Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn:

Con thuyền nhiều bến đỗ

Thứ Năm, 17/07/2014, 08:00
Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn có nhiều bài hát nổi tiếng bên cạnh một sự nghiệp hội họa không kém phần đồ sộ, song với ông, ca khúc "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" luôn có một vị trí đặc biệt...

Trung tuần tháng 6 vừa qua, Bộ Công an đã trang trọng tổ chức lễ gặp mặt thân mật các nhạc sĩ và gia đình các cố nhạc sĩ đã có nhiều cống hiến vì sự phát triển âm nhạc về đề tài CAND và trao kỷ niệm chương "Bảo vệ An ninh Tổ quốc". Nguyễn Đức Toàn là một trong các nhạc sĩ có tên trong danh sách này với ca khúc nổi tiếng suốt hơn nửa thế kỷ qua "Biết ơn chị Võ Thị Sáu". Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn có nhiều bài hát nổi tiếng bên cạnh một sự nghiệp hội họa không kém phần đồ sộ, song với ông, ca khúc "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" luôn có một vị trí đặc biệt.

Trong số 24 nhạc sĩ được Bộ Công an vinh danh lần này, có 6 nhạc sĩ đã trở thành người thiên cổ. Đó là: Văn Cao, Trần Hoàn, Trần Chung, Bảo Chung, Lê Việt Hòa, Thuận Yến. Có người là thầy, có người là bạn của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Khi theo Cách mạng lên Việt Bắc, người thầy đầu tiên dìu dắt chàng thanh niên sôi nổi Nguyễn Đức Toàn lúc ấy đến với âm nhạc không ai khác chính là nhạc sĩ Văn Cao.

Tới dự buổi lễ tôn vinh các nhạc sĩ đã có những đóng góp cho sự phát triển âm nhạc về đề tài CAND, thấy có cả tên thầy mình trong danh sách, lòng ông cũng thoáng chút ngậm ngùi, tiếc nhớ một thời quá vãng. Đó là thời thanh niên đầy nhiệt huyết, mọi tâm lực, trí lực đều hướng về cách mạng, mong ngày đất nước sạch bóng quân thù. Ở chiến khu, ông từng sáng tác bài hát "Quê em miền trung du" sớm nổi tiếng và được rất nhiều người yêu thích.

Có một điều đặc biệt là, tuy "Quê em miền trung du" là một bài hát kháng chiến, nhưng Đài Pháp Á trong vùng địch tạm chiếm vẫn thường phát bài hát này qua giọng song ca của Thái Thanh - Thái Hằng. Trên đường đi phục vụ chiến trường cũng là nơi ông gặp gỡ, bén duyên với người bạn đời là NSƯT Hoàng Thúy Nga. Họ đã nên duyên vợ chồng, cùng nhau đi đến tuổi già, luôn yêu thương tận tụy, chăm sóc vỗ về nhau từ trong kháng chiến đói khổ cho đến hôm nay.

Kể lại kỷ niệm xưa, khi bà Hoàng Thúy Nga sinh con trai đầu lòng được tròn 1 tuổi, họ đã phải gửi lại cho một gia đình người dân tộc nuôi để hai vợ chồng đi phục vụ cách mạng, bởi cảnh bom rơi đạn nổ không biết thế nào. Hơn một năm sau, khi hòa bình lập lại, hai vợ chồng lặn lội tìm đến nhà ân nhân để xin nhận lại con thì gia đình nọ đã quá quấn quýt với đứa bé nên không muốn trả lại, phải nhờ đến chính quyền can thiệp. Mới đó thôi mà đã hơn 60 năm qua rồi...

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn (thứ 3 từ phải sang) cùng các nhạc sĩ lão thành nhận kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” của Bộ Công an.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn là người mộc mạc, giản dị. Chia sẻ niềm vui được vinh danh lần này, ông nói ngắn gọn: "Bài hát ấy được nhiều giải thưởng đến nỗi khiến tôi phát ngại đấy!". Hỏi ông rằng, "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" từng đoạt những giải thưởng nào rồi, ông chỉ cười: "Nhiều quá, lâu quá rồi cũng chẳng nhớ hết!". Bằng sự chậm rãi của tuổi xế bóng, ông kể: "Bài hát ra đời từ năm 1958, lúc ấy miền Bắc đã hòa bình, nhưng ở miền Nam, quân của Ngô Đình Diệm đang lê máy chém đi khắp nơi để tiêu diệt lực lượng cộng sản. Cùng lúc ấy tôi đọc được tác phẩm "Vượt Côn Đảo" của nhà văn Phùng Quán viết về liệt nữ Võ Thị Sáu hy sinh khi tuổi đời chưa đến 20. Để cổ vũ tinh thần chiến đấu của anh em chiến sĩ miền Nam và xúc động trước hình ảnh người con gái can trường, yêu hoa, yêu ca hát, tôi đã viết bài hát "Biết ơn chị Võ Thị Sáu".

Ca sĩ Bích Liên là người đầu tiên thể hiện thành công. Bài hát có sức lan tỏa rất mạnh mẽ, vượt xa những bài viết về anh hùng liệt sĩ của tôi trước đó như "Noi gương Lý Tự Trọng", "Bài ca Ngô Mây" và những bài ra đời sau này như "Bài ca Nguyễn Văn Trỗi", "Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương"...

