Cần hiểu đúng hai chữ “trách nhiệm”

Thứ Sáu, 30/10/2009, 09:00
Đọc hồi ký "Cát bụi chân ai" của nhà văn Tô Hoài, tôi nhớ mãi câu chuyện về một ông chủ báo khi bị đưa ra kiểm thảo là "hữu khuynh, bị lũng đoạn", đã vừa đưa tay vuốt vuốt mép chồng báo, vừa mếu máo trình bày: "Tôi làm báo không kể giờ giấc, không quản thức đêm thức hôm, tôi bỏ hết sáng tác, cố làm cho kịp. Suốt tuần tôi bận bịu về nó hơn con mọn, bỏ ăn bỏ uống vì nó… thế thì làm sao tôi lại có thể sai…".

Chuyện xảy ra vào cuối những năm năm mươi (của thế kỷ trước). Nó cho ta thấy: Ông chủ báo nói trên, trong cách "bào chữa" thật thà đến tội nghiệp của mình, đã có một lầm lẫn cơ bản: Ở đời, cái sai nhiều khi là ở trình độ nhận thức, thậm chí còn ở sự nôn nóng, thừa tâm huyết mà thiếu tỉnh táo, chứ đâu hẳn chỉ ở sự thiếu chuyên tâm.

Bởi thế mới có chuyện: Có người khi ra tòa, nhận phán quyết về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", đã không khỏi bần thần, ngơ ngác. Họ bần thần ngơ ngác bởi không ý thức được rằng, một người dẫu hết lòng vì công việc mà vẫn có thể gây cho cộng đồng những "hậu quả nghiêm trọng", bởi cao hơn sự tận tâm tận lực, họ chưa biết nhìn xa trông rộng, biết thận trọng trong mỗi phán quyết của mình, chưa thực sự thấy hết trách nhiệm lớn lao của mình khi đằng sau cái quyết định ấy là bao người phụ thuộc.

Nói tới đây, bất giác tôi lại nhớ tới bài viết "Ai phải trả lời?" của ông Nguyễn Trung Dân, nguyên Phó tổng biên tập phụ trách Báo Du lịch (đã bị đình bản cách đây mấy tháng) hiện đang được truyền tải trên một số trang web. Cho rằng mình đăng bài viết là hoàn toàn xuất phát từ trách nhiệm với dân tộc, với thế hệ tương lai, trong bài viết này, ngoài những nỗi bức xúc muốn được chất vấn, giãi bày, ông Dân còn tỏ ra bùi ngùi thương xót cho một tờ báo mà ở đó "toàn bộ nhân viên bị nghỉ việc không có lương ăn".

Chiến sĩ trẻ trên đảo Trường Sa.

Tôi không rõ những điều ông Nguyễn Trung Dân đưa ra thực hư thế nào, nhưng nếu quả thực nó đang diễn ra như vậy và ông Dân khắc khoải lo cho đời sống vật chất của anh em tòa báo đến vậy, thì thiết nghĩ, khi đặt bút ký duyệt cho in bài viết của con trai mình (bài "Tản mạn cho đảo xa" - bài viết khiến tờ báo bị cơ quan chức năng nhận xét là "lãnh đạo Báo Du lịch đã không chấp hành sự chỉ đạo đối với các thông tin quan trọng, phức tạp, nhạy cảm…"), hậu quả dẫn tới việc báo bị đình bản, sao ông Dân không cân nhắc thật kỹ lưỡng về nhiều mặt?

Nói cho chính xác thì trước khi ký đăng bài viết của con trai mình, không phải ông Nguyễn Trung Dân không có những đắn đo, cân nhắc: "Khi cầm bài báo Trung Bảo viết cho số Xuân Du lịch, tôi đã đắn đo rất lâu. Trong tình hình lúc ấy, với sự nhạy cảm cần thiết, tôi hiểu điều gì có thể xảy ra khi các bài báo này được in ra". Tuy nhiên, điều đắn đo, thậm chí là "sợ" nhất của ông Dân khi ấy chỉ là "Tôi sợ phải đối diện với ánh mắt của con tôi" (nếu không đăng bài viết nói trên - TTL). Còn tâm tư nguyện vọng của cán bộ nhân viên trong tòa báo thế nào, không thấy ông Dân để ý tới khi ông đi đến hành động "đột biến".  

Bây giờ, xin được nói một chút tới bài báo của tác giả Trung Bảo (con trai ông Nguyễn Trung Dân). Không ai lại vô cảm đến mức cho rằng việc một tác giả trẻ thể hiện tình cảm của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu của Tổ quốc là một việc làm đáng lên án. Nhưng từ tình cảm ấy mà có cách nhìn nhận vấn đề, dẫn tới cách thể hiện như trong bài báo nói trên thì theo tôi, đó là một việc rất không nên (nhất là khi tác giả trẻ cho rằng, đối lập với hành động bồng bột, thậm chí quá khích của mình là những người "trì trệ", những người "cần phải được xem lại"…).

Chúng ta đều biết, chuyện quốc gia đại sự không phải là chuyện… trẻ con, thích thế nào thì làm thế ấy. Nó đòi hỏi những người cầm lái phải suy tính nhiều bề, nhất là trong tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp. Cần nhớ rằng, trong những năm đầu của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để đối phó với thù trong giặc ngoài, Bác Hồ đã có những biện pháp ngoại giao hết sức uyển chuyển, linh hoạt. Đọc "Hồ Chí Minh toàn tập", ta thấy Người có thư thăm hỏi, trao đổi, có thiếp chúc mừng gửi tới những nhà lãnh đạo của một số quốc gia vốn dĩ là những nhân vật không hề "cùng cạ" với nhau. Tất cả chỉ là để đem về hai chữ "bình an" cho dân tộc.

Vậy thì, việc một ông lãnh đạo báo, dù hiểu rằng "điều gì có thể xảy ra khi các bài báo này được in ra" mà vẫn cho đăng bài báo của con trai mình, một bài báo chỉ trần trụi có "tâm" mà không có "trí", thì theo tôi, đó là một việc làm đáng tiếc. Việc đến vậy, mà sau mọi sự, ông vẫn viết bài bày tỏ sự bức xúc, hoàn toàn không thấy sai sót của mình, lại càng là một việc làm đáng tiếc

Trần Thiên Lương
.
.
.