Kỷ niệm 68 năm ngày thành lập QDND Việt Nam (22/12/1944-22/12/2012)

Đại tá, nhà văn Nam Hà: Sống được như thế này là lãi rồi

Thứ Ba, 25/12/2012, 08:00
Nam Hà thực sự là một tấm gương về sự miệt mài lao động sáng tạo. Ba bộ tiểu thuyết sử thi "Trong vùng tam giác sắt", "Đất miền Đông" và "Ngày rất dài" với gần 5000 trang in, nhà văn Nam Hà đã lập nên một kỷ lục mà khó có nhà văn nào trong nước vượt nổi. Nam Hà và Nguyễn Trọng Oánh có lẽ là hai nhà văn đầu tiên của Việt Nam viết tiểu thuyết sử thi một cách khá khách quan về cả hai phía...

Bước sang tuổi 80, nhà văn Nam Hà đã yếu nhiều. Hôm tôi đến thăm, ông vừa ở bệnh viện về. Ông "khoe" với tôi một bọc thuốc I-su-rin chữa bệnh tiểu đường mà bà vừa đi mua về. Ông nói: "Sống được như thế này là lãi lắm rồi. Tai còn một cái lành, tim thì hình như đập lâu ngày nó mệt mỏi rồi, khi 30 khi 40 nhịp một phút, nhưng... nó vẫn còn đập, còn toàn thân thì... ngọt như cây mía tím, thừa đường mà, tiểu cả đường ra ngoài. Bác sĩ bảo phẫu thuật tai, phẫu thuật tim, lắp thêm bộ phận hỗ trợ cho nó chạy nhanh, chạy ổn định nhưng mình bảo không, sống được và viết được đến ngày hôm nay là lãi lắm rồi".

1.Không hiểu sao, cứ mỗi lần gặp nhà văn Nam Hà, tôi lại liên tưởng ông với con rùa già đã sống lâu hàng thế kỷ. Lạ lùng thế, điều này nói ra sợ ông mắng, nhưng rõ ràng là không thể dứt được hình ảnh đó trong đầu mình. Có phải vì trong các cuộc họp, ông luôn ngồi lặng lẽ lắng nghe với cái cổ hơi rùn rụt và cái mũ bêrê đen trên đầu? Hay tại ông thường bước chậm rãi, âm thầm dọc phố Lý Nam Đế vào mỗi buổi chiều muộn; hay tại cái miệng ông khi nói cứ hay phập phùng vì mang bộ răng giả hình như không được vừa "phom" cho lắm?

Nam Hà thực sự là một tấm gương về sự miệt mài lao động sáng tạo. Ba bộ tiểu thuyết sử thi "Trong vùng tam giác sắt", "Đất miền Đông" và "Ngày rất dài" với gần 5000 trang in, nhà văn Nam Hà đã lập nên một kỷ lục mà khó có nhà văn nào trong nước vượt nổi. Nam Hà và Nguyễn Trọng Oánh có lẽ là hai nhà văn đầu tiên của Việt Nam viết tiểu thuyết sử thi một cách khá khách quan về cả hai phía. Như đã có lần ông tâm sự: "Địch trong văn tôi là "địch thật" vì tôi đã nhìn chiến tranh, nhìn người lính phía bên kia bằng chính con mắt thường của mình, tôi đi thực tế bằng cách cầm súng trực tiếp chiến đấu như một người lính và với tư cách một nhà văn, tôi đã viết những điều đó lẽ nào lại không thật. Tất nhiên đây là sự thật của văn chương, nghệ thuật. Đã gọi đánh nhau thì phải có hai phía, thậm chí là ba bốn phía chứ, chỉ nhìn chiến tranh từ một phía thì làm sao có sự khách quan, thì làm sao văn thật cho được".

Nhà văn Nam Hà trò chuyện với một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Bình Dương - năm 1980.

