Chuyện làng văn nghệ

Chọn bút danh như một cách...trả ơn

Thứ Ba, 09/11/2010, 09:56
Cách đặt bút danh ghi dấu nơi sinh trưởng hoặc gần với tên những người thân trong gia đình đã được các nhà văn ta thực hiện nhiều nhưng cách chọn bút danh ghép tên mình với tên một người bạn thân, đồng thời qua đó thể hiện sự hàm ơn... như trường hợp Lưu Quang Vũ đã làm với bút danh Vũ Hành Lâm quả là một điều ít thấy...

Cách đặt bút danh ghi dấu nơi sinh trưởng hoặc gần với tên những người thân trong gia đình đã được các nhà văn ta thực hiện nhiều. Bản thân nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, một thời gian dài trên tạp chí Sân khấu cũng từng "tả xung hữu đột" với bút danh Chu Hưng, vốn là tên một thôn bản thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, nơi anh cất tiếng khóc chào đời năm 1948. Tuy nhiên, cách chọn bút danh ghép tên mình với tên một người bạn thân, đồng thời qua đó thể hiện sự hàm ơn... như trường hợp Lưu Quang Vũ đã làm với bút danh Vũ Hành Lâm quả là một điều ít thấy.

Vũ Hành Lâm - thoạt nghe, ai cũng nghĩ đó đơn thuần chỉ là một tên người, lại có vẻ hơi hướng người... Tàu (kiểu như Cao Hành Kiện, nhà văn Trung  Quốc đầu tiên đoạt giải Nobel văn học). Kỳ thực, theo tiết lộ của nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ, em gái Lưu Quang Vũ, thì chữ "Hành" trong trường hợp này đồng nghĩa với "hành hạ"; và cả cái bút danh ấy, nếu diễn giải nôm na sẽ có nghĩa là: Vũ làm khổ Lâm. Lâm ở đây là Nguyễn Lâm (còn gọi Lâm "râu"), một người bạn mặc dù hơn Lưu Quang Vũ tới 7, 8 tuổi, nhưng được tiếng là chiều chuộng, "nhịn" Vũ nhất.

Theo hồi ức của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn (bài "Lưu Quang Vũ và một mảng đời thơ thường bị quên lãng", sách "Cây bút đời người", NXB Trẻ, 2002) thì "căn phòng nhỏ của Lâm ở Triệu Việt Vương là nơi Vũ thường xuyên lui tới. Những lúc vui, Vũ đi những đâu đâu, khi buồn quá, lại trở về với Lâm. Lâm có thể nghe Vũ kể đủ chuyện, có thể nghe Vũ chửi bới kêu than, lại có thể lặng đi chờ đợi khi Vũ đờ đẫn không nói gì... Bao nhiêu ngang ngược của Vũ, Lâm chịu đựng hết. Trong những năm tháng tơi tả của Vũ, Lâm là hiện thân của sự chứa chấp thông cảm mà Vũ khao khát".

Trong những bài thơ Lưu Quang Vũ sáng tác vào các năm 1972, 1973, thời kỳ "khủng khoảng" nhất của đời anh, người ta đọc thấy một số bài đề tặng Nguyễn Lâm. Đó là bài "Những ngọn nến" và bài "Tiễn bạn". Những câu thơ tuy chưa thật đẽo gọt nhưng ghi rõ dấu ấn tình cảm bạn bè: "Ngày mai mày đi xa/ Bỏ lại gian phòng những bức tranh/ Cái máy hát cũ/ Tập Apollinaire dịch dở/ Quảng Trị mùa gió Lào/ Cuộc chiến còn dai dẳng" và "Tinh mơ một thằng con giai rậm râu lên xe/ Không cô gái nào vẫy theo/ Ra tiễn chỉ có hai anh trông có vẻ dở người/ Ngồi uống một ấm trà ở ngã tư Chợ Hôm/ Hẹn nhau viết thư rồi im lặng..."

Sinh thời, Lưu Quang Vũ từng bí mật làm thơ về không ít "bóng hồng". Một số bài trong đó chưa có cơ hội xuất bản khi anh còn sống. Sau này, trong quá trình sưu tập bản thảo cuốn "Lưu Quang Vũ - Thơ và đời", nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ đã phải nhờ tới bạn bè, trong đó có "kho lưu trữ" của Lâm "râu".

Không chỉ xuất hiện trong thơ, tên của người bạn gắn bó với nhà thi sĩ từ thuở hàn vi này còn được anh đưa vào... kịch. Vẫn theo Lưu Khánh Thơ, trong vở "Trời xanh trên mái phố" của Lưu Quang Vũ có hai nhân vật là đôi tình nhân. Nhân vật nam tên Lâm, còn nhân vật nữ, oái oăm thay, lại tên là... Khánh Thơ. Khi xem kịch, Lưu Khánh Thơ đã trách anh trai: "Anh điên à mà lại đưa tên em vào như thế". Lưu Quang Vũ chỉ cười. Đấy là anh quý cô em gái và quý bạn thì đưa vào thế thôi, chứ các tình tiết vở kịch nó chẳng liên quan gì đến hai người ngoài đời cả.

Kể vậy để thấy, Lưu Quang Vũ không chỉ là người tình cảm trong thơ mà còn rất tình cảm trong cách chọn bút danh

Tường Duy
.
.
.