Kia
Mobifone

Chọi gà thời hiện đại

Thứ Ba, 08/02/2005, 06:50

Trước đây việc chọi gà (trong Nam gọi là đá gà) mang tính tiêu khiển, lễ hội là chính chứ ít cay cú ăn thua, hoặc máu me cờ bạc như sau này. Những tay chơi gà hầu hết là những người biết trọng danh dự  nên việc chọn gà cũng rất khắt khe, tỉ mỉ.

“Gà cũng có cung mạng như người: gà Nhạn mạng Kim, gà Ô mạng Thủy, gà Tía mạng Hỏa, gà Xám mạng Mộc... Cứ theo đó mà tính ngày sanh tháng đẻ của con vật rồi định ngày giờ... “xung trận”. Một tay chơi gà trước 1975 mà trình độ lên đến mức... “thượng thừa” bàn về thú chơi một thời.

Chuyện xưa...

Người chơi gà thường bỏ ra nhiều công sức để tìm cho được con gà dòng giống “nhà võ” thứ thiệt. Mái nào giao phối với trống nào để có giống gà chọi tốt đều được tính toán rất kỹ lưỡng. Có người còn lập cả “gia phả” họ gà  để theo dõi.

Người xưa thích nhất con gà hội đủ tính cách của một “kê tướng”. Thông thường, một con gà hay thân hình phải có các điểm cơ bản: mỏ càng ngắn càng tốt - độ cong ít; mào (mồng) cứng, mào ổ mối, mào cuốn (chót mào cuốn lại ẩn vào trong), mào hoa sung; mặt võ hầu (giống mặt khỉ), hoặc gốc tre, mắt ếch vàng thau, trắng; cổ phải tròn, giống cổ kềnh kềnh càng tốt; mình dọc dài, vai nhô hẹp; cánh khỏe, có lông “thép”; đùi càng to càng tốt; “cán” (chân) nhỏ, gân nổi rõ, có vẩy đều; “song đao” (cựa) phải là hồng đao, xích đao, hắc đao, bạch đao và độ cong ít là cựa “độc” - “siêu đao”; lông đuôi phải nhiều, dài, không quá cong, đuôi “phụng vĩ” hoặc “nguyệt cung” thì tuyệt.

Ngoài ra, người xưa cực thích các loại gà “dị hình, dị tánh”, nào là tử mị (lúc ngủ nằm ngay đầu, sãi cánh, xuôi giò; hoặc lúc ngủ giò móc lên cây, buông thõng mình như dơi), có con ngủ một mắt nhắm, mắt mở; hoặc độc nhãn, độc đao (một mắt, một cựa). Theo họ, những con gà có tính nết, hình dáng như vậy không thuộc “linh kê” thì cũng “thần kê” hoặc “quái kê”. Loại gà này khỏi phải đá, những con gà bình thường nhìn thấy đã run chân, hoặc nghe tiếng gáy không thôi cũng “hồn vía lên mây”. Nếu hai “thần kê” hoặc “linh kê”  giao chiến thì khó phân thắng bại, có thể đá thâu đêm suốt sáng, thậm chí... vừa ngủ vừa đá...(!?)

Tuyển gà công phu bao nhiêu thì việc nuôi gà lại kỹ lưỡng bấy nhiêu. Từ nhỏ, gà được nuôi chế độ đặc biệt về chuyện thả, nhốt, nơi ăn, chốn nghỉ. Đến khi cậu choai cất tiếng gáy đầu đời, biết  làm dáng với mấy chị tơ cũng là lúc quyền tự do rong chơi của chú bị... hạn chế tối thiểu. Song song với việc “xổ” (tập luyện) như “đi hơi” (tăng sức bền), “chạy lồng” (nhốt gần, thấy nhau, nhưng không đá được, chỉ  biết hăng tiết, trêu tức nhau), chú choai còn được thoa rượu, “vô nghệ” “dầm cán” (dấn chân vào chậu nước thuốc để trui rèn), “om gà” (xông hơi thuốc)... Trong thời gian huấn luyện, gà được ăn chế độ đặc biệt. Thức ăn trong thời gian này đến hết “sự nghiệp” đấm đá của gà thường là thịt bò, lươn, nhái, rắn... Còn  thức ăn thường trực trong giỏ là lúa trộn với mật ong và trứng gà ta...

Chuyện chọn gà, nuôi gà của người xưa đã công phu. Chuyện chọi gà thời trước cũng lắm cầu kỳ. Để chuẩn bị cho một trận đấu, trước tiên phải “cáp gà”: xem xét, so sánh số cân nặng, độ tuổi, độ dài cựa... Tiếp theo “cho nước” gà: chuốt cựa cho thêm nhọn, phun rượu, phun nước, dùng khăn lau... Một cây nhay chia làm 3 “khứa”  tức 3 hồ (hiệp) đấu. Hết một hiệp, mỗi bên ôm gà của mình ra vỗ hen, lau vết thương...

