Gót sen ba tấc

Thứ Sáu, 21/08/2015, 08:00
Nghe thật gợi, thật tò mò nhưng ít ai biết nó là một tập tục hết sức nghiệt ngã, thậm chí dã man đối với phụ nữ. Đó là tục bó chân.  Tục bó chân của phụ nữ Trung Quốc xuất hiện từ thời nhà Hán, kéo dài hàng ngàn năm. Những nhân chứng cuối cùng của tục lệ này đến nay vẫn còn rải rác ở Trung Quốc.

Giải thích cho xuất xứ tục bó chân ở Trung Quốc có nhiều dị bản. Nhưng hoàn chỉnh nhất là câu chuyện về một nàng phi của vua Hán Thành đế. Nàng phi ấy có tên là Triệu Phi Yến. Mỗi khi múa hát cho vua xem, Triệu Phi Yến thường dùng dải lụa cuốn vào đôi bàn chân nhỏ nhắn của mình.

Quá ấn tượng với đôi bàn chân nhỏ gọn, thanh thoát như cánh hoa sen bay trước mặt, Hán Thánh đế đã xuống chiếu cho tất cả phụ nữ trong nước phải bó chân từ lúc còn nhỏ cho đẹp. Bàn chân nào càng nhỏ gọn càng có giá trị và được coi là vẻ đẹp kiêu sa của người phụ nữ. Vua ví đôi bàn chân của Triệu Phi Yến là "Kim Liên tam thốn" (Gót sen ba tấc). Từ đó, các cung phi, mỹ nữ trong cung đình thi nhau bó chân và tập tục ấy cũng lan tới dân thường. Tục bó chân được coi là việc làm bắt buộc đối với người phụ nữ đoan trang, hiền thục.

Một cô gái có đôi chân bị hành xác cho vừa với “gót sen 3 tấc”.

Hành xác bởi quan điểm quái dị

Xã hội phong kiến luôn coi thường người phụ nữ. Tục bó chân lúc đầu xuất phát từ quan niệm về cái đẹp, dần dần chuyển thành một lề luật bất thành văn. Giới đàn ông thành thị cho rằng, việc bó chân người phụ nữ khiến họ chỉ loanh quanh việc nhà, đi ra ngoài rất khó khăn và như thế cũng ngăn cản họ ngoại tình.

Với tầng lớp người dân ít học, tục bó chân được hiểu như một cách thể hiện đó là người phụ nữ có giáo dục, đảm đang. Người phụ nữ nào có bàn chân nhỏ gọn rất dễ lấy chồng và được tôn trọng. Quan niệm trên được những thế lực cầm quyền và đàn ông trong cái xã hội trọng nam khinh nữ triệt để duy trì khiến biết bao người phụ nữ phải chịu cảnh đau đớn, vất vả trong cuộc sống.

Tục bó chân được tiến hành từ lúc bé gái được hai tuổi. Các bà, các mẹ bẻ gập các ngón chân của bé vào lòng bàn chân. Một nửa bàn chân sẽ bị uốn theo chiều đó, chỉ còn lại duy nhất ngón chân cái. Công việc này thường bắt đầu vào mùa đông. Lúc ấy cảm giác tê lạnh do thời tiết sẽ khiến trẻ bớt đi cảm giác đau đớn.

Người ta dùng vải buộc go các ngón chân của bé gái lại và mỗi ngày lại siết chặt hơn. Để tránh bị các móng chân mọc dài đâm vào da thịt, người ta phải thường xuyên cắt móng thật sâu. Tối tối người bó chân ngâm chân trong một chậu nước thảo dược pha lẫn máu động vật. Theo kinh nghiệm dân gian, việc làm đó là để ngăn ngừa bị hoại tử. Cứ thế qua nhiều tháng, nửa bàn chân bị bẻ gập vào. Xương bàn chân bị gẫy gập theo và phát triển theo hướng bị ép buộc. 6 tháng đầu tiên việc bó chân khiến các bé gái cực kỳ đau đớn. Thậm chí, để uốn cho nhanh, người ta dùng dao rạch nhiều nhát vào gan bàn chân. Việc làm này đã làm rất nhiều bé gái bị nhiễm trùng, hoại tử, thậm chí tử vong.

Quy trình đó được thực hiện hai ngày một lần cho đến khi bàn chân có chiều hướng phát triển theo khuôn bó. Kết hợp xoa bóp, ngâm thuốc, người ta siết dần các dây buộc, bàn chân sẽ trở nên nhọn hoắt và gọn lại như một cánh hoa sen.