2. Lần đầu tiên tôi được gặp ông là vào những ngày tháng mười hai của gần mười năm về trước, ngày tôi là học viên của Trường Viết văn Nguyễn Du, còn ông là giáo viên được mời đến thỉnh giảng. Chuyên đề của ông là nói về sáng tác tiểu thuyết sử thi, sự hư cấu, cách xây dựng nhân vật, xây dựng các hình tượng văn học trong tiểu thuyết sử thi... Trong phòng học có sẵn tivi. Giờ giải lao bạn nào đó thuận tay bật tivi và cả lớp đang giữa giờ chơi mà bỗng lặng phắc khi tiếng ngâm bài thơ "Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi" của nhà văn Nam Hà vang lên. Và hình như ông khóc, nước mắt khô của vị Đại tá già đã dành hết cả cuộc đời mình cho chiến trận đang âm thầm chảy, chắc ông đang nhớ đến những ngày sống và chiến đấu ở mặt trận khu 6 ác liệt, nhớ đến cô y tá ép bằng được ông ăn thìa cháo để khỏi chết trong trận sốt rét rừng nhưng sau đó chính cô y tá đó lại ngã xuống vì bom Mỹ. Ông nhớ câu nói của người tiểu đoàn trưởng năm xưa cản ông: "Anh là nhà văn, anh không được ra chốt, ra đó đằng nào cũng chết, anh phải sống để mà còn viết về chúng tôi chứ. Nhà văn vào sâu như anh có được mấy người đâu, anh mà chết thì uổng lắm…". Và có lẽ ông nhớ đến những cảm xúc uất nghẹn của mình và của những người lính trận khi nghe tin đế quốc Mỹ đưa bom ra dội xuống Thủ đô Hà Nội. Trong những ngày đó, để trả thù cho Thủ đô thân yêu, ông và đồng đội ông đã đánh và đã thắng những trận lớn ở Lộc Ninh, Bình Phước, Bù Đăng…Ông nói: "Mặc dù không hề bất ngờ khi nghe tin Mỹ đưa B52 ra đánh Thủ đô Hà Nội vì điều này Bác Hồ đã có tiên đoán trước. Mùa xuân năm 1968 Bác nói với đồng chí Phùng Thế Tài và đồng chí Đặng Tính thế này: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua, phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị…Ở Việt Nam Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội", nhưng khi điều đó diễn ra, trong mỗi người lính đều cảm thấy bàng hoàng".

Sau những phút trầm lắng chợt như người vừa tỉnh ngủ, ông hỏi cả lớp một câu bất ngờ: "Ai đã đọc 10 cuốn tiểu thuyết sử thi rồi thì giơ tay lên". Cả lớp im phăng phắc. Ai nấy nhìn nhau lắc đầu. "Thế 8 cuốn?" -  Ông hỏi tiếp. Vẫn lắc đầu. "Thôi thì sáu vậy". Một vài cánh tay lẹt đẹt, ngập ngừng giơ lên. Thấy thế mắt ông như tối lại. Tôi nhìn ông buồn mà thấy thương và tôi tin chắc rằng trong đám học trò đang theo học viết văn ngồi đây, chắc gì đã có mấy ai đọc được một đôi dòng trong những bộ sách đồ sộ mà ông đã đổi cả máu của mình để viết ra. Chắc gì trong cặp mắt của những người sắp trở thành nhà văn ngồi đây, đã đọc hết một lần bài thơ "Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi" của ông. Bài thơ đi cùng năm tháng, bài thơ đã có một thời là nguồn động viên, tự hào của bao người lính hào hoa ra trận. Bài thơ đã vang lên trong ngục tù Phú Quốc, Côn Đảo… và vang lên trong ngày trao trả tù binh năm 1973. Vang lên trên bầu trời Hà Nội và theo sóng phát thanh bay khắp cả nước trong những ngày đánh Mỹ giữa Thủ đô, đánh giặc trên mâm pháo. Những người lính phòng không, không quân, những cô dân quân tự vệ, người chiến sĩ trung kiên bị giặc tra tấn tù đày vừa được trao trả sau khi ta thắng Mỹ trên toàn mặt trận và mặt trận cuối là mặt trận trên cao giữa Thủ đô Hà Nội, cho dù chân đi không vững, đầu quấn băng, tay chống nạng gỗ vẫn đinh ninh, tự hào "Đất nước của những người con gái con trai/ đẹp hơn hoa hồng, cứng hơn sắt thép". Bài thơ ông đã phải chép tay hàng trăm lần để tặng những người lính đi qua chiến trường, bài thơ ông đã phải đứng đọc như lên đồng khi hai hàng nước mắt chảy dài nhìn những người lính xanh xao đói kém năm 1982 ở bến xe Vinh khi những người lính vừa ở chiến trường về phát hiện ra ông là tác giả của bài thơ. Vẫn biết rằng cái sự đọc là tự nguyện của mỗi người nhưng chẳng lẽ những người đang học viết văn lại ít đọc đến thế? Điều này cũng nói lên một hiện trạng là hiện nay có quá ít tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Theo nhà văn Nam Hà, sở dĩ có tình trạng đó là vì mấy nguyên nhân. Thứ nhất là bản tính của người Việt mình vốn nhanh quên và dễ bỏ qua; thứ hai là văn hóa đọc xuống cấp trầm trọng và thứ ba là do tốc độ tàn phá thiên nhiên ở ta có lẽ là kỷ lục, nên chính những nhà văn áo lính đi thực tế lại chiến trường xưa cũng không thể nào hình dung nổi thì nói gì đến người chưa đi qua chiến tranh. Và ông đi đến một kết luận có phần bi quan nhưng tôi nghĩ là có lý: "Chúng ta đừng hy vọng vì sẽ không bao giờ có được cuốn như "Chiến tranh và hòa bình" ở Việt Nam đâu. Ngày đó người ta có "Chiến tranh và hòa bình" vì người ta sống chậm, sống yêu thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên và nhất là người ta chưa có…thủy điện".  

