Đạo diễn Lê Ngọc Linh: Bỏ phố lên rừng viết kịch bản phim

Thứ Sáu, 22/04/2011, 08:20
Gặp Lê Ngọc Linh ở quán cà phê, hay đang lang thang trên một đường phố nào đó của Hà Nội, chắc hẳn chẳng ai nghĩ đây là một đạo diễn kiêm biên kịch. Bởi anh chẳng có vẻ gì là trí thức hay nghệ sĩ mà có hình dáng giống một bác xe ôm hay một người làm vườn hơn. Thậm chí, chính Lê Ngọc Linh còn thích được gọi là "gã trồng rừng trót dính bùa ngải của điện ảnh" hơn là một đạo diễn, một biên kịch đã theo học liền tù tì hai khóa đào tạo tại Nga về...

Theo dự kiến, bộ phim truyện nhựa về đề tài chiến tranh "Nếu anh còn được sống" (nữ nghệ sĩ Việt Linh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Văn Lê) sẽ bấm máy vào tháng 5 này sau mấy năm "lăn lóc" ở Hãng phim truyện 1. Đắm đuối với phim, đạo diễn Lê Ngọc Linh nói rằng anh đã đề nghị không đưa phần thù lao đạo diễn vào trong phần dự toán kinh phí vốn được xem là quá khiêm tốn với một bộ phim chiến tranh. Thậm chí "gã trồng rừng" này còn bảo, nếu vẫn thiếu tiền thì anh đã nghĩ đến nước: "Alô, vợ ơi...".

1.Lê Ngọc Linh sinh ra và lớn lên tại Thái Bình, từng là diễn viên của Đoàn kịch Thái Bình, sau đó theo học Trường Sân khấu - Điện ảnh và từng gắn bó với công việc giảng dạy ở Trường Cao đẳng nghệ thuật Đà Nẵng trước khi đi học ở Nga, thế nhưng khi trở về anh đã bị tiếng gọi của những vạt rừng trơ trọi ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) mê hoặc. Năm này qua năm khác, mỗi năm trồng thêm một vạt rừng vài héc-ta, đến nay Lê Ngọc Linh đã là chủ của hàng trăm héc ta rừng trồng, phủ xanh cả một vùng rộng lớn.

Những năm tháng gắn bó với rừng, bám theo "lâm tặc" đã cho Lê Ngọc Linh thành quả là kịch bản phim "Người vớt củi" (về sau đổi thành "Rừng đen") do Vương Đức làm đạo diễn, từng đoạt Huy chương bạc trong Liên hoan phim lần thứ 16 được tổ chức tại Tp HCM. Bỏ phố lên núi, vừa trồng rừng vừa viết kịch bản phim, Lê Ngọc Linh đúng là một đạo diễn kiêm trồng rừng có một không hai của Việt Nam đạt được những thành công đáng nể: trồng rừng giỏi, lại là đạo diễn, biên kịch có nghề. Sau những dấu ấn từ bộ phim truyện nhựa về đề tài chiến tranh "Chớp mắt cùng số phận", Lê Ngọc Linh lại được Cục Điện ảnh giao cho bộ phim "Nếu anh còn được sống".

Theo đạo diễn: "Đây là một câu chuyện dung dị đầy sâu lắng và cảm động, là một cách lý giải khác về chiến tranh, thể hiện khát vọng hòa bình và cốt cách của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, tôi đã mất 2 năm nuôi nấng ý tưởng và chuẩn bị cho ngày bấm máy. Chỉ có điều, kinh phí làm phim hơi "hẻo" nên có nhiều ý tưởng tôi không thể thực hiện được mà phải cân nhắc nhiều để lựa chọn một cách thể hiện ít tốn kém hơn mà vẫn hiệu quả…". Không những thế, "gã trồng rừng" này còn là biên kịch của hàng trăm tập phim truyền hình đã được trình chiếu trên các kênh và được xem là người "chuyên trị" mảng đề tài về mảnh đất miền Trung Tây Nguyên như "Mía đắng", "Bức tường lửa", "Cộng sinh", "Hạnh phúc trần gian", "Miền đất hứa", "Rác phố", "Muối mặn gừng cay"...

