Chuyện thú vị về ba nhà văn được nhắc nhiều trong năm 2014

Thứ Tư, 05/11/2014, 08:00
Họ giống nhau ở một điểm: Đó đều là những tên tuổi mà sự nghiệp được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới. Không chỉ có vậy, năm nay cũng là năm họ được tưởng nhớ bằng các hoạt động kỷ niệm ngày sinh, ngày mất với ý nghĩa là năm chẵn. Bài viết nhỏ này xin điểm lại một số câu chuyện thú vị xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp của 3 tác giả trong danh sách nói trên...

Thi hào Chilê Pablo Neruda: Cuộc tình trái ngang và sự "truy lĩnh"

Năm 1921, khi mà thi hào Chilê Pablo Neruda (1904-1973) vừa mới chập chững bước vào làng thơ và theo học tại Học viện Sư phạm, ông đã gặp và đem lòng yêu tha thiết cô gái Laura Arrue. Cô gái cũng nồng nhiệt đáp lại tình cảm của ông. Tuy nhiên, mối tình giữa đôi bạn trẻ đã bị bố mẹ cô gái ngăn trở. Để cách ly hai người, bố mẹ cô gái đã quyết định đưa con chuyển tới sống ở một thành phố khác. Bao nhiêu nỗi khổ đau trong thất bại tình đầu đã giúp Neruda viết nên tập thơ "Hai mươi bài thơ tình và một bài ca thất vọng" - tập thơ thu hút được sự quan tâm của giới độc giả trẻ ở Mỹ Latinh, đồng thời cũng là tập thơ bán chạy nhất ở Chilê năm đó.

Không sống mãi được trong sự nhung nhớ vì xa cách, một thời gian sau, Laura đã dứt khoát quay trở về với người yêu ở Santiago, bất chấp sự phản đối dữ dội của cha mẹ. Đến đây, tình yêu của hai người đã bùng cháy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, một lần nữa số phận lại đẩy họ vào tình thế trớ trêu. Neruda lần lượt được điều đi làm lãnh sự tại Myanmar rồi Xrilanca, Singapore...

Trước chuyến đi xa, Neruda đã nhờ một người bạn trai mà ông coi là thân thiết, tên gọi Omar Aros trực tiếp chuyển tới Laura những bức thư ông sẽ gửi về. Ở đây, Neruda đã vô tình phạm phải một sai lầm: Ông đâu hay biết bản thân Omar, giống như ông, cũng đem lòng yêu Laura tha thiết. Đó chính là lý do khiến anh này đã ỉm đi những bức thư nồng nàn lời lẽ nhớ thương của Neruda. Bởi quá lâu không nhận được hồi âm của người yêu, Laura ngỡ Neruda đã quên tình duyên cũ mà tận hưởng những thú vui mới trên đất khách. Cô vô cùng đau khổ. Và, trong một lần không kìm chế được, cô đã thổ lộ điều đó với Omar. Omar dại gì mà không chớp lấy thời cơ. Anh ta bày tỏ sự quan tâm săn sóc Laura. Rốt cục Omar đã đạt được mục đích của mình. Hai người kết hôn với nhau.

Về phía Neruda, bởi thư từ nhiều mà chẳng nhận được một chút lời lẽ đáp lại của Laura, thành thử ông cũng nghĩ cuộc tình của mình như vậy là đã chết chìm trong xa cách và lãng quên.

Chân dung các nhà văn, nhà thơ: Pablo Neruda, Alexandre Dumas (con) và Eugène Lonesco.

Sự thể chỉ thực sự "bung ra" sau một lần, do vô tình, Laura đã vớ được trong đống giấy tờ mà chồng cô cất giấu một số bức thư của Neruda gửi cho cô. Tình cũ bỗng xốn xang hiện về. Laura nghẹn ngào xúc động. Và cô bừng bừng phẫn nộ trước việc làm khuất tất của chồng. Cô không tiếc lời mắng nhiếc Omar, đồng thời thông báo vụ việc này cho Neruda.

Được tin, Neruda vô cùng sửng sốt. Vậy là biết bao ngày tháng ông sống trong sự dằn vặt, khắc khoải. Thậm chí, đã hai lần ông toan tự sát, may mà có một vị bác sĩ kịp thời ngăn trở.

