“Đêm trắng” - tiếng nói trực diện chống tham nhũng

Thứ Sáu, 22/01/2021, 11:16
“Đêm trắng”- một vở kịch từng gây chấn động giới sân khấu Hà Nội những năm 1990 về đề tài chống tham nhũng một lần nữa lại được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng lại. Đạo diễn, NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò đầy thử thách này, đạo diễn một vở chính kịch.


“Đêm trắng” kể câu chuyện Bác Hồ xem xét án tử hình một cán bộ có chức vụ cao trong quân đội là Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Hoàng Trọng Vinh. Những năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta đang bước vào những năm tháng khốc liệt, nhiều khó khăn. 

Và trong thời điểm mà từ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến người dân đều phải mỗi tuần nhịn ăn một bữa, mỗi ngày dành một vốc gạo vào hũ gạo tiết kiệm kháng chiến… thì Hoàng Trọng Vinh - một Đại tá, Cục trưởng lại tiêu xài hoang phí, ăn chơi vô độ, lấy xương máu của chiến sĩ phục vụ những lạc thú của mình, gạo chất đầy kho nhưng không cấp cho bộ đội, để bộ đội đói và rét... 

Chính em trai Đại tá Vinh là luật sư, chiến sĩ Hoàng Trọng Dũng đã đấu tranh, tố giác anh mình, thanh lọc những phần tử thoái hóa biến chất khỏi đội ngũ cán bộ. 

Trong chuyến vi hành xuống đơn vị để xét xử vụ đại án, Bác Hồ giao cho Hoàng Trọng Dũng làm luật sư bào chữa cho chính anh mình. Bác Hồ đã có nhiều “đêm trắng” suy nghĩ, trăn trở để xử vụ án tham nhũng này và cuối cùng, án tử hình đã được đưa ra, đầy cương quyết và đau đớn đối với một kẻ phản bội cách mạng, phản bội nhân dân.

“Đêm trắng do tập thể 100 diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam và sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội với những nghệ sĩ Minh Hải (vai Bác Hồ), NSND Việt Thắng, NSƯT Trịnh Mai Nguyên (vai Đại tá Hoàng Trọng Vinh), NSƯT Đình Chiến, NSƯT Kiều Minh Hiếu, NSƯT Tạ Tuấn Minh... 

Vở kịch từng được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng từ mấy chục năm về trước và tác phẩm này cũng từng giành Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990. Và năm 2005, vở diễn lại một lần nữa được Nhà hát Kịch Việt Nam phục dựng lại và ra mắt khán giả cả nước trong nhiều đêm diễn và phát sóng trên sóng truyền hình. 

Tác giả vở diễn Lưu Quang Hà viết dựa trên một câu chuyện xử án có thật mà Bác Hồ xử vụ đại án tham nhũng đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1950.

Lần này, lựa chọn “Đêm trắng”- tác phẩm chính kịch đầu tay với tư cách là một đạo diễn, NSƯT Xuân Bắc, dưới sự cố vấn của đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang đã khá thành công khi chọn lối kể chuyện bằng thủ pháp đối lập. 

Một bên là cảnh núi non hiểm trở, bộ đội đói và rét, một bên là cảnh ăn chơi, uống rượu vang và nhảy tăng-gô của Đại tá Hoàng Trọng Vinh. Một bên là bộ đội ăn sắn và ngô, bên kia là những sơn hào hải vị... Một bên là dãy Tây Côn Lĩnh hiểm trở, bộ đội đói rét vượt suối băng rừng, còn ở chiến khu, Hoàng Trọng Vinh tổ chức tiệc cưới linh đình, xa xỉ. Hiệu ứng đối lập đó đã khắc họa rõ nét nhân vật và đẩy mâu thuẫn lên đến đỉnh cao. 

Tuy nhiên, Xuân Bắc vẫn khéo léo đan cài vào mâu thuẫn khốc liệt đó những chi tiết hài hước, vì thế ngay giữa những cao trào căng thẳng, những phẫn uất, khán giả lại được thư giãn bởi sự hài hước, dí dỏm. 

Ở đây, điều đáng nói là thông điệp của tác phẩm đã được đạo diễn Xuân Bắc thổi hồn thời đại, những vấn đề về chống tham nhũng đang là vấn đề nóng hiện nay. Thế mạnh của sân khấu là tiếng nói trực diện vào các vấn đề nóng của xã hội, với “Đêm trắng”, đạo diễn Xuân Bắc đã làm được điều đó, không né tránh. 

Điểm trừ của vở kịch là diễn ra trong thời gian quá dài, hơn 2 tiếng rưỡi và có nhiều đoạn mang tính chính luận, khô khan cần được gọt tỉa kỹ lưỡng hơn để thu hút khán giả.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với NSƯT Xuân Bắc- Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam về vở diễn.

NSƯT Xuân Bắc: Sân khấu không thể né tránh những vấn đề nóng của xã hội

- Vì sao anh chọn “Đêm trắng”- một tác phẩm quá nổi tiếng và gắn liền với hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh để dàn dựng?

+ Đây là một vở diễn mà Nhà hát Kịch Việt Nam từng dàn dựng, được coi là vở diễn sân khấu hay nhất về hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong quá trình tìm kịch bản, Hội đồng Nghệ thuật nhà hát muốn tìm một vở nào xứng tầm để chào mừng Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII, mang đúng hơi thở thời đại, đó là vấn đề phòng, chống tham nhũng, xây dựng chính quyền một cách thanh liêm, trong sạch. 

