Ca sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc quê hương, dân ca: Dễ đi, khó đến

Thứ Sáu, 28/09/2018, 08:00
Dòng nhạc quê hương, dân ca hiện nay không được nhiều nghệ sĩ trẻ lựa chọn để trở thành con đường lâu dài của mình. Những người đang dấn thân vào dòng nhạc này cũng thừa nhận, đây là con đường khó nổi tiếng. Tuy vậy, họ vẫn quyết tâm thử thách bản thân.


Dù không rộn ràng, sôi động và có lượng khán giả hùng hậu, nhưng nhạc dân ca, quê hương lâu nay vẫn có một đời sống lặng thầm bền bỉ. Năm 2013, khi "cô bé dân ca" Phương Mỹ Chi nổi lên như một hiện tượng tại cuộc thi Giọng hát Việt nhí, thì dòng nhạc này thực sự trỗi dậy mạnh mẽ, chinh phục cả người trẻ. Ngay sau đó, những cái tên nhí như Thiện Nhân, Hồ Văn Cường, Công Quốc… tiếp tục đi vào lòng người hâm mộ bởi những bài hát mang âm hưởng dân ca Nam Bộ ngọt ngào.

Nhạc dân ca có lợi thế là lời ca gần gũi, mang đậm bản sắc vùng miền, dễ chạm đến trái tim người nghe. Tuy nhiên, cũng giống như  bolero, nhạc dân ca quê hương rộn ràng ở các sân khấu, chương trình truyền hình chừng vài ba năm rồi bắt đầu bội thực và thoái trào. Bởi sau hiện tượng Phương Mỹ Chi, Hồ Văn Cường, vô số em bé đi thi gameshow chọn dòng dân gian để thể hiện. Vô số ca sĩ trẻ thi nhau công bố mình hát dân ca. Thậm chí, một số tên tuổi vốn gắn liền với nhạc trẻ cũng quyết tâm chuyển hướng.

Album "Chuyến đò quê hương" của Thanh Tài và Bạch Trà vẫn lặp nhiều ca khúc cũ.

Ở giai đoạn nhạc dân gian quay về đời sống lặng lẽ như hiện nay, vẫn có một vài gương mặt quyết tâm đeo đuổi. Mới đây, Lê Ngọc Thúy gây ngạc nhiên cho nhiều người khi cô tung MV "Nhớ mẹ" để đánh dấu chặng đường ca hát chuyên nghiệp. Ngạc nhiên là bởi cô vốn được biết đến với danh hiệu Á khôi Duyên dáng Áo dài 2017 nhưng nay lại quyết tâm đi hát, lại là hát nhạc dân gian.

Thúy cho biết, cô không muốn dùng danh hiệu sắc đẹp để tiến vào showbiz lắm thị phi mà đam mê của cô chính là âm nhạc. Hiện Lê Ngọc Thúy là sinh viên năm thứ 4 khoa Thanh nhạc, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Danh hiệu Á khôi không khiến cô tự hào bằng giải "Yêu thích nhất" cuộc thi Giọng ca xứ Nghệ 2017. MV "Nhớ mẹ" trình làng cũng là cách Thúy vạch rõ con đường đi của mình: ca sĩ gắn với dòng nhạc trữ tình quê hương, đặc biệt là ca khúc mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ.

Trong album mang tên "Mùa xuân trên quê hương" dự kiến ra mắt cuối năm 2018, các tác phẩm đều theo dòng chủ đạo này. Lê Ngọc Thúy giải thích: "Quê ở Hà Tĩnh, tôi yêu thích nhạc trữ tình, quê hương từ khi còn nhỏ. Thần tượng của tôi là NSND Thu Hiền, NSƯT Tố Nga... Tôi luôn ước ao sẽ đi theo con đường của các cô, trở thành một ca sĩ "chuyên trị" dòng nhạc này".

