Tự truyện "Đứng dậy và bước đi":

Đóa hướng dương gom nắng cho đời

Thứ Năm, 27/11/2014, 09:52
"Mỗi lần đi giao lưu, các bạn trẻ lại ngạc nhiên hỏi tôi: "Chị là người khuyết tật thiệt hả? Chị có bí quyết gì mà hay cười dữ vậy?". Dù nhiệt tình đến mấy tôi cũng không thể chia sẻ hết "bí quyết" của mình trong một vài giờ. Nên cuốn tự truyện ra đời phần nào chia sẻ cặn kẽ hơn kinh nghiệm thực tế của tôi cho những người đang chới với giữa cuộc sống" - chị Nguyễn Hướng Dương, Giám đốc "Thư viện sách nói dành cho người mù", tâm sự.

Cuốn sách dìu những vấp ngã

Tự truyện mang tên "Đứng dậy và bước đi" như chính hành trình của Hướng Dương. 25 tuổi, khi đang là cô gái tràn ngập trong tình yêu và có công việc mà nhiều người mơ ước (hướng dẫn viên du lịch của Saigontourist), tai nạn khủng khiếp đã ập lên đầu chị. Xe lửa cán đứt lìa hai chân. Tỉnh dậy trên giường bệnh với đôi chân băng trắng bê bết máu, Hướng Dương chỉ muốn chết. Chết, chị mới có thể dứt cơn đau đớn đục khoét hai chân, mới thôi giày vò trong ngục tù tâm thức.

Nhìn những hoạt động từ thiện miệt mài của Hướng Dương bây giờ, không ai hiểu nổi phép mầu nào đã giúp chị vượt qua tai ương kinh khủng đó. Gồm năm chương trải đều theo tuyến tính thời gian: "Té ngã", "Đứng dậy và bước đi", "Một thế giới mở ra", "Ánh sáng nhiệm mầu", "Tự sự và lời kết", tự truyện phần nào hé mở phép mầu ấy.

Trong những năm tháng trầm cảm, Hướng Dương thường ngồi lặng lẽ một mình, gặm nhấm những gì đã qua. "Kỉ niệm càng đẹp chừng nào thì tôi càng đau khổ chừng đó. Nó cứ ám ảnh mình ngày này qua tháng khác. Tôi khóc mãi, khóc đến độ chiếc khăn mẹ lót dưới gối phải thay đi thay lại nhiều lần. Mẹ thấy tôi như thế liền đưa tôi đến bác sĩ tâm lý và mang rất nhiều cuốn sách về lẽ sống cho tôi đọc. "Đắc Nhân Tâm", "Quẳng gánh lo đi mà vui sống" cho tôi hiểu rằng quá khứ là cái đã qua, có nuối tiếc mấy cũng vậy thôi. Đừng bao giờ nói "nếu như" vì vế còn lại sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. Còn tương lai thì cũng chỉ là một khái niệm mơ hồ về thời gian, nó do chính mình ở thì hiện tại định đoạt" - chị chia sẻ.

Tất cả đưa chị về thực tại, dù thực tại có phũ phàng. Hướng Dương nhớ lại lời Phật, rằng nếu đã là nghiệp chướng, không tránh được thì chấp nhận nó đi. Can đảm đối diện với thực tại rồi, chị phải tìm mọi cách vượt qua vết thương da thịt và vết thương lòng. Những ngày tập đi trên đôi chân giả là cả một cực hình. Hai mỏm cụt đau đớn, rớm máu dưới sức nặng của cơ thể. Đau quá, chị quệt nước mắt ngồi lặng xuống ghế. Bỏ cuộc nghĩa là suốt đời mình ngồi xe lăn? Chị lại cắn môi đến bật máu mà bước. Chợt trong đầu bật ra lời Phật: "Từng bước gió mát dậy/ Từng bước nở hoa sen". Chị vừa lẩm bẩm, vừa bước đi bằng tâm thức như thế. Ngạc nhiên thay, cơn đau dịu hẳn.