Về lại Chile, Neruda đã có cuộc đối mặt với Omar. Ông đòi hỏi Omar phải giải thích toàn bộ sự việc. Điều này kể cũng đơn giản: Omar tâm sự rằng bản thân ông cũng yêu Laura, bởi vậy mới có hành động kể trên. Và ông mong được Neruda tha thứ.

Năm 1977, Omar bị giết chết bởi một bọn cướp hung hãn. Chín năm sau, Laura tử nạn trong một trận hỏa hoạn ngay tại nhà riêng của mình.

Dù sao, trước đó nhiều năm, người đàn bà này cũng đã được hưởng sự bù đắp tình cảm từ phía người mình thực yêu. Sau khi chính thức tha thứ cho hành động man trá của Omar, Neruda lập tức nối lại mối dây tình cảm với Laura. Cứ thế, mối quan hệ của họ kéo dài tới gần hai chục năm trời. Omar hoàn toàn nhận biết được, song ông ta chỉ còn cách là cùng với Neruda, Laura giữ sao cho kín chuyện đó.

Văn hào Pháp Alexandre Dumas (con): Mối tình bình dân làm nên kiệt tác 

Alexandre Dumas (con) sinh ngày 28/7/1824 tại Paris. Đó là sản phẩm của cuộc tình chớp nhoáng giữa tác giả "Ba người lính ngự lâm", tức nhà văn Alexandre Dumas (cha) với một cô thợ may. Suốt thời ấu thơ, Dumas (con) sống mà không được đón nhận tình phụ tử bởi mãi sau này, cha ông mới thừa nhận trách nhiệm của mình. 

Dumas (con) từng bày tỏ quan điểm sáng tạo của mình: "Tôi không thể tạo ra các nhân vật văn học khi chưa hiểu rõ về họ trong đời thực". Sự thực, ông và kỹ nữ Marie Duplessis (người mà sau này như chính ông thừa nhận - đã trở thành nguyên mẫu của Marguerite Gautier, nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết "Trà Hoa Nữ", một tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp văn học của ông) làm quen với nhau vào năm 1844. Đó là một phụ nữ mà nhan sắc có thể làm choáng ngợp bất cứ đấng mày râu nào. Mặc dù thời gian mà chàng trai nghèo Dumas (con) có quan hệ mật thiết với nàng Marie không dài, chỉ chưa đầy một năm, song ấn tượng về nàng sâu đậm đến mức, dẫu có qua tay bao người đàn bà khác, song không lúc nào ông không nghĩ tới nàng, không dõi theo từng bước đi, từng mối tơ duyên mới của nàng. Và khi Marie qua đời vì bệnh hiểm (hai năm sau đó), chính cái chết âm thầm lặng lẽ, vùi lấp trong sự quên lãng của người đời, trong đó có nhiều người từng một thời chung chạ với nàng đã khiến trái tim đầy nhân văn của Dumas (con) trào dâng cảm xúc xót thương.  

Những ai từng đọc "Trà Hoa Nữ" (đã được dịch và tái bản nhiều lần ở Việt Nam) hẳn đều nhớ tới bối cảnh và ngôi nhà được tác giả miêu tả ở ngay phần đầu cuốn tiểu thuyết: Vào ngày 13/3/1847, nhân vật xưng "tôi" trong sách đọc được ở đường Lapphit một tờ thông báo về cuộc phát mại tài sản. Khi đến "mục sở thị" ngôi nhà có những vật dụng được đưa ra bán đấu giá, người đàn ông này mới vỡ lẽ rằng: Đó là ngôi nhà của một người vừa mới mất, và là một phụ nữ có lối sống phóng đãng. Đối chiếu với thực tế, các nhà nghiên cứu văn học sử khẳng định, đó chính là câu chuyện từng xảy đến với kỹ nữ Marie Duplessis sau khi nàng qua đời. Được biết, khi Marie còn trên dương thế, giới ăn chơi ở Paris thường gọi nàng là "Người đẹp Hoa Trà", bởi nàng có thói quen cài trên ngực áo một đóa sơn trà.

