Chuyện làng văn nghệ

Giá "khủng" dành cho "Người bán gạo"

Thứ Năm, 13/06/2013, 08:00
Nếu như trước đây, giá bán cao nhất dành cho tranh của một họa sĩ Việt Nam trên thị trường tranh quốc tế thuộc về họa phẩm "Bức màn tím" của họa sĩ Lê Phổ, thì mới đây nhất, kỷ lục này đã bị phá vỡ...

Tại cuộc bán đấu giá tranh do nhà đấu giá Christie's International tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc) ngày 25/5 vừa qua, bức tranh lụa "Người bán gạo" của danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) đã được bán cho Pascal de Sarthe - một nhà buôn tranh người Pháp sống tại Hồng Kông - với giá 3,03 triệu đôla Hồng Kông (tương đương 390.000 đôla Mỹ - khoảng hơn 8 tỷ đồng tiền Việt Nam). Như vậy, mức giá mà nhà buôn tranh người Pháp trả cho bức "Người bán gạo" của danh họa Nguyễn Phan Chánh đã vượt bức của họa sĩ Lê Phổ tới trên một trăm ngàn đôla Hồng Kông.

Điều thật bất ngờ là thoạt đầu, "Người bán gạo" chỉ được rao giá có… 75 đôla. Sở dĩ bức tranh được định giá thấp như vậy vì người ta lầm tưởng đây chỉ là tranh của một họa sĩ tập sự người Trung Quốc. Phải tới khi các chuyên gia người châu Á xem xét lại một cách kỹ lưỡng, họ mới nhận ra đây chính là bức "Người bán gạo" (tên gốc tiếng Pháp là "La Marchand de Riz") được Nguyễn Phan Chánh vẽ từ năm 1932 và từng được trưng bày ở thành phố Napoli (Ý) năm 1934. "Người bán gạo" được xác định vẫn trong tình trạng "tuyệt vời". Nó vẫn được đóng trong khung gốc của nhà đóng khung Gadin ở Paris. Ở mặt sau tấm toan là chữ ký của cha đẻ bức tranh - danh họa Nguyễn Phan Chánh.

Nhiều người đã biết, danh họa Nguyễn Phan Chánh là người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của tranh lụa Việt Nam hiện đại, là người tạo cho tranh lụa Việt Nam một dung mạo riêng, không giống tranh lụa của những nước có truyền thống về loại hình nghệ thuật này như Nhật Bản và Trung Hoa. Là sinh viên khóa đầu của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, năm 1931, 4 tác phẩm tranh lụa đầu tiên của Nguyễn Phan Chánh (gồm: "Chơi ô ăn quan", "Cô gái rửa rau", "Em bé cho chim ăn", "Lên đồng" - những bức tranh hiện được xem là mẫu mực về thể loại tranh lụa) đã được thầy Hiệu trưởng Victor Tardieu đem đi giới thiệu tại một cuộc triển lãm ở Paris và ngay lập tức, tài nghệ của Nguyễn Phan Chánh đã khiến những người am tường nghệ thuật ở "kinh đô ánh sáng" phải kinh ngạc. Từ Nguyễn Phan Chánh, cách nhìn đầy kỳ thị của người Pháp về nghệ thuật tạo hình của Việt Nam đã được cải thiện...

Bức "Người bán gạo" được Nguyễn Phan Chánh thực hiện năm 1932, nghĩa là ngay sau thành công của bộ "tứ bình" nói trên.

Như trên đã nói, lần đầu tiên công chúng Pháp biết tranh lụa Nguyễn Phan Chánh là qua cuộc triển lãm tại Paris năm 1931. Tạp chí L'Illustration xuất bản ở Paris số Noel 1932 đã giới thiệu 4 bức tranh "Chơi ô ăn quan", "Lên đồng", "Cô gái rửa rau" và "Em bé cho chim ăn" của Nguyễn Phan Chánh. Sau đó, năm 1940, "Chơi ô ăn quan" cùng với 13 bức tranh lụa khác của cùng tác giả được đưa sang triển lãm tại Tokyo (Nhật Bản). Rồi do cuộc đại chiến thế giới ngày càng lan rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt của người dân nhiều nước nên những bức tranh nói trên gần như biệt vô tăm tích.

Không biết bức tranh lụa "Người bán gạo" có nằm trong số 17 bức tranh nói trên?

Theo nhà văn Nguyệt Tú - con gái danh họa Nguyễn Phan Chánh - sinh thời, mặc dù nhiều khách Tây liên tục tìm đến gạ mua tranh của Nguyễn Phan Chánh với giá cao, song ông chỉ dành những bức tranh này cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mặc dù tiền họ trả cho mỗi bức tranh rất rẻ, chỉ gấp ba lần tiền khung kính. Điều ấy cho thấy, cao hơn đồng tiền là tấm lòng của ông đối với nền mỹ thuật nước nhà.

Còn bây giờ thì, với số tiền "khủng" dành cho "Người bán gạo", các nhà buôn tranh ngoại quốc muốn khẳng định giá trị đích thực của tranh Nguyễn Phan Chánh bằng "tiền tươi thóc thật".

Nhân đây, cũng cần nói thêm: Là người văn hay chữ tốt, dường như bao giờ trên mỗi bức tranh lụa, Nguyễn Phan Chánh đều đề một bài thơ chữ Hán, kèm đó là dấu son và chữ ký của ông. Dường như, sau khi hoàn tất bức tranh, ông vẫn chưa cảm thấy "yên tâm" nếu như không ký gửi kèm đó vài dòng... thơ thổ lộ tâm tư. Các bài thơ có thể nói lên ý tưởng của bức họa, nhưng cũng có khi không liên quan gì đến nội dung tranh, chỉ là tâm sự độc lập của tác giả về một vấn đề mới nảy sinh. Có thể nói, thơ trên tranh là một nét riêng của tranh lụa Nguyễn Phan Chánh. Nhờ nó mà vô tình, việc sao chép tranh của Nguyễn Phan Chánh đã được hạn chế nhiều (bởi nếu chỉ cần ai đó quan tâm đến vấn đề này sẽ dễ dàng nhận ra những dòng thơ chữ Hán không phải là nét chữ của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh)

Trần Phi Long
.
.
.