Chuẩn bị giao chiến.

Đã là chọi gà thì cũng thật khó tránh chuyện cá độ, ăn thua. Tuy nhiên, chuyện cá cược của người xưa cũng có nhưng chỉ mang tính tượng trưng, lễ nghi trà rượu. Dù vậy, đôi khi vì muốn được “tiếng thơm” với đồng môn, làng xã, họ tộc, việc đá gà thời xưa cũng có gian lận. Những mánh khóe thường áp dụng để “chơi” đối thủ là: ngắt đít dế, cào cào cho thuốc độc vào, rồi lén thả cho gà đối thủ ăn...

Chuyện nay

Ngày nay, ở miền Nam, có hai hình thức đá gà: đá “đòn” và đá “cựa”. Đá đòn là đá theo cách truyền thống, hiện tại rất ít phổ biến ở miền Nam. Tuy nhiên, ở miền Trung - nhất là Quảng Ngãi và Bình Định, đá “đòn” vẫn được các tay chơi đất võ ưa chuộng nhất. Đá cựa là chiếc cựa xương của gà được “nối” (trồng) thêm cựa sắt dài từ 7 đến 10cm. Khi xung trận, chỉ tích tắc, bằng vài cú là đã có một trong hai, có khi cả hai gà cùng chết một lúc. Đá “cựa” được các tay chơi hiện đại thích bởi trận đấu được định đoạt tức khắc, ít tốn thời gian, dễ tránh công an... Một trận đá cựa, từ việc “xem giò xem cẳng”, “ra giá” đến chung độ thường chỉ diễn ra trong khoảng 15 đến 20 phút.

“Thị trường” gà đá có 3 loại: gà nòi, gà đá cựa (dân chơi gà miền Trung gọi là gà kiến) và gà tre. Gà nòi thường cho đá “đòn”, bởi rất “lì đòn”, dai sức, có thể đá cả ngày mà bất phân thắng bại. Gà kiến nhỏ hơn gà nòi, có lông rực rỡ hơn, thường để đá “cựa”, bởi dễ nuôi - có thể nuôi số lượng lớn. Gà tre nhỏ con giống gà rừng, khả năng bay cao, đá có nét riêng. Hiện nay, các tay chơi thường phối lai gà tre với gà rừng, để cho ra giống gà “không chiến” (thường có "độc chiêu" bay lên đầu đối thủ để đá).--PageBreak--

Hiện nay nói đến đá gà là người ta nghĩ ngay đến đá cựa hay còn gọi là đá “bắt sát”. Bởi vì đá cựa nên việc tuyển chọn, chăm sóc, huấn luyện gà cũng có rất nhiều thay đổi. Việc chọn gà, nuôi gà không còn khắt khe, kỹ lưỡng như trước mà nhiều nơi đã nuôi đại trà, hàng loạt như nuôi gà công nghiệp. Bởi việc “đá một phát chết liền” thì đòi hỏi phải có nhiều gà cung cấp cho các tay chơi. Tuy nhiên, nếu là “con nhà nòi”, hoặc là “kê tướng”, “thần kê”, “linh kê” vẫn tốt hơn cả. Việc huấn luyện cũng vậy. Các tay chơi chú trọng nhiều đến sự lanh lẹ, ma mãnh,  biết hạ gục đối thủ nhanh hơn là sự “lì đòn” hay “trường sức”.

Không như đá “đòn” - ăn hay thua phụ thuộc rất nhiều vào sự “hay”, “dở”, sự tinh quái của gà qua quá trình tập luyện, trong đá cựa, “điểm yếu” của đối thủ nằm ở “bộ đồ lòng” (phổi, tim, gan, mật) của con gà. Bởi khi gà bị đâm trúng một trong những bộ phận đó đồng nghĩa với chết hoặc mất sức chống cự. Một tay chơi chỉ mới 20 tuổi, nhà ở Thủ Đức, Tp.HCM “bật mí” chuyện nghề nghiệp: “Hiện nay nhiều tay chơi thường chọn tìm cách lai tạo giống gà sao cho các bộ phận phổi, tim, gan... phải thiệt nhỏ, để gà đối phương khó đâm trúng được. Họ dùng gà trống Việt lai với gà Mỹ, gà Úc để cho ra đời một giống gà đá có phổi, tim, gan, mật... nhỏ xíu. Và, những con gà mái từ Mỹ, Úc đã được “đóng container” chở về nước, bán với giá khá đắt...”.