3. Nghe ông nhắc đến thủy điện, tôi nhớ ra còn một lý do nữa để tôi tưởng tượng nhà văn Nam Hà là con rùa già sống hàng thế kỷ là vì chính ở cái sự chắc chắn, quyết liệt và…độ "lì" trong đi thực tế lấy tư liệu và sau đó là thời gian ngồi bàn viết của ông. Ông có lẽ là nhà văn Việt Nam hiếm hoi đã đi suốt chiều dài của đường dây 500 kilôvôn (KV) Bắc - Nam, ông đã ở cả hai tháng trời với đồng bào Tây Nguyên, với những người lính làm đường dây. Sau chuyến đi đó, ông đã có thư gửi Tổng  Bí thư  Đỗ Mười về các vấn đề mới nảy sinh ở Tây Nguyên như việc truyền đạo trái phép, chuyện đồng bào bị thu hẹp đất canh tác, chuyện phá rừng. Ngoài ra ông còn viết hàng loạt bút ký về đường dây 500 KV và đưa ra các nhận xét có tầm khái quát cao ở những nơi có đường điện 500 KV đi qua. Đọc được những bài bút ký của ông, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cho người mời ông đến để tham khảo ý kiến. Sau chuyến gặp Thủ tướng, ông mang về cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội một chiếc xe… ôtô Nhật nhập nguyên chiếc. Số là khi thấy ông đi chiếc xe Bắc Kinh vừa quay, vừa đẩy mãi mà nó vẫn cứ trơ gan như muốn nán lại sân Phủ Thủ tướng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã hỏi: "Thế các nhà văn quân đội có mấy chiếc xe…như thế này?". "Báo cáo Thủ tướng, có mỗi một chiếc này thôi, nhưng mỗi tháng nó cũng nằm…viện vài ba ngày" - Nam Hà trả lời. Nghe thế, Thủ tướng đã nói với đồng chí thư ký là nhắc các bộ phận chuyên môn tạo điều kiện cấp cho các nhà văn Quân đội một chiếc xe mới. Khi thấy Văn nghệ Quân đội đi xe xịn, người ta đã nói Nam Hà có tài… đi tắt. Nói như thế là "oan" cho nhà văn Nam Hà, vì hình như cả cuộc đời ông chưa bao giờ đi "tắt", mười sáu tuổi đã vào bộ đội, trường chinh hết hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, qua hầu hết các chiến trường ác liệt nhất ông luôn đi bằng chính đôi chân của mình

Nguyễn Thế Hùng
.
.
.