“Dấu chân địa đàng” của Trịnh Công Sơn ở Huế

Thứ Bảy, 19/10/2019, 08:07
Vậy là, sau con đường mang tên Trịnh Công Sơn tại Huế được gắn biển năm 2011 nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và căn “Gác Trịnh” đã được xây dựng để trở thành điểm dừng chân đầy thi vị và lưu luyến của du khách yêu mến Huế và nhạc Trịnh, thì tới đây khi mộ phần của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ được di dời từ nghĩa trang Gò Dưa (TP. Hồ Chí Minh) về Huế và nhà lưu niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có kế hoạch được xây dựng bên bờ sông Hương.


Hồi tháng 4 vừa qua, nhân kỷ niệm 18 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời “cõi tạm”, nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật đã diễn ra tại TP. Huế, quê nhà của vị nhạc sĩ tài hoa. Trong đó có một tin vui đặc biệt đến với gia đình và những người yêu mến âm nhạc Trịnh Công Sơn, đó là UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản đồng ý về chủ trương cấp đất xây phần mộ cho cố nhạc sĩ tại nghĩa trang thị xã Hương Thủy  - mảnh đất cố hương của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - theo ý nguyện của gia đình và cũng là tâm nguyện sâu kín của nhạc sĩ tài hoa lúc bình sinh...

Vậy là, sau con đường mang tên Trịnh Công Sơn tại Huế được gắn biển năm 2011 nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và căn “Gác Trịnh” đã được xây dựng để trở thành điểm dừng chân đầy thi vị và lưu luyến của du khách yêu mến Huế và nhạc Trịnh, thì tới đây khi mộ phần của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ được di dời từ nghĩa trang Gò Dưa (TP. Hồ Chí Minh) về Huế và nhà lưu niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có kế hoạch được xây dựng bên bờ sông Hương.

Khi những công trình này được hoàn thiện, sẽ tạo thành “quần thể” các công trình lưu niệm gắn với tên tuổi "người hát rong thế kỷ Trịnh Công Sơn", để người hâm mộ có thể đến thăm viếng và lưu lại những kỷ niệm đẹp với âm nhạc của Trịnh...

Mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại nghĩa trang Gò Dưa, TP Hồ Chí Minh sẽ được gia đình đưa về Huế..

Em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh từng chia sẻ với báo chí sự vui mừng của gia đình khi ý nguyện được đưa di hài người anh trai về với đất mẹ Huế nhận được sự ủng hộ từ phía chính quyền địa phương. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cho biết, đây không chỉ là tâm nguyện của gia đình khi hay tin nghĩa trang Gò Dưa - nơi đặt phần mộ anh trai mình sắp bị giải tỏa, mà còn là ý nguyện của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời.

Nữ ca sĩ chia sẻ rằng, lúc bình sinh, anh Sơn từng vẽ về ngôi nhà của mình ở thế giới khác khi rời xa cõi tạm, trong đó mang hồn cốt và phong cách trầm mặc, sâu lắng của xứ Huế... Vì thế, nữ ca sĩ cho rằng, di sản văn hóa về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được đặt ở Huế là hợp lẽ hơn cả. Nơi đây tuy không phải là nơi nhạc sĩ sinh ra (Trịnh Công Sơn sinh ra ở Đắk Lắk, đến năm 4 tuổi mới cùng gia đình trở về Huế sinh sống và học tập), nhưng là quê cha đất tổ, là nơi đã gắn bó với ông suốt thời niên thiếu đến tuổi trưởng thành, nơi chứng kiến nhiều thăng trầm buồn vui, nơi những mối tình thanh xuân hé nở và là nơi ra đời hàng trăm ca khúc vang mãi trong lòng công chúng đến tận hôm nay.

Bên cạnh đó, hiện nay phần mộ của người cha Trịnh Công Sơn là ông Trịnh Xuân Thanh vẫn ở Huế, nên việc đưa Trịnh Công Sơn về với quê nhà và gần cha là phương án được cả gia đình đồng thuận. Việc đưa di hài Trịnh Công Sơn về Huế và xây một khu mộ phần có diện tích lớn hơn, thuận tiện hơn cho việc viếng thăm của nhiều người và có thể tổ chức được các hoạt động văn hóa - nghệ thuật vào các dịp tưởng niệm, là mong muốn của đông đảo công chúng, bạn bè văn nghệ sĩ chứ không của riêng gia đình.

Đồng thời, đây cũng là niềm tự hào cho mảnh đất Huế khi được đón vào lòng một người con tài hoa mà di sản âm nhạc được đông đảo người Việt Nam yêu mến. Vì thế, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đồng ý với nguyện vọng của gia đình và giao cho các Sở ban ngành như Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan để hoàn thiện thủ tục cấp đất xây dựng mộ phần cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại xã Thủy Phương - thị xã Hương Thủy - tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách trung tâm TP. Huế khoảng 5km. Đại diện gia đình cũng cho biết, khu mộ sẽ vẫn được xây dựng giản dị như tính cách và cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Cùng với mộ phần, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng sẽ phối hợp cùng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để xây dựng một nhà lưu niệm làm nơi tập hợp các tác phẩm âm nhạc, hội họa và kỷ vật về cuộc đời - sự nghiệp của cố nhạc sĩ cũng như hình ảnh Trịnh Công Sơn trong lòng bạn bè, người hâm mộ.