Tác nghiệp biệt lập ở nơi rừng rú, rời xa những bàn nhậu và những cám dỗ của phố phường, Lê Ngọc Linh bảo rằng rừng núi cho anh cảm giác được tự do, không bị lệ thuộc vào nhiều thứ như khi ở phố, chính vì thế anh viết được nhiều hơn. Lên rừng thực chất cũng chỉ là cách anh tìm… "ổ đẻ" mà thôi. Cách Đà Nẵng chỉ 25 cây số, nhưng nơi Lê Ngọc Linh ở không có điện lưới mà nguồn điện phục vụ thắp sáng, sinh hoạt của anh chính là từ một thủy điện mini mắc ở ngoài suối vào. Có khi, Lê Ngọc Linh ở trong rừng cả tháng ròng để viết. Mỗi kịch bản bán đi được ít tiền nào anh lại đổ cả vào việc mua cây giống trồng rừng chứ không làm gì khác. Anh còn nhớ, vào năm 1999, khoản tiền lớn nhất khi đó anh có được từ việc viết kịch bản phim "Đường đua vô tận" là 45 triệu, anh đổ cả lên rừng. Cứ như thế, niềm đam mê với từng vạt rừng mỗi năm tháng lớn dần lên theo diện tích rừng được mở rộng…

2.Tôi hỏi Lê Ngọc Linh có tin vào điều gì như là "định mệnh" hay "số phận" khiến anh gắn bó với cây, với rừng hay không? Lê Ngọc Linh bảo rằng, trước đây thì không, nhưng càng trải nghiệm sống thì anh lại tin rằng, trong cuộc đời mỗi người đều có những điều thật khó lý giải. Khi còn ở quê nhà Thái Bình, anh từng bị ám ảnh bởi trận lũ khủng khiếp năm 1971 khi dòng nước khổng lồ mang theo những cây cối từ rừng già, súc vật và có khi là cả một ngôi nhà trôi lờ lững giữa sông. Sang Nga học, anh rất yêu những ngôi nhà ẩn mình trong những lùm cây, những cánh rừng bạch dương ngút ngàn. Vì thế, mỗi khi có việc gì cần suy nghĩ cho thấu đáo, anh thường ra ngồi ngoài rừng bạch dương, bất kể khi trời lạnh, tuyết dày. Đến khi về Đà Nẵng, có lần đi qua vùng đồi núi trơ trọi ở huyện Hòa Vang, anh có cảm giác mất mát, đau lòng và mong muốn được hồi sinh vùng đất ấy. Vợ chồng anh bắt đầu xin thành phố giao đất để trồng rừng. Hai vợ chồng cặm cụi, com cóp có đồng nào là đổ cả vào mua cây giống, đợi đến tháng 10 là mùa mưa ở miền Trung lại lọc cọc lên núi trồng cây. Về sau, nếu cứ đi mua cây giống thì khá tốn kém nên vợ chồng anh đã học cách lấy hạt tự ươm cây giống để tiết kiệm chi phí và trồng được nhiều hơn. Ban đầu là từng vạt rừng nhỏ, về sau là những vạt rừng lớn hơn, đến bây giờ là cả trăm héc ta.

