Chuyển thể “Truyện Kiều” lên màn ảnh vì sao dễ thất bại?
Vào năm 1923, những nhà làm phim Pháp từng thực hiện bộ phim "Kim Vân Kiều" dựa theo Truyện Kiều và chấp nhận sự thật không thu được kết quả như mong muốn. Đành rằng, "Truyện Kiều" là một kiệt tác thi ca với rất nhiều nhân vật và rất nhiều tình huống, nhưng để chuyển ý thơ lên màn ảnh thì hoàn toàn không đơn giản. Dám lấy cảm hứng từ "Truyện Kiều" để làm bộ phim "Kiều" với lần thử sức đạo diễn đầu tiên, cũng đã là một thử thách đáng khen của đạo diễn Mai Thu Huyền ở tuổi 42.
Để phóng tác "Truyện Kiều" thì nhân vật khó tìm kiếm nhất là Thúy Kiều. Có một ý tưởng khá táo bạo từng được đưa ra ở Hội Nhà Văn Việt Nam lẫn Hội Kiều học Việt Nam, đó là tổ chức cuộc thi tuyển chọn Thúy Kiều để vinh danh nhan sắc huyền thoại. Đáng tiếc, không ai đủ tự tin đăng cai vì tuyển chọn Thúy Kiều hội đủ hai yếu tố "hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh" và "sắc đành đòi một, tài đành họa hai" thì còn khó gấp trăm lần chiêu mộ Hoa hậu. Vì vậy, một gương mặt trẻ như diễn viên Trình Mỹ Duyên không thể đáp ứng được sự kỳ vọng của khán giả bộ phim "Kiều", cũng nằm trong tiên liệu của nhiều người.
Bộ phim "Kiều" với nàng Kiều chông chênh giữa thị hiếu khác nhau của đám đông, thì phải bám víu vào điều gì để tồn tại? Bối cảnh, phục trang và âm nhạc? Phép cộng của cả ba vẫn chưa đủ. Quan trọng nhất là lát cắt phù hợp. Ôm hết "Truyện Kiều" vào một tác phẩm điện ảnh là chuyện không tưởng, mà phải đắn đo chọn một góc độ để nhấn nhá số phận và tính cách nhân vật thì mới hy vọng thỏa mãn "thiên hạ hà nhân khấp Tố Như".
Thúy Kiều và Thúc Sinh trong một cảnh phim. |
Nghệ sĩ Ưu tú Phi Tiến Sơn viết kịch bản "Kiều" chủ yếu xoay quanh ba nhân vật Thúy Kiều - Thúc Sinh và Hoạn Thư. Mối tình tay ba nghiệt ngã và éo le ấy, đối tượng chủ chốt không phải Thúy Kiều hoặc Thúc Sinh mà là Hoạn Thư "ở ăn thì nết cũng hay, nói điều ràng buộc thì tay cũng già". Hoạn Thư dòng dõi quan lại, thừa khôn ngoan và cũng thừa nanh độc khi nổi máu ghen tuông. Ấn tượng mạnh mẽ nhất mà Hoạn Thư để lại trong Truyện Kiều là sự ứng biến khi đứng trước sự hạch tội của Thúy Kiều có sự trợ giúp bởi oai hùng Từ Hải. Bộ phim "Kiều" không đề cập đến đoạn quan trọng ấy, mà chỉ xoay quanh phạm vi Hoạn Thư giải quyết uất ức bị Thúy Kiều cướp chồng.
Diễn viên Cao Thái Hà tương đối tròn vai Hoạn Thư trong bộ phim "Kiều". Nếu sức biểu cảm của đôi mắt và khuôn mặt Hoạn Thư cải thiện chút nữa, thì giá trị thẩm mỹ bộ phim "Kiều" sẽ được nâng lên rất nhiều. Cách dàn dựng Hoạn Thư hành hạ Thúy Kiều và Thúc Sinh hơi khoa trương và rườm rà, nhưng người xem vẫn cảm nhận được kỹ nghệ ghen tuông mang thương hiệu Hoạn Thư "lo gì việc ấy mà lo, kiến trong miệng chén có bò đi đâu, làm cho nhìn chẳng được nhau, làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên, làm cho trông thấy nhãn tiền, cho người tham ván bán thuyền biết tay".
Bằng quan niệm của một người làm nghề chuyên nghiệp, Nghệ sĩ Ưu tú Phi Tiến Sơn có lý bày tỏ với tư cách nhà biên kịch: "Nhà làm phim có nhiều cách tiếp cận tác phẩm văn học. Tôi không muốn kể lại bằng hình ảnh trung thực. Tôi không muốn kể một câu chuyện ai cũng biết. Nếu tôi kể câu chuyện như mô tả lại nguyên tác, có khi bị phê phán hơn. Truyện Kiều là tác phẩm nổi tiếng nhưng đa số bạn trẻ chỉ biết qua một số chi tiết văn học. Để thực sự hiểu Kiều, ngẫm được hồn cốt của Truyện Kiều lại không có bao nhiêu. Tôi muốn làm phim Kiều để tiếp cận lớp khán giả trẻ. Vì vậy, tôi cần tìm ra một cách kể chuyện mới, thu hút mọi người. Đó là khó khăn của cả ê-kíp. Do đó, tôi chỉ biết làm hết sức trong suy nghĩ mà mình thấy đúng và hay".