"Chuyên trị" nhạc mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh còn có ca sĩ Thanh Tài. Bước ra từ cuộc thi Sao Mai 2015, anh chọn ngay cho mình dòng nhạc dân gian. Đầu năm 2018, anh cùng ca sĩ Bạch Trà - người thể hiện các bài hát mang âm hưởng Huế - trình làng album "Chuyến đò quê hương". Ca sĩ trẻ Lê Thùy Trang thì chọn những bài hát Nam bộ để làm nên hướng đi của mình với ca khúc "Canh ngoại nấu", "Bà Năm"…

Theo đuổi dòng nhạc này, đa phần nghệ sĩ trẻ đều mong  góp sức mình để dòng nhạc dân ca lan tỏa hơn trong đời sống đô thị hiện đại vốn quá quen với nhạc Âu - Mỹ, pop, rock xập xình. Một thời, những ca sĩ vốn gắn tên tuổi với dòng nhạc trẻ khi chuyển sang hát nhạc trữ tình quê hương đã rất thành công. Đó là Cẩm Ly, Đan Trường, Dương Ngọc Thái, Hiền Thục… Điều may mắn của những ca sĩ này là họ được hát nhiều ca khúc mới như: "Lỡ hẹn", "Chim trắng mồ côi", "Đau xót lý con cua", "Nội tôi", "Anh ba khía", "Cà phê miệt vườn"…

Những năm trở lại đây, số ca khúc mới của dòng nhạc mang âm hưởng dân gian vô cùng khan hiếm. Ngay cả album của các ca sĩ nổi tiếng như Anh Thơ, Tân Nhàn, Lê Mận, Nguyệt Anh, Phạm Phương Thảo, Hiền Thục, Quang Lê… cũng lặp lại ca khúc cũ. Cả album có 10 bài thì nhiều lắm chỉ có một, hai bài mới. Thực trạng đó càng gây khó khăn cho ca sĩ mới nổi. Album "Chuyến đò quê hương" của Thanh Tài và Bạch Trà có nhiều bài hát quen thuộc như: "Hai quê", "Ai ra xứ Huế", "Thương về miền Trung", "Mưa trên quê hương"…

Ca sĩ Nguyễn Phương Thanh cho biết: "Ra mắt một sản phẩm âm nhạc, điều tôi trăn trở và đau đầu nhất đó chính là việc chọn bài hát. Vài năm trở lại đây, để tìm được ca khúc mới mang âm hưởng dân gian hay mà lại đi vào lòng người là điều cực kỳ hiếm. Những ca khúc hay được giới chuyên môn đánh giá cao, công chúng đón nhận thì đều đã được các anh, các chị đi trước hát và làm album. Nên tôi cũng như nhiều ca sĩ chỉ còn cách vẫn chọn ca khúc cũ nhưng làm mới bằng phối khí và cách hát".

Nhiều người làm mới ca khúc cũ bằng cách thêm nhạc điệu lạ như jazz, rock… Mới đây, CD "Duyên" của Hồng Duyên- ca sĩ đoạt giải nhì dòng nhạc dân gian Sao Mai 2015 - được nhạc sĩ Dương Cầm làm mới bằng cách hòa trộn làn điệu dân ca quen thuộc với nhạc điện tử, jazz, bán cổ điển… Tuy nhiên cách làm này dễ gây phản tác dụng, bị khán giả cho là "phá" dân ca.

Gác lại danh hiệu nhan sắc, Lê Ngọc Thúy quyết tâm theo đuổi dòng nhạc âm hưởng dân ca.