Lê Ngọc Linh kể rằng, hồi ấy, khi dựng lán trên núi để trồng cây, đêm đêm thanh vắng anh còn nghe thấy cả tiếng đá lăn lộc cộc, nhưng từ khi cây cối lên xanh, rễ cây bám đất, giữ đất, anh không còn nghe thấy những tiếng lộc cộc ấy nữa. Và bây giờ, đã nhiều diện tích cho thu hoạch, nhưng ở những vị trí có độ dốc cao và nguy cơ sạt lở lớn, anh không cho khai thác mà giữ nguyên để dần biến nó thành rừng già bảo vệ đất đai, chống sạt lở. Anh cười bảo rằng: "Khi xưa, tôi bán kịch bản phim để lấy tiền nuôi rừng. Bây giờ, tôi được rừng "trả ơn" rồi. Có những bộ phim kinh phí làm phim ít quá, tôi tình nguyện bỏ thêm tiền ra "đắp điếm" vào cho nó được tốt hơn. Phim "Muối mặn gừng cay" làm năm 2003 tôi đã thêm vào đó 50 triệu đồng. Với "Nếu anh còn được sống", ngoài nguồn tôi huy động được từ các chủ doanh nghiệp vốn cùng một thời là lính, tôi sẵn sàng chấp nhận bỏ thêm tiền vào đó. Tôi đã đề nghị khi lên dự toán kinh phí làm phim không có phần thù lao của tôi. Tôi tự nguyện sau khi làm phim còn thừa đồng nào thì tôi lấy đồng ấy, còn nếu vẫn thiếu thì lại "Alô, vợ ơi…"

3.Gần 3 tháng nay, Lê Ngọc Linh đã rời sơn trang ra Hà Nội để từng bước chuẩn bị cho bộ phim "Nếu anh còn được sống" dự kiến bấm máy vào tháng 5 tới đây. Anh bảo rằng, đi thì thôi, hễ khi nào trở về với rừng là anh lại lao vào làm việc như một gã thợ rừng thực thụ. Thế rồi, lại ngồi vào viết lách được ngay. Trong anh như có hai con người nhưng lại rất thống nhất về ý chí và hành động khiến anh ở vai trò nào cũng không bị hụt hẫng, dù hai thứ công việc ấy vốn chẳng liên quan gì đến nhau. Trồng rừng đã khó, giữ được rừng còn khó hơn nhiều, bởi người dân trong vùng khi xưa vốn có thói quen sống "dựa dẫm" vào rừng. Thế nhưng, không hiểu bằng cách nào, Lê Ngọc Linh đã thuyết phục được người dân xã Hòa Ninh - huyện Hòa Vang không phá rừng nữa. Ngay cả đội "lâm tặc" xưa kia anh từng nhiều lần đi theo để có trải nghiệm viết kịch bản phim "Rừng đen" cũng đã… giải nghệ. Họ đã xuống thị trấn làm nghề thợ mộc để nuôi gia đình, thay việc phá rừng làm kế sinh nhai xưa kia. Vùng rừng của anh rộng lớn như vậy nhưng tuyệt nhiên không bị chặt trộm cây nào, và hễ gặp đội thợ săn bắn nào anh đều nói với họ rằng anh không muốn nghe thấy tiếng súng nổ trong khu rừng của mình. Cứ đến mùa hè, anh cho phép trẻ em vào rừng lấy củi khô về dùng hoặc bán để thông qua đó giáo dục thế hệ trẻ em trong vùng về tính ưu việt của rừng, để các em biết yêu, biết quý, biết trân trọng và bảo vệ nó. Theo anh, đó là biện pháp đem lại hiệu quả bền vững, lâu dài.

Đạo diễn Lê Ngọc Linh tâm sự rằng, điều may mắn trong cuộc sống của anh, ấy là anh có được người vợ thảo hiền rất mực thương chồng, ủng hộ những việc làm của chồng từ thuở còn cơ hàn cho đến hôm nay, khi đã có trong tay cả một gia tài lớn. Người phụ nữ ấy đã cùng anh gây dựng cơ đồ, cùng anh trải qua bao ngọt bùi lẫn  đắng cay và anh luôn cảm thấy biết ơn người bạn đời của mình về điều ấy. Ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, căn nhà của vợ chồng đạo diễn Lê Ngọc Linh vẫn chỉ là căn nhà cấp 4 đơn sơ, mộc mạc như tính cách của họ. Anh thổ lộ rằng rất muốn đón những người bạn đến thăm mình ở giữa nơi ngút ngàn chỉ có màu xanh của rừng. Nơi ấy không có điện, không có internet, không có truyền hình cáp và sóng điện thoại tất nhiên là rất… chập chờn

Nguyệt Hà
.
.
.