Và, chọi gà... "trong một thế giới đã đổi thay"(!)

Nói đổi thay ở đây là nói về quan niệm, cách nghĩ, cách chọi gà không còn chú trọng đến yếu tố đẹp mắt, tiêu khiển, nghệ thuật như ngày xưa nữa. Hiện nay, đi đến đâu cũng chỉ thấy đá cựa, đá “bắt sát”... mà mục đích chính là cờ bạc và... né công an. Nhưng, dù có đổi thay như thế nào thì trận đá gà vẫn không thể thiếu hai nhân vật trọng tâm là trọng tài và “biện”.

Trọng tài là người am hiểu luật chơi, thường là một tay chơi kinh nghiệm được trong giới tín nhiệm, có nhiệm vụ trong việc so sánh gà, cựa,  hoặc “khai chiến” (“hô” để 2 bên buông tay, thả gà), “phán xử” việc thắng thua...  “Biện” có nhiệm vụ ghi chép những thông số về con gà như cân nặng, độ dài cựa để từ đó làm cơ sở cho  việc “chấp” như “chấp” tiền, “chấp” trọng lượng, “chấp” cựa (bằng cách “bịt” hoặc chỉ “trồng” một cựa, tùy thỏa thuận)... Cả trọng tài và “biện” đều được ăn chia với “trường” hoặc chủ chứa, ngoài ra được các tay cá độ thưởng, “boa” thêm...

Điều gây cho chúng tôi một “ấn tượng khó quên” là khi nhìn thấy những chiếc cựa gà tự chế. Cựa sắt có hai  loại: cựa tròn và cựa “dao”. Cựa tròn dùng sắt tròn, mài giũa rất nhọn, có tác dụng đâm xuyên bất cứ đâu trên thân thể gà. Cựa “dao” giống như con dao nhỏ, thường được các thợ rèn chuyên nghiệp tôi, “lấy nước” bén ngọt, có tác dụng “chém”, “xẻ” thịt; nếu “ăn đòn” thì toác thịt; trúng nách, cánh có thể gãy hoặc lìa cánh. Hiện tại, cựa “dao” ít được các tay chơi ưa thích bởi tính... dã man của nó. Nhưng, cựa tròn thì cũng đâu thua kém gì. Chỉ cần một cú đâm là có thể gây rách da, sứt cánh, thậm chí nếu trúng “tử huyệt” là... lìa đời ngay lập tức.

Đây là cảnh một trận chọi gà cựa: Tay trọng tài cân gà và đọc trọng lượng từng con cho “biện” ghi chép. Tiếp theo ông ta hỏi hai chủ gà: “Tròn hay dao đây?”. “Tròn đi” - một người lên tiếng. “Chơi luôn” - người kia trả lời. Trọng tài móc trong túi ra 4 móc cong sừng trâu, nhọn hoắt, đưa cho mỗi chủ gà 2 cái. Hai tay chơi lặng lẽ “trồng” cựa sắt (quấn băng keo) vào chân gà mình. Xong, hai chủ gà ôm gà đến điểm quy định. Một vòng tròn lớn, không người chỉ huy, điều khiển nhưng tập hợp khá nhanh và tròn đều. Tiếng trọng tài hô: “Làm nóng”. Hai chủ gà đưa 2 gà giao đầu nhau, chúng mổ qua lại vài cái - đó là cách “làm nóng”. Tiếng trọng tài cất lên to rõ: “Buông”. Hai chủ gà buông tay dứt khoát. Hai con vật xù lông cổ, trừng mắt nhau dò xét. Bất thần, một con nhảy lên. Chỉ 2 cú đá, một con bật ngửa, đập cánh, chân duỗi thẳng...

Chọi gà là một thú chơi tao nhã đã có từ xưa. Tiếc thay, ngày nay chọi gà hầu như chỉ nhằm vào mục đích duy nhất là cờ bạc và cả cách chơi gà, chọi gà cũng đã “biến tấu” đi rất nhiều. Một tay chơi gà nổi danh đất Bình Định, nay vì mưu sinh phải vào Tp.HCM làm nghề thợ hồ tỏ ra buồn bực: “Chơi... kiểu quỷ đó thì chơi làm gì. Chọi gà ngày xưa mới đúng là chọi gà...”. Ừ nhỉ, vậy thì tại sao chúng ta không trở về với thú đá gà tao nhã ngày xưa, lập trường chọi gà vào những dịp lễ hội, ngày tết... để mọi người cùng thưởng thức?!

Việt Trân - Đăng Khoa

.
.