Hơn nửa thế kỷ qua, bài hát "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" được nhiều ca sĩ thể hiện thành công, trong đó phải kể tới ca sĩ, NSƯT Thanh Thúy - người từng diễn xuất thành công vai chị Võ Thị Sáu trong bộ phim điện ảnh "Người con gái đất đỏ" (kịch bản: Hữu Ước - Hoàng Hà; đạo diễn: Lê Dân). Với chất giọng trong vắt, tha thiết, tình cảm, ca sĩ Thanh Thúy đã chinh phục được đông đảo khán thính giả cả nước suốt hơn hai mươi năm qua. Trong bài hát nhắc nhiều đến loài hoa lê ki ma.

Theo tiết lộ của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, "lê ki ma" là cái tên tự dưng ông nghĩ ra thôi chứ trong "Vượt Côn Đảo" của nhà văn Phùng Quán cũng không có tên này. Nhưng cái tên "lê ki ma" rất đậm chất Nam bộ, khi đi vào bài hát lại trở nên rất nên thơ, thánh thiện và không biết từ lúc nào nó đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp thanh xuân mang tên Võ Thị Sáu.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn tâm sự: "Đoạn cuối bài hát có câu: "Tôi đến hát trước nấm mồ chôn sâu, người nữ anh hùng" là từ trong sâu thẳm lòng mình, tôi mong muốn ngày đất nước thống nhất, tôi sẽ ra Côn Đảo viếng mộ cô Sáu. Nhưng sau này, mấy lần định đi thì lại vướng việc nọ việc kia, chẳng mấy đã đến ngày già yếu, lại bệnh tim mạch nên tôi không thể đi được nữa. Cứ tiếc nuối và có chút áy náy với cô Sáu. Những chuyện kể về linh hồn cô Sáu linh thiêng thì tôi đã nghe nhiều rồi, nhưng bản thân tôi cũng luôn cảm thấy được cô Sáu phù hộ qua những lần đi chiến trường thoát chết trở về, qua những trận ốm thập tử nhất sinh rồi thế nào cũng vẫn may mắn qua khỏi.

Cách đây ít năm, con gái tôi có dịp ra thăm Côn Đảo, tôi có dặn: "Con ra mộ cô Sáu khấn giúp bố mẹ rằng: Bố mẹ rất muốn ra thăm cô một lần nhưng ngặt vì đường xa, tuổi cao sức yếu không đi được, mong cô lượng thứ!". Khi con gái tôi vừa khấn xong thì bát hương trên mộ cô bùng cháy, ấy là cô đã về nhận, chứng cho tấm lòng thành của chúng tôi...".

Đại tá - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn từng nhiều năm đảm nhiệm cương vị chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngoài sáng tác nhạc, ông còn là một NSƯT và là một họa sĩ tài năng. Viết về ông, nếu muốn đầy đủ chắc hẳn phải là: "Đại tá, nhạc sĩ, họa sĩ, NSƯT Nguyễn Đức Toàn". Ông đã được vinh danh với phần thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000. Nhưng thực lòng, tôi chỉ muốn được gọi ông với cái tên giản dị: "Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn" và ông cũng nói rằng mình thích được gọi như thế. Với gia tài hàng trăm ca khúc, trong đó có những ca khúc "phục vụ nhiệm vụ chính trị" trong những năm tháng đất nước có chiến tranh, thật đáng ngạc nhiên là khi thống nhất đất nước, ông lại là một trong những nhạc sĩ đầu tiên có những sáng tác mới theo phong cách nhạc nhẹ trữ tình, trẻ trung như "Chiều trên bến cảng", "Hà Nội trái tim hồng"... được nhiều người yêu mến. Từ sau năm 1975, ông dành tâm huyết nhiều hơn cho hội họa, say mê với những mảng màu, đường nét và tranh của ông được giới hội họa đánh giá cao.

Ở tuổi 85, hiện nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn "mắt đã mờ, chân đã chậm". Đã lâu rồi ông không còn sáng tác nhạc. Còn với hội họa - niềm đam mê đầu đời của mình - ông đã dừng lại từ triển lãm cá nhân lần thứ 8 cách đây 6-7 năm. Nói "hội họa là niềm đam mê đầu đời" của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, ấy là vì trước khi đến với âm nhạc, ông đã theo học mấy năm ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cho đến khi Nhật đảo chính Pháp, trường học bị đóng cửa, ông đi theo cách mạng. Ông quay sang sáng tác nhạc, bỏ bẵng hội họa một thời gian khá dài. Những năm gần đây, rảnh rỗi, ông lại... làm thơ và đã cho in 2 tập thơ có tên "Thơ tình" và "Gió" đều có bìa 1 và nhiều trang minh họa là tranh ông vẽ. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn thường hay tếu táo khi nói về bản thân: "Tôi tính hay lêu bêu, lông bông, chỉ làm cái gì mình thích. Tôi là Đại tá từ năm 1980, nhưng vẫn cứ lông bông thế, cho dù xã hội lúc ấy đánh giá rất cao sự vuông tròn. Tôi làm nhiều việc để giữ cho mình sự tươi vui. Cũng có thể vì tôi... xấu giai quá. Xấu giai quá cũng đẻ ra tài năng đấy!".

Sau sự tự trào về mình, ông nói với tôi điều này, nhưng hình như cũng là nói với lòng mình: "Tôi là con thuyền nhiều bến đỗ!". Vâng, chắc chắn rồi. Những ca khúc, những bản nhạc, những bức tranh và cả những bài thơ viết muộn của ông và gói ghém tất cả là cái tên Nguyễn Đức Toàn chắc hẳn đã "đậu" lại trong lòng rất nhiều người yêu nhạc, mê tranh

Nguyệt Hà
.
.
.