từng lời của ông, khi trả lời câu hỏi của tôi, dường như tâm trí nhà văn trở về cái năm bốn mươi hai xa xôi ấy. Điều này lộ rõ trong ánh mắt, nét mặt, bàn tay, những ngón tay ông nắm chặt tay ghế bành, khi ông nói về thái độ của đồng đội đối với cái chết:

- Thời gian đầu ở chiến trường, đối với những cậu bé trạc tuổi tôi, không có cái chết. Chúng tôi là những con người vĩnh cửu. Còn nhớ, trong trận đánh đầu tiên, tôi đi dọc mép chiến hào để chứng minh rằng tôi không sợ gì hết, giống như công tước Andrey Bolkonsky. Dù sao, thế hệ chúng tôi được nuôi dưỡng bằng văn học, vì văn học là môn học đầu tiên ở nhà trường và cả trong cuộc đời học sinh của chúng tôi. Nhận thức về cái chết chỉ xuất hiện sau khi bạn chứng kiến nhiều người chết, và càng tiếp xúc với cái chết của người khác, bạn càng nhận ra rằng cái chết có thể đến với bạn. Nhưng chiến tranh là chiến tranh. Bao giờ cũng có bản năng tự vệ, ý thức về sự nguy hiểm. Ở đây thậm chí không có gì để nói. Chỉ những kẻ ngốc mới không sợ chết, còn trong chiến tranh, sự thận trọng quả là cần thiết. Nếu không có nó, rất nhiều chiến sĩ có thể đã hy sinh...

Yury Bondarev bỗng im lặng. Những ngón tay của ông chậm rãi gõ vào thành ghế. Chúng tôi tiếp tục cuộc trò chuyện về Stalingrad.

- Bạn biết không, Stalingrad là sự kiện vô cùng lớn lao trong cuộc đời tôi. Ở ngoại ô Stalingrad, chúng tôi phải bắn trực diện vào xe tăng Đức, tầm bắn tối đa là 800-1200 mét, nhưng chúng tôi chờ chúng tiến tới trong vòng 500 mét, đôi khi 200 mét, mới nổ súng. Lúc bấy giờ mọi thứ phụ thuộc vào chiến sĩ quan trắc. Trên chiến trường, người tôi thực sự kính trọng là chiến sĩ quan trắc. Nếu sau phát súng thứ nhất, thứ hai không trúng mục tiêu, thì phát súng thứ ba sẽ là của xe tăng Đức. Đó là một kết cục đáng buồn. Trong các trận đánh trên sông Myshkova ở ngoại ô Stalingrad, nhiều lần chúng tôi phải chống đỡ các cuộc tấn công của xe tăng Đức, khi chúng liên tục tràn vào trận địa của chúng tôi. 

Chờ một lát, Yury Bondarev nói tiếp:

- Mặc dù là những cậu bé mới lớn, chúng tôi hiểu rằng số phận của cuộc chiến tranh được quyết định tại ngoại ô Stalingrad. Mọi người đều hiểu điều này, kể cả bọn Đức. Nó được cảm nhận bởi hỏa lực dồn dập của quân Đức, sự chống trả quyết liệt của chúng ta, và bởi tâm trạng của các sĩ quan cao cấp tại các trận địa. Chúng tôi không còn tiếc đạn nữa, mặc dù trước đó chúng tôi đã đếm từng quả. Chúng tôi có những cỗ đại bác Grabin 76 mm tuyệt vời. Đó chính là loại đại bác mà I.V. Stalin đã nói với người chế tạo ra nó năm 1942, khi nó được đưa vào sử dụng: "Khẩu pháo của anh sẽ chiến thắng trong cuộc chiến".

Cuộc trò chuyện của chúng tôi chuyển sang tiểu thuyết "Tuyết bỏng".

- Tại sao ông đặt tên cuốn sách như vậy? - Tôi hỏi.