Khi viết "Trà Hoa Nữ", Dumas (con) mới 24 tuổi, là một trường hợp chín "sớm" đến kinh ngạc, hiện vẫn thường được đưa ra làm ví dụ cho những trường hợp mang tính "ngoại lệ". Rõ ràng, ở mặt nào đó, những năm tháng lăn lóc sống với đủ các hạng người "dưới đáy" xã hội đã không uổng đối với nhà văn trẻ. Sau này, các nhà nghiên cứu văn học thường lấy làm lạ về sự khác biệt giữa Dumas (cha) và Dumas (con): Trong khi người cha luôn vận dụng trí tưởng tượng siêu phàm của mình vào sáng tác thì người con lại chăm chút gom nhặt những tình tiết, khuôn mẫu trong đời thường để đưa vào tác phẩm. Trong khi người cha say mê với các nhân vật là bá tước, hoàng hậu, đức vua thì người con lại chú ý tới những nhân vật là gái mại dâm hoặc trẻ lang thang cơ nhỡ…

Nhà soạn kịch Pháp Eugène Ionesco và vở diễn kể chuyện "tình già"

Eugène Ionesco là nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Pháp gốc Rumani. Ông sinh năm 1912 tại Rumani và mất năm 1994 tại Pháp.

Sau sự xuất hiện của "Nữ ca sĩ hói đầu", tiếng tăm Ionesco nổi như cồn. Các nhà nghiên cứu nghệ thuật cũng như những khán giả khó tính đều thừa nhận tài năng của ông. Trên đà thành công, các vở kịch "Bài học" (1951), "Những chiếc ghế" (1952)… của Ionesco lần lượt ra đời và được công diễn, gây nên một cơn sốt trên sân khấu nước Pháp thời ấy. Đến nay, thật khó thống kê cho hết những bài viết, những công trình nghiên cứu trên thế giới về kịch phi lý nói chung và về kịch phi lý của Ionesco nói riêng. Tại Việt Nam, từ những năm 60 của thế kỷ trước, một số tác phẩm kịch tiêu biểu của Ionesco đã được dịch ra tiếng Việt, được giới thiệu trên các báo, tạp chí văn chương ở Sài Gòn.

Tương tự "Nữ ca sĩ hói đầu", vở "Những chiếc ghế" cũng thể hiện nỗi tuyệt vọng của thân phận con người. Nội dung câu chuyện xoay quanh cặp vợ chồng một ông lão sống trên đảo nhỏ giữa biển khơi. Ông lão ở tuổi 95, hơn vợ một tuổi. Ông lão luôn cảm thấy cuộc sống vô vị, tẻ nhạt khiến bà lão phải thường xuyên tìm cách an ủi, rằng ông là người có tài, nếu muốn thì ông có thể làm đến chức này chức nọ, thậm chí có thể lên đến thống chế. Từ đó, ông lão bắt đầu nhập vào một thế giới hoang tưởng. Những nhân vật vô hình được ông triệu tập lần lượt xuất hiện tại nhà ông. Họ là phu nhân vô hình, ngài đại tá vô hình, thậm chí cả tổng thống vô hình cũng xuất hiện tại đây… Vở kịch kết thúc bằng hình ảnh những chiếc ghế trơ trọi bỏ lại trên sân khấu, kèm đó là chuỗi cười rộ lên từ đâu đó trong đám đông vô hình… Theo phân tích của các nhà am tường sân khấu, thông qua những hành động tưởng chừng vô nghĩa, buồn cười của vợ chồng ông lão, tác giả đã "nói lên những ước mơ, khát vọng" mà suốt một đời họ chưa làm được. Việc tác giả đưa đám đông vô hình tham dự vào câu chuyện là một cách để họ chứng kiến điều đó. Nếu như ở "Nữ ca sĩ hói đầu", tác giả đã dựng lên những con người hoàn toàn bị mù lẫn trong thời gian thì với vở "Những chiếc ghế", tác giả lại dựng lên những con người bị mù lẫn trong không gian. Sự ra đi đột ngột của cặp vợ chồng già ở cuối vở kịch đã gây hiệu ứng mạnh trong tâm thức khán giả

Lã Khắc Hoan
.
.
.