Viết ca khúc âm hưởng dân gian hay là điều không đơn giản với các nhạc sĩ. Số nhạc sĩ "chuyên trị" dòng nhạc này khá ít ỏi. Nhiều nhạc sĩ của dòng nhạc nhẹ cũng thử sức, nhưng ca khúc họ viết lại thuộc dòng dân gian đương đại chứ không phải dân gian thuần túy. Đó là các sáng tác mà giai điệu, nội dung có chất liệu, âm hưởng dân ca kết hợp với yếu tố hòa âm đương đại như nhạc điện tử, pop, rock, RnB…

Đa số các ca khúc này đều "ăn tai" người trẻ bởi sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại. Có thể kể đến một số ca khúc làm mưa làm gió thời gian qua như "Bống bống bang bang" (nhạc sĩ Only C), "Bánh trôi nước" (Hồ Hoài Anh), "Chuồn chuồn ớt" (Lê Minh Sơn), "Bà tôi" (Nguyễn Vĩnh Tiến)… Tuy nhiên sản phẩm âm nhạc dân gian đương đại đến nay cũng ngày càng thiếu vắng.

Chính vì đa phần thể hiện lại ca khúc cũ nên thế hệ ca sĩ trẻ dễ bị so sánh và chìm khuất dưới tượng đài sừng sững của thế hệ đi trước. Theo ca sĩ Đan Trường, nhạc dân ca tuy dễ hát nhưng để hát hay thể loại này và ra chất riêng của mình lại là điều không dễ. Những giọng ca hát về xứ Nghệ vẫn bị so sánh với Anh Thơ, Thu Hiền…Ca sĩ theo dòng nhạc dân ca Nam bộ thì vấp phải cái bóng quá lớn của Hương Lan, Phi Nhung, Cẩm Ly, Quốc Đại… Ca sĩ Nguyễn Phương Thanh tiết lộ nhiều đồng nghiệp hát dòng dân gian vì thấy "hết đường phát triển" đã phải chuyển sang hát nhạc nhẹ.

  Thừa nhận con đường này gian nan, khó nổi tiếng, hay bị so sánh với tiền nhân nhưng ca sĩ Lê Ngọc Thúy lại cho rằng âm nhạc luôn vận động, phát triển không ngừng nên nếu dừng lại mà không có sự tiếp nối thì đó là điều không nên.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ, mình đến với dòng nhạc này là để vượt qua ai cả, chỉ muốn sống với đam mê, ước mơ của mình từ nhỏ. Hơn nữa, tôi tin thế hệ tôi hát nhạc trữ tình quê hương sẽ có nhiều cách thể hiện khác với thế hệ cha anh. Những ca khúc nhạc trẻ có thể nổi đình nổi đám một thời gian nhưng cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng, trong khi một ca khúc dân gian hay, ý nghĩa thì luôn có sức sống bền bỉ" - cô tự tin. 

Riêng ca sĩ Thanh Tài thì quan niệm để khẳng định chất riêng ở dòng nhạc này, ca sĩ phải luôn luôn học hỏi, rèn luyện, chăm chỉ tìm tòi, sáng tạo về giọng hát, phối khí… Và điều quan trọng để tạo ra chất riêng chính là tâm tình của mỗi người hát. Nói như NSND Thu Hiền: "Hát dân ca miền nào phải nắm văn hóa miền ấy. Văn hóa ở đây là lời ăn, tiếng nói, là tâm tư, tình cảm, phong tục, tập quán được nhắc đến trong ca từ. Ngoài ra cũng không nên lạm dụng quá vào kỹ thuật thanh nhạc. Hát dân gian, rất cần cái tình, sự nặng lòng, vương vấn với mỗi một miền quê".

Đây chính là lý do tại sao Phương Mỹ Chi, Thiện Nhân, Hồ Văn Cường còn rất nhỏ lại gây "bão" dù các em toàn thể hiện lại ca khúc cũ như "Áo mới Cà Mau", "Hình bóng quê nhà", "Còn thương rau đắng mọc sau hè"… Các em hát bản năng, nhiều chỗ còn chênh phô, hụt hơi do không nắm được kỹ thuật thanh nhạc nhưng cái các em có là phần hồn, là cảm xúc. Lời hát chắt ra từ tấm lòng hồn nhiên, trong trẻo, chân phương tha thiết mà không phải ca sĩ chuyên nghiệp nào cũng làm được.

Phan Thi Uyên
.
.
.