Hủ tục kéo dài hơn 1.000 năm

Tục bó chân phát triển phổ biến đối với phụ nữ thành phố và các gia đình khá giả. Người con gái sinh ra trong các gia đình đó không phải làm những công việc nặng nhọc như việc đồng áng, bốc vác, gánh gồng. Nó trở thành một quan điểm thẩm mỹ, cho nên dù đau đớn, các bậc cha mẹ và bản thân người con gái vẫn chấp nhận để thực hiện. Việc bó gọn bàn chân khiến cho người phụ nữ không còn đứng vững được trên đôi chân của mình. Những bàn chân đạt đến tiêu chuẩn "sen vàng" chỉ còn nhỉnh hơn một bao thuốc lá. Chiều dài bàn chân chỉ còn khoảng 7, 8cm. Lớn hơn được coi là "sen bạc". Người phụ nữ có những bàn chân như thế đi lại phải rất rón rén, yểu điệu. Thậm chí, khi bị ngã, nhiều người không thể tự dứng dậy được.

Một hệ lụy khác là việc bẻ xương bàn chân từ bé khiến nhiều phụ nữ bị mắc bệnh loãng xương, xương thủy tinh và nhiều bệnh lý khác. Suốt đời người phụ nữ bó chân phải gắn chặt với đôi giày. Họ không thể đi lại được bằng chân trần, dép hay guốc. Đôi giày giúp cho bàn chân bị bẻ gập có chỗ dựa và đứng lên được.

Ăn theo tục lệ này, nghề làm giày chân bó cũng phát triển. Đôi giày cho những đôi chân bó không còn là phương tiện đi lại, mà nó giống một tác phẩm nghệ thuật. Những gia đình quyền quý, đôi giày ấy được thêu hoa, trang trí nhiều màu sắc. Nhìn vào đôi giày và bàn chân có thể nhận biết vị trí và đẳng cấp xã hội của họ.

Quan niệm những người phụ nữ có đôi chân càng nhỏ gọn càng dễ lấy được chồng sang quý đã đeo đẳng người phụ nữ Trung Quốc hàng ngàn năm. Giá trị con người cũng được đánh giá qua bàn chân bị bó gọn. Chính vì thê,ë dù đau đớn đến đâu họ cũng cắn răng chịu đựng cuộc hành xác rùng rợn, thậm chí phải bỏ mạng.

Đôi giày cho người bó chân chỉ có chiều dài khoảng 10cm.

Năm 1874, một giáo sĩ người Anh ở Thượng Hải tỏ thái độ phản ứng trước việc hành xác người phụ nữ bởi tục bó chân. Ông ta cùng một số phụ nữ theo đạo Thiên Chúa đã có các hành động phản đối hủ tục này tại Trung Quốc. Việc làm của vị giáo sĩ mở đầu cho phong trào phản đối bó chân từ đó. Tuy kết quả không đạt được như ý muốn nhưng trong xã hội đã xuất hiện ý thức phản kháng công khai.

Trên thực tế, sau khi lật đổ triều đình nhà Minh, người Mãn Thanh thống trị Trung Quốc, triều đình Mãn Thanh cũng không ủng hộ tục bó chân. Những cung nữ, con cái quan lại đã được giải phóng khỏi tập tục kinh hoàng trên, nhưng do nó đã tồn tại quá lâu ngấm vào nhận thức của người dân, nên phần đông phụ nữ Trung Quốc vẫn chấp nhận bó chân như một tiêu chuẩn đạo đức.

Triều đình Mãn Thanh không can thiệp và cũng không quyết liệt ngăn chặn nó. Năm 1912, khi chế độ phong kiến nhà Thanh chấm dứt, nhiều trí thức trong Quốc Dân đảng đã tuyên truyền về một giá trị thẩm mỹ mới. Tục bó chân bị coi là dã man và phi đạo đức. Đã có nhiều hình thức tuyên truyền của các tổ chức quần chúng vận động người dân hủy bỏ hủ tục trên. Hầu hết phụ nữ ở thành thị và con gái các gia đình khá giả đã hưởng ứng phong trào này.

Tuy nhiên, ở một đất nước rộng lớn như Trung Hoa, phụ nữ nông thôn, vùng sâu vùng xa không tiếp nhận được phong trào tiến bộ đó. Quan điểm lạc hậu, thói gia trưởng nặng nề vẫn duy trì tục bó chân mãi đến ngày nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập. Năm 1949, người ta mới ghi nhận tục bó chân được hủy bỏ trên toàn đất nước Trung Quốc.

Phù Việt Trang
.
.
.