Kịch bản "Kiều" không tệ, ngay cả vai phụ như Hoạn Bà (do Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh đóng) hoặc vai Hiền Bá (do diễn viên Hiếu Hiền đóng) cũng được xâu chuỗi mạch lạc. Hạn chế duy nhất của kịch bản "Kiều" là ngôn ngữ nhân vật. Lời thoại của Tú Bà (do ca sĩ Phương Thanh đóng) Mã Giám Sinh (do diễn viên Long Đẹp Trai đóng) đều chưa đủ bộc lộ thần thái và cốt cách nhân vật. Nếu tham khảo Truyện Kiều kỹ lưỡng hơn, chắc chắn Nghệ sĩ Ưu tú Phi Tiến Sơn sẽ tìm được những lời thoại hay hơn cho các vai diễn.
Hoạn Thư trong phim "Kiều". |
Xin được nhắc lại, làm phim từ "Truyện Kiều" là một cuộc phiêu lưu đủ chỗ cho mọi thất bại của bất kỳ đạo diễn nào. Vì sao? Vì "Truyện Kiều" đã ăn sâu vào đời sống văn hóa của người Việt Nam. Công chúng đã mặc định những khuôn thước giá trị riêng cho từng nhân vật trong "Truyện Kiều". Muốn phá vỡ thói quen so sánh giữa nguyên tác và phóng tác cực kỳ khó khăn. Những câu thơ mơ hồ của Nguyễn Du len lỏi vào tâm can đám đông cứ chập chờn như sương khói, nên họ luôn tự cho mình có quyền khước từ các định dạng khác với trí tưởng tượng. Thế nhưng, đạo diễn cũng có quyền sáng tạo để vượt chướng ngại đáng sợ kia.
Sáng tạo đáng chú ý nhất trong bộ phim "Kiều" không phải là hình ảnh Thúc Sinh đánh võ và đọc thơ, mà là kéo Đạm Tiên ra khỏi "sè sè nắm đất bên đường, rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh" để dự phần vào lênh đênh mệnh kiếp Thúy Kiều. Với lòng xót xa của Nguyễn Du, thì Đạm Tiên giống như tấm gương phản chiếu cho chìm nổi cuộc đời Thúy Kiều, cũng từng "nổi danh tài sắc một thì, xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến oanh, kiếp hồng nhan quá mong manh, nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương" và gánh lấy đắng cay "sống làm vợ khắp người ta, khéo thay thác xuống làm ma không chồng, nào người phượng chạ loan chung, nào người tích lục tham hồng là ai".
Thúy Kiều trong "Truyện Kiều" tin rằng linh hồn của Đạm Tiên vẫn chưa siêu thoát: "Kiều rằng: Những đấng tài hoa, thác là thể phách còn là tinh anh, dễ hay tình lại gặp tình, chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ, một lời nói chửa kịp thưa, phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay, ào ào đổ lộc rung cây,ở trong dường có hương bay ít nhiều, dè chừng ngọn gió lần theo, dấu giày từng bước in rêu rành rành". Thế nhưng, Nguyễn Du chỉ cho Đạm Tiên hiện về bên Thúy Kiều bằng cách báo mộng "Bảo rằng: Nhân quả dở dang, đã toan trốn nợ đoạn trường được sao, số còn nặng nợ má đào, người dầu muốn tránh, trời nào đã cho".
Trong bộ phim "Kiều", đạo diễn Mai Thu Huyền tự mình đóng vai Đạm Tiên với nhiều trường đoạn gay cấn. Mỗi khi Thúy Kiều gặp nguy khốn, thì Đạm Tiên lại hiện ra để bảo vệ. Đạm Tiên trở thành thần hộ mệnh của Thúy Kiều theo đúng kiểu đồng bệnh tương lân đồng khí tương cầu "đau đớn thay phận đàn bà, lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung". Thế nhưng, ý nghĩa của Đạm Tiên không dừng lại ở đó. Đạm Tiên trở thành nút thắt để đạo diễn bày tỏ thái độ người hôm nay về sự ân tình lẫn sự bội bạc của người năm xưa.
Cao trào bẽ bàng của mối tình tay ba trái ngang, Đạm Tiên đã xúi Thúy Kiều lấy oán báo oán. Đạm Tiên đưa dao cho Thúy Kiều để đâm chết Hoạn Thư nhằm kết thúc oan nghiệt. Trong đau khổ và uất hận, Thúy Kiều đã không hành động như Đạm Tiên mong muốn. Sự buông bỏ của Thúy Kiều là dấu son của bộ phim "Kiều" và cũng là sự phô diễn đầy tự tin của đạo diễn Mai Thu Huyền.
Nền điện ảnh Việt Nam chưa quen làm phim cổ trang. Không có phim trường và không có công nghệ làm phim cổ trang, có được một sản phẩm như "Kiều" thì cũng đủ để đạo diễn Mai Thu Huyền hài lòng với cuộc chơi tốn kém và quyết liệt của mình.