Trong khi chờ đợi mộ phần và nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn sẽ được hoàn tất trong thời gian sắp tới, thì ngày nay đến với Huế, người yêu nhạc Trịnh có thể ghé thăm con đường mang tên Trịnh Công Sơn và “Gác Trịnh”. Con đường mang tên Trịnh Công Sơn được gắn biển vào năm 2011, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Ở thời điểm đó, đây là con đường mới mở, có chiều dài 600m, nối từ cầu Gia Hội đến điểm cuối là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vì nằm ngay sát mép sông Hương và đối diện bên kia là Cồn Hến, nên con đường mang tên người nhạc sĩ tài hoa rất đẹp, có khung cảnh nên thơ. Chỉ tiếc là gần đây, nơi đây mọc lên một số quán nhậu về đêm và trở thành một vấn đề gây tranh cãi.

Song may thay, phía cuối đường ai đó đã dựng nên một quán cà phê Đò Cồn với không gian tịch mịch, xưa cũ. Ở đó, chủ quán thường xuyên bật nhạc Trịnh Công Sơn như một cách lưu dấu ấn riêng trên con đường mang tên người nhạc sĩ du ca xuyên thế kỷ ấy. Hãy đến và ngồi lại đó vào một sớm hay một chiều, ngắm dòng Hương giang trôi bình lặng, với những chiếc thuyền hoặc sơn son rồng phượng, hoặc mộc mạc chân quê xuôi ngược. Và tận hưởng âm nhạc mang đầy âm hưởng buồn trong vắt mà phiêu diêu đẫm chất Huế trong âm nhạc của Trịnh.

Trở lại với căn “Gác Trịnh” nằm trên tầng 2 của một khu tập thể cũ trên đường Nguyễn Trường Tộ (số 203/19, dãy C) - vốn là một trong những căn nhà mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và gia đình từng sinh sống và sau này gia đình nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng từng sống tại đây. Từ 2013, một nhóm nghệ sĩ ở Huế đã thuê lại ngôi nhà này, sang sửa thành một quán cà phê làm nơi lưu giữ những kỷ vật, những tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mở cửa đúng ngày 1-4-2013 khiến công chúng, người hâm mộ nhạc Trịnh vô cùng thích thú.

Một góc cà phê Gác Trịnh tại TP Huế.

Có một điều lạ lùng là, trong gia tài hơn 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn, không hề có một bài hát nào viết riêng về Huế, nhưng người ta nói rằng, rất nhiều trong số đó thấm đẫm chất Huế, trong đó có những ca khúc ra đời từ căn gác nhỏ mà nay là quán cà phê “Gác Trịnh” mà nhiều người có thể ghé thăm khi có dịp đến Huế.

Từ ca khúc đầu tay “Ướt mi” cho đến “Diễm xưa”, “Hạ trắng”, “Dấu chân địa đàng”, “Một cõi đi về”, “Đêm thấy ta là thác đổ”, “Tình xa”... đều thấp thoáng bóng Huế, thấp thoáng “căn gác nhỏ” trong lòng phố Huế rêu phong, u buồn mà đẹp lạ thường ấy...

 Căn gác ấy cũng chính là nơi Trịnh Công Sơn thầm ngắm nhìn “Diễm xưa” ngày 2 buổi đi học ngang qua nhà, cũng là nơi ghi dấu mối tình sâu nặng và kỳ lạ với người tình Dao Ánh - chủ nhân của hơn 300 bức thư tình mà Trịnh đã viết qua lại trong nhiều năm. Chiều hôm tôi ghé thăm “Gác Trịnh”, thì quán đóng cửa, hỏi ra mới biết dịp này quán thường mở vào buổi sáng, nhưng may thay có một hàng ghế mộc được kê ngay ngoài hiên, đúng tầm có thể ngồi ngắm phố xưa, ngắm hàng cây long não huyền thoại đã đi vào những trang viết đầy suy tưởng của Trịnh Công Sơn khi viết về “Diễm của những ngày xưa” với “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” rồi “Mưa vẫn mưa bay trên hàng lá nhỏ...”:

 “Thuở ấy, có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường Đại học Văn khoa ở Huế.

Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.

Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế người con gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt.

Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng cây long não để đến trường.

Từ balcon nhà tôi nhìn xuống, cái bóng ấy, dáng đi ấy đi đi về về mỗi ngày 4 bận. Thời buổi ấy, những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ...

Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ, nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa...”.

Nhiều người nói rằng, Huế chậm và buồn y như âm nhạc của Trịnh Công Sơn vậy. Chắc có lẽ có một niềm đồng cảm từ sâu thẳm, mà đến Huế vào quán cà phê nào cũng thấy người ta mở nhạc Trịnh. Huế tự hào có Trịnh trong mình. Và chắc hẳn trong tâm tưởng mình, Trịnh từ lâu cũng đã chìm trong Huế...

Huế, tháng 9-2019

Nguyệt Hà
.
.
.