Hướng Dương trong một buổi thu âm sách nói.

Vết thương da thịt lành lặn, nhưng vết thương lòng mãi chẳng lên da non. Ngày nọ, Ni trưởng Trí Hải vuốt tóc chị: "Con chỉ có hai chân giả thôi sao? Con nhìn xem toàn thân Sư đều là giả". Hướng Dương bừng tỉnh: "Chỉ tại tôi mắc kẹt vào cái tôi của mình nên mới ôm sầu thiên thu".

Trong tự truyện, chị kể có một bé trai bị thương tật rất nặng. Do bệnh viện thiếu phòng đành chuyển em nằm tạm ở phòng nữ. Em nháy mắt với các chị trong phòng: "Các chị cho em nằm ké tí nhen". Rồi cậu quay sang Hướng Dương giục chị hát. "Trời ơi, chị rầu muốn chết đây, hát hò gì hả em". Thấy cậu bé hết năn nỉ rồi khích lệ, chị hát đại một bài nhạc Trịnh cho yên chuyện: "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui/ Chọn những bông hoa và những nụ cười/ Tôi nhận gió trời, mời em giữ lấy/ Để mắt em cười tựa lá bay…". Không ngờ, tiếng hát ấm áp làm bừng sáng cả phòng bệnh ảm đạm. Mọi người thích thú lắng tai nghe. Cậu bé cứ giục chị hát từ bài này sang bài khác. Một liveshow nhạc Trịnh trong bệnh viện diễn ra giản dị như thế. Càng hát, càng thấy ánh mắt lấp lánh tin yêu của cậu bé và mọi người nhìn mình, chị thấy lòng lâng lâng. Cơn đau nhẹ bẫng và Hướng Dương hiểu rằng, bắt đầu từ bây giờ, mỗi ngày chị sẽ chọn một niềm vui.

Nói về cuốn sách của Nguyễn Hướng Dương, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo tại TP HCM cho rằng: "Cuốn sách này cần cho mọi người, cả những người đang trên đỉnh thành công vì họ cũng phải đứng dậy và bước đi chứ không thể ngủ quên trong chiến thắng. Nghị lực và sự thiền định giúp Hướng Dương chiếu soi đời mình, bình tâm mà đứng lên từ dữ liệu bất hạnh và khổ đau. Đó không chỉ là cuốn tự truyện đơn thuần mà thực chất là thông điệp nói về nghệ thuật vượt qua khổ đau và các biến cố trong đời".

Vì người, quên chiếc chân đau…

Sau phút đứng dậy là những bước đi? Đi đâu? Chọn niềm vui nào cho mỗi ngày? Nếu không thể trả lời được câu hỏi ấy thì cuộc đời lại rơi vào vực thẳm. Với Hướng Dương, niềm vui ấy là công việc đưa sách nói đến với người mù.

Nhà thơ Thu Nguyệt cho rằng, điều đáng trân quý của Hướng Dương chính là ở chỗ chị không chỉ tự đứng lên, tìm được mục đích sống và khẳng định mình mà còn đưa tay ra giúp đỡ cộng đồng. Bởi thói đời, khi chân người ta đau, người ta không đủ sức nghĩ tới ai nữa. Vượt qua nỗi đau đó đã là một điều kỳ diệu, vượt qua nỗi đau đó và nghĩ tới nỗi đau của người khác lại càng kỳ diệu hơn.