“Đêm trắng” là vở tiêu biểu, rõ nét về chủ đề tư tưởng. Tôi muốn thổi vào đó tinh thần của thời đại, bên cạnh tinh thần phòng chống tham nhũng, còn có những giá trị luôn cần được hun đúc, phát huy, kế thừa, đó là sự tôn vinh, kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người cả đời vì nước, vì dân. 

Tôi sử dụng thủ pháp đối chọi, bộ đội gian khổ, hy sinh còn ở chiến khu thì những kẻ ăn chơi trác táng. Hình ảnh của các chiến sĩ mộc mạc, giản dị bao nhiêu thì hình ảnh ăn chơi của đám tham nhũng kia xa hoa bấy nhiêu. Trong cảnh bi hùng tráng của các chiến sĩ vượt đỉnh Tây Côn Lĩnh thì ở đây bật nhạc, uống rượu. 

Đây là câu chuyện có thật nhưng tôi không đơn thuần kể lại lịch sử đã qua. “Đêm trắng” là cuộc đấu tranh thanh lọc giữa cái tốt và cái xấu, đấu tranh vì chính nghĩa và sự xả thân vì đất nước của Bác Hồ. Một “Đêm trắng” Bác thức đã làm rõ nét những tư tưởng của Người.

- Đây là một vở kịch đã từng được nhiều người dàn dựng thành công, anh có bị áp lực khi chọn vở này để trình làng với vai trò là đạo diễn hay không?

+ Nhà hát Kịch Việt Nam có chức năng dàn dựng những vở kịch như vậy, những tác phẩm kinh điển nhưng phải mang hơi thở của thời đại. Năm qua, nhà hát đã dựng nhiều vở như “Nhân danh công lý”, “Lâu đài cát”... đó là những tiếng nói trực diện phê phán những vấn đề nóng của xã hội.

Chị hỏi tôi có áp lực không, chắc chắn là có chứ. Hoa đào nở vào mùa xuân phải ém mình trong đêm dài giá rét. Nếu không có sức ép chúng ta khó bật bung những điều mình ấp ủ. Với cá nhân tôi, làm nghệ thuật mà không có sức ép, rất khó làm, nếu không có sức ép từ khán giả, từ cuộc sống thì phải có sức ép từ chính mình, trách nhiệm của người nghệ sĩ, thái độ của mình đối với cuộc sống. Đó chính là động lực cho tôi làm việc và cống hiến.

- Anh phải cân đong đo đếm thế nào vì đây là một đề tài nhạy cảm, liên quan đến lãnh tụ. Hẳn là một thách thức không nhỏ?

+ Mỗi tác phẩm chính luận mang suy nghĩ, cách nhìn và sự nhạy cảm chính trị của người đạo diễn. Bản dựng đầu tiên lâu lắm rồi, bản thứ 2 cũng cách đây 15 năm. Tôi cũng hỏi ý kiến thầy Doãn Hoàng Giang và có những trao đổi quyết liệt giữa hai thầy trò. Ví dụ bản dựng trước thầy dùng chuyển cảnh, kể chuyện và dàn đồng ca, nó quyết định hình thức của vở. Tôi thì để câu chuyện trôi đi như nó vốn có, nó phải thế. 

Rồi cảnh Đại tá Hoàng Trọng Vinh bị nhốt trong tù, hai thầy trò cũng trao đổi với nhau. Tôi xin phép thầy, tôi muốn Hoàng Trọng Vinh đang tưng bừng ở ngoài nên khi bị nhốt, ông ta như con hổ trong cũi sắt. Đó là dấu ấn mới mẻ của những người làm nghề muốn đưa vào tác phẩm.

- Nhà hát Kịch Việt Nam từ lâu khá vắng bóng những tác phẩm lớn, có tác động đến xã hội. Vai trò “Anh cả đỏ” trong làng sân khấu của Nhà hát cũng đang mờ nhạt dần. Anh lên đảm nhiệm cương vị Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chắc sẽ có nhiều người hoài nghi bởi Xuân Bắc luôn gắn liền với hài. Còn anh, anh nghĩ sao?

+  Đối với tôi, việc trở thành một ai đó tại nhà hát không làm thay đổi tình cảm của tôi với nhà hát và thái độ với công việc. Với vị trí người đứng đầu, tôi thấy mình có nhiều trách nhiệm hơn trong giai đoạn khó khăn này của sân khấu. Tôi không muốn chứng minh cho ai biết mình như thế nào. Tôi đơn thuần muốn làm tốt công việc của mình vì yêu và đam mê. Vì thế, tôi áp lực với chính mình. 

Khi các bạn sinh viên hỏi, bí quyết thành công của anh là gì, tôi trả lời rằng, làm gì thì làm, phải làm hết sức mình để nhìn lại không thấy xấu hổ. Tôi cho rằng, sân khấu không thể né tránh những vấn đề nóng của xã hội. Tôi sẽ trả lời bằng những tác phẩm và thái độ của khán giả đối với nhà hát trong thời gian tới.

- Cảm ơn anh.

Việt Hà
.
.
.