“Dạ cổ hoài lang” và cuộc phiêu lưu từ kịch sang phim

Thứ Tư, 01/03/2017, 08:13
Bản nhạc “Dạ cổ hoài lang” được nhạc sĩ Cao Văn Lầu viết từ đầu thế kỷ XX. Năm 1995, vở kịch lấy tên “Dạ cổ hoài lang” ra mắt khán giả, bày tỏ tâm trạng bơ vơ tha hương của người Việt xa xứ. Và đến tháng 3-2017, tác phẩm nổi tiếng trên sân khấu được chuyển thể thành bộ phim “Dạ cổ hoài lang”. 


Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vốn thành công với thể loại hài nhảm, nhưng nguyên tác “Dạ cổ hoài lang” lại đẫm nước mắt sân khấu. Cuộc chơi này mạo hiểm quá chăng?

Đưa một kịch bản từ sàn diễn kịch nghệ sang màn bạc điện ảnh, không phải là ý tưởng đột phá. Bên lĩnh vực phim truyền hình, nhiều người đã làm rồi. Đạo diễn Xuân Phước đã phóng tác vở kịch “Khúc nguyệt cầm” của Đoàn Bá thành 30 tập phim truyền hình “Khúc tương tư”, với tâm sự: “Bản thân những tác phẩm sân khấu được chọn đã rất nổi tiếng nên khi lên phim sẽ dễ dàng tạo sự quan tâm, tò mò của khán giả. Hơn nữa, những câu chuyện về tình yêu, tình mẫu tử trên sân khấu vốn rất gần gũi, dung dị, khi chuyển thể rất dễ đi vào lòng nhiều đối tượng khán giả màn ảnh nhỏ”.

“Dạ cổ hoài lang” trên màn bạc.

Thế nhưng, sân khấu có lời thoại trau chuốt và nhấn nhá có vẻ phù hợp với chất lượng dông dài của phim truyền hình nước ta hiện nay. Còn chuyển thể kịch nói thành điện ảnh không đơn giản như vậy. Thời tập đoàn giải trí của Phước Sang còn thịnh vượng, những vở kịch như “Khi đàn ông có bầu” hoặc “Hello cô Ba” cũng được chuyển đổi mục đích sử dụng nhằm có được bộ phim ăn khách. Kịch hài để làm phim hài thì cũng dễ hiểu, nhưng bi kịch như “Dạ cổ hoài lang” rơi vào tay đạo diễn chuyên trị hài nhảm sẽ ra sao?

Nếu nhìn ở góc độ thể loại, thì đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng có vẻ có kinh nghiệm mượn kịch làm phim. Đó là bộ phim “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Kịch bản “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ từ khi ra đời đã được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dàn dựng thành một vở kịch lừng lẫy.

Lấy cái tích dân gian “Trương đồ nhục”, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã đề cập đến sự tha hóa nhân cách khi con người không được sống bằng chính thể xác và tâm hồn của mình. Tính đến nay, kịch bản “Hồn Trương Ba da hàng thịt” là tác phẩm kịch duy nhất của Việt Nam được quốc tế ghi nhận. Năm 2002, “Hồn Trương Ba da hàng thịt” đã được sân khấu Anh quốc đưa lên sàn diễn với tên gọi “The Butchers Skin”.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng làm bộ phim “Hồn Trương Ba da hàng thịt” chủ yếu ăn theo… cái tên. Chứ giữa kịch và phim cách nhau một trời một vực. Kịch của Lưu Quang Vũ triết lý éo le số phận, còn phim của Nguyễn Quang Dũng chỉ chọc cười vu vơ. Nếu chỉ xem bộ phim hài nhảm “Hồn Trương Ba da hàng thịt” thì có khi thiên hạ cũng nghĩ vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” cũng không đáng một đồng xu nào!

Lần này, đưa vở kịch “Dạ cổ hoài lang” lên màn ảnh, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng muốn chơi một canh bạc lớn. Vở kịch “Dạ cổ hoài lang” xuất hiện trên sân khấu từ năm 1995, với tình huống hai ông già Việt tâm sự lạc lõng trên đất Mỹ, đã lấy nước mắt của rất nhiều người. Suốt hai mươi năm qua, dù với diễn xuất của Thành Lộc – Việt Anh hay với diễn xuất của Thành Lộc – Hữu Châu đều đã chinh phục nhiều thế hệ khán giả.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết: “Dạ cổ hoài lang” là vở kịch gắn với ký ức tôi. Ở vở kịch này, mỗi độ tuổi sẽ có một cảm nhận riêng bởi sự cách biệt văn hóa, lối sống giữa các thế hệ trong gia đình người Việt ở nước ngoài lẫn trong nước đều luôn xảy ra.

Khoảng ba năm trước, tôi cùng nhà sản xuất mong muốn làm và may mắn nghệ sĩ Thanh Hoàng (tác giả vở kịch “Dạ cổ hoài lang”) đã chấp nhận chấp bút cùng tôi thực hiện kịch bản cho bộ phim. Và với phim, câu chuyện “Dạ cổ hoài lang” kể được nhìn từ góc nhìn người trẻ xa quê, chứ không chỉ từ hai ông già với nỗi hoài vọng cố hương!

Có một câu thoại nói lên tinh thần của bộ phim khi hai ông cháu mâu thuẫn là khi cô con gái hỏi bố: Con sai hay ông nội sai? Người bố nói không ai sai, mà chỉ là quan điểm khác nhau thôi!”.

Nguyên tác “Dạ cổ hoài lang” ít nhân vật, ít bối cảnh. Đoàn làm phim “Dạ cổ hoài lang” cũng sang Mỹ và Canada để quay cảnh tuyết rơi cho có màu sắc điện ảnh. Có phải vì đam mê vở kịch mà nhà đầu tư bỏ tiền ra để làm phim “Dạ cổ hoài lang” không?

Nếu thật như vậy thì cũng đáng mừng. Tuy nhiên, theo chính đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tiết lộ thì lý do cốt lõi để có bộ phim “Dạ cổ hoài lang” lại xuất phát từ sự hâm mộ danh hài: “Yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư đồng ý là anh Hoài Linh tham gia phim.

Lâu nay, trong nghề luôn truyền nhau tin mời Hoài Linh tham gia phim khó lắm, cát-xê cao lắm nhưng với “Dạ cổ hoài lang”, nam danh hài tham gia quyết tâm, nhiệt tình. Anh Hoài Linh chỉ ký hợp đồng, còn phần cát-xê để nhà sản xuất tự điền. Anh ấy nói mọi người muốn điền con số bao nhiêu cũng được!”.

Vì một danh hài mà tái tạo một bi kịch, yếu tố thú vị này liệu có đem đến cho người xem chút cảm xúc chia sẻ nào không? Cùng với danh hài Hoài Linh thể hiện hai ông già cô độc với niềm mong nhớ cố hương, danh hài Chí Tài thật thà thừa nhận: “Vở kịch đã tồn tại hơn 20 năm, tôi nghĩ nó phải thấm thía, đọng trong lòng người xem thế nào người ta mới chuyển thể thành điện ảnh. Nếu không có Hoài Linh - Chí Tài, bất kỳ ai đóng phim này cũng đều hay”.

“Dạ cổ hoài lang” trên sân khấu.

Đúng là sự khiêm nhường hiếm có của một diễn viên quen chọc cười. Bây giờ khán giả đến rạp chiếu phim chủ yếu là nam thanh nữ tú, có mấy người đã từng xem vở kịch “Dạ cổ hoài lang” đâu. Không lẽ, bộ phim “Dạ cổ hoài lang” nhắm đến công chúng tiềm năng là lứa tuổi trung niên và lão niên?

Đưa tác phẩm sân khấu nổi tiếng lên phim, không phải đến trường hợp “Dạ cổ hoài lang” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mới khiến người xem băn khoăn. Năm 2014, đạo diễn Victor Vũ đã chuyển thể vở kịch “Quả tim máu” thành bộ phim cùng tên, đạt doanh thu được mấy chục tỷ đồng, nên nhiều đồng nghiệp nức lòng nức dạ. Thấy người ta ăn khoai thì mình cũng phải vác mai đi đào chứ chẳng lẽ chịu thiệt thòi.

Vở kịch “Thần tiên cũng nổi điên” được hối hả đưa lên màn ảnh. Kết quả, khán giả đã… nổi điên thật. Trên các diễn đàn điện ảnh, không khó để bắt gặp những tiếng kêu oai oái thảm thiết khi xem phim “Thần tiên cũng nổi điên”, kiểu như: “Đây là một bộ phim hài mà khán giả xem cũng phát điên, khi ngay từ những phút đầu thôi đã thấy mọi thứ gượng ép đến kệch cỡm. Phim quay thì xấu, thoại lủng củng, hài nhưng chẳng ai cười nổi, mặc dù diễn viên đã cố chọc cười khán giả bằng cách họ tự cười bò lê bò toài, cười gằn lên từng tràng…”.

Sự ê chề của “Thần tiên cũng nổi điên” dường như chưa đủ hạ nhiệt cơn hào hứng chuyển thể sân khấu sang điện ảnh. Liên tục nhiều vở kịch khác được chỉnh sửa vội vàng để mang ra phim trường như “Cõng mẹ đi chơi”, “Hợp đồng mãnh thú”, “Ma nữ si tình” hoặc “Chuyện tình Băng Cốc”.

Là một người trong cuộc may mắn, đạo diễn Victor Vũ khẳng định: “Chuyển thể một vở kịch thành một bộ phim điều quan trọng nhất là phải có sự sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh để phá bỏ ngôn ngữ ước lệ của sân khấu và mỗi đạo diễn phải nghĩ ra những cách của riêng mình để không bị ảnh hưởng từ sân khấu”.

Nói thì dễ, nhưng làm không dễ. Làm sao nhìn ra chất điện ảnh trong một kịch bản dành cho sân khấu, luôn đòi hỏi trình độ thẩm mỹ nhất định của những nhà làm phim. Bẽ bàng thay, lắm phen cái kịch bản sân khấu được (hay… bị?) làm phim vì những điều lãng nhách như chính Giám đốc hãng phim Sóng Vàng thú nhận về việc chuyển thể vở kịch “Đón con về” thành bộ phim “Năm sau con lại về” qua một tiếng thở dài ngao ngán “bí quá phải làm, khi không tìm được một kịch bản nào khác”.

Tuy Hòa
.
.
.