Khi được mời làm phát thanh viên chương trình thiếu nhi của Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM, Hướng Dương được đông đảo bạn nghe đài biết đến bởi chất giọng trầm ấm. Lần nào đến Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, các em học sinh khiếm thị cũng ríu rít đòi chị đọc truyện. Nhưng cái chân đau, chị không thể lui tới trường hằng ngày để đọc truyện cho các em. Khuôn mặt mong ngóng, háo hức của các em thúc giục chị phải làm một điều gì đó. Cuối cùng nhờ sự gợi ý của một người bạn, chị đã thực hiện băng sách nói đầu tiên bằng chiếc máy thu âm cũ của trường để các em có thể nghe bất cứ lúc nào. Cũng từ đấy,  hàng trăm lá thư gửi về cho Hướng Dương, trong đó có rất nhiều bức thư của người mù trên cả nước để hỏi về sách nói của chị. Hướng Dương tâm sự: "Với người mù, cái mù thứ nhất đã đáng sợ rồi nhưng cái mù thứ hai - mù tri thức - còn khủng khiếp hơn. Có người trở nên chậm chạp, ù lì thậm chí bị tâm thần".

Không thể cầm lòng trước khát khao cháy bỏng của người khiếm thị, chị liều mình thành lập "Thư viện sách nói dành cho người mù". Thư viện cung cấp sách nói miễn phí nên gần như mọi chi phí, Hướng Dương phải gõ cửa từng nhà tài trợ, Mạnh Thường Quân trên khắp cả nước. Để có tiền trang trải ổn định, chị thành lập "Quỹ từ thiện sách nói cho người mù". Ra đời năm 1998, thư viện đã cho ra đời 270.000 băng sách nói với hơn 1.000 sách nói phục vụ người mù cả nước.

Sáng thu âm, chiều biên tập, lồng nhạc… hào hứng với ăm ắp dự định, chị không còn thời gian nghĩ đến nỗi đau của mình nữa. Cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu thán phục: "Năm 1999, tôi đến thăm Hướng Dương khi em vừa phẫu thuật cắt bỏ khối u thần kinh nơi mỏm cụt. Tôi biết em còn đau lắm, ngồi dậy rất khó nhọc nhưng em vẫn hào hứng nói về những kế hoạch sắp tới của thư viện".

Đôi chân Hướng Dương mất đi, coi như cuộc hoán đổi lấy ánh sáng tri thức cho hàng ngàn người mù. Nói vui như cô giáo Hà Thanh Vân: "Bất hạnh của Hướng Dương là hạnh phúc của người mù". Một cuộc hoán đổi mà chính chị thấy rằng mình quá lời. Bởi từ đó, cuộc sống của chị tràn ngập niềm vui lúc nào không hay.

Khi được gợi ý viết tự truyện, chị rất đắn đo. Không phải là nhà tâm lý học, liệu những kinh nghiệm thực tế của mình có áp dụng được với mọi người hay không? Và viết, nghĩa là khác nào cày xới lại niềm đau, mở toang ổ khóa đã giúp mình đóng sập cánh cửa của quá khứ, đóng sập cái tôi? Hòa thượng Thích Thiện Siêu đã dạy: "Vô ngã là Niết bàn. Hữu ngã là luân hồi". Nhưng ánh mắt mong mỏi của bao người bất hạnh, không tìm được lối thoát khiến chị thấy sự cự tuyệt của mình khác nào lòng ích kỷ nhỏ nhen. Hướng Dương chấp nhận đau thêm một lần nữa, rồi thôi, khi nỗi đau ấy đổi lại chút ánh sáng le lói cho bao người đang lạc trong đường hầm cuộc đời. Giúp người, cái tôi không còn đất ở.

Đặt dấu chấm cho dòng cuối cùng, chị thấy một đóa hướng dương tươi nở trong  tim. Và hẳn nhiều người cũng tìm thấy đóa hướng dương của mình khi lật trang cuối tự truyện. Ở đó, đong đầy tiếng thơ trong trẻo yêu đời, thấm đẫm triết lý của một người con theo chân Phật pháp, như bài thơ "Cám ơn" chị tri ân đời: "Cảm ơn nỗi khổ niềm đau/ Đã cho ta biết nhiệm mầu rác - hoa/ Biết bao nguy khốn đi qua/ Sáng nay chợt thấy chói lòa ánh dương"

Phan Thi Uyên
.
.
.