- Tuyết bỏng, tuyết bỏng... - Nhà văn trầm ngâm nói - Khi Kuznetsov đánh mất người con gái thân yêu của mình, anh ta bước ra khỏi công sự và bật khóc, mặc dù anh là con người can đảm và biết kiềm chế. Tựa trán vào tuyết, anh cảm thấy tuyết trở nên nóng bỏng vì nước mắt của anh. "Tuyết bỏng" là biểu tượng của rất nhiều máu đã đổ ở Stalingrad, tất cả tuyết nhuộm đỏ trong máu. Đó thực sự là tuyết bỏng. Tôi đã tham gia trận chiến Kursk, cũng rất ác liệt, nhưng tôi không thể so sánh nó với những trận đánh tôi đã trải qua ở ngoại ô Stalingrad.

Bondarev lại im lặng. Tôi và anh bạn đồng hành cũng im lặng, chờ đợi câu chuyện tiếp tục. Qua nét mặt và ánh mắt của ông, tôi nhận thấy rằng những ký ức đó khiến ông hết sức đau đớn. Nhưng ngay khi tôi định thay đổi chủ đề, Bondarev nhìn chúng tôi và nói:

- Các bạn biết không, đối với tôi, danh hiệu công dân danh dự của Stalingrad rất quý giá. Danh hiệu này tôi quý hơn một số huân chương.

- Ông coi trọng điều gì nhất ở con người? - Tôi hỏi nhà văn.

Bondarev bỗng trở nên nghiêm nghị, ánh mắt ông toát lên vẻ cương quyết vốn có của những người biết thuyết phục người khác tin vào lời nói đúng đắn của mình.

- Tôi đánh giá cao sự lương thiện, lòng trung thực, sự trong sáng, sự phản kháng cái ác và sự giúp đỡ kẻ yếu. Đó là theo nghĩa rộng, theo quan niệm tôn giáo, tất cả những điều này có thể được diễn tả bằng một từ - "đức hạnh".

 - Tất nhiên, con người không phải là thiên thần - Nhà văn nói tiếp - Tất cả chúng ta đều mang trong mình cả cái ác và cái thiện. Chúa đã tạo ra chúng ta như vậy. Rất hiếm những con người hoàn toàn đức hạnh. Nhưng phải luôn kìm nén cái ác và yêu cái thiện trong bản thân mình. Tiếc rằng, con người hiện nay không vận động theo hướng tốt, mà hướng xấu. Tôi cảm thấy chính sách đạo đức của chúng ta là một sai lầm lớn, bởi vì văn hóa của chúng ta không được đặt lên hàng đầu như nó đã từng có trước Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và sau đó, khi  sách đóng vai trò to lớn trong giới thanh thiếu niên. Không phải những bài giảng, mà là sách đóng vai trò giáo dục, khi con người đau khổ, phẫn nộ trước hành động của các nhân vật. Bây giờ người ta đọc rất ít.

- Khi đời sống tinh thần nghèo nàn - Nhà văn nhận xét - thì đó chính là sự tự sát. Không một sự giàu có nào cứu bạn thoát khỏi sự trống rỗng về tinh thần, nếu bạn không có mục đích nào khác ngoài việc phấn đấu làm giàu.  Vấn đề chính là làm việc, chứ không phải ky cóp tiền bạc, trong khi tâm hồn trống rỗng. Khả năng đạt được mục đích tốt đẹp của mình một cách trung thực chính là hạnh phúc.

Bị cuốn hút bởi cuộc trò chuyện, tôi quên mất rằng trước cuộc gặp Yury Bondarev nói gần đây ông bị cúm và cảm thấy không khỏe.

- Các bạn trẻ thân mến - Nhà văn nói - Dù sao tôi cũng không được khỏe lắm. Ta hãy dừng ở đây và hẹn gặp lại sau khi tôi hoàn toàn bình phục.
Trần Hậu (